.

Vấn đề ô nhiễm môi trường tại khu vực Nhà máy xi măng Áng Sơn: Tiếp tục "nóng"!

Thứ Hai, 04/08/2014, 17:09 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng 4-8, các hộ dân sinh sống trong khu vực bị ảnh hưởng ô nhiễm môi trường tại Nhà máy xi măng Áng Sơn II (hay còn gọi là Nhà máy xi măng Vạn Ninh) của Công ty CP xi măng Vicem Hải Vân ở thôn Áng Sơn, xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) tiếp tục tiến hành phong tỏa đường vào Nhà máy. Đây là lần thứ 3 (trong vòng ba tháng) người dân bức xúc tập trung ngăn cấm không cho các phương tiện vận tải ra vào Nhà máy.

>> Người dân tiếp tục phong tỏa đường vào Nhà máy xi măng Áng Sơn II

>> 7 năm dân kêu cứu vì ô nhiễm khói bụi xi măng

>> Dân bức xúc phong tỏa Nhà máy xi măng Áng Sơn II

Đâu là nguyên nhân?

Lần này các hộ dân có sự chuẩn bị khá “quy mô” hơn so với lần trước với sự xuất hiện của tấm băng rôn căng ngang trước cổng Nhà máy xi măng Vạn Ninh ghi nội dung: “Nhà máy xi măng Vicem gây ô nhiễm và tiếng ồn. Yêu cầu Nhà máy ngừng hoạt động để đảm bảo môi trường sống cho dân”.

Nguyên nhân khiến người dân bức xúc phong tỏa Nhà máy mọi người đã rõ: đó là ô nhiễm môi trường kéo dài trong suốt 7 năm qua, nhiều hộ dân sống chung với bụi, với tiếng ồn và nguồn nước bẩn… Mong muốn của dân được đền bù thỏa đáng và di dời đến nơi ở mới chưa được đáp ứng. Trong 80 hộ dân bị ảnh hưởng, có 7 hộ thuộc xóm Lèn, sát Nhà máy chịu áp lực nặng nề nhất. Sự việc này đã kéo dài nhưng phía Nhà máy xi măng Vạn Ninh cùng các cấp chính quyền chưa có giải pháp hiệu quả nào để giải quyết dứt điểm.

Căng băng rôn đề nghị nhà máy xi măng ngừng hoạt động.
Người dân căng băng rôn đề nghị Nhà máy xi măng ngừng hoạt động.

Chúng tôi có mặt tại khu vực Nhà máy xi măng Vạn Ninh khi người dân trong thôn đang tập trung đông trước cổng Nhà máy. Các lực lượng chức năng xã Vạn Ninh và huyện Quảng Ninh cũng đang vận động nhân dân giải tán, tránh những hành động quá khích.

Bà Đỗ Thị Thắm, vợ ông Nguyễn Văn Quang đưa chúng tôi xem công văn của UBND tỉnh trả lời kiến nghị của chồng bà do ông Nguyễn Xuân Khiều, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh ký ngày 22-7-2014 liên quan đến vấn đề xử lý ô nhiễm tại Nhà máy xi măng Vạn Ninh.

Bà Thắm khẳng định: “UBND tỉnh đã giao cho huyện Quảng Ninh, xã Vạn Ninh và Nhà máy xi măng xem xét, giải quyết cho dân. Tại buổi tiếp dân tháng 7-2014, lãnh đạo tỉnh đã trả lời cho chồng tôi như vậy. Nhưng qua tháng 8 rồi, dân chúng tôi không thấy động tĩnh gì, Nhà máy tiếp tục gây ô nhiễm… Vì vậy chúng tôi tiếp tục chặn đường vào, yêu cầu Nhà máy ngừng hoạt động”.

Tỉnh làm khó cơ sở?

Công văn số 1405/VPUBND-TD về việc trích nội dung thông báo kết luận phiên tiếp công dân tháng 7-2014 của lãnh đạo tỉnh gửi ông Nguyễn Văn Quang có nội dung như sau: “Nhà máy xi măng gây ra ô nhiễm thì phải chịu mọi chi phí xử lý. UBND tỉnh đã yêu cầu Nhà máy xi măng Vạn Ninh đầu tư kinh phí cho việc di dời; đã thống nhất phương án và chủ trương và phương án di dời tái định cư phân tán cho 20 hộ dân thôn Áng Sơn bị ảnh hưởng nặng.

Hiện nay, UBND huyện Quảng Ninh đang chỉ đạo tiến hành thống kê, kiểm đếm, xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản trên đất của các hộ dân để Nhà máy xi măng Vạn Ninh có cơ sở chi trả. Đề nghị bà con thôn Áng Sơn nói riêng và xã Vạn Ninh nói chung ủng hộ chủ trương, tích cực hợp tác để việc di dời các hộ dân bị ô nhiễm được triển khai sớm”.

Tại hiện trường, ông Phan Công Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: “Hiện tại chúng tôi đang chỉ đạo cho xã Vạn Ninh tiến hành họp dân để lấy ý kiến cuối cùng của những hộ dân trong khu vực bị ô nhiễm nặng. Đi hay ở? Phải có sự đồng ý của dân.

Theo tinh thần chỉ đạo của công văn số 1405/VPUBND-TD thì huyện và xã không thể nào xoay trở kịp. Sự việc người dân bức xúc vì ô nhiễm môi trường tại khu vực Áng Sơn không phải xảy ra ngày một ngày hai, đã hơn 7 năm, vượt quá mức giải quyết của huyện, vì sao trong thời gian đó UBND tỉnh không chỉ đạo cụ thể cho huyện lên phương án sớm để trả lời dứt khoát cho dân”.

Chặn xe không cho phương tiện vào Nhà máy xi măng Vạn Ninh
Chặn đường không cho phương tiện vào Nhà máy xi măng Vạn Ninh.

Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh, ông Nguyễn Văn Thế cũng đồng tình với quan điểm của ông Phan Công Khánh: “Xã Vạn Ninh đã mời lãnh đạo hai Nhà máy xi măng Áng Sơn I và Áng Sơn II cùng các hộ dân trong khu vực ô nhiễm nặng ngồi lại cùng nhau.

Trong 80 hộ dân được mời có 3 hộ đi vắng; 27 hộ cần di dời khẩn cấp (thôn Áng Sơn 25 hộ, thôn Xuân Sơn 2 hộ); 50 hộ đồng ý ở lại nhưng với 5 điều kiện đặt ra cho nhà máy, cụ thể: đề nghị Nhà máy duy trì hoạt động tưới nước chống bụi thường xuyên, tăng cường mật độ tưới vào thời gian cao điểm nắng nóng; từ 22 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, hạn chế xe tải trọng lớn hoạt động, không gầm rú, không dùng còi; hai Nhà máy cần nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống xả bụi; xử lý triệt để nguồn nước thải, không thải nước bị ô nhiễm ra môi trường và nâng cấp đoạn đường nối từ đường Hồ Chí Minh rẽ vào khu vực Nhà máy…

Sau khi chốt lại danh sách các hộ dân đồng ý di dời, UBND xã báo cáo cho UBND huyện tiến hành thống kê, kiểm đếm, xác định giá trị hỗ trợ. Với công văn 1405/VPUBND-TD, vô hình chung UBND tỉnh làm khó cho cơ sở. Chừ nói với dân như thế nào cho dân tin, họ dẫn công văn này ra làm bằng bảo: tỉnh nói ri, răng xã và huyện không chịu triển khai”.

Dân chỉ muốn gặp lãnh đạo tỉnh

Ba lần bức xúc ra phong tỏa đường vào Nhà máy xi măng Vạn Ninh, cả ba lần những người dân thôn Áng Sơn đều có chủ ý là gây tiếng làm áp lực với UBND tỉnh. Câu hỏi đầu tiên, cùng một nội dung chúng tôi nhận được từ các ông bà: Nguyễn Văn Quang, Phạm Thị Kê, Ngô Đình Miền, Trần Trí Dũng, Đỗ Bá Lực, Bùi Thị Thé… rằng: “Dưới tỉnh có ai lên không hè?” (khi dân đang tổ chức phong tỏa Nhà máy-PV). Bà Đỗ Thị Thắm nói thẳng: “Dân tui chừ không tin xã, tin huyện nữa rồi. Chúng tôi muốn gặp lãnh đạo tỉnh. Chỉ cần lãnh đạo tỉnh có mặt, hứa trước dân, chịu trách nhiệm cùng dân là lúc mô cho dân di dời. Một lời cho dứt khoát!”.

Thanh Long