.

Trung tâm giáo dục thường xuyên, dạy nghề: Bộn bề những nỗi lo

Thứ Năm, 28/08/2014, 16:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Sau một thời gian dài hoạt động kém hiệu quả, các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), hướng nghiệp, dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã buộc phải sáp nhập thành trung tâm giáo dục-dạy nghề (GD-DN). Tuy nhiên, câu hỏi lớn được đặt ra, sau khi sáp nhập với tên gọi mới này, liệu các trung tâm có thay đổi được diện mạo cho mình hay không, hay cái khó lại chồng lên cái khó.

Từ phát triển tốt...

Có thể nói rằng, cùng với những trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề thì sự ra đời của những trung tâm GDTX trong những ngày đầu thành lập đã thổi luồng gió mới vào sự đổi mới và phát triển của ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh ta. Từ những trung tâm giáo dục này, nhiều thế hệ các học viên, là cán bộ quản lý cấp xã, cấp huyện đã trưởng thành và phát huy tốt vai trò của mình.

Ra đời vào năm 1993, theo quyết định số 817/TCCB của Sở Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm GDTX huyện Bố Trạch được xem là trung tâm ra đời sớm nhất của tỉnh. Với bề dày hơn 20 năm phát triển, Trung tâm GDTX Bố Trạch đã khẳng định được chức năng quan trọng trong việc giáo dục và phổ cập giáo dục đến với mọi tầng lớp nhân dân.

Từ đây, nhiều lớp xóa mù chữ và bổ túc văn hóa đã được mở ra thu hút hàng nghìn học viên đến theo học, góp phần nâng cao trình độ dân trí, tạo nguồn lao động có chất lượng cho địa phương. Trung tâm đã mở được 338 lớp xóa mù chữ cho 4.770 học viên. 25 lớp sau xóa mù chữ cho 504 học viên.

Cụ thể: hoàn thành kết quả cao Dự án "Giáo dục dân tộc thiểu số Arem", một trong những dự án nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Tân Trạch, Thượng Trạch năm 2000; phổ cập giáo dục tiểu học cho hơn 453 học viên với 27 lớp; mở 258 lớp bổ túc trung học cơ sở cho 3.210 học viên; tổ chức tuyển sinh đào tạo theo chương trình bổ túc trung học phổ thông cho 3.560 học viên là cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, người lao động và thanh niên trên địa bàn nhằm nâng cao dân trí, góp phần chuẩn hóa tiêu chuẩn cán bộ.

Ngoài việc phổ cập chương trình bổ túc văn hóa, thì chương trình liên kết đào tạo cũng được xem là một trong những lối đi để trung tâm phát huy được vai trò của mình. Nhằm tạo điều kiện cho các học viên có hoàn cảnh khó khăn không thể về trung tâm để học, trong nhiều năm, trung tâm đã liên kết với các trường THPT trên địa bàn huyện mở các lớp hệ bổ túc tại Trường THPT số 2 Bố Trạch, Trường THCS&THPT Việt Trung, mỗi năm thu hút 150-200 học viên, nâng cáo tỷ lệ phổ cập THPT trên địa bàn huyện. Liên kết với Sở Giao thông vân tải tuyển sinh, đào tạo cho 91 khóa học, với số lượng trung bình hàng năm 1.500-2.000 học viên.  

...khó tồn tại!

Không thể phủ nhận vai trò, cũng như lợi ích to lớn của các trung tâm GDTX, dạy nghề đã mang lại trong những năm qua. Tuy nhiên, ở hoàn cảnh và thời điểm hiện tại thì các trung tâm này đã bộc lộ những mặt hạn chế vì không thể đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Hầu hết, các trung tâm GDTX, DN chỉ hoạt động có hiệu quả trong những năm đầu, sau một thời gian hoạt động đều lâm vào cảnh phải tồn tại lay lắt vì không thể tìm được đầu vào cho mình. Nhiều trung tâm đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không có học viên đến học.

Cơ sở vật chất thiếu thốn đang là nỗi lo của các trung tâm sau khi sáp nhập.
Cơ sở vật chất thiếu thốn đang là nỗi lo của các trung tâm sau khi sáp nhập.

Là người đã từng gắn bó với trung tâm ngày từ những ngày đầu thành lập, ông Nguyễn Đại Soái, nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX Quảng Ninh cho hay: Hoạt động của trung tâm thay đổi qua từng giai đoạn, trong đó giai đoạn từ năm 1997 đến 2006, trung tâm thu hút rất nhiều học viên đến học. Chủ yếu là những thanh niên và đội ngũ cán bộ cốt cán các xã có nhu cầu đến học bổ túc văn hóa. Từ năm 2007 đến nay, trung tâm chủ yếu chỉ đào tạo cho số học sinh trong độ tuổi THPT không đạt tiêu chuẩn vào học các trường công lập.

Cũng trong những năm này, trung tâm bắt đầu gặp khó khăn trong khâu tuyển sinh, nhất là khi hệ thống Trường THPT bán công Nguyễn Hữu Cảnh bắt đầu phát triển tốt, thu hút số lượng lớn học sinh trên địa bàn huyện đến học. Trong khi đó số lượng các cán bộ địa phương có nhu cầu học ngày càng giảm sút, trung tâm phải cạnh tranh với các trường THPT và bán công nên khâu tuyển sinh trở thành vấn đề nan giải mỗi khi bước sang kỳ tuyển sinh mới. Cũng theo ông, chương trình bổ túc văn hóa dần dần không còn học viên đến học.

Đơn cử như năm học 2011-2012 trung tâm chỉ tuyển được 17 học viên, năm 2012-2013 tuyển được 8 học viên và đặc biệt, năm học 2013-2014 trung tâm không tuyển được một học viên nào. Đối với các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề không khí tuyển sinh cũng trầm lắng không kém. Trung tâm hướng nghiệp kỹ thuật Đồng Hới trong năm 2012-2013 chỉ tuyển được 60 em vào lớp 10; năm học 2013-2014, trung tâm chỉ tuyển được 26 em.

Để có thể tồn tại, nhiều trung tâm phải tự xoay sở bằng cách liên kết đào tạo với trường học khác để duy trì sự tồn tại. Hay đi đến từng nơi vận động từng học viên đến trung tâm học. Thế nhưng, theo bà Nguyễn Thùy Hương, nguyên Giám đốc Trung tâm GDTX Bố Trạch cho hay: sau một thời gian đến học nếu thấy các trường trung cấp nghề nào có tiềm năng hơn thì các em cũng bỏ học để theo học những trường đó.

Rõ ràng, khi ngày càng có nhiều trung tâm dạy nghề, trung cấp nghề được mọc lên một cách ồ ạt thì buộc các trung tâm này phải cạnh tranh khốc liệt để lấy đầu vào. Tuy nhiên, với cơ sở vật chất và trang thiết bị không đầy đủ thì những trung tâm GDTX, kỹ thuật, dạy nghề không còn là lựa chọn của nhiều học viên. Và giải pháp cuối cùng để tồn tại là buộc phải sáp nhập.

Sáp nhập, gỡ khó hay khó chồng khó?

Đến thời điểm hiện tại, tất cả các trung tâm GDTX, trung tâm kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp tại các địa phương đã nhận được quyết định sáp nhập thành trung tâm GD-DN. Tuy nhiên, việc sáp nhập đối với các trung tâm thì chưa phải là hướng đi phù hợp. Bởi theo các giám đốc trung tâm, trước mắt, việc sáp nhập vẫn chưa thể giải quyết được những vấn đề nan giải, khó khăn trước đây của các trung tâm đã gặp phải. Sáp nhập trên cơ sở các trung tâm vẫn duy trì chức năng và nhiệm vụ của mình trong khi bài toán tìm đầu vào vẫn chưa có lời giải.

Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo, trường dạy nghề ra đời học sinh sẽ có nhiều lựa chọn vừa học văn hóa vừa học nghề theo sở thích của mình. Hơn nữa, hầu hết các trang thiết bị, cơ sở vật chất của trung tâm đều đã cũ kỹ và thiếu thốn. Sau khi sáp nhập từ Trung tâm GDTX và Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp -Hướng nghiệp Đồng Hới thì Trung tâm GD-DN Đồng Hới chỉ được hoạt động tại một cơ sở của trung tâm kỹ thuật trước đây, còn cơ sở của Trung tâm GDTX Đồng Hới sẽ bàn giao lại cho Sở Giáo dục - Đào tạo.

Theo ông Đặng Văn Cảnh, Phó Giám đốc trung tâm cho hay: "Sau khi sáp nhập, cơ sở vật chất thiếu thốn nghiêm trọng. Trung tâm mới hiện chỉ có 16 phòng học và 4 phòng thực hành nhưng do thiếu phòng hiệu bộ nên buộc chúng tôi phải sử dụng phòng học để làm việc". Hiện trung tâm đang được đầu tư xây dựng thêm một số phòng mới, tuy nhiên thời điểm hiện tại do hết kinh phí nên buộc phải dừng lại, đến năm 2015 mới được cấp kinh phí để xây tiếp và phải mất thêm thời gian dài mới hoàn thành.

Bên cạnh đó, cơ chế quản lý vẫn còn đang chồng chéo chưa rõ ràng đồng nhất khiến nhiều cán bộ, giáo viên không an tâm. Lâu nay, các trung tâm GDTX và kỹ thuật dạy nghề vẫn do Sở Giáo dục - Đào tạo quản lý, sau khi sáp nhập thì giao về huyện, thành phố quản lý. Nhưng trên thực tế, những quy chế tổ chức hoạt động, cơ sở vật chất, con người và đánh giá xếp loại là thuộc thành phố, huyện quản lý còn chuyên môn là do Sở Giáo dục quản lý. Theo ông Đinh Ngọc Hải, Phó Giám đốc trung tâm GD-DN Đồng Hới việc ra quy chế tổ chức hoạt động cần phải theo chuẩn toàn quốc và do Bộ Giáo dục - Đào tạo quy định, bởi liên quan đến chế độ chính sách của cán bộ, giáo viên.

Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay, sáp nhập các trung tâm là việc nên làm trong hoàn cảnh hiện tại nhằm tinh giản bộ máy hành chính, tiết kiệm một phần ngân sách và giảm bớt tính cạnh tranh tuyển sinh, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm tại các địa phương. Và kết quả của việc sáp nhập này như thế nào có lẽ cần phải có thêm thời gian mới có câu trả lời. Nhưng để có thể thay đổi bức tranh buồn của các trung tâm GD-DN thì cần phải có sự nổ lực từ nhiều phía.

Đ.Nguyệt