.

Đức Trạch (Bố Trạch): Nỗi lo khi cửa sông bị bồi lắng và sạt lở

Thứ Năm, 14/08/2014, 13:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Mùa hè cát bồi lắng, mùa đông sạt lở, đó là những gì đang diễn ra ở cửa sông Lý Hòa, xã Đức Trạch, Bố Trạch. Cửa sông bị bồi lắng khiến cho hàng chục tàu thuyền không có nơi neo đậu, phải vất vả tìm những cửa sông khác để neo nhờ. Không những vậy nhiều người dân phải chịu thiệt hại về tài sản khi đối mặt với tình trạng sạt lở bờ sông .

Đìu hiu cửa sông

Xã Đức Trạch hiện có 1.700 hộ dân thì có hơn 70% hộ theo nghề biển. Số lượng tàu thuyền toàn xã tương đối lớn, trong số hơn 500 tàu thuyền đánh bắt xa bờ thì có 240 chiếc có công suất trên 90CV. Nhiều ngư dân cho biết, trước đây cửa sông Lý Hòa được xem là một trong cửa sông tấp nập, vì có lượng tàu thuyền ra vào tương đối lớn.

Tuy nhiên, thời gian trở lại đây, cửa sông này không còn là nơi neo đậu, tránh trú của những tàu thuyền sau mỗi bận ra khơi. Nguyên nhân chính là do cửa sông Lý Hòa đang ngày càng bị cát bồi lắng nghiêm trọng. Có những đoạn dòng chảy đổ ra biển chỉ rộng khoảng 10m, độ sâu chưa đến nửa mét.

Tàu thuyền qua lại nơi đây thường xuyên bị mắc cạn. Đối với những loại tàu có công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ có thể ra vào cửa sông thì cũng thường xuyên bị hư hỏng một vài bộ phận do va vào phải đá hoặc các vật cản. Sau một thời gian, những con thuyền nhỏ này phải thay lại ván thuyền hoặc chân vịt.

Những ngư dân cho biết, sau cơn bão số 10, 11 năm ngoái, nhiều gốc cây và các chướng ngại vật bị giữ lại ngay giữa cửa sông. Khi tàu thuyền, hoặc bơ nan đi qua đều bị vướng phải gây khó khăn và cản trở cho việc vận hành của tàu thuyền lúc ra biển cũng như khi vào bờ. Để bảo đảm an toàn, nhiều chủ tàu đã lựa chọn cách tìm các cửa sông khác như Roòn, Thanh Khê... để tránh trú sau mỗi chuyến ra khơi.

Cửa sông Lý Hòa vắng bóng tàu thuyền đánh bắt xa bờ neo đậu.
Cửa sông Lý Hòa vắng bóng tàu thuyền đánh bắt xa bờ neo đậu.

Đối với một địa phương lâu nay kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào ngư nghiệp như Đức Trạch thì cửa sông, cửa biển Lý Hòa đóng vai trò không nhỏ. Tuy nhiên, khi cửa sông này bị bồi lắng, tàu thuyền không thể ra vào neo đậu khiến cho không chỉ ngư dân gặp khó mà kéo theo đó nhiều dịch vụ cũng lâm vào tình cảnh khó khăn.

Một chủ kinh doanh xăng dầu cho biết, tàu thuyền không thể ra vào cửa sông buộc họ phải mất thêm chi phí để vận chuyển xăng dầu từ Lý Hòa đến tận các cửa sông khác để cung cấp xăng dầu cho các chủ tàu thuyền ở Đức Trạch đang neo đậu ở đó. Hay như cơ sở đóng tàu thuyền có công suất lớn ở gần cửa sông Lý Hòa cũng không ngoại lệ.

Mặc dù cửa sông bị bồi lắng nhưng theo những người đóng tàu nơi đây cho hay, không có vị trí nào phù hợp hơn cho việc đóng mới tàu thuyền. Mỗi lần hạ thủy cho tàu ra khơi, các chủ tàu cũng phải bỏ thêm tiền bạc thuê tàu máy kéo tàu thuyền ra khỏi cửa sông Lý Hòa hoặc tốn thêm nhiên liệu để chạy tàu vượt qua khu vực bãi cạn. Khi đã ra được biển, họ phải neo đậu tàu thuyền thêm vài ngày để kiểm tra, sửa chữa lại những bộ phận hỏng hóc như chân vịt... do va vào các vật cản rồi mới tiếp tục vươn khơi.

Ông Nguyễn Tất Thành, Phó chủ tịch UBND xã Đức Trạch cho biết: Việc cửa sông Lý Hòa đang dần bị bồi lắng nghiêm trọng khiến tàu thuyền không thể ra vào để neo đậu, phải đi các cửa sông khác để neo nhờ. Vì vậy, sản phẩm sau mỗi chuyến ra khơi, đánh bắt về khó tiếp cận được với địa phương, các dịch vụ nghề cá vì thế cũng khó có thể phát triển được. Mong muốn lớn nhất của chính quyền và ngư dân Đức Trạch là được sự quan tâm của cấp trên xem xét cải tạo, khơi thông các luồng lạch.

Lo biển xâm thực

Cùng với nỗi lo cửa sông Lý Hòa đang dần bị bồi lắng nghiêm trọng thì rất nhiều hộ dân nơi đây cũng đang trong tâm trạng bất an khi phải sống chung với tình trạng xâm thực, sạt lở mỗi lúc mùa mưa bão đến. Dọc cuối bờ sông Lý Hòa, đoạn qua thôn Nam Đức, xã Đức Trạch hàng chục hộ dân đứng ngồi không yên khi nhiều năm nay, dòng sông cứ từng ngày ăn sâu vào làng khiến nhiều người bất an.

Một số hộ dân thôn Nam Đức đã tự di dời để bảo đảm an toàn  tính mạng và tài sản.
Một số hộ dân thôn Nam Đức đã tự di dời để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, thôn Nam Đức có 470 hộ dân thì đã có 30 hộ dân đang nằm trong diện buộc phải di dời do sạt lở nhưng chưa di dời được... Mỗi năm lũ về, dòng sông cứ lấn dần vào khu dân cư, khiến nhiều người đi chẳng đành mà ở cũng không xong.

Ông Trương Phi, Trưởng thôn Nam Đức cho biết: “Những năm trước, muốn ra sông phải đi bộ mất cả trăm mét, nhưng nay con sông đã đổi dòng, lấn sâu, kề sát vườn của nhiều nhà dân. Cứ sau mỗi trận lũ, lòng sông lấn vào bờ thêm một ít". Trung bình, mỗi năm sông Lý Hòa xâm thực vào đất liền khoảng 3-5m, có khi lên đến 7-8m, với chiều dài gần 500m. Nhiều người dân cho hay, trước đây, những hàng dương được người dân trong thôn trồng để chắn sóng đều bị con sông này nuốt chửng. Nhiều tài sản của người dân cũng tan theo dòng nước.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Mai Thanh Bình tiếc nuối: Trước đây, gia đình anh đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng mô hình nuôi tôm trên cát. Tuy nhiên, chỉ một thời gian anh phải chấp nhận từ bỏ tài sản của mình khi dòng sông cứ lấn dần và nuốt nguyên cả hồ.

Do tình trạng sạt lở quá nghiêm trọng, nhiều hộ dân, trong đó có hộ của bà Trương Thị Bình và hộ anh Nguyễn Xuân Vĩnh ở thôn Nam Đức đã di dời đi nơi khác để bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, với hơn 30 hộ nằm trong diện cần di dời thì kinh phí để người dân xây lại nhà cửa kiên cố không phải là ít. Trong khi đó, việc xây kè ngăn sạt lở thì lại vượt quá tầm của chính quyền xã nên chỉ biết trông chờ vào cấp trên.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tất Thành cho biết thêm, việc xây kè ngăn sạt lở hiện nay vượt quá tầm của chính quyền địa phương. Trong khi đó, cứ đến mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở lại càng nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, chính quyền và nhân dân đã nhiều lần kiến nghị lên HĐND tỉnh, huyện để mong được sự quan tâm, giúp đỡ. Tuy nhiên, đến nay, người dân vẫn đang phải sống chung với nạn sạt lở, nguy cơ mất an toàn mỗi mùa mua bão vẫn là nỗi lo thường trực của nhiều hộ dân nơi đây.

Đ.Nguyệt-T.Hoa