.

Giải pháp nào để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động?

Thứ Năm, 28/08/2014, 11:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian gần đây, ngoài một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển ổn định, đời sống vật chất, tinh thần của người lao động được bảo đảm vẫn còn có những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thậm chí dẫn đến phá sản. Hệ lụy kéo theo là quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động không được quan tâm đúng mức. Giải pháp nào để chấn chỉnh tình trạng trên? Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Thuận Văn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, nội dung như sau:

* Phóng viên (PV): Trước hết xin đồng chí cho biết vài nét khái quát về tình hình lao động, việc làm tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh ta thời gian gần đây?

- Đồng chí Lê Thuận Văn: Hiện nay trên địa bàn tỉnh ta có trên 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Tổng số công nhân lao động ở các doanh nghiệp trên 36.000 người, trong đó số công nhân lao động ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm trên 2/3. Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập người lao động.

Toàn tỉnh có 1.256 lao động không có việc làm hoặc có việc làm không thường xuyên; 6 tháng đầu năm 2014 có 873 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Khảo sát tại 22 doanh nghiệp cho thấy: có việc làm thường xuyên chiếm 73%; có việc làm không thường xuyên chiếm 13%; không có việc làm chiếm 14%. Theo báo cáo của cơ sở, việc làm của người lao động tính chung cho các doanh nghiệp bảo đảm khoảng 90%; thu nhập người lao động ở một số doanh nghiệp làm ăn tốt đạt mức ổn định từ 4,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng, nhưng vẫn có một số doanh nghiệp thu nhập của người lao động thấp dưới 2 triệu đồng/người/tháng, mức bình quân chung về thu nhập đạt từ 2,5 đến 2,8 triệu đồng/người/tháng.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung tình hình quan hệ lao động và tình hình CNLĐ ở các doanh nghiệp thời gian qua khá ổn định, không có đình công, lãn công xảy ra; công nhân, người lao động cùng đồng hành, chia sẻ, vượt khó cùng doanh nghiệp .

* P.V: Với tư cách Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, đồng chí đánh giá thế nào về vai trò của tổ chức CĐCS tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trong việc bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động?

- Đồng chí Lê Thuận Văn: Trong thời gian qua, công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngoài quốc doanh nói riêng đã phát huy vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ với những việc làm cụ thể, đó là: chủ động phối hợp với chủ doanh nghiệp bàn bạc và vận động CNLĐ tìm kiếm việc làm, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn và đào tạo lại nghề cho lao động bị mất việc làm; tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp tích cực phát động các phong trào thi đua giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực tìm kiếm thị trường... để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định việc làm cho người lao động. Động viên CNLĐ phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất lao động, làm lợi cho doanh nghiệp...

Công nhân lao động Xí nghiệp may xuất khẩu Hà Quảng thi đua lao động sản xuất.
Công nhân lao động Xí nghiệp may xuất khẩu Hà Quảng thi đua lao động sản xuất.

Bên cạnh đó, CĐCS đã chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, thông qua đó để CNLĐ tham gia góp ý vào xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, bàn biện pháp phát triển sản xuất kinh doanh, cơ chế khoán, định mức lao động, đơn giá tiền lương, thực hiện công tác bảo hộ lao động và giải quyết những vướng mắc trong sản xuất kinh doanh cũng như trong thực hiện quyền, nghĩa vụ và chế độ chính sách đối với người lao động...; tổ chức công đoàn đã phát huy chức năng kiểm tra giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động như: việc thực hiện chế độ tiền lương, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, BHLĐ, thực hiện BHXH, BHYT, BHTN.

Cùng với công tác giải quyết việc làm cho CNLĐ, công tác chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho đoàn viên, CNVC-LĐ đã được công đoàn trong các doanh nghiệp quan tâm thực hiện như: Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên để đề xuất kiến nghị với người sử dụng lao động, với tổ chức công đoàn và các cấp các ngành có biện pháp giúp đỡ và giải quyết; thành lập các quỹ trợ cấp khó khăn, quỹ giúp nhau trong sản xuất... để tổ chức thăm hỏi, động viên CNVC-LĐ có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn...

Những việc làm của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh có tổ chức công đoàn đã góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong từng doanh nghiệp, giúp người lao động yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp. Tuy vậy, đối với những doanh nghiệp khó khăn chưa hồi phục được, doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn thì việc thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động gặp khó khăn.

* P.V: Có ý kiến cho rằng không chỉ ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa có tổ chức công đoàn mà ngay cả ở những đơn vị đã thành lập tổ chức công đoàn, việc thực hiện các chế độ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... cho người lao động chưa thực sự được quan tâm. Điều này có đúng không, thưa đồng chí?

- Đồng chí Lê Thuận Văn: Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn đã có chuyển biến trong việc thực hiện pháp luật lao động, đặc biệt là trong việc thực hiện các chế độ BHXH, BHYT, BHTN và bảo hộ lao động, tỷ lệ tham gia của các đơn vị và số lượng người hàng năm đều tăng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp ngoài quốc doanh trốn tránh hoặc thực hiện chưa đầy đủ nghĩa vụ đối với người lao động như: không đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động; tình trạng nợ BHXH, BHYT, BHTN còn nhiều; việc thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp chưa được thực hiện đúng quy định... làm ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt và lâu dài của người lao động.

Tính đến 30-6-2014 có 1.268 doanh nghiệp với 25.395 lao động tham gia BHXH; tham gia BHTN có 1.421 đơn vị, với 46.259 lao động (bao gồm cả đơn vị sự nghiệp). Thu BHXH tính đến hết tháng 7 là 605 tỷ đồng/1.204 tỷ đồng, đạt 50,25% kế hoạch. Tuy vậy, số tiền nợ BHXH vẫn còn lớn với số tiền toàn tỉnh trên 98 tỷ đồng.

Đặc biệt một số đơn vị do làm ăn thua lỗ, thiếu vốn, nợ BHXH lớn kéo dài chưa có khả năng khắc phục như: Công ty cổ phần sản xuất vật liệu và xây dựng công trình 405, Công ty cổ phần khoáng sản và công nghiệp Đại Trường Phát, Công ty cổ phần Hóa chất và Cao su COSEVCO, Công ty liên doanh VINASIAM, Công ty CP sản xuất vật liệu xây dựng COSEVCO I, Công ty cổ phần COSEVCO 6, Xí nghiệp chế biến nông thủy sản xuất khẩu, Công ty TNHH 1 TV Thương mại và Du lịch VINASIN Quảng Bình...

Tình hình vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động ở các đơn vị vẫn còn xảy ra như: Thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ chưa được kiểm định hoặc hết hạn kiểm định chưa tiến hành kiểm định lại; công tác huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động, khám sức khỏe định kỳ và lập sổ theo dõi sức khỏe cho người lao động chưa đầy đủ; việc bồi dưỡng cho người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm chưa  bảo đảm; hiệu quả hoạt động của mạng lưới an toàn vệ sinh viên còn hạn chế... nên vẫn còn xảy ra tai nạn lao động chết người ở một số đơn vị.

* P.V: Theo đồng chí, cần có những giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?

- Đồng chí Lê Thuận Văn: Trước hết, các cấp công đoàn tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và các tầng lớp nhân dân về thực hiện BHXH, BHYT, BHTN và BHLĐ... để từ đó nghiêm chỉnh chấp hành thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động; một giải pháp nữa là tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành, kịp thời ra thông báo, đôn đốc, nhắc nhở và kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử lý các đơn vị chưa thực hiện pháp luật lao động, nợ đọng và cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN và thực hiện chưa bảo đảm quy định về công tác BHLĐ.

Cơ quan BHXH tỉnh cần tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Tổ thu hồi nợ liên ngành để thu hồi những đơn vị nợ đọng. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn cần phát huy hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình trong tham gia quản lý, giám sát thực hiện chế độ chính sách; chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng cho người lao động.

Ngoài ra, cần phát động các phong trào thi đua trong đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, từ đó tạo điểu kiện để doanh nghiệp thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho người lao động. BCH công đoàn cơ sở tích cực phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện công tác an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp; chỉ đạo, hướng dẫn mạng lưới an toàn vệ sinh viên trong các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả... nhằm hạn chế tai nạn lao động xảy ra.

Và một điều nữa là cơ quan BHXH nên có chính sách hợp lý để khoanh nợ BHXH cho một số doanh nghiệp khó khăn để nhằm giải quyết chế độ hưu cho người lao động khi họ đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH, về tuổi đời nhưng doanh nghiệp quá khó khăn đang nợ tiền đóng BHXH...

* P.V: Xin cảm ơn đồng chí đã có cuộc trao đổi!

Nguyễn Hoàng (thực hiện)