.

Khi vai trò Hội Nông dân được phát huy

Thứ Ba, 26/08/2014, 12:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, nhiều phong trào thi đua của hội viên nông dân tỉnh ta đã phát huy hiệu quả rất tích cực, góp phần không nhỏ thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, được cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận. Thông qua những phong trào này, đời sống của hội viên, nông dân từng bước được nâng cao, góp phần thiết thực xây dựng nông thôn mới và phát huy được vai trò, vị trí của tổ chức Hội Nông dân các cấp.

Bà Hoàng Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh bộc bạch: nhận thức sâu sắc ý nghĩa từ các phong trào thi đua yêu nước, nhiều năm qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng 3 phong trào thi đua lớn do Trung ương Hội phát động, trong đó phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được xác định là trọng tâm, xuyên suốt.

Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm, Hội đã triển khai cho hơn 80.000 hội viên, nông dân đăng ký thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở 4 cấp, trong đó cấp Trung ương là 329 hộ, cấp tỉnh 2.364 hộ, cấp huyện, thành phố hơn 8.800 hộ và cấp cơ sở 44.136 hộ.

Thông qua các phong trào thi đua do Hội Nông dân phát động, trong hội viên, nông dân đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình đi đầu ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, có thu nhập cao và ngày càng mở rộng quy mô. Trong 5 năm gần đây, các cấp Hội còn vận động hội viên nông dân giúp đỡ được 18.274 hộ vươn lên thoát nghèo thông qua nhiều hình thức như tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp vốn, giống cây trồng, vật nuôi.

Bức tranh nông thôn mới ở xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch.
Bức tranh nông thôn mới ở xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch.

Bên cạnh đó, Hội cũng đã phối hợp với các đơn vị dạy nghề trên địa bàn để mở các lớp đào tạo nghề tại chỗ cho trên 17.757 lượt lao động, phần lớn là lao động nông thôn. Việc triển khai các lớp đào tạo nghề đã tạo điều kiện cho người học sau khi học nghề được giải quyết việc làm, tham gia sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và trở thành hộ khá, đồng thời góp phần rất lớn vào chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn.

Để hỗ trợ nông dân trong phát triển kinh tế, Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với Ngân hàng CSXH và Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT xây dựng hơn 1.700 tổ vay vốn, cho hơn 109.950 lượt hộ vay. Số tiền dư nợ bình quân đạt từ 1.000- 1.200 tỷ đồng/năm.

Mặt khác, tăng cường các biện pháp xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân, đưa tổng nguồn quỹ toàn tỉnh hiện nay đạt trên 27.841 tỷ đồng, cho trên 14.870 lượt hộ vay, góp phần tạo điều kiện hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Theo đánh giá của các cấp hội, các nguồn vốn được quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả.

Đặc biệt, quỹ hỗ trợ nông dân đã thực hiện tốt vai trò là công cụ, phương tiện của tổ chức hội trong việc vận động, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng và nhân rộng các mô hình theo nhóm hộ, tổ hợp tác gồm những hộ nông dân cùng mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo hướng hợp tác sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, an toàn, có thương hiệu, tạo thêm việc làm mới, nâng cao thu nhập, góp phần tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng Hội vững mạnh.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, Hội Nông dân các cấp đã tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng, các trung tâm khuyến nông, khuyến công tổ chức được 9.902 lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ; xây dựng nhiều mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản, ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp. Tổ chức các hội thi “Nhà nông đua tài”, “Bàn tay vàng”, tham gia các hội chợ trong tỉnh và khu vực thu hút nhiều cán bộ, hội viên tham gia. Ngoài ra, trong những năm vừa qua, nhằm góp phần thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hàng năm các cấp hội đã vận động nông dân đăng ký phấn đấu, xây dựng theo tiêu chí “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”.

Phong trào được phát triển đều khắp cả bề rộng lẫn chiều sâu, số hộ gia đình nông dân được công nhận gia đình văn hóa không ngừng tăng lên, năm 2009 có 113.000 hộ, đến năm 2013 đã tăng lên 116.664 hộ.

Ông Phạm Minh Thông, Phó Chủ tịch phụ trách Hội Nông dân huyện Quảng Trạch khẳng định: Có thể nói rằng, những năm gần đây, các cấp Hội Nông dân đã phát huy được vai trò của mình trong việc chăm lo, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, giảm nghèo. Đơn cử như ở huyện Quảng Trạch, hội đã mở được hàng chục lớp dạy nghề, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con. Đặc biệt, hội đã đứng ra tín chấp với ngân hàng cho nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, hiện tại số dư nợ lên đến gần 170 tỷ đồng.

Mặt khác, thông qua nguồn vốn của quỹ hỗ trợ nông dân, đã hỗ trợ triển khai thí điểm mô hình nuôi bò lai sind, nuôi lợn nái sinh sản, nuôi đà điểu... cho nông dân trên địa bàn huyện. Từ những việc làm thiết thực này của hội, đã có hàng ngàn nông dân có thêm việc làm, ngành nghề; hàng trăm hộ được xóa nghèo bền vững, nhiều hộ còn vươn lên làm giàu.

Bên cạnh những hoạt động thiết thực trên, thời gian qua, phong trào xây dựng nông thôn mới cũng ghi dấu ấn rất đậm nét về vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân các cấp tỉnh ta. Hưởng ứng phong trào này, 100% chi hội nông dân trong toàn tỉnh đã đăng ký tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, đảm nhận các công trình tự quản. Các cấp hội đã tổ chức được 879 buổi tuyên truyền, phát động, vận động nông dân hiến kế, hiến đất, hiến công để xây dựng nông thôn mới cho 41.785 cán bộ, hội viên, nông dân tham gia.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 1.296 chi hội nông dân làm tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, duy trì các công trình tự quản ở địa phương và các công trình mang tên Hội Nông dân. Hội viên nông dân đã đóng góp trên 80.000 ngày công, trên 13 tỷ đồng để làm mới, tu sửa nhiều công trình phúc lợi trên địa bàn, như đường giao thông nông thôn, công trình điện sáng, nhà văn hóa...

Có thể nói rằng, với việc phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình, những năm qua, Hội Nông dân các cấp ở tỉnh ta đã ngày càng chăm lo, hỗ trợ tốt hơn cho hội viên, nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo. Qua đó, từng bước cải thiện đời sống cho bà con nông dân, góp phần tích cực làm thay đổi diện mạo nông thôn mới trên địa bàn tỉnh ta.

A.T