.

Hỗ trợ mua bảo hiểm y tế: Giải pháp giảm nghèo bền vững

Thứ Tư, 27/08/2014, 07:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong bối cảnh giá cả dịch vụ khám chữa bệnh ngày càng tăng cao thì việc tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những giải pháp an toàn để người dân có thêm điều kiện, yên tâm khám chữa bệnh. Thời gian gần đây, với sự quan tâm của Nhà nước, các đối tượng là người nghèo, cận nghèo đã được mua và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), bảo đảm được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh khi ốm đau.

Tỉnh ta hiện có 40.848 hộ cận nghèo với 177.884 người cận nghèo. Trong đó số người cận nghèo có nhu cầu mua thẻ bảo hiểm y tế là 60.763 người. Những năm trước đây, người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí khi mua BHYT. Nhưng từ năm 2012 mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người cận nghèo tăng từ 50% lên 70%.

Đặc biệt từ đầu năm 2013, theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 08/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, những đối tượng cận nghèo vừa thoát nghèo được hỗ trợ 100% mức mua thẻ BHYT. Đây là chính sách vừa thể hiện sự quan tâm của tỉnh trong việc bảo đảm an sinh xã hội, vừa là một trong những giải pháp thực hiện chiến lược giảm nghèo bền vững trên địa bàn toàn tỉnh, tạo sự yên tâm cho người cận nghèo trong chăm sóc sức khỏe.

Để bảo đảm quyền lợi cho người dân, cấp thẻ tới tận tay người cận nghèo một cách kịp thời, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã phối hợp với các ngành chức năng điều tra, rà soát, lập danh sách đề nghị mua thẻ BHYT cho các hộ cận nghèo chưa tham gia BHYT trên địa bàn. Nhờ đó trong 6 tháng đầu năm 2014 đã có hơn 165.000 người nghèo và cận nghèo được cấp thẻ BHYT, trong đó có 44.000 đối tượng cận nghèo được hỗ trợ 100%, 36.000 đối tượng cận nghèo được hỗ trợ 70% mua thẻ BHYT.

Tham gia BHYT sẽ giúp người cận nghèo có thêm điều kiện, yên tâm khám chữa bệnh.
Tham gia BHYT sẽ giúp người cận nghèo có thêm điều kiện, yên tâm khám chữa bệnh.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó trưởng phòng thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh cho biết: Với sự chỉ đạo của UBND tỉnh, BHXH tỉnh đã tích cực phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện việc rà soát, lập danh sách người thuộc hộ gia đình cận nghèo chưa có thẻ BHYT; in và cấp phát thẻ BHYT bảo đảm theo đúng quy trình. Việc cấp phát thẻ BHYT được các địa phương thực hiện thông qua trạm y tế xã, phường trên cơ sở danh sách đã được duyệt để chuyển đến tận tay các đối tượng. Việc đổi, cấp lại thẻ do sai sót, hư hỏng hoặc thất lạc được thực hiện nhanh chóng, kịp thời bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Chị Hà Thị Châu ở thành phố Đồng Hới, nhiều năm thuộc hộ gia đình cận nghèo nhưng chưa tham gia mua thẻ BHYT. Nhiều lúc ốm đau, bệnh tật chị mới hiểu giá trị của tấm thẻ quan trọng như thế nào. Chị chia sẻ: Được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của Nhà nước và của tỉnh, các hộ cận nghèo như chúng tôi sẽ phần nào giảm bớt ít nhiều khó khăn cho gia đình khi ốm đau, bệnh tật. Nếu không có tấm thẻ BHYT này, chắc gia đình khó có điều kiện được tiếp cận các dịch vụ y tế.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người cận nghèo dù được hỗ trợ từ ngân sách nNhà nước đến 70% mức đóng và hỗ trợ từ Dự án y tế các tỉnh Bắc Trung bộ nhưng vẫn chưa tham gia. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo chưa “mặn mà” với BHYT là do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn; nhiều đối tượng cận nghèo chỉ cuống cuồng mua thẻ BHYT khi bị đau ốm hoặc bệnh nặng phải nhập viện dài ngày. Và với những tấm thẻ BHYT mua mang tính “đối phó” như thế, người bệnh chỉ có thể hưởng được những dịch vụ y tế thông thường, khó tiếp cận được các quyền lợi về dịch vụ kỹ thuật cao.

Cùng với đó, chất lượng phục vụ tại các cơ sở y tế địa phương, đặc biệt là tuyến xã chưa bảo đảm do đội ngũ y bác sĩ khá mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều việc; hay sự chậm trễ trong công tác điều tra thông tin hộ cận nghèo từ chính quyền địa phương... cũng là những “rào cản” khiến người dân nói chung và đối tượng cận nghèo nói riêng chưa “mặn mà” với BHYT.

Thiết nghĩ, việc thực hiện chính sách BHYT cho người cận nghèo không những là bước tiến đáng kể trong quá trình xóa đói, giảm nghèo mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, trong điều kiện giá viện phí điều chỉnh tăng như hiện nay, nếu không tham gia BHYT, chất lượng cuộc sống của người cận nghèo chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn. Việc người cận nghèo không tham gia BHYT chẳng những sẽ ảnh hưởng đến chính bản thân họ, mà còn ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh ta.

Chính vì lẽ đó, thời gian qua những người làm công tác bảo hiểm xã hội luôn trăn trở để làm sao chính sách BHYT đến với người dân, để họ được thụ hưởng những thành quả về an sinh xã hội mà Đảng và Nhà nước ta thực hiện.

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là các đài truyền thanh xã, phường, thị trấn Bảo hiểm xã hội tỉnh đã tích cực tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết của nhân dân về chính sách BHYT; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động-Thương binh-Xã hội, ngành Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh nhằm bảo đảm tốt quyền lợi khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT thuộc hộ cận nghèo. Tuy nhiên, để chính sách BHYT thực sự đến được với cận nghèo, ngoài sự nỗ lực của ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể liên quan cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu rõ hơn về quyền lợi, nghĩa vụ của mình khi tham gia BHYT.

Cùng với đó, vẫn cần phải tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các tuyến, nhất là trạm y tế các xã vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho các đơn vị y tế, tạo điều kiện cho các đơn vị triển khai tốt hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân, trong đó có người cận nghèo. Có như vậy người dân mới có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

P.V