.

Giáo dục mầm non ở các huyện miền núi: Cơ sở vật chất thiếu và yếu

Thứ Năm, 03/04/2014, 14:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Ở các huyện miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa tình trạng thiếu trường lớp, trang thiết bị dạy học vẫn là một bài toán nan giải cho ngành Giáo dục.

 

Một điểm trường tạm ở thôn Rị Rị, xã Tân Hóa (Minh Hóa) bị tốc mái sau bão số 10.
Một điểm trường tạm ở thôn Rị Rị, xã Tân Hóa (Minh Hóa) bị tốc mái sau bão số 10.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Minh Hóa, đến thời điểm này, toàn huyện có 20 trường mầm non, 226 phòng học  thì mới chỉ có 69 phòng học kiên cố, 22 phòng bán kiên cố và số còn lại phòng học tạm và mượn. Phòng mượn, lớp tạm đã giải quyết kịp thời khó khăn trước mắt nhưng các bé đến trường vẫn phải chịu cảnh mùa hè thì nắng nóng, mùa đông thì co ro trong giá rét, đối mặt với thiếu thốn đủ bề.

Tại Trường mầm non số 2 Trọng Hóa, xã Trọng Hóa có 186 cháu bé của các bản đang học tập. Ngoài điểm trường trung tâm được xây dựng kiên cố thì có 6 điểm lẻ của trường mang theo "bốn không": không điện, không nước, không sân chơi và không có nhà vệ sinh. Các phòng học đều được lợp mái Fribro ximăng, tường thưng bằng tre, nứa, gỗ...  Để dựng được phòng học tạm cho trẻ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện và nhà trường vận động bà con góp gỗ, tre, ngày công.

Tại Trường mầm non Tân Hóa (xã Tân Hóa) có 5 điểm trường nhưng có 2 điểm trường chưa có phòng học. Nhiều thầy cô phải vào rừng chặt tre, chặt gỗ, vận động người dân góp góp gỗ để làm trường. Năm 2013, do ảnh hưởng của bão số 10 và hoàn lưu bão số 11, tại điểm trường thôn Rị Rị,  trường bị tốc mái và hư hỏng nặng, đến nay vẫn chưa được sửa chữa, các bé phải học tạm ở nhà văn hóa thôn. Là phòng học tạm nên các điều kiện quạt gió, ánh sáng, giữ ấm cho học sinh vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè không có, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng học của các cháu.

Ở huyện Tuyên Hóa, toàn huyện có 24 trường mầm non và 1 tổ mẫu giáo. Riêng xã Ngư Hóa chưa có trường mầm non vì số lượng trẻ đến trường chưa đủ nên không thể thành lập trường. Hiện nay, xã có 2 lớp mầm non nhưng phải mượn điểm Trường tiểu học Ngư Hoá để học tạm. Một số điểm trường có phòng học nhưng thiếu bàn ghế, đồ chơi cho trẻ trải nghiệm, đồ chơi dùng trong học tập. Theo điều lệ của ngành Giáo dục, trẻ mầm non đi học không quá 1km, thế nhưng, nhiều điểm trường trẻ phải đi hơn 2 km mới đến được trường, thậm chí 3, 4 km. Nhiều điểm trường thiếu trẻ, thiếu giáo viên nên phải “gom” 3 lứa tuổi lại  cho đủ lớp để dạy.

Chưa có trường mầm non, các bé ở xã Ngư Hóa (Tuyên Hóa) phải học nhờ ở một điểm trường tiểu học.
Chưa có trường mầm non, các bé ở xã Ngư Hóa (Tuyên Hóa) phải học nhờ ở một điểm trường tiểu học.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện khối giáo dục mầm non huyện Tuyên Hóa có 205 phòng học, trong đó có 71 phòng học kiên cố, 96 phòng học kiên cố, 31 phòng tạm và 7 phòng mượn nhà văn hóa thôn. Tại xã Mai Hóa ngoài điểm trường chính thì 4 điểm trường phải mượn nhà văn hóa cho trẻ học. Trường mầm non Thanh Lạng (xã Thanh Hóa) vẫn còn thiếu phòng học, các điểm trường vẫn còn tạm bợ và xuống cấp, thiếu thốn đồ chơi và đồ dùng học tập cho trẻ.

Những năm gần đây, tỉnh ta rất quan tâm đầu tư cho ngành Giáo dục. Đặc biệt, ưu tiên dành phần lớn kinh phí của chương trình kiên cố hóa trường lớp cho miền núi. Tuy nhiên, do xuất phát điểm quá thấp, điều kiện địa hình cách trở, có quá nhiều điểm trường lẻ tại các thôn, bản, nên dù đầu tư nhiều nhưng tình trạng thiếu thốn phòng học, cơ sở vật chất bên trong như đồ chơi trải nghiệm; đồ dùng học tập; bàn ghế... là điều không thể tránh khỏi ở nhiều trường, nhiều địa phương.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Đinh Thị Phì, chuyên viên phụ trách bậc học mầm non huyện Minh Hóa cho biết: “Hiện nay, khối giáo dục mầm non ở Minh Hóa về cơ sở vật chất vẫn còn thiếu và yếu. Phòng đã chỉ đạo các trường thường xuyên kiểm tra các lớp học tạm, mượn để bảo đảm điều kiện dạy và học. Động viên các bé đến trường thường xuyên mặc dù điều kiện còn khó khăn và thiếu thốn”.

Các thầy cô giáo cũng như các phụ huynh nơi đây luôn mong muốn các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa tới việc đầu tư cho cấp học mầm non ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số; có kế hoạch bảo đảm nguồn vốn xây dựng cơ sở vật chất cho các trường mầm non, đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học; xây nhà công vụ cho giáo viên, từng bước xóa các phòng học tạm bằng tranh tre, nứa lá và gỗ, tạo mọi điều kiện cho các bé đến trường học tập.

Thanh Hoa