.

Về lại nơi học sinh qua hai lần đò... tìm con chữ

Thứ Hai, 04/08/2014, 16:01 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong lòng Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch (Bố Trạch) bị những ngọn núi đá vôi đồ sộ và hai con sông (sông Son, sông Chày) vây quanh. Địa hình phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi đá vôi, cách sông trở đò... nên việc đi lại của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn trở ngại, đặc biệt là đối với các em học sinh.  Để tới được trường học chữ, các em phải đi qua từ 1 đến 2 lần đò.

Vẫn cách sông trở đò

Chúng tôi trở lại thôn Trằm Mé, xã Sơn Trạch vào một ngày nắng gắt đầu tháng 7-2014. Cách đây chừng 5 năm, Báo Quảng Bình đã có bài phản ánh về những khó khăn của thôn vì sự cách sông trở đò. Do yếu tố địa lý khá phức tạp, từ bao đời nay, thôn Trằm Mé bị chia cắt với vùng trung tâm xã Sơn Trạch và nhiều khu vực dân cư khác của huyện Bố Trạch. Ngay cả địa hình trong thôn cũng bị chia cắt bởi dòng sông Son và sông Chày, hình thành nên hai vùng dân cư khá tách bạch, gồm Trằm và Mé (cách gọi của người địa phương)...

Chủ đò Phan Xuân Thẩm (58 tuổi), nhà ở vùng Trằm, chèo đò tuyến Phong Nha-Trằm, cho biết: Cách đây mấy năm, huyện về địa phương khảo sát và tiến hành khởi công xây dựng một cây cầu treo từ vùng Trằm bắc sang vùng Mé. Chính quyền xã Sơn Trạch đầu tư xây một cây cầu qua con hói nơi vùng Mé để xoá đi cái "cầu khỉ" trước đó. “Tui thấy đơn vị thi công xây chiếc cầu ni đã 2 năm rồi mà vẫn chưa xong? Mùa mưa lũ lại sắp đến rồi, dân bầy tui mong lắm... Lâu ni học sinh và người dân trong thôn muốn đi lại với bên ngoài, đều phải qua từ 1 đến 2 lần đò, vất vả lắm. Mùa nắng này còn đỡ, vào mùa mưa, nước sông chảy rất hỗn, tui buộc phải ngưng chèo đò. Bình quân mỗi năm tui buộc phải ngưng chèo đò hơn 1 tháng...”. Ông Thẩm chia sẻ.

Từ bến đò Xuân Sơn sang vùng Trằm, ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng thôn Trằm Mé, cho biết thêm, cũng bởi đường sá đi lại khó khăn, con đường học chữ của học sinh trong thôn càng lên cao càng bị "rơi rụng" dần. Bình quân mỗi năm việc học tập của con em nơi đây bị gián đoạn từ 3 đến 4 lần do mưa lũ cô lập, mỗi lần như thế cũng kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Nhiều học sinh THPT của thôn tan học lúc 5 giờ chiều, nhà chỉ cách trường chừng 7 cây số, nhưng về tới nhà đã hơn 7 giờ tối do phải đợi đò.

Theo dự kiến, công trình cầu treo nối từ vùng Trằm sang vùng Mé sẽ hoàn thành trước thời điểm 2-9-2014.
Theo dự kiến, công trình cầu treo nối từ vùng Trằm sang vùng Mé sẽ hoàn thành trước thời điểm 2-9-2014.

Đối với học sinh bậc THCS trở lên ở vùng Trằm, muốn đến được trường các em đều phải qua một lần đò. Nhưng ở vùng Mé thì bắt buộc phải qua hai lần đò. Đường sá đi lại khó khăn, không ít học sinh trong thôn vừa học hết THCS là bỏ học theo cha vào rừng kiếm sống... Toàn thôn hiện có 110 học sinh bậc tiểu học, 75 học sinh bậc THCS và 35 học sinh bậc THPT.

Trăn trở cùng Trằm Mé

Trưởng thôn Nguyễn Văn Thông bộc bạch: Thôn Trằm Mé hiện có 250 hộ, 1.100 nhân khẩu (trong đó giáo dân chiếm 70%). Dân số đông, địa hình rộng nhưng toàn núi đá vôi và bị chia cắt bởi sông suối.

Cả thôn chỉ có 34ha đất sản xuất được 2 vụ lúa, 30ha đất trồng ngô, 15 ha đất trồng lạc. Với chừng đó diện tích đất nông nghiệp cộng thêm kết hợp phát triển chăn nuôi, người dân nơi đây dù cố gắng cũng chỉ mới bảo đảm được lương thục trong năm. Cách đây 10 năm về trước, hầu hết các hộ dân trong thôn đều nằm trong diện hộ nghèo và cận nghèo...

Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, thôn Trằm Mé hiện vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ Chương trình 135. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư hàng năm từ chương trình này chưa được nhiều nên hiện vẫn còn tới 35 hộ nghèo và khoảng 80% thuộc diện cận nghèo. Cho đến nay, thôn vẫn tồn tại nhiều cái không: không trạm y tế, không chợ... Đời sống kinh tế khó khăn, nhiều hộ dân trong thôn buộc phải kiếm thêm công việc phụ như: chụp ảnh, sắm thuyền vận chuyển khách du lịch, nuôi cá lồng, buôn bán... Các hộ còn lại thì ai thuê gì làm nấy...

Khó khăn như vậy, nhưng mỗi hộ nếu có con em đi đò đến lớp học chữ đều phải trả công cho mỗi chủ đò là 10kg thóc/năm/1 học sinh. Đối với người dân là một nghìn đồng/lượt và 1 lượt xe máy cũng chừng đó tiền. Mỗi năm số tiền, thóc phải chi trả để đi đò của một gia đình nông dân trong thôn là không ít...  

Ông Phan Văn Gòn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, công trình cầu treo nối từ vùng Trằm sang vùng Mé thuộc xã Sơn Trạch do UBND huyện Bố Trạch làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng vào năm 2013. Dự kiến công trình này sẽ được hoàn thành trước ngày 2-9-2014. Tuy nhiên, do vấn đề đội giá nên đến thời điểm này tổng khối lượng công việc vẫn chưa đạt tiến độ đặt ra. Huyện Bố Trạch đang nỗ lực tìm kiếm thêm nguồn vốn để đốc thúc đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình nói trên theo đúng kế hoạch...      

Văn Minh