.
Cải cách hành chính:

Tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính

Thứ Năm, 21/08/2014, 16:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm vừa qua, hoạt động cải cách thủ tục hành chính tại các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh ta ngày càng được quan tâm hơn. Việc giải quyết các thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức ngày càng thuận lợi hơn, hướng đến một nền hành chính phục vụ chuyên nghiệp và hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn không ít cơ quan hành chính nhà nước chưa thể hiện rõ trách nhiệm giải trình của mình đối với các hoạt động công vụ theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Để góp phần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, một yêu cầu đặt ra hiện nay, đó là cần phải có giải pháp tăng cường hơn nữa trách nhiệm giải trình của các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính.

Việc tăng cường trách nhiệm giải trình của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính không chỉ nhằm mục đích bảo đảm các quyền cơ bản của công dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà còn góp phần công khai, minh bạch các hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công, tăng cường sự giám sát của người dân đối với bộ máy hành chính nhà nước, tăng cường sự đối thoại giữa cơ quan nhà nước với công dân và góp phần giảm thiểu khiếu nại của cá nhân, tổ chức.

Theo đó, trước hết, các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính cần phải tăng cường công khai, minh bạch quy trình thực hiện thủ tục hành chính thông qua việc niêm yết công khai các thủ tục hành chính đã được cơ quan có thẩm quyền công bố. Đây là việc làm để cá nhân, tổ chức và ngay cả cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính biết rõ về quy trình thực hiện thủ tục hành chính cần tuân thủ; qua đó phát huy trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước và vai trò giám sát của cá nhân, tổ chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Trên cơ sở công khai, minh bạch quy trình giải quyết thủ tục hành chính, trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước phải được thể hiện ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ, yêu cầu công việc của cá nhân, tổ chức.

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch niêm yết công khai các thủ tục  hành chính tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch.
Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch niêm yết công khai các thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch.

Đó là việc các cơ quan hành chính nhà nước cần phải thực hiện việc viết giấy biên nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả giải quyết; thực hiện việc thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do trong trường hợp hướng dẫn cá nhân, tổ chức bổ sung, hoàn thiện hồ sơ hoặc từ chối giải quyết do hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ. Việc làm này không chỉ là cơ sở để xác định trách nhiệm thụ lý giải quyết hồ sơ, yêu cầu công việc cho cá nhân, tổ chức, mà còn thể hiện trách nhiệm và sự cam kết của cơ quan hành chính nhà nước trong việc hướng dẫn, giải thích và phục vụ người dân thực hiện thủ tục hành chính theo đúng quy định pháp luật.

Thông qua việc làm này sẽ hạn chế được các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực trong khâu tiếp nhận hồ sơ, bảo đảm sự công bằng giữa các đối tượng thực hiện thủ tục hành chính, bắt buộc cán bộ, công chức, viên chức thụ lý hồ sơ phải có trách nhiệm và không ngừng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn để hướng dẫn, hỗ trợ cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục hành chính.

Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính nhà nước sẽ phát sinh khi phát hiện các hồ sơ, yêu cầu công việc của cá nhân, tổ chức không bảo đảm tính hợp pháp, không đúng với thực tế hoặc không đủ điều kiện giải quyết. Trong trường hợp này, cơ quan giải quyết thủ tục hành chính phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cá nhân, tổ chức biết rõ lý do vì sao hồ sơ không được giải quyết hoặc cần phải bổ sung hồ sơ, tài liệu chứng minh theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, trách nhiệm giải trình trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cũng cần gắn với nguyên tắc quản lý nhà nước là phải lấy sự thuận lợi, quyền lợi của cá nhân, tổ chức làm trung tâm chứ không phải là dành sự dễ dàng cho cơ quan hành chính nhà nước. Do vậy, cần có những quy định ràng buộc đối với cơ quan giải quyết thủ tục hành chính để tránh tình trạng hướng dẫn cá nhân, tổ chức phải bổ sung hồ sơ nhiều lần, tránh tình trạng từ chối không thụ lý các hồ sơ vướng mắc, phức tạp do các nguyên nhân khách quan hoặc do cơ quan nhà nước đã giải quyết trước đó mà trách nhiệm xác minh, làm rõ thuộc về cơ quan nhà nước chứ không phải là trách nhiệm của cá nhân, tổ chức.

Trách nhiệm giải trình của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính cũng sẽ phát sinh khi kết quả giải quyết thủ tục hành chính không đáp ứng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân hoặc không đúng với yêu cầu pháp luật quy định. Trên thực tế, vẫn còn không ít trường hợp cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính chậm trễ so với thời hạn quy định, bắt cá nhân, tổ chức phải bỏ ra thời gian và chi phí không cần thiết để có được kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Trong những trường hợp này, trách nhiệm giải trình của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính phải được thể hiện thông qua việc thông báo lý do bằng văn bản cho cá nhân, tổ chức biết; trường hợp do nguyên nhân khách quan cần phải đề nghị cá nhân, tổ chức cho phép gia hạn thời gian trả kết quả; trường hợp nguyên nhân do cơ quan nhà nước thì phải có hành động xin lỗi cá nhân, tổ chức và chấn chỉnh hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định hành chính của mình, đồng thời công khai việc chấn chỉnh cho cá nhân, tổ chức biết.

Ngoài các giải pháp nêu trên, để tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính khi được cá nhân, tổ chức yêu cầu theo quy định tại Nghị định số 90/2013/NĐ-CP, các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính cần khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân, tổ chức và cộng đồng xã hội thực hiện quyền giám sát đối với việc thực hiện thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức theo quy định tại Luật Tiếp công dân năm 2013 và Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14-2-2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; công khai kết quả xử lý các phản ánh, kiến nghị. Có như vậy, hoạt động giải trình của các cơ quan giải quyết thủ tục hành chính mới thực sự phát huy hiệu quả, đem lại ý nghĩa thiết thực trong công tác cải cách thủ tục hành chính.

Quốc Oai-A.Tuấn