.

Cỏ rác đang "bịt" lối vào di tích lịch sử bến phà Xuân Sơn

Thứ Sáu, 18/04/2014, 10:55 [GMT+7]

(QBĐT) - Vào những năm cả nước đánh Mỹ, bến phà Xuân Sơn (Sơn Trạch, Bố Trạch) là một trong những địa điểm thường xuyên bị quân thù tập trung đánh phá ác liệt nhất. Và chính trong những thời khắc ác liệt đó, quân và dân ta đã làm nên nhiều chiến công rất đáng tự hào... Ngày nay, gần kề bến phà Xuân Sơn đã có một chiếc cầu kiên cố bắc ngang sông rất hoành tráng. Thế nhưng, tại vị trí bến phà được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia lại đang bị cỏ rác "tấn công"...

Quá khứ hào hùng

Lần theo những trang tư liệu lịch sử được biết, bến phà Xuân Sơn ra đời tại bến đò Xuân Sơn ngay khi đường 15 được khởi công xây dựng. Lực lượng tham gia xây dựng và bảo vệ bến phà đầu tiên do Ty Giao thông Quảng Bình quản lý.

Đến ngày 19 -12-1966, lực lượng này do Đại đội 16 cầu phà thuộc Binh trạm 14 phụ trách. Đại đội 16 cầu phà lúc đầu chỉ có 30 người, sau đó tăng biên chế lên 125 người, do đồng chí Hòa, Đại đội trưởng và đồng chí Trần Quốc Đấu, Chính trị viên chỉ huy. Phương tiện hoạt động ở đây gồm phao cầu và 2 ca nô. Chủ yếu các hoạt động lắp ráp cầu phao tiến hành vào ban đêm. Từ 4 giờ sáng hàng ngày, các chiến sĩ đã tháo gỡ cầu phao, cho ca nô chở và cất giấu ở động Phong Nha. Đêm đầu tiên bắc cầu xong, có khoảng 1.200 xe vượt sông, đêm thứ 2 có gần 2.000 xe vượt sông...

Khi tuyến đường 20 khởi công và thông tuyến, bến phà Xuân Sơn càng có vai trò quan trọng. Nó không những đưa chuyển xe qua đường 15 lên đường 12A vượt khẩu, mà còn đưa chuyển xe qua đường 20 vượt khẩu qua tỉnh Khăm Muộn (Lào). Vì vậy, bến phà Xuân Sơn càng bị giặc Mỹ tập trung đánh phá liên tục ngày đêm để ngăn chặn. Chúng thường xuyên cho máy bay oanh tạc dữ dội, thả xuống khu vực Xuân Sơn - Phong Nha, đặc biệt là ở bến phà với đủ các loại bom như: bom sát thương, bom từ trường... dày đặc trên sông.

Để bảo đảm cho xe chạy vượt sông kịp thời đáp ứng nhu cầu của tiền tuyến, bộ đội công binh, Binh trạm 14 và nhân dân địa phương đã tổ chức mở thêm hai bến phà mới: Phà B và phà Nguyễn Văn Trỗi (thuộc khu vực Phong Nha - Xuân Sơn). Nhìn chung, cả hai vị trí nói trên rất gần với một hệ thống hang lèn được sử dụng và cải tạo bảo đảm an toàn đến mức tối đa về người và của như hang Rục, hang Eo, hang Diêm, hang Hà Lời và đặc biệt là hang Phong Nha. Hang Phong Nha rộng rãi và kiên cố, là nơi quan trọng nhất, lý tưởng nhất cho việc cất giấu ca nô, phà an toàn sau mỗi đêm hoạt động ở bến...

Cỏ rác đang
Cỏ rác đang "bịt" lối vào di tích lịch sử bến phà Xuân Sơn.

Sau một thời gian địch phát hiện được, chúng đã ném bom và bắn tên lửa vào cửa hang, làm sạt lở một góc cửa hang, nhưng ca nô và phà vẫn bảo đảm an toàn. Vận hành được phà, ca nô vào ra hang hàng ngay để địch khỏi phát hiện là một việc làm, cực kỳ vất vả, đã có nhiều chiến sĩ bị thương và hy sinh.

Có lần chúng đánh vào cửa hang làm chết hàng chục người, nhưng phà, ca nô vẫn được an toàn. Để bảo vệ cho các đơn vị làm nhiệm vụ ở bến phà bảo đảm thông phà, thông tuyến, nhiều đơn vị bộ đội phòng không, dân quân, bộ đội địa phương đã bám trụ trận địa ở đây, kiên cường, dũng cảm chiến đấu và đã bắn rơi nhiều máy bay giặc Mỹ. Nhiều lượt cán bộ, chiến sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong đã anh dũng chiến đấu, chịu đựng gian khổ, chấp nhận hy sinh để bảo đảm cho phà, cho xe an toàn, kịp thời băng đường vượt khẩu chi viện cho tiền tuyến...

Hiện tại "chua xót"

Một ngày cuối tháng 3-2014, chúng tôi có dịp trở lại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch và tận mắt chứng kiến ngay cạnh bến thuyền Phong Nha sạch đẹp đang hiện hữu một di tích lịch sử quốc gia ngập tràn cỏ rác và mùi hôi thối của đủ thứ rác thải khiến cho nhiều người khi nhìn vào đây đều không khỏi chạnh lòng chua xót...

Một cựu chiến binh tên T. quê ở xã Sơn Trạch lắc đầu ngao ngán nói với chúng tôi: Tui là người dân bản địa, ngày nào khách tây, khách ta cũng đến Sơn Trạch du lịch rất đông. Thỉnh thoảng lại có một vài khách du lịch đi tham quan động Phong Nha, luôn tiện họ hỏi vị trí di tích lịch sử bến phà Xuân Sơn, tui đưa tay chỉ vào khu vực tràn ngập rác thải hôi thối mà xấu hổ vô cùng. Chính quyền xã Sơn Trạch thỉnh thoảng cũng huy động các lực lượng thanh niên đến đây làm cỏ, dọn dẹp vệ sinh, nhưng rất buồn là ý thức bảo vệ di tích của người dân ở xung quanh bến phà chưa cao nên rác thải vẫn bị vứt ra đây mỗi ngày. Lâu lắm rồi người dân chúng tôi không thấy các cơ quan chức năng đến trùng tu hay dọn dẹp vệ sinh tại khu vực này, các chú cứ xem cỏ mọc cao đến cả mét thì biết ngay...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vài năm trở lại đây, du khách trong và ngoài nước đến tham quan Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng đang ngày một nhiều hơn trước. Họ đến đây không chỉ để tham quan du lịch động Phong Nha, động Thiên đường, suối Nước Moọc... Ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, không ít du khách còn muốn tìm hiểu thêm về các giá trị văn hoá, lịch sử xung quanh khu vực này như hang Tám thanh niên xung phong, Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường 20 Quyết Thắng, bến phà Xuân Sơn, đường Hồ Chí Minh.... Đây là những nơi ghi dấu sự hi sinh to lớn của bộ đội, lực lượng thanh niên xung phong trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Những hình ảnh rác thải ngập tràn nơi di tích lịch sử bến phà Xuân Sơn đã phá đi sự tôn nghiêm, linh thiêng của một di tích lịch sử cấp quốc gia-nơi để mọi người cùng tự hào, cùng nhớ ơn và ghi công hàng trăm cán bộ, chiến sỹ và thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Đáng buồn hơn, di tích lịch sử quốc gia bến phà Xuân Sơn có vị trí nằm ngay trong quần thể di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, thế nhưng, việc giữ gìn nét đẹp về hình ảnh quê hương di sản vẫn chưa được quan tâm đúng mức...

Văn Minh