.

Công tác gia đình: Một cây... làm chẳng nên non!

Thứ Năm, 10/04/2014, 13:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Trong những năm gần đây, công tác gia đình nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, cũng như sự hưởng ứng tích cực của đông đảo quần chúng nhân dân. Phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa" có những bước chuyển biến mạnh mẽ, rộng khắp, năm 2013, tỉnh ta có 161.927/206.662 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 74,9%. Tuy nhiên, trên thực tế, dưới sự tác động không nhỏ của mặt trái kinh tế thị trường, nhận thức chưa đồng đều của cộng đồng, công tác gia đình vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, chủ động, linh hoạt hơn nữa không chỉ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, từ cơ quan chủ quản cho đến các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể liên quan, mà còn từ chính mỗi người dân, mỗi hộ gia đình...

 

Gia đình hạnh phúc, vợ chồng đồng thuận là mục tiêu hướng đến của công tác gia đình.
Gia đình hạnh phúc, vợ chồng đồng thuận là mục tiêu hướng đến của công tác gia đình.

Từ tháng 6 năm 2012, mô hình can thiệp làm giảm tình trạng bạo lực gia đình được triển khai tại phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới). Phường Bắc Nghĩa đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn phường, đồng thời xây dựng quy chế phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong Ban chỉ đạo, phân công thành viên phụ trách, đôn đốc các tổ dân phố trong quá trình thực hiện kế hoạch. 14/14 tổ dân phố đều xây dựng các nhóm xung kích phòng, chống bạo lực gia đình, theo dõi, nắm bắt tình hình trong địa bàn mình phụ trách.

14 tổ dân phố nỗ lực triển khai, duy trì hoạt động của hai mô hình câu lạc bộ gia đình trẻ và câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững. Các địa chỉ tin cậy dành cho nạn nhân của bạo lực gia đình tạm lánh, tư vấn và điều trị được duy trì ở trạm y tế phường với sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ, Mặt trận các tổ dân phố... Nhiều hoạt động của mô hình được lồng ghép hiệu quả trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Chị Trần Thị Lan, cán bộ Văn hóa-Xã hội, phường Bắc Nghĩa, cho biết: Một trong những hoạt động trọng tâm của Ban chỉ đạo chính là tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về gia đình tới tận mỗi người dân thông qua các cuộc họp dân và hệ thống loa truyền thanh của 14 tổ dân phố. Chỉ tính riêng trong 6 tháng cuối năm 2013, Ban chỉ đạo đã tham gia 28 cuộc họp dân tại 14 tổ dân phố, tuyên truyền 5 chuyên đề chính (Luật Hôn nhân gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; bài viết về vai trò của gia đình và văn hóa gia đình trong thời kỳ hội nhập, vai trò của gia đình với việc giáo dục con cái, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và cuộc sống).

Vai trò của các nhóm xung kích phòng, chống bạo lực ở tổ dân phố được phát huy với việc bám sâu, bám sát địa bàn, kịp thời giải quyết các vụ xích mích nhỏ hoặc báo cáo những vụ xung đột lớn khó giải quyết, cũng như tích cực tham gia tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh. Nhờ vậy, nếu năm 2012, số vụ bạo lực gia đình là 14 vụ, thì năm 2013 giảm còn 7 vụ, đặc biệt 6 tháng cuối năm trên địa bàn không có vụ bạo lực gia đình nào cần đến Ban hòa giải của tổ dân phố hay nhóm xung kích phòng, chống bạo lực tổ dân phố giải quyết.

Thế nhưng, khó khăn lớn nhất của việc triển khai mô hình can thiệp làm giảm tình trạng bạo lực gia đình tại phường Bắc Nghĩa chính là về nguồn kinh phí. Với nguồn kinh phí ít ỏi, việc tổ chức các cuộc họp, phát triển các phong trào, khuyến khích, động viên những điển hình cá nhân, tập thể ở tổ dân phố còn hạn chế, chưa được thường xuyên. Một số câu lạc bộ mặc dù đã ra mắt, đi vào hoạt động, nhưng do thiếu kinh phí nên vẫn còn sinh hoạt lồng ghép trong các buổi sinh hoạt của tổ dân phố hay Hội Phụ nữ. Bên cạnh đó, do các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống bạo lực gia đình phường là công chức, trưởng ban các ngành, đoàn thể và vẫn phải làm công việc chuyên môn, cho nên, việc theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình ở các tổ dân phố không phải là việc đơn giản.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Đồng Hới, một khó khăn nữa không chỉ trong việc triển khai mô hình can thiệp làm giảm tình trạng bạo lực gia đình, mà còn trong nhiều hoạt động của công tác gia đình, đó chính là thiếu nguồn tài liệu, đặc biệt là các tài liệu truyền thông được minh họa bằng hình ảnh, dễ đọc, dễ nhớ. Hiện nay, ở cấp cơ sở, một phần tài liệu là do anh chị em làm công tác gia đình tự sưu tầm, tìm hiểu và xây dựng, vậy nên, còn thiếu tính hệ thống và chuyên nghiệp, chưa nói đến sức hấp dẫn, lôi cuốn trong quá trình truyền thông với cộng đồng. Ngoài ra, sự kết nối, phối hợp giữa đội ngũ làm công tác dân số, công tác phụ nữ và công tác gia đình còn thiếu sự chặt chẽ, sâu sát, đồng bộ để phát huy hiệu quả cao nhất.

Với nỗ lực của tỉnh ta, mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đã được nhân rộng trong 67 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 91 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và 86 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, thu hút trên 3.550 hộ gia đình tham gia. Tình trạng bạo lực gia đình tuy đã giảm qua các năm, như năm 2010, tỉnh ta có 540 vụ, năm 2011, con số này giảm xuống còn 459 vụ, đến năm 2012 chỉ còn 423 vụ. Tuy nhiên, trong năm 2013 năm “Gia đình Việt Nam”, số vụ bạo lực gia đình lại có xu hướng gia tăng với 576 vụ.

Tại hội nghị triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình năm 2014, ông Trương Tấn Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch khẳng định, chính mặt trái của cơ chế thị trường đã làm nảy sinh nhiều vấn đề tác động đến đời sống gia đình, phá vỡ nền nếp gia phong, đạo đức của gia đình truyền thống xưa, mà bạo lực gia đình chính là một trong những biểu hiện đó. Gia đình Việt Nam đang đứng trước nhiều nguy cơ rình rập, từ các tệ nạn xã hội cho đến mâu thuẫn trong lối sống, ứng xử giữa các thế hệ...

Trong bối cảnh đó, sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương vẫn còn thiếu đầy đủ và thường xuyên. Công tác tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng tuy khá sôi nổi, nhưng vẫn mang tính thời vụ, thiếu trọng tâm. Đội ngũ cán bộ phụ trách công tác gia đình ở tỉnh ta vừa thiếu lại vừa thường xuyên thay đổi, do đó, việc nắm bắt, chỉ đạo thiếu xuyên suốt, tập trung. 100% cán bộ là kiêm nhiệm trong khi khối lượng công việc lại quá nhiều và chế độ chính sách hỗ trợ chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Mặt khác, chính nhận thức, sự quan tâm của nhân dân, gia đình và cộng đồng về các vấn đề liên quan đến công tác gia đình, như: Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... vẫn chưa đúng mức và nhiều khi còn xem nhẹ.

“Một cây làm chẳng nên non”, công tác gia đình không phải là phần việc của riêng ngành chủ quản là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, mà đó là trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể liên quan và của chính mỗi người dân, gia đình trong xã hội. Chính vì vậy, một trong những việc cần đẩy mạnh hàng đầu đó là tăng cường nhận thức và sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền mỗi địa phương và sự phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa từ các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt chú trọng vai trò chủ động, tích cực của Hội Phụ nữ và Mặt trận. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến nâng cao kiến thức cho người dân cần xem hoạt động của các mô hình câu lạc bộ ở cấp cơ sở như một trong những kênh hữu hiệu và thiết thực nhất.

Để làm được điều này, một nguồn kinh phí lớn hơn rất cần được hỗ trợ từ phía Nhà nước để nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ. Bên cạnh đó, việc lồng ghép công tác gia đình vào các phong trào, hoạt động khác cũng cần xem xét, đánh giá hiệu quả thấu đáo, hạn chế sự xem nhẹ trong các hoạt động chung.

Mai Nhân