.

Bảo hiểm y tế cho người cận nghèo: Ích lợi nhiều nhưng vẫn khó

Thứ Sáu, 22/08/2014, 09:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh đặc biệt có ý nghĩa trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Giá trị thiết thực của BHYT càng được khẳng định khi nó đã trở thành cứu cánh của rất nhiều người, nhất là khi họ mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Quảng Trạch số lượng người dân tham gia BHYT dành cho đối tượng cận nghèo vẫn còn thấp vì còn quá nhiều bất cập như khả năng tài chính hạn chế, sự phiền hà, sách nhiễu của các cơ sở y tế khi người dân đến khám bệnh...

Bảo hiểm y tế là cứu cánh

Anh Đoàn Quốc Tranh, Phó Giám đốc phụ trách Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Quảng Trạch cho biết, BHYT cho hộ cận nghèo được chia thành hai loại, một loại được Nhà nước hỗ trợ 100% và một loại theo hình thức tự nguyện là phải đóng 20% - 25% (số còn lại sẽ được Nhà nước và Dự án Bắc Trung bộ hỗ trợ).

Theo Quyết định 705 của Thủ tướng Chính phủ được ký ngày 8-5-2013 về việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng thuộc hộ cận nghèo thì người thuộc hộ cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 và người thuộc hộ cận nghèo mới thoát nghèo với thời gian hỗ trợ là 05 năm sẽ được hỗ trợ 100% khi tham gia BHYT.

Tại các huyện, thành phố khác Quyết định 705 được triển khai thực hiện ngay từ đầu năm nhưng ở huyện Quảng Trạch phải đến tháng 7 mới thực hiện được vì quá trình chia tách huyện đã ảnh hưởng đến công tác xét duyệt ở các địa phương. Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện Quảng Trạch có 16.208 người thuộc đối tượng cận nghèo tham gia BHYT, trong đó có 13.000 đối tượng được hỗ trợ 100% khi tham gia BHYT.

Đối với người nghèo và cận nghèo, BHYT đã chứng minh được giá trị thiết thực của mình. Anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Quảng Tùng (Quảng Trạch) theo bạn bè cùng trang lứa vào miền Nam để kiếm sống nhưng với đồng lương ba cọc ba đồng không thể bảo đảm cuộc sống cho vợ con. Sau đó, để kiếm kế sinh nhai, anh quyết định đưa vợ con lên Đà Lạt để kiếm sống bằng nghề cắt cỏ tại các vườn hoa.

Tư vấn, hướng dẫn người dân làm thủ tục để bảo đảm quyền lợi khi tham gia mua BHYT.
Tư vấn, hướng dẫn người dân làm thủ tục để bảo đảm quyền lợi khi tham gia mua BHYT.

Nhưng tai ương lại đến với gia đình anh khi trong một lần đi kiểm tra sức khỏe anh phát hiện mình bị bệnh tiểu đường, từ một thanh niên trai tráng anh trở nên ốm yếu trông thấy. Từ khi mắc bệnh, anh không đi làm được nữa nên cuộc sống lại càng khó khăn hơn, đồng lương ít ỏi của vợ anh từ công việc làm cỏ hoa cũng không đủ để nuôi sống gia đình và tiền để mua thuốc điều trị bệnh cho anh lại càng trở nên xa vời.

Vậy là cả gia đình anh lại dắt díu nhau về quê để tìm con đường sống. Cả hai bên họ hàng đều có hoàn cảnh khó khăn nên cũng không giúp đỡ được nhiều trong khi tiền thuốc điều trị lại quá cao so với số tiền mà vợ anh kiếm được. Cũng may, nhờ được tư vấn và giúp đỡ anh đã tham gia mua thẻ BHYT tự nguyện dành cho đối tượng cận nghèo. Anh Dũng cho biết, trước đây cũng do chủ quan, mình còn thanh niên trai tráng, khỏe mạnh, có mấy khi ốm đau nên chẳng để ý gì đến chuyện mua thẻ BHYT, mua mà không dùng rồi cũng lãng phí. Nhưng đến khi đổ bệnh mới biết thẻ BHYT quan trọng như thế nào.

Sau khi tham gia BHYT, chi phí thăm khám và mua thuốc định kỳ hàng tháng của anh đã giảm. Thay vì phải hết 1 triệu đồng/1 tháng thì nay anh chỉ mất khoảng 200-300 nghìn đồng. “Nếu không có thẻ bảo hiểm thì gia đình tôi không biết phải làm thế nào khi cả gia đình đang sống dựa vào đồng lương ít ỏi của vợ”, anh Dũng tâm sự.

Không chỉ có trường hợp của anh Dũng mà còn rất nhiều gia đình cận nghèo khác đã thoát khỏi tai ương nhờ tham gia BHYT.

Còn nhiều bất cập

Dù BHXH huyện Quảng Trạch đã có nhiều chính sách ưu đãi và rút ngắn mọi thủ tục nhưng người dân vẫn không mấy mặn mà với BHYT tự nguyện dành cho đối tượng cận nghèo. Theo anh Quốc Tranh, tại mỗi địa phương đều có mạng lưới bảo hiểm cơ sở để tiện cho người dân khi có ý định tham gia BHYT.

Bên cạnh đó, BHXH ngày càng nới dần về thủ tục để bảo đảm quyền lợi của người dân. Nếu như trước đây đối với chế độ thai sản người dân phải tham gia bảo hiểm từ 6 tháng mới được hưởng quyền lợi từ thẻ bảo hiểm nhưng nay thì được hưởng quyền lợi ngay từ khi thẻ BHYT bắt đầu có giá trị. Anh Tranh cho biết thêm, hiện ngành BHXH đang đối mặt với rất nhiều khó khăn đối với việc vận động người dân tham gia BHYT tự nguyện dành cho người cận nghèo vì còn quá nhiều bất cập.

Điều đó thể hiện ngay trên ý thức của mỗi người về vấn đề chăm sóc sức khỏe của bản thân cũng như các thành viên trong gia đình, rất nhiều người còn thờ ơ với BHYT, chưa coi đó là việc thiết yếu hoặc có thể gọi là việc phòng thân. Đa số người dân thuộc đối tượng tự nguyện chỉ khi ốm đau hoặc có nguy cơ ốm đau cao mới tham gia BHYT, số người tham gia BHYT để dự phòng rủi ro chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vậy nên mới có những trường hợp chuẩn bị sinh nở thì tham gia, mẹ tròn con vuông, thấy sức khỏe ổn định thì sau đó lại thôi.

Một nguyên nhân phổ biến với đối tượng này là những khó khăn về tài chính. Họ phải làm việc rất vất vả để mưu sinh, không có điều kiện thường xuyên chăm sóc sức khỏe, chỉ đến khi không thể gắng gượng được nữa mới đi khám và điều trị thì bệnh tình đã nặng, lúc ấy mới vội vàng đi đăng ký mua BHYT.

Thực tế cho thấy, khi tham gia BHYT ngoài số tiền được Nhà nước và Dự án Bắc Trung bộ hỗ trợ thì người tham gia phải bỏ ra số tiền tương đối cao. Một gia đình có 5-6 thành viên thì đóng khoảng 500-600 nghìn đồng. Đây là một số tiền khá lớn so với thu nhập mà họ kiếm được cho nên dù đã được hỗ trợ nhưng số người tham gia vẫn còn khá khiêm tốn.

Bên cạnh đó, chính sự phiền hà và thiếu quan tâm của một số y, bác sĩ tại bệnh viện khi người dân đến thăm khám cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân không mấy mặn mà.

Anh Nguyễn Văn Trung, ở xã Quảng Kim chia sẻ: “Nhận thức được tầm quan trọng của thẻ BHYT mỗi khi ốm đau bệnh tật nên năm nào tôi cũng tham gia mua thẻ BHYT nhưng nhiều lúc tôi cũng cảm thấy bất bình trước thái độ phục vụ của một số nhân viên tại bệnh viện. Chúng tôi có cảm giác là họ coi trọng những bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm hơn là những người có thẻ như chúng tôi trong khi chúng tôi cũng bỏ tiền ra để mua thẻ chứ không phải được cho không”.

Mặc khác, thẻ bảo hiểm thì được bán ngay tại địa phương nhưng khi có nhu cầu thì lại phải đi hàng chục cây số để khám chữa bệnh vì tại các trạm y tế năng lực chuyên môn cũng như trang thiết bị còn khá thô sơ nên không đáp ứng được.

Lan Chi