.
Kỷ niệm 20 năm thành lập Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh (1994-2014):

Hai mươi năm đồng hành cùng người yếu thế

Thứ Năm, 17/04/2014, 09:56 [GMT+7]

(QBĐT) - Ông Mai Xuân Thu, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quảng Bình.

 

Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh thăm tặng quà cho các đối tượng người tàn tật tại địa bàn T.P Đồng Hới
Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh thăm tặng quà cho các đối tượng người tàn tật tại địa bàn TP Đồng Hới

* PV: Xin ông cho biết kết quả hoạt động của Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi (BTNTTTMC) tỉnh trong 20 năm qua?

- Ông Mai Xuân Thu: Hội BTNTTTMC tỉnh Quảng Bình được thành lập năm 1994 theo quyết định số 220/QĐ-UB của UBND tỉnh Quảng Bình. Hội có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động sự đóng góp của các cá nhân, đơn vị, tổ chức từ thiện trong ngoài nước để góp phần chăm lo đời sống cho người khuyết tật và trẻ mồ côi. Từ khi thành lập đến nay, Hội đã qua 4 lần đại hội.

Qua hai mươi năm hoạt động, Hội BTNTTTMC tỉnh đã được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự ủng hộ, phối hợp của các ngành, đơn vị địa phương, tổ chức từ thiện trong nước và quốc tế. Hội đã có nhiều đóng góp trong việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần của người tàn tật, trẻ mồ côi, khơi dậy và phát huy tính tương thân tương ái trong mỗi người, trong cộng đồng, chăm lo bảo trợ cho người tàn tật và trẻ mồ côi, giúp họ vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

20 năm qua, từ những đóng góp của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong ngoài nước, Hội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm giải quyết nhu cầu của người khuyết tật, trẻ mồ côi trên cơ sở bám sát các chương trình, đề án của Chính phủ, nhiệm vụ của Nhà nước dành cho đối tượng yếu thế này. Hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng phẫu thuật hở hàm ếch và hở môi cho 1200 cháu.

Các bác sĩ Bệnh viện 108 đã nhiều đợt xuống tận cơ sở khám, mổ hệ vận động, giải quyết cho các trường hợp bị khoèo tay, chân mang lại niềm vui cho 150 người. Trung tâm chỉnh hình phục hồi chức năng của Bộ LĐTBXH tại Đà Nẵng đã mổ cho 446 cháu. Nhiều trẻ em sau khi phẫu thuật đã có thể đến trường hoặc trở lại học tập bình thường. Hội đã huy động nguồn lực trong nước và quốc tế tặng xe lăn, xe lắc cho 1229 lượt người với tổng trị giá 2 tỷ 458 triệu đồng; trao học bổng cho 6500 học sinh mồ côi, khuyết tật nghèo; tặng xe đạp cho 300 học sinh mồ côi; tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho gần 3500 người khuyết tật.

Năm 2011, Trung ương Hội đã đề ra chương trình: "Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tại các xã xây dựng nông thôn mới" thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Năm 2013, Hội đã triển khai thí điểm dự án sinh kế cho người khuyết tật tại xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch. Dự án đã được các nhà tài trợ giúp đỡ vốn thông qua Hội BTNTTTMC Việt Nam với kinh phí 100 triệu đồng, Sở NNPTNN giúp 40 triệu đồng. Dự án đã hỗ trợ 11 con bò giống cho 11 hộ gia đình có người khuyết tật và làm đường tiếp cận cho 3 hộ gia đình.

20 năm qua, Hội đã vận động, kết nối để các nhà hảo tâm, các tổ chức, doanh nghiệp trao tặng cho người khuyết tật, trẻ mồ côi toàn tỉnh với tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền là trên 25 tỷ 768 triệu đồng; riêng năm 2012-2013 là 3 tỷ 212 triệu đồng. Toàn bộ số tiền và hiện vật được các nhà tài trợ và Hội BTNTTTMC tỉnh trao đến tận tay người khuyết tật và trẻ mồ côi trên địa bàn toàn tỉnh.

* PV: Qua 20 năm xây dựng và trưởng thành, công tác tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ thể thao giành cho người khuyết tật, trẻ mồ côi có gì mới?

- Ông Mai Xuân Thu: Có thể nói công tác tuyên truyền văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao có một vai trò vô cùng to lớn trong việc động viên người khuyết tật, trẻ mồ côi vượt lên khó khăn phấn đấu hòa nhập với cộng đồng. Sự động viên cổ vũ khi con người gặp hoạn nạn khó khăn tạo thành một sức mạnh tinh thần vô giá. Lòng nhân ái và tấm lòng từ thiện của cộng đồng với tinh thần "Lá lành đùm lá rách" đã tạo nên sự động viên khích lệ những người yếu thế của xã hội vượt lên mọi khó khăn gian khổ. Hội đã tuyên truyền Luật người khuyết tật, các quyết định của Chính phủ, kế hoạch và đề án của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh liên quan người khuyết tật và trẻ mồ côi.

Hội đã phối hợp với Báo Quảng Bình, Đài PT-TH Quảng Bình tích cực tham gia cổ vũ, giới thiệu những gương phấn đấu vượt lên số phận của người khuyết tật, trẻ mồ côi. Báo Quảng Bình đã  hỗ trợ  các trang báo nhân các đại hội, các ngày kỷ niệm, ngày Người khuyết tật Việt Nam và Quốc tế; Năm 2013 chương trình: "Vì cộng đồng" của Đài Truyền hình Việt Nam đã thực hiện phóng sự "Cuộc sống là sẻ chia" về anh Lê Quang Toán bên lề những hoạt động thiện nguyện. Hội đã phối hợp với Sở LĐ-TB và XH tổ chức thành công hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu lần thứ nhất năm 2008; lần thứ hai năm 2010, kịp thời động viên, khích lệ người khuyết tật, trẻ mồ côi vượt khó vươn lên.

Đặc biệt, sau đại hội lần thứ IV, Hội đã khai trương trang thông tin điện tử với nhiều nội dung phong phú thiết thực. Từ ngày 25/6/2013 đến nay đã có trên 46.000 lượt truy cập. Thông qua website đã kết nối nhiều tổ chức, cá nhân nhà hảo tâm trong tỉnh, trong nước và quốc tế có nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi Quảng Bình vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

Trong những năm qua, đoàn thể thao người khuyết tật tỉnh tham gia thi đấu trong nước và quốc tế đạt những thành tích đáng ghi nhận. VĐV khuyết tật tỉnh ta đã từng giành được HCV tại Đại hội thể thao giành cho người khuyết tật Đông Nam Á, Châu Á và được tham dự Đại hội thể thao giành cho người khuyết tật thế giới 2008. Năm 2013, đoàn VĐV học sinh khuyết tật của các trung tâm tham gia Hội thi thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ V được xếp thứ 3 toàn đoàn với 41 huy chương các loại trong đó có 8 HCV. Ngoài ra, có 5 VĐV tham gia ở 17 cự ly của môn bơi đã đạt 4 HCB; 3 HCĐ.     

* PV: Ông có nhận xét gì về vấn đề thực hiện chính sách dành cho người khuyết tật, trẻ mồ côi ở địa bàn tỉnh ta?

- Ông Mai Xuân Thu: Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể... trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai thực hiện các chính sách liên quan đến người khuyết tật, trẻ mồ côi.

Hội từ thiện Imaya (Nhật Bản) phối hợp với Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh trao xe lăn, xe lắc cho các đối tượng tàn tật.
Hội từ thiện Imaya (Nhật Bản) phối hợp với Hội Bảo trợ NTT và TMC tỉnh trao xe lăn, xe lắc cho các đối tượng tàn tật.

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có trên 51.000 người hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo nghị định 67/NĐ-CP và NĐ13/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó tàn tật nặng: 18.634 người, trẻ mồ côi không nơi nương tựa: 885 cháu. Trong hai mươi năm qua, nhân các ngày lễ, tết, ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4); ngày quốc tế Người khuyết tật ( 3/12), ngày quốc tế thiếu nhi...

Hội đã trực tiếp thăm và tặng quà cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh với trên 20.300 lượt người. Hỗ trợ xây mới và nâng cấp cho 250 gia đình có người khuyết tật. Vận động các tổ chức hỗ trợ chăm sóc tinh thần, vật chất cho người khuyết tật, trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Hội đã huy động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong nước và quốc tế hỗ trợ bằng tiền và hiện vật để giúp đỡ người khuyết tật và trẻ mồ côi khi gặp thiên tai, bão lũ, đặc biệt trong các cơn lũ bão lịch sử số 10, hoàn lưu cơn bão số 11 năm 2013. Sự ủng hộ đầy ý nghĩa thiết thực đó đã kịp thời động viên những người khuyết tật, trẻ mồ côi tỉnh vượt lên khó khăn, dần ổn định cuộc sống.

Lãnh đạo tỉnh thường xuyên quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ giúp đỡ người khuyết tật, trẻ mồ côi. Trong các dịp lễ tết, ngày quốc tế người khuyết tật, đối tượng yếu thế này của xã hội  nhận được tình cảm yêu thương chia sẻ của xã hội. Một số cơ sở ra đời nhằm chăm lo đời sống cho người khuyết tật, trẻ mồ côi như: Làng trẻ SOS Đồng Hới, các trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Hới, Lệ Thủy, Quảng Trạch, Trung tâm Bảo trợ xã hội; Trung tâm PHCN trẻ khuyết tật Hiền Ninh. Đó là những địa chỉ của lòng nhân ái.

Tuy nhiên, tỉnh ta là một trong những địa phương nghèo của cả nước, thu ngân sách còn thấp nên công tác hỗ trợ, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho người khuyết tật còn hạn chế. Bên cạnh đó do di chứng của chiến tranh, thiên tai nên số lượng người khuyết tật ở tỉnh ta khá cao. Tỉnh ta hiện có khoảng trên 45.000 người khuyết tật. Số người khuyết tật nặng là 28.000 người. Hai dạng tật chiếm tỷ lệ cao nhất ở tỉnh ta là khuyết tật hệ vận động và khuyết tật liên quan đến hệ thần kinh, trí tuệ. Gần 90% người khuyết tật sống ở nông thôn, đặc biệt là các xã miền núi rẻo cao, các xã bãi ngang, cồn bãi. Do vậy họ gặp không ít khó khăn trong việc đi lại, giao tiếp, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Người khuyết tật chủ yếu thuộc diện hộ nghèo.

Vấn đề trăn trở lớn của tổ chức Hội là làm sao để góp phần giải quyết việc làm cho người tàn tật, các cháu mồ côi không nơi nương tựa.  Giải quyết việc làm cho người lành đã khó, giải quyết việc làm cho người khuyết tật càng khó khăn gấp bội. Toàn tỉnh mới chỉ 10% người khuyết tật tự tạo được thu nhập. Như vậy hàng nghìn người khuyết tật đang phải dựa vào gia đình, người thân và cộng đồng xã hội. Đào tạo nghề cho người khuyết tật là nhu cầu bức thiết nhưng nhiều địa phương triển khai còn lúng túng, chưa tận dụng được các cơ sở dạy nghề, các tổ chức sản xuất kinh doanh chưa tiếp nhận các đối tượng này vào làm việc.

Khó khăn nữa là tuy luật về người khuyết tật đã được Quốc hội ban hành nhưng chưa được các địa phương thực hiện nghiêm túc. Ngay việc triển khai các công trình xây dựng bệnh viện, nhà văn hóa, trụ sở cơ quan, nhà thi đấu thể thao vẫn chưa có đường tiếp cận dành cho người khuyết tật...Trong việc tuyển dụng lao động rất ít người khuyết tật được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp...

* PV:  Nhằm góp phần chăm lo đời sống người khuyết tật, thời gian tới Hội có những hoạt động gì?

- Ông Mai Xuân Thu: Để góp phần chăm lo thiết thực, hiệu quả cho người khuyết tật, trẻ mồ côi chúng tôi phải huy động mọi nguồn lực xã hội vào công tác này, Hội tranh thủ sự lãnh đạo chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể, tạo sức mạnh tổng hợp trong việc giúp đỡ người khuyết tật, trẻ mồ côi. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm phổ biến chủ trương pháp luật của nhà nước dành cho người khuyết tật, trẻ mồ côi.

Bên cạnh đó cần tuyên truyền về hội để các cá nhân, tổ chức, cộng đồng hiểu thêm về vị trí chức năng của hội. Tiếp tục điều tra, khảo sát về người khuyết tật, trẻ mồ côi nhằm nắm rõ thực trạng, cho người khuyết tật hưởng chính sách nhà nước chính xác không để đối tượng này bị thiệt thòi, hoặc tránh sự kê khai thiếu chính xác. Đề cao vai trò công tác vận động gây quỹ hội. Tổ chức để các nhà tài trợ, nhà hảo tâm trong nước và quốc tế trao quà trực tiếp cho người khuyết tật, trẻ mồ côi. Các hoạt động từ thiện nhân đạo phải được tiến hành công khai minh bạch đúng đối tượng, tạo uy tín để rồi tiếp tục nhận được sự chia sẻ động viên của toàn xã hội dành cho đối tượng yếu thế.

Đồng thời tổ chức hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi tiêu biểu động viên người khuyết tật, trẻ mồ côi vượt lên khó khăn sống hòa nhập với cộng đồng. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Hội BTNTTTMC tỉnh, thay mặt lãnh đạo hội, tôi xin gửi đến Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, các sở, ban ngành, lớp người đi trước, các nhà tài trợ lòng cảm tạ và lời tri ân đã đồng hành cùng với hội trong thời gian qua và mong rằng tình cảm nhân ái càng được phát huy trong thời gian tới.

* PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Phan Hòa (thực hiện)