.

Xe đạp điện, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông

Thứ Tư, 16/04/2014, 10:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn TP. Đồng Hới có một loại phương tiện giao thông được rất nhiều bạn trẻ ưa chuộng, đó là xe đạp điện. Đây là loại phương tiện không tốn xăng, thiết kế gọn nhẹ, không gây ô nhiễm môi trường, tốc độ nhanh hơn xe đạp thường, điều khiển khá dễ dàng và không cần phải có giấy phép lái xe... Tuy nhiên, loại xe này đang có nguy cơ cao về mất TTATGT.

Từ khi các trường học và các ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và xử lý các trường hợp học sinh chưa đủ tuổi sử dụng mô tô, xe gắn máy đến trường, nhiều phụ huynh đã chọn mua xe đạp điện cho con em mình làm phương tiện đi học.

Với thực tế như hiện nay, xe đạp thông thường do hạn chế về thời gian, tốc độ và tốn công sức trong hoàn cảnh các em học sinh phải đi học ôn, học thêm nhiều thì chiếc xe đạp điện là giải pháp tương đối hiệu quả, giúp cho việc đi học của học sinh trở nên dễ dàng hơn. Từ đó số lượng người sử dụng phương tiện này ngày càng tăng.    

Ở TP. Đồng Hới và trung tâm các huyện, thị trấn, các cửa hàng kinh doanh xe đạp điện mọc lên đáng kể. Chỉ riêng đại lý xe đạp điện Minh Quang, đường Mẹ Suốt, Đồng Hới, mỗi tháng bán trung bình khoảng 20 đến 30 xe; bán buôn cho các cửa hàng khác cũng đến chừng đó xe. Các đại lý xe đạp điện ở Đồng Hới thường xuyên trưng bày hàng chục chiếc xe, đủ các hãng như Honda, Yamaha, Giant... với nhiều màu sắc, kiểu dáng phong phú, hấp dẫn, giá cả trong khoảng từ 7 triệu đồng đến 13 triệu đồng.

Xe đạp điện đã trở thành loại phương tiện ngày càng phổ biến thì điều đáng nói là đại đa số người điều khiển xe đạp điện đều chưa có ý thức chấp hành Luật ATGT. Việc này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao khi xảy ra TNGT vì xe đạp điện có tốc độ tối đa tương đương với tốc độ được phép lưu hành của xe máy (40km/h).

Tình trạng học sinh điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm khá phổ biến ở Đồng Hới.
Tình trạng học sinh điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm khá phổ biến ở Đồng Hới.

Trên các tuyến đường gần trường THPT, THCS ở TP. Đồng Hới hàng ngày vào giờ tan trường không khó để nhận ra từng nhóm học sinh sử dụng xe đạp, xe đạp điện dàn hàng ngang đi trên đường, cười nói vô tư và dường như "quên" rằng mình đang vi phạm Luật ATGT. Khi được hỏi, em Lê Dũng H. học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng vô tư rằng: "Em chưa nghe nói đến việc phải đội mũ bảo hiểm khi sử dụng xe đạp điện nên em chưa bao giờ sử dụng mũ bảo hiểm khi điều khiển xe đạp điện". Em Thu Ngân, học sinh Trường THPT Đào Duy Từ cho biết: "Ở lớp em, có nhiều bạn đi học bằng xe đạp điện, nhưng có một số bạn thường xuyên không đội mũ bảo hiểm".

Tình trạng sau giờ tan học, không ít học sinh vừa điều khiển phương tiện, vừa bá vai bá cổ nhau, xe chở ba người, đi dàn hàng ngang, vừa đi vừa nói chuyện, nghe điện thoại xảy ra khá phổ biến. Có em còn đi bằng một tay. Không chỉ riêng các em học sinh mà nhiều người lớn tuổi và các bậc phụ huynh khi sử dụng xe đạp điện làm phương tiện tham gia giao thông, thay vì đội mũ bảo hiểm, họ lại dùng mũ lưỡi trai, nón lá, thậm chí cầm ô, tiềm ẩn gây TNGT.

Theo ông Võ Như Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, xe đạp điện là phương tiện được xếp vào loại xe gắn máy bởi nó di chuyển được nhờ động cơ điện và tốc độ tương đối lớn.  Do diện tích tiếp xúc của bánh xe với mặt đường nhỏ, dẫn tới độ ma sát kém nên khi phanh gấp khiến người đi xe dễ bị ngã văng ra, rất nguy hiểm, không chỉ cho bản thân người điều khiển xe, mà cho cả những người khác cùng tham gia giao thông trên đường.

Theo quy định tại Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, việc đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển và người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy là bắt buộc. Nếu người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng. Mặc dù quy định việc đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển và người ngồi trên xe đạp điện đã có từ 3 năm trước nhưng không hiểu vì lý do gì mà khi được hỏi, rất nhiều người đi xe đạp điện mơ hồ, không biết về quy định hay mức xử phạt khi vi phạm.

Được biết hiện nay cơ quan chức năng mới chỉ xử lý các trường hợp điều khiển xe máy điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không đúng quy cách mà chưa có hình thức xử lý đối với người điều khiển xe đạp điện. Đến thời điểm này chưa có số liệu về những vụ tai nạn do xe đạp điện gây ra, nhưng có nguy cơ tiềm ẩn về mất ATGT vì xe đạp điện không có đèn xi-nhan, không có gương chiếu hậu mà đối tượng sử dụng phần lớn là học sinh, chưa đủ khả năng để kiểm soát hành vi khi lái xe. Vì vậy các ngành chức năng cần sớm có những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa việc mất ATGT từ xe đạp điện, bảo đảm ATGT cho mỗi con người, mỗi gia đình và toàn xã hội.

H.Quân