.

Ghi ở Thọ Đơn

Thứ Sáu, 25/07/2014, 21:35 [GMT+7]

(QBĐT) - Những năm qua, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” ở thôn Thọ Đơn, phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi, phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần phong phú, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

>> Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân để xây dựng thị xã Ba Đồn ngày càng giàu đẹp

Nhận thức rõ đây là một cuộc vận động lớn, mang tính chất toàn diện, toàn dân, có nghĩa thiết thực đối với đời sống nhân dân, Ban công tác Mặt trận thôn Thọ Đơn đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các nội dung của cuộc vận động tới cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân thông qua buổi sinh hoạt thường kỳ, trong các buổi họp dân, những ngày lễ, tết...

Trong đó, tập trung vào thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi, tang ma, lễ hội, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng khu dân cư không có tội phạm, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, phát huy tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng...

Để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân, nhiều biện pháp được triển khai thực hiện như tích cực tuyên truyền, phát động các phong trào thi đua hăng say lao động sản xuất, làm giàu chính đáng; khuyến khích việc tận dụng khai thác đất đai, động viên bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây con có tiềm năng...

Năm 2013, tổng thu nhập kinh tế ở thôn đã tăng trưởng lên trên 66 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 20 triệu đồng/người/năm. Số hộ giàu, khá ngày càng tăng, hộ nghèo giảm hằng năm và đến nay trên địa bàn thôn không còn hộ đói. Tính đến nay, Thọ Đơn đã xóa hết nhà tạm, có nhiều nhà kiên cố, bền vững được xây mới. Trong thôn cũng có nhiều hình thức giúp đỡ lẫn nhau về giống, vốn, kỹ thuật để cùng phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu như mô hình quỹ tiết kiệm góp vốn của chi hội phụ nữ với trên 250 chị em tham gia.

Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” gắn với phong trào xây dựng NTM đã góp phần thay đổi diện mạo thôn Thọ Đơn.
Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” gắn với phong trào xây dựng NTM đã góp phần thay đổi diện mạo thôn Thọ Đơn.

Ông Lê Vĩnh Tuy, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Thọ Đơn cho biết: “Thời gian đầu, gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động sức người, sức của của nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là trong công tác giải tỏa mở đường bởi hầu hết nhà nào cũng trồng tre quanh vườn, nhưng tre lại là nguồn nguyên liệu để làm nghề đan lát có từ thời cha ông để lại. Nhiều gia đình ở Thọ Đơn coi đây là nghề chính, là nguồn thu nhập cơ bản.

Tuy nhiên bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động thiết thực, hiệu quả của các thành viên trong Ban công tác Mặt trận, người dân trong thôn dần hiểu ra và nhiệt tình hưởng ứng”. Hiện tại, bà con Thọ Đơn đã hiến trên 2.200 m2 đất, hàng ngàn cây tre, gỗ các loại, huy động 600 ngày công tham gia mở đường. Hầu hết các con đường trong thôn đã được cứng hóa bằng bê tông. Người dân trong thôn cũng tự nguyện đóng góp toàn bộ kinh phí làm gần 2,5km đường liên xã.

Toàn thôn Thọ Đơn hiện có 734 hộ với 3.386 nhân khẩu. Mặc dù đời sống kinh tế của người dân ngày một khấm khá nhưng tình trạng trẻ em bỏ học, lang thang khắp các địa phương trong tỉnh để đánh giày vẫn còn xảy ra. Đây thực sự là một vấn đề nhức nhối ở địa phương trong những năm qua, đặc biệt có năm số lượng trẻ em này lên tới 70-80 em.

Trước thực trạng này, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đã tổ chức hàng chục cuộc họp, hội thảo để giải quyết tình trạng này nhưng vẫn đâu vào đó, đưa các em về nhà được một thời gian thì hầu hết đều quay lại đường cũ. Thế rồi Mặt trận thôn đã vào cuộc, một mặt tiếp tục tuyên truyền hằng ngày trên hệ thống loa phát thanh của thôn cho gia đình các em hiểu, mặt khác thành lập nhiều tổ công tác vào tận Hoàn Lão, TP. Đồng Hới để tiếp cận và vận động các em về nhà. Chỉ sau một thời gian ngắn vào cuộc, số lượng trẻ em làng Thọ Đơn lang thang đi đánh giày đã giảm hẳn.

Thọ Đơn cũng là một trong những thôn sớm xây dựng được quy ước thôn, làng và được người dân chấp hành nghiêm túc, trong đó chú trọng phát huy vai trò của các dòng họ trong thực hiện hương ước, quy ước như: dòng họ không có người nghiện và tàng trữ chất ma tuý, không có người vi phạm pháp luật, không có người trộm cắp, cờ bạc và dòng họ vận động xây dựng gia đình văn hoá... Mỗi người dân trong thôn đều ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời gắn kết quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng chặt chẽ hơn, tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn bó.

Trong thôn có 4 xóm tạo thành 4 cụm dân cư thì cả 4 xóm đều có các đội bóng đá, bóng chuyền, đội kéo co nam nữ thường xuyên luyện tập, tổ chức giao lưu biểu diễn phục vụ nhân dân những ngày lễ tết, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị, xây dựng nếp sống văn minh, phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc. Hoạt động khuyến học, khuyến tài  luôn được ban công tác mặt trận thôn và các gia đình quan tâm.

Hiện 100% trẻ em trong thôn ở tuổi đi học đều được đến trường, thôn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở trở lên. Công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể cũng đạt nhiều kết quả, nhân dân luôn đoàn kết, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Đến nay, trong thôn không có người vi phạm pháp luật, không có đơn khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, góp phần tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, nhất là củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền, các tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan từng bước được đẩy lùi.

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” ở thôn Thọ Đơn đã thực sự phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân. Đây là nền tảng vững chắc để Thọ Đơn nâng cao đời sống của người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

X.Phú