.

Thị xã Ba Đồn nỗ lực xây dựng môi trường đô thị ngày càng xanh-sạch-đẹp

Thứ Tư, 27/08/2014, 16:05 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm qua, trên địa bàn các phường: Quảng Thọ, Quảng Thuận, Quảng Long, Quảng Phong và Ba Đồn xảy ra tình trạng thả rong trâu, bò không có người chăn dắt, đã phá hoại cây xanh ở các dải phân cách, cây bóng mát và làm hư hỏng các công trình công cộng, gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Nhằm ngăn chặn triệt để tình trạng nói trên, thị xã Ba Đồn đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, với mong muốn cải thiện môi trường đô thị ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn.

Trao đổi với chúng tôi ông Trần Văn Lợi, Giám đốc BQL các công trình công cộng Ba Đồn cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND huyện Quảng Trạch (thời điểm thị xã Ba Đồn chưa được chia tách) về những biện pháp bảo vệ tài sản, vệ sinh môi trường trên tuyến quốc lộ 12A và đường nội thị; Thông báo về cách giải quyết tình hình vệ sinh môi trường và an ninh trật tự trên địa bàn; Công văn triển khai thi công hạng mục trồng cây xanh, hệ thống chiếu sáng và tín hiệu giao thông nhưng vẫn không ngăn chặn triệt để.

Theo nhiệm vụ cụ thể được phân công, BQL các công trình công cộng đã bố trí lao động để tuần tra, bảo vệ trên các tuyến đường và đã tiến hành bắt giữ, xử phạt trên 35 lượt trâu, bò thả rong vi phạm không có người chăn dắt. Tuy nhiên, do lực lượng tuần tra và bảo vệ còn mỏng, lượng trâu, bò thả rong trên tuyến quốc lộ 12A và các tuyến đường nội thị rất khó kiểm soát dẫn đến hiệu quả ngăn chặn đạt thấp, việc xử lý vi phạm còn mang tính giáo dục, nhắc nhở và răn đe là chủ yếu.

Liên quan đến công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thị xã Ba Đồn, chúng tôi còn được biết chợ Ba Đồn hiện đang bị ô nhiễm do quy hoạch thiếu khoa học và còn có nhiều hộ dân đang sinh sống tại chợ, dẫn đến nguy cơ cháy nổ cao. Theo một số hộ kinh doanh tại chợ cho biết: Chợ Ba Đồn được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1993, với quy mô hạng mục gồm 3 đình và các ki ốt bao quanh được bán lâu dài cho các hộ kinh doanh. Các phần đất trống còn lại tạo nên những khu chợ trời, phân vùng kinh doanh để bán các mặt hàng theo quy định như: khu vực mua bán cá, hoa quả, nông sản, dụng cụ, chợ bò, chợ xe đạp...

Trước đây, chợ hoạt động theo các ngày phiên, đó là vào các ngày: mồng một, mồng sáu, mười một, mười sáu, hai mốt và hai sáu âm lịch hàng tháng. Mặc dù quy hoạch chợ còn nhiều bất cập, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, hệ thống phòng cháy chữa cháy không đủ tiêu chuẩn đảm bảo an toàn, hành lang pháp lý cho phát triển và quản lý chợ chưa được ban hành... nhưng do nhu cầu về kinh doanh mua bán lúc này còn thấp, số lượng người đến chợ còn ít nên việc sắp xếp, bố trí vị trí kinh doanh không gặp nhiều khó khăn.

Một số hạng mục công trình thiết yếu của chợ Ba Đồn đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không còn phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay.
Một số hạng mục công trình thiết yếu của chợ Ba Đồn đã bị xuống cấp nghiêm trọng, không còn phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay.

Từ năm 1996 trở lại đây, do ảnh hưởng của tốc độ phát triển kinh tế-xã hội và quá trình đô thị hóa, nhu cầu về nhà ở và việc đầu tư xây dựng nhà ở tại Ba Đồn phát triển nhanh. Một vùng ao hồ, sông lạch xung quanh chợ được cấp đất xây dựng nhà ở tạo nên một khu dân cư xung quanh chợ và được phân cách bằng những đoạn đường đô thị bê tông rộng 5m.

Theo đó, nhu cầu người dân vào chợ kinh doanh buôn bán cũng ngày càng tăng lên, chợ không chỉ hoạt động vào các ngày phiên như trước đây mà hoạt động vào tất cả các ngày trong tháng. Quy hoạch chợ không còn phù hợp với yêu cầu thực tế, các hạng mục công trình như: hệ thống thoát nước, nhà vệ sinh, phòng cháy chữa cháy đã bị xuống cấp nghiêm trọng và không bảo đảm yêu cầu.

Trao đổi với chúng tôi về những giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ cảnh quan môi trường đô thị trên địa bàn, ông Trần Văn Luận, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho hay: Về ngăn chặn tình trạng trâu bò thả rong, UBND thị xã sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND các phường và BQL các công trình công cộng triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo về tình hình vệ sinh môi trường và an ninh trật tự trên địa bàn.

Theo đó, UBND các phường: Quảng Thọ, Quảng Thuận, Quảng Long, Quảng Phong và Ba Đồn phải thực hiện việc thống kê các hộ dân có trâu, bò thả rong; đồng thời tổ chức họp dân để tuyên truyền, vận động những hộ nuôi trâu, bò ký bản cam kết không thả rong trâu, bò nữa mà phải xây dựng chuồng trại, có người chăn dắt. Nếu hộ nào vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định.

Riêng đối với những bất cập tại chợ Ba Đồn, trước mắt UBND thị xã sẽ xem xét đầu tư xây dựng một số hạng mục cấp thiết nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường như: san lấp mặt bằng chợ bò và chợ xe đạp, cải tạo sửa chữa hệ thống thoát nước và hệ thống xử lý nước thải, di dời chợ cá ra khu vực chợ bò, đồng thời xây dựng công trình vệ sinh trong và ngoại chợ.

Đặc biệt, để công tác phòng cháy chữa cháy tại chợ bảo đảm hiệu quả hơn, thị xã Ba Đồn sẽ hỗ trợ cho xây dựng một phòng trực và cất giữ dụng cụ thiết bị phòng cháy chữa cháy, đồng thời mua sắm thêm một số thiết bị bổ sung cần thiết nhằm bảo đảm thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy tại chợ 24/24 giờ.

Về tình trạng 9 hộ kinh doanh đang ăn ở, sinh hoạt trong chợ từ những năm 1995 đến nay, UBND thị xã sẽ đưa ra các giải pháp quyết liệt và chỉ đạo BQL các công trình công cộng phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện giải tỏa, đưa ra khỏi khu vực chợ trong thời gian sớm nhất.

Hiền Chi