.

Tập trung đẩy mạnh công tác biển, đảo

Thứ Sáu, 18/07/2014, 23:24 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện công tác biển, đảo, xem đây là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn tỉnh về chủ quyền biển, đảo, các sở, ban, ngành, địa phương đã chủ động trong công tác tuyên truyền về pháp luật, đường lối, chủ trương chính sách quản lý về biển, đảo với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Toàn tỉnh đã tập trung vào việc thực hiện Đề án tổng thể tuyên truyền bảo vệ chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông; triển khai chiến dịch vận động, quyên góp “Kết nối Biển Đông” để ủng hộ ngư dân và các hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ tuyên truyền về biển, đảo, biên giới quốc gia cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, truyền thông và cán bộ thông tin, truyền thông cơ sở...

Tình hình bảo vệ an ninh, quốc phòng vùng biển, trên biển và hải đảo được đẩy mạnh. Ban Chỉ đạo biển đảo tỉnh đã tổ chức đánh giá năng lực phương tiện, cung cấp số liệu, xây dựng kế hoạch, bố trí phương tiện, lực lượng tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, tổ chức thực hiện Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng cùng một số nội dung liên quan khác.

Lực lượng công an đã  tập trung bám sát cơ sở, nắm chắc tình hình nổi lên tại các địa bàn ven biển, nhất là trên lĩnh vực đất đai, chính sách xã hội, chỉ đạo phòng ngừa, ngăn chặn thủ đoạn tuyên truyền mới của Trung Quốc về việc in, phát hành bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tuyên truyền, phổ biến bộ bản đồ cổ và các đĩa phim tài liệu “Hoàng Sa - Trường Sa nơi ghi dấu hồn thiêng đất Việt” và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản, giữ gìn vệ sinh môi trường biển, đảo.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương đã tập trung đẩy mạnh hoạt động của các mô hình bảo đảm an ninh trật tự vùng biển như Đội xung kích an ninh, Tổ thuyền tự quản, Bến thuyền an toàn, Xứ đạo bình yên, Tổ đoàn kết khai thác thủy hải sản trên biển, Nghiệp đoàn nghề cá... từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng công an ven biển.

Những năm qua, tỉnh ta đã triển khai thực hiện Quyết định 158/2007/TTg ngày 9-10-2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm Quy hoạch - Điều tra - Đánh giá tài nguyên môi trường biển và hải đảo trong thực hiện dự án “Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý tổng hợp vùng bờ tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo biển đảo đã tham mưu trình UBND tỉnh chủ trương thực hiện các dự án: “Điều tra, đánh giá tài nguyên - môi trường vùng bờ tỉnh Quảng Bình”, “Điều tra, thống kê các nguồn thải, loại chất thải và lượng phát thải tại các vùng cửa sông ven biển, vùng biển tỉnh Quảng Bình”, Đề án “Truyền thông về quản lý tổng hợp đới bờ tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến 2020”. Tỉnh đã xây dựng đề cương nhiệm vụ thực hiện dự án “Xây dựng, phổ biến kiến thức pháp lý cơ bản về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên, môi trường biển, đảo”, tích cực thu thập số liệu điều tra về biển, đảo trên địa bàn tỉnh, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra quản lý tổng hợp vùng ven biển, hải đảo.

Công tác giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực ven biển được đẩy mạnh với hơn 8.500 lao động (trong đó có hơn 1.100 lao động đi làm việc ở nước ngoài), tạo thêm việc làm cho 4.500 lao động, đưa tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực ven biển xuống 2,7%, nâng tỉ lệ sử dụng thời gian lao động lên 80,02%. Các ngành chức năng còn tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động khu vực ven biển (năm qua có 2.227 lao động).

Hoạt động tư vấn, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng công nghệ, thiết bị vào sản xuất, hỗ trợ xây dựng phát triển thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp, cơ sở, cá nhân triển khai dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại tại các xã ven biển trong tỉnh được chú trọng. Tỉnh đã xây dựng “Chương trình hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2013 - 2020”, trong đó có các doanh nghiệp và cơ sở ven biển.

Tỉnh đã phân bổ nguồn vốn từ các chương trình liên quan đến biển, đảo gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về Dân số - kế hoạch hóa gia đình (Đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển), Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (Dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo), Chương trình MTQG đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; triển khai xây dựng 5 công trình được bố trí từ nguồn bổ sung có mục tiêu ngân sách Trung ương  các công trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển và hệ thống đê sông; khu neo đậu và tránh trú bão cho tàu thuyền) năm 2013 và 1 công trình được bố trí từ nguồn vốn ODA (vay, viện trợ) năm 2013. Ngoài ra, tỉnh đã tăng cường huy động, kêu gọi xúc tiến đầu tư, lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư phát triển vùng biển, đảo, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng, giảm nghèo, nâng cao năng lực cộng đồng, phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển, hải đảo.

Xác định công tác biển, đảo là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có vai trò chiến lược đối với sự phát triển toàn diện của tỉnh, thời gian tới Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo, chủ động nắm bắt tình hình để triển khai có hiệu quả các nội dung của công tác này.

Một trong những nhiệm vụ được đặc biệt chú trọng là đẩy mạnh các hoạt động tuyền truyền về biển, đảo gắn với công tác tuyên truyền về thông tin đối ngoại; chú trọng đến việc tuyên truyền, quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011-2015; phổ biến các chủ trương, chính sách liên quan đến người lao động khu vực ven biển nhằm tạo sự chuyển biến nhận thức sâu rộng hơn nữa về khai thác nguồn lợi thủy sản gắn với việc bảo vệ chủ quyền biên giới biển, đảo, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới biển, chấp hành tốt các quy định của pháp luật khi hành nghề trên biển...

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác “Xây dựng kế hoạch bảo đảm về quốc phòng - an ninh vùng ven biển, trên biển, hải đảo thuộc tỉnh; thực hiện có hiệu quả việc vận động, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề khai thác và đóng tàu sắt theo Chương trình thí điểm đóng mới tàu sắt của Tổng Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam để tham gia khai thác hải sản ở vùng biển xa, đồng thời xây dựng, nâng cao năng lực hệ thống thông tin liên lạc nghề cá, cung cấp thường xuyên, kịp thời cho nhân dân các thông tin về dự báo thời tiết nhằm hạn chế tối đa tai nạn trên biển khi gặp thời tiết không thuận lợi.

P.V