.

Công trình thủy lợi Vực Tròn "kêu cứu"

Thứ Năm, 17/07/2014, 16:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Được xây dựng từ những năm tám mươi của thế kỷ trước, công trình thủy lợi Vực Tròn cung cấp nước tưới tiêu và sinh hoạt cho 8 xã của huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. Trải qua hàng chục năm hoạt động, đến nay công trình thủy lợi Vực Tròn đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều thiết bị quan trọng của công trình này bị phá hoại, lấy cắp.

Công trình xuống cấp

Theo ông Phạm Đình Phẩm, Trưởng chi nhánh thủy nông Quảng Trạch cho biết: Công trình thủy lợi Vực Tròn có diện tích lưu vực khoảng 110km2,  dung tích hồ 52.800.000m3 nước, với hệ thống kênh chính bắc và kênh chính nam có chiều dài 40km đi qua 8 xã, phường của huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn: Quảng Châu, Quảng Kim, Quảng Tùng, Quảng Hưng, Quảng Xuân, Quảng Long, Quảng Thọ, Quảng Phúc. Trong đó, tuyến kênh qua xã Quảng Xuân có chiều dài lớn nhất 5km.

Ngoài hệ thống kênh chính thì công trình thủy lợi Vực Tròn còn có hàng chục hệ thống các kênh phụ được đấu nối trực tiếp để dẫn ra phục vụ tưới tiêu nội đồng cho các địa phương. Hằng năm, công trình này cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho khoảng 1.300ha diện tích lúa vụ đông - xuân, hè - thu và nguồn nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân của 8 địa phương nói trên.

Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu nên hiện nay công trình thủy lợi Vực Tròn đang ngày càng xuống cấp. Theo đánh giá của cán bộ nhân viên quản lý Vực Tròn thì tình trạng sạt lở, rò rỉ nước xảy ra thường xuyên ở các tuyến kênh chính và kênh phụ. Nhiều nơi, hệ thống chống thấm không còn phát huy hiệu quả nên lượng nước thất thoát khá nhiều trong quá trình dẫn nước về các địa phương. Tình trạng này xảy ra nhiều nhất là ở hệ thống kênh chính phía bắc.

Một đoạn kè ở xã Quảng Tùng bị sạt lở nghiêm trọng.
Một đoạn kè ở xã Quảng Tùng bị sạt lở nghiêm trọng.

Ngoài ra, nhiều tuyến kênh ở xã Quảng Châu, Quảng Tùng, nơi được đầu tư xây dựng bờ kè xung quanh để chống xói mòn thì hiện nay cũng bị bong tróc, sạt lở nghiêm trọng. Nhiều mảng bê tông được gia cố bị nước cuốn trôi từng mảng, tạo nên mối nguy hiểm cho những hộ dân sống gần đấy vào những mùa mưa lũ. Mặc dù nắm rõ những vị trí xảy ra hư hỏng trên nhưng do công trình đã quá cũ và nguồn ngân sách hạn hẹp nên việc khắc phục rất khó khăn, có chăng cũng chỉ mang tính tạm thời.

Bị xâm hại nghiêm trọng

Là công trình được đầu tư xây dựng với mục đích phục vụ cho việc sản xuất và nhu cầu sinh hoạt 8 địa phương nói trên của huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn, đối tượng được hưởng lợi đầu tiên chính là những người dân nơi có công trình đi qua. Vì vậy, Vực Tròn là một tài sản chung đồ sộ mà mọi người đều có quyền và trách nhiệm để bảo vệ.

Thế nhưng, không phải ai cũng nhận thức rõ điều đó. Nhiều thiết bị quan trọng của công trình bị một số người dân tháo dỡ mang về bán hoặc sử dụng trong gia đình diễn ra phổ biến ở rất nhiều địa phương. Tại phường Quảng Phúc (thị xã Ba Đồn), chỉ tính chưa đến 100m chiều dài của kênh thì đã có hàng chục thanh giằng bị đập và lấy mất, có thanh bị đập gãy làm đôi không thể dùng được nên nằm trên kênh.

Theo những người dân địa phương thì những thanh giằng này nếu đem về có thể tận dụng làm cột chống hoặc làm được nhiều thứ khác. Đối với những điểm có lắp đặt các thiết bị làm bằng sắt, thép như: van đóng nối, cửa cống đều bị lấy trộm và đem đi bán sắt vụn. Một nhân viên quản lý công trình thủy lợi Vực Tròn ở phường Quảng Thọ (thị xã Ba Đồn) cho biết: Những thứ này khi đã bị tháo đi thì đem bán cũng không được mấy tiền nhưng làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình vận hành của công trình.

Không chỉ xảy ra tình trạng mất cắp hay phá hoại mà nguy hiểm hơn là tình trạng người dân cố ý xâm hại đến công trình. Đặc biệt, nhiều nhà ở, công trình chăn nuôi được xây dựng một cách kiên cố ngay hành lang kênh, thậm chí là sát với kênh. Dù biết đó là hành vi vi phạm đến hành lang công trình thủy lợi nhưng nhiều người vẫn phớt lờ hoặc hứa hẹn sẽ dỡ bỏ mỗi khi bị nhắc nhở hoặc yêu cầu. Theo thống kê, tình trạng xây dựng các công trình lấn chiếm hành lang ở khu vực kênh nam của công trình thủy lợi Vực Tròn là 211 trường hợp.

Trong đó, xã Quảng Tùng 30 hộ vi phạm, đã giải tỏa được 19 hộ; Quảng Hưng 101 trường hợp, đã giải tỏa được 3 hộ. Ông Phạm Đình Phẩm cho biết: "Mặc dù tình trạng lấn chiếm hành lang công trình đã được thống kê và lập biên bản từng hộ. Tuy nhiên, việc giải quyết dứt điểm tình trạng này rất khó, bởi chúng tôi không có thẩm quyền xử phạt hay cưỡng chế những hộ vi phạm.

Sau khi lập biên bản, chúng tôi đều gửi lên cho chính quyền xã để có biện pháp xử lý nhưng đến nay, hầu như rất ít xã thực hiện được điều này". Cũng theo ông Phẩm thì việc những người dân sống xung quanh khu vực kênh vô tư xả rác thải xuống kênh gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến lưu thông dòng nước cũng đang là vấn đề nhức nhối mà chính quyền các xã vẫn chưa có biện pháp ngăn ngừa. Dọc các tuyến kênh xã Quảng Tùng, Quảng Châu nhiều hộ dân thiếu ý thức vô tư xả rác thải xuống kênh khiến cho các cửa cống rác dồn ứ lại, gây tắc nghẽn dòng chảy.

Có thể khẳng định rằng, những năm qua Vực Tròn là công trình thủy lợi đã đem lại một sự đổi thay, diện mạo mới cho 8 xã, phường nói trên của huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. Việc một công trình có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng đang bị xâm hại và xuống cấp đặt ra câu hỏi về ý thức trách nhiệm của một số người dân đối với công trình và trên hết là sự quản lý của những địa phương nơi công trình đi qua.

Đ.Nguyệt