.

Bệnh viện tuyến huyện: Xe cứu thương chưa đáp ứng đủ nhu cầu của bệnh nhân

Thứ Sáu, 29/08/2014, 13:38 [GMT+7]

(QBĐT) - Hiện nay, khi chất lượng đời sống ngày càng được nâng lên thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe cũng được người dân quan tâm và chú trọng hơn. Những lúc đau ốm bệnh tật hay có nhu cầu chuyển lên tuyến trên điều trị, họ đều nghĩ ngay đến việc gọi xe cứu thương để đến bệnh viện nhanh nhất có thể và bảo đảm an toàn. Nhưng hiện tại, số lượng xe cứu thương ở các bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh ta còn ít nên chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của người bệnh.

Số lượng xe còn hạn chế

Theo thống kê của Sở Y tế, hiện tại các bệnh viện tuyến huyện đều đang có khoảng từ 2 đến 3 xe cứu thương. Cụ thể, Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa hiện có 2 xe cứu thương, Bệnh viện đa khoa huyện Tuyên Hóa có 3 xe, Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình có 2 xe, Bệnh viện đa khoa huyện Quảng Ninh có 2 xe...

Tại Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình, bác sĩ Nguyễn Viết Thái, Phó giám đốc cho biết, hiện tại bệnh viện có 2 xe cứu thương đang hoạt động thường xuyên. Một xe được cấp từ năm 2006 và một chiếc do Ngân hàng Công thương tài trợ vào năm 2013. Cả hai chiếc đều được trang bị đầy đủ các dụng cụ cho một ca cấp cứu thông thường, gồm một bộ dụng cụ cấp cứu, bình ôxi, các loại thuốc được sử dụng để cấp cứu...

Năm 2013, bệnh viện chuyển bệnh lên tuyến trên bằng xe cứu thương là 593 ca. Thường ngày bệnh viện vẫn bảo đảm được nhu cầu gọi xe cứu thương của bệnh nhân nhưng cũng có nhiều lúc người dân gọi nhưng không có xe để đáp ứng. Chẳng hạn như, xảy ra quá nhiều vụ tai nạn giao thông trên địa bàn cùng một lúc hoặc nhiều khi do tắc đường xe cứu thương không về kịp để đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Các trạm y tế là nơi thường xuyên gọi xe cấp cứu để chuyển bệnh nhân từ các địa phương lên bệnh viện tuyến trên, nhưng đôi lúc cũng phải chờ đợi. Điều này dẫn đến hệ quả nhiều ca cấp cứu bị chậm trễ.

Trước đây, để đáp ứng nhu cầu của người dân, bệnh viện có làm hợp đồng với công ty vận tải để chuyển bệnh nhân nhưng nay đã chấm dứt hợp đồng. Hiện tại, bệnh viện chủ yếu dùng xe cứu thương để chuyển bệnh nhân lên tuyến trên và phục vụ nhu cầu của người dân trong toàn huyện, rất ít khi vận chuyển bệnh nhân ra ngoại tỉnh vì không có xe để đáp ứng. Theo  bác sĩ Thái thì một lần vận chuyển bệnh nhân đi Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới cả đi cả về mất khoảng một tiếng đồng hồ và trong thời gian đó nếu nhiều bệnh nhân có nhu cầu dùng xe cứu thương thì phải đợi.

Ông Thái cho biết thêm, không chỉ có nhu cầu vận chuyển bệnh nhân trong tỉnh mà nhu cầu dùng xe cứu thương để đến các bệnh viện ngoại tỉnh cũng ngày càng tăng. Chủ yếu là nhu cầu chuyển dịch vụ đi Huế và Hà Nội nhưng bệnh viện chỉ có 2 xe không thể đáp ứng được. Một năm xe cứu thương của bệnh viện chỉ có thể vận chuyển dịch vụ đi Huế vài lần và chỉ có một lần duy nhất đi Hà Nội, khả năng đáp ứng nhu cầu dịch vụ còn rất hạn chế.

Tuy đã được cải thiện nhiều, nhưng tình trạng thiếu xe cứu thương ở các bệnh viện tuyến huyện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Tuy đã được cải thiện nhiều, nhưng tình trạng thiếu xe cứu thương ở các bệnh viện tuyến huyện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

“Bệnh viện lúc nào cũng có nhu cầu trang cấp thêm xe để phục vụ nhu cầu của người bệnh nhưng kinh phí để mua sắm các trang thiết bị của bệnh viện rất eo hẹp. Trong khi mỗi chiếc xe như vậy có giá vài tỉ đồng. Hiện tại, việc sắm máy móc để chữa bệnh cho người dân vẫn là ưu tiên hàng đầu còn chuyện trang cấp thêm xe cứu thương thì phải gác lại sau”, bác sĩ Thái chia sẻ. Để cân bằng tình trạng này, các y bác sĩ trong bệnh viện luôn cố gắng nâng cao năng lực chuyên môn để có thể điều trị tốt cho bệnh nhân, nhằm hạn chế việc chuyển lên tuyến trên.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện huyện Tuyên Hóa cho biết, so với Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình thì số lượng xe cứu thương ở đây có nhiều hơn bởi địa hình rộng lớn. Hiện tại bệnh viện có 3 xe cứu thương gồm 2 xe cũ và 1 xe mới nhưng để khẳng định với số lượng xe như vậy đã đáp ứng được hoàn toàn nhu cầu của người bệnh là điều không thể.

Cụ thể, mỗi năm xe cứu thương của Bệnh viện đa khoa Tuyên Hóa chuyển bệnh nhân lên tuyến trên từ 100-150 người. Dù số lượng bệnh nhân ít nhưng quá trình vận chuyển bệnh nhân bằng xe cứu thương ở huyện Tuyên Hóa gặp nhiều khó khăn vì đây là huyện miền núi, giao thông cách trở. Mỗi lần xe cứu thương đến đưa bệnh nhân đi cấp cứu thường mất nhiều thời gian hơn những địa phương khác.

Có những trường hợp, nhiều bệnh nhân cùng gọi một lúc thì bệnh viện phải xem xét và tìm hiểu rõ, trường hợp nào nặng thì được ưu tiên điều xe về đưa đi cấp cứu còn trường hợp nhẹ hơn sẽ được điều trị tạm thời tại trạm xá và sẽ điều xe về vận chuyển sau.

“Xã hội hóa” xe cứu thương

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế cho biết, các bệnh viện tuyến huyện chỉ có 2-3 xe cấp cứu nên vẫn còn nhiều bất cập trong việc vận chuyển bệnh nhân. Trong một ngày, nếu chỉ có một đến hai người gọi xe cấp cứu thì bệnh viện có thể đáp ứng đủ. Nhưng nếu trong một lúc có nhiều người cùng gọi thì rất khó để giải quyết.

Tuy nhiên, để có kinh phí trang bị thêm xe cứu thương đang là một vấn đề nan giải. Thường thì kinh phí để trang bị xe cứu thương được tỉnh cấp thẳng cho các bệnh viện nên các bệnh viện tự cân đối để mua. Số lượng được mua loại xe này có hạn nên để trang bị thêm xe cứu thương ở các bệnh viện tuyến huyện là rất khó.

Thời gian qua, Sở Y tế cũng có hỗ trợ trang bị xe cứu thương cho một số huyện nhưng không đủ. Phần lớn, các xe cứu thương đều do các dự án hỗ trợ cho bệnh viện hoặc là các ngân hàng tài trợ. Trước đây, các bệnh viện tuyến huyện cũng đã được hỗ trợ xe mới nhưng cũng chỉ đủ để thay thế những chiếc xe đã cũ trước đó không còn sử dụng được.

Nghị quyết 90-CP của Chính phủ về xã hội hóa công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân đã nêu rõ, việc chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ là nhu cầu thiết yếu của mỗi người dân và của cả cộng đồng. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Y tế, mà còn là trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng và chính quyền, của các đoàn thể quần chúng và tổ chức xã hội.

Vì vậy, thực hiện xã hội hoá công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân là cần thiết và phù hợp với xu thế của thời đại. Đó là việc, đa dạng hoá các hình thức cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ (Nhà nước, tập thể, dân lập, tư nhân...), trong đó y tế Nhà nước có vai trò chủ đạo. Cho phép nhiều lực lượng có hiểu biết và kinh nghiệm nghề nghiệp tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ dưới sự quản lý của Nhà nước, nhằm cung cấp dịch vụ y tế ngày càng thuận tiện cho người dân và giảm bớt sức ép về ngân sách cho Nhà nước.

Khuyến khích các tổ chức, các cá nhân trong và ngoài nước thành lập các phòng khám, chữa bệnh nhân đạo. Mở rộng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà, các nhà thuốc tư nhân, các quầy thuốc, tủ thuốc tại trạm y tế xã phục vụ sức khoẻ cộng đồng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh ta cũng đã xuất hiện nhiều phòng khám tư nhân, các cơ sở bán thuốc và thiết bị y tế... do các doanh nghiệp, cá nhân làm chủ và xe cứu thương cũng không ngoại lệ. Nhận thấy xe cứu thương tại các bệnh viện không đáp ứng được nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều của bệnh nhân nên cũng có một số công ty, cơ sở tư nhân đã trang bị xe cứu thương để vận chuyển bệnh nhân theo dịch vụ.

Ông Cường cho biết, tùy vào điều kiện của các bệnh viện, nếu bệnh viện không đáp ứng được thì xe cứu thương theo dịch vụ cũng là một giải pháp để giảm bớt tình trạng người dân gọi xe cứu thương nhưng lại phải chờ đợi rất lâu. Để có thể làm dịch vụ vận chuyển bệnh nhân thì các công ty, cơ sở y tế tư nhân phải đến bộ phận giao dịch một cửa của Sở Y tế để làm hồ sơ, sau đó Sở sẽ kiểm định nếu cơ sở dịch vụ đó bảo đảm đủ các yêu cầu theo quy định của Nhà nước thì sẽ được cấp phép hoạt động vận chuyển.

Và tất nhiên, xe cứu thương dịch vụ cũng phải được trang bị đầy đủ như các xe cứu thương ở bệnh viện. “Dịch vụ xe cấp cứu tư phải đảm bảo chuyên môn, phải được quản lý chặt chẽ. Với nhu cầu hiện nay, xã hội hóa xe cứu thương để vận chuyển bệnh nhân là phù hợp, nhưng buộc xe phải đủ điều kiện hoạt động”, ông Cường chia sẻ.

Lan Chi