.

Mưu sinh ngày hè

Thứ Tư, 16/07/2014, 13:46 [GMT+7]

(QBĐT) - Ngày hè là khoảng thời gian các em được nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm miệt mài học tập. Nhưng với những em có hoàn cảnh khó khăn thì mùa hè lại là mùa hối hả bươn chải mưu sinh bằng rất nhiều công việc khác nhau mong sao kiếm được chút tiền nhỏ để giúp đỡ gia đình và chuẩn bị hành trang cho năm học mới.

Những đứa trẻ không có mùa hè

Giữa cái nắng cháy da trên đường, người đi làm, đi học, ai cũng kín mít mũ áo, găng tay, kính mát, vội vàng về nhà, đến công sở để trốn nắng nóng. Vậy mà vẫn có những đôi bàn chân bé tí đã sớm chai sạn vì đất đá, tấm lưng nhỏ như oằn cong dưới cái nắng cháy da, cháy thịt mong kiếm thêm chút thu nhập giúp đỡ bố mẹ trong những ngày hè.

Em Nguyễn Minh Hoàng (sinh năm 2002, ở Quảng Trạch) gương mặt sạm đen với những giọt mồ hôi chảy đầy trên thân hình nhỏ thó. Trên tay em là một túi bóng nhỏ đựng hộp xi và bàn chải để đánh giày.

Đến bao giờ những đứa bé như Hoàng mới có mùa hè đúng nghĩa?
Đến bao giờ những đứa bé như Hoàng mới có mùa hè đúng nghĩa?

Gương mặt hốc hác, em cho biết hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn. Bố mẹ đều làm nông, em đi học một buổi, còn một buổi ở nhà giúp bố mẹ chăn trâu, cắt cỏ. Khi được nghỉ học em vào Đồng Hới đánh giày kiếm tiền mua sách vở cho năm học mới. Đây cũng là năm thứ 2 em làm nghề này. Sáng đi, chiều tối mịt em và một vài bạn khác mới về. Em cho biết: Trung bình mỗi ngày em đánh được từ 10 đến 15 đôi, ngày mưa, thì người đánh giày nhiều hơn, còn ngày nắng như thế này rất ít khách.

Không chỉ em Hoàng mà rất nhiều học sinh trên địa bàn tỉnh ta có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mùa hè đến là dịp các em lặn lội ra các cánh đồng chăn trâu, cắt cỏ, mò cua, bắt ốc... hay ra thành phố kiếm việc làm thêm. Em Phạm Thị Thảo, quê ở Lệ Thủy, chuẩn bị bước vào lớp 10. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, em phải về Đồng Hới kiếm việc. Được người quen giới thiệu, em đã làm giúp việc cho quán ăn. Công việc vất vả nhưng em vui vì có thể kiếm thêm tiền giúp gia đình.

Dọc bãi biển, một số đứa bé lại mưu sinh bằng việc lượm lặt các lon bia đang rơi vải trên các bàn ăn, bãi biển để đem về bán. Các em hầu hết còn rất nhỏ, đang bậc tiểu học, trung học. Cứ 3 lon các em bán được 1.000 đồng, nhưng với sự cần mẫn, chịu thương, chịu khó mỗi ngày các em cũng kiếm được vài chục ngàn. "Nếu không đi làm thì vào năm học mới em sẽ không có sách vở, quần áo để đến trường", một em nhỏ tâm sự.

Phía sau cuộc sống mưu sinh lầm lũi của những đứa trẻ nghèo khó ấy là mơ ước cháy bỏng một tập sách mới, một chiếc xe đạp để được đến trường như bao trẻ thơ khác. Nhìn những ánh mắt thơ ngây, nụ cười mãn nguyện ấy nhiều người không khỏi chạnh lòng chua xót. Bởi đằng sau sự hồn nhiên ấy là những giọt mồ hôi đắng chát vì cuộc sống với những cạm bẫy vẫn luôn rình rập các em.

Đối mặt với nhiều cạm bẫy

Không nói tới nỗi cực nhọc, thiệt thòi của tuổi thơ trong cuộc mưu sinh, những đứa trẻ quê nghèo ra thành phố cũng phải đối mặt với biết bao cạm bẫy đang rình rập. Với những đứa trẻ mới chập chững vào nghề thì dễ bị các “anh, chị” đi trước chèn ép, dọa nạt. Tệ hơn nữa các em là những “con mồi” béo bở của những kẻ vô lương tâm trong xã hội. Một số em vì sức hút mạnh mẽ của đồng tiền mà sau mấy tháng hè đã không muốn quay trở về trường học. Còn chưa kể đến những tệ nạn xấu như nghiện hút, ma túy... rất dễ xâm nhập vào lứa tuổi các em.

Dẫu rằng, các tổ chức, cá nhân, đoàn thể xã hội đã rất quan tâm, chung tay hỗ trợ dưới nhiều hình thức nhằm giúp học sinh nghèo vượt qua khó khăn, nhưng dường như những hỗ trợ kia chưa thấm tháp gì so với nhu cầu.

Theo số liệu thống kê của Phòng Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện Quảng Bình có gần 3.213 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gần 26.488 trẻ em đang sống trong các gia đình nghèo, cận nghèo cần được giúp đỡ, 351 trẻ em sống trong các gia đình có vấn đề xã hội... Biết bao giờ những đứa trẻ này mới có được kỳ nghỉ hè đúng với cái nghĩa của nó?.

Phạm Hà