.

Bất cập trong công tác đào tạo nghề

Thứ Hai, 21/04/2014, 08:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Là huyện miền núi có xuất phát điểm phát triển kinh tế thấp, những năm qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, huyện miền núi Tuyên Hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ giới hạn phản ánh một số bất cập trong công tác đào tạo nghề. Đây là yếu tố quan trọng nhằm góp phần thúc đẩy thực hiện công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận không nhỏ lao động vùng nông thôn.

 

Chăn nuôi gà thả vườn có thể tận dụng được lợi thế vùng gò đồi của huyện Tuyên Hóa, mang lại giá trị kinh tế cao nhưng người dân chưa được đào tạo, tập huấn kỹ thuật bài bản.
Chăn nuôi gà thả vườn có thể tận dụng được lợi thế vùng gò đồi của huyện Tuyên Hóa, mang lại giá trị kinh tế cao nhưng người dân chưa được đào tạo, tập huấn kỹ thuật bài bản.

Trung tâm Dạy nghề (TTDN) huyện Tuyên Hóa là đơn vị trực tiếp thực hiện công tác đào tạo nghề cho các đối tượng lao động trên địa bàn huyện. Được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1-2009 với đội ngũ cán bộ nhân viên đa số là trẻ tuổi, chưa có kinh nghiệm công tác đào tạo nghề. Bởi vậy, hầu hết cán bộ của Trung tâm phải vừa học vừa làm thêm kinh nghiệm.

Mặc dù vậy, ngay từ khi mới thành lập, TTDN huyện Tuyên Hóa đã được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện trong việc phối hợp với các địa phương khảo sát nhu cầu học nghề của đội ngũ lao động các xã, thị trấn; đồng thời nắm bắt kịp thời yêu cầu của thị trường lao động để có hướng đào tạo các ngành nghề phù hợp. Bên cạnh đó, TTDN huyện cũng đã tích cực tranh thủ mọi nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho công tác đào tạo nghề, đặc biệt là nguồn vốn của Đề án số 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.

Tuy nhiên, những con số thống kê về số lớp cũng như học viên được đào tạo qua hàng năm chưa cao, thậm chí giảm sút đáng kể. Nếu như năm 2010 TTDN huyện Tuyên Hóa tổ chức được 12 lớp học nghề với 356 học viên tham gia thì bước sang năm 2011 chỉ còn lại 9 lớp với 227 học viên. Con số này của năm 2012 là 6 lớp với 178 học viên. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2013 chỉ có 1 lớp đào tạo nghề được tổ chức.

Nếu so sánh những kết quả đạt được hết sức khiêm tốn của TTDN huyện Tuyên Hóa sau ròng rã 4 năm kể từ ngày được thành lập với số kinh phí không nhỏ mà huyện phải bỏ ra cũng trong chừng ấy năm, ta có thể thấy rõ sự khập khiễng, hay nói cách khác là lãng phí lớn. Cụ thể, về nguồn vốn hỗ trợ công tác đào tạo nghề, trong 4 năm qua, Trung tâm này được phân bổ hơn 1,4 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội làm chủ đầu tư. Các ngành nghề được đào tạo là kỹ thuật nuôi cá nước ngọt,nuôi ong, trồng trọt, trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su, chăn nuôi thú y...

Về nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm trang thiết bị dạy nghề, trong 4 năm kể từ ngày được thành lập, TTDN huyện Tuyên Hóa nhận được khoản đầu tư gần 15 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí san lấp mặt bằng là 1 tỷ đồng, gần 2,2 tỷ đồng cho xây dựng công trình nhà làm việc, 3,8 tỷ đồng đầu tư nhà lớp học và công trình phụ trợ, 4,1 tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà xưởng thực hành và 3,6 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học và biên soạn chương trình.(???)

Rõ ràng, kinh phí đầu tư lớn nhưng hiệu quả hoạt động không cao của TTDN huyện Tuyên Hóa qua 4 năm thành lập và đi vào hoạt động thể hiện sự lãng phí không nhỏ. Trong báo cáo phục vụ buổi làm việc của đồng chí Trần Vũ Khiêm, Bí thư Huyện ủy với Trung tâm này cách đây chưa lâu đã nêu rõ những hạn chế, yếu kém. Đó là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chủ yếu chỉ tập trung vào một số ngành nghề nông nghiệp; công tác tuyên truyền chưa được chú trọng nên nhận thức về học nghề để có việc làm của một số lao động chưa cao, dẫn đến tình trạng đăng ký học nghề mang tính phong trào; công tác đào tạo nghề chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.

Trong tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề thiếu sự phối hợp giữa các cấp, ngành liên quan, địa phương và doanh nghiệp. Do vậy, ở một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, học viên sau khi được đào tạo nghề không có việc làm hoặc sản phẩm làm ra không có thị trường tiêu thụ. Một yếu kém nữa của TTDN huyện Tuyên Hóa bộc lộ rõ qua nhiều năm hoạt động là công tác quy hoạch và đào tạo đội ngũ chuẩn cho giáo viên dạy nghề chưa được quan tâm. Điều này dẫn đến chất lượng đào tạo nghề thấp.

Tại buổi làm việc này, đồng chí Bí thư Huyện ủy đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém của TTDN huyện là hoạt động chưa tương xứng với quy mô hiện có, chất lượng đào tạo nghề chưa cao; việc kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề chưa được chú trọng; công tác phối hợp tuyên truyền chưa hiệu quả; công tác quản lý, bảo dưỡng các loại máy móc, thiết bị còn hạn chế; cơ chế quản lý điều hành hoạt động của Trung tâm còn lúng túng...

Từ những yếu kém đó, đồng chí Bí thư Huyện ủy yêu cầu TTDN huyện Tuyên Hóa cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các phòng ban chuyên môn của huyện để hoạt động có hiệu quả; sử dụng, bảo quản các loại máy móc thiết bị cẩn thận, chu đáo, nâng cao hiệu quả, hiệu suất sử dụng; chấn chỉnh lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong cơ quan và công tác điều hành của thủ trưởng đơn vị. Đặc biệt, cần phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong thực hiện nhiệm vụ bằng việc chú trọng đa dạng hóa địa bàn đào tạo, tạo điều kiện cho học viên được tham gia học nghề thuận lợi hơn; tích cực liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp để tạo việc làm cho học viên sau đào tạo;...

Nguyễn Hoàng