.
Bài dự thi viết về "Gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến xuất sắc" tỉnh Quảng Bình:

Điểm tựa của những cảnh đời

Thứ Tư, 16/04/2014, 13:51 [GMT+7]

(QBĐT) - Không phải ngẫu nhiên mà nhiều bạn bè, đồng nghiệp của anh cho rằng anh sinh ra là để làm công tác phòng chống HIV/AIDS bởi từ ngày đảm nhận công việc đặc biệt này, anh luôn nỗ lực hết mình, xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh... Chúng tôi muốn nói đến bác sĩ chuyên khoa II Trần Xuân Phú, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh- người vừa được nhận bảng vàng tri thức tiêu biểu Việt Nam trên mặt trận kinh tế, xã hội năm 2013.

Nhìn lại những chặng đường đã qua để thấy sự nỗ lực của bác sĩ Phú và những người làm công tác phòng chống HIV/AIDS là không nhỏ. Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh được thành lập từ năm 2006, trước đó là Văn phòng thường trực phòng chống HIV/AIDS thuộc Sở Y tế. Buổi đầu đảm nhận cương vị giám đốc trung tâm, bác sĩ Phú đã phải đối diện với rất nhiều khó khăn.

Do không có trụ sở để làm việc, trung tâm phải thuê mướn hết lần này đến lần khác, đội ngũ cán bộ chỉ có vẻn vẹn ba người, trang thiết bị phục vụ công việc hầu như chưa có gì. Thế nhưng theo bác sĩ Phú thì những khó khăn đó không lớn bằng việc triển khai công tác phòng chống HIV/AIDS mà rào cản lớn nhất chính là sự phân biệt, kỳ thị của cộng đồng xã hội đối với người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS. Là giám đốc trung tâm nhưng lại là người có trình độ chuyên môn cao nhất trong đơn vị nên  hầu hết các hoạt động từ tư vấn sức khoẻ cho người bệnh, xây dựng kế hoạch truyền thông, thăm hỏi, động viên hỗ trợ tinh thần cho người bệnh... đều có sự tham gia của  bác sĩ Phú.

Càng tiếp xúc với người bệnh, lắng nghe những câu chuyện cuộc đời đầy sóng gió, bác sĩ Phú càng trăn trở làm sao để người bệnh không còn bị kỳ thị, làm sao để cộng đồng không xa lánh họ và phải làm sao để người dân có kiến thức về HIV vì đa số các trường hợp lây nhiễm đều bắt nguồn từ việc thiếu kiến thức để chủ động phòng tránh bệnh. Không biết từ bao giờ, bác sĩ Phú trở thành điểm tựa của rất nhiều cảnh đời không may mắn.

Chuyện của chị H. là một ví dụ. Chị H. là một cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước rồi một ngày nọ chị bỗng đứng trước nguy cơ thất nghiệp khi thủ trưởng đơn vị biết chị bị nhiễm HIV từ chồng. Biết được hoàn cảnh của chị, bác sĩ Phú đã trực tiếp làm việc với các đơn vị liên quan để bảo vệ quyền lợi cho chị theo đúng quy định của pháp luật và nhờ thế chị H. vẫn được tiếp tục làm việc như bao nhiêu người khác. Chứng kiến những giọt nước mắt xúc động bởi hạnh phúc của chị H. và nhiều người bệnh khác khi được cán bộ y tế chăm sóc sức khoẻ tận tình, được hỗ trợ về mặt tinh thần, bác sĩ Phú và các đồng nghiệp của mình càng ý thức hơn đến công việc mà mình đang làm.

Qua quá trình công tác, bác sĩ Phú vừa đúc rút kinh nghiệm thực tế vừa không ngừng nghiên cứu học hỏi để triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại đơn vị. Trải qua rất nhiều thời điểm khó khăn song với tinh thần đầy trách nhiệm của một người lãnh đạo, bác sĩ Trần Xuân Phú luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, năng nổ trong công tác, xây dựng đơn vị vững mạnh về mọi mặt. Để triển khai có hiệu quả các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, bác sĩ Trần Xuân Phú đã tham mưu với lãnh đạo ngành Y tế, đề xuất các phương án xây dựng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng y tế, trang bị máy móc, thiết bị phục vụ chuyên môn...

Bác sĩ Trần Xuân Phú tại lễ trao bảng vàng những tri thức tiêu biểu Việt Nam 2013.
Bác sĩ Trần Xuân Phú tại lễ trao bảng vàng những tri thức tiêu biểu Việt Nam 2013.

Nhờ thế, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã có trụ sở làm việc khá khang trang, có trang thiết bị đồng bộ, là địa chỉ duy nhất có labo xét nghiệm đủ điều kiện để khẳng định kết quả HIV dương tính trên địa bàn tỉnh. Xuất phát từ thực tế, nhiều năm liền không tuyển dụng được bác sĩ về làm việc tại đơn vị, bác sĩ Phú đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ tham gia các khóa đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhờ vậy mà đến nay, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh đã có 26 cán bộ, phân bổ cho 4 khoa chuyên môn và 2 phòng chức năng, trong đó có 4 bác sĩ (1 bác sĩ chuyên khoa II, 1 thạc sĩ)... là đơn vị y tế được xếp hạng II.

Thời gian qua, bác sĩ Phú cùng với tập thể cán bộ, viên chức trong đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như thành lập các nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng ở cơ sở để tư vấn sức khỏe, cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su tới các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao (người nghiện chích ma túy, người bán dâm)... giúp cho tỷ lệ thực hành các hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV ở nhóm người này tăng lên, làm giảm số người nhiễm mới HIV. Nhiều hoạt động truyền thông được đẩy mạnh như phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các hội thi tìm hiểu về HIV/AIDS bằng sân khấu hóa, cấp phát tài liệu truyền thông cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, xây dựng chuyên mục phòng chống HIV/AIDS trên Báo Quảng Bình...

Trong điều kiện các nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS liên tục bị cắt giảm, thì việc làm sao để bảo đảm hoạt động hiệu quả luôn là vấn đề mà bác sĩ Phú quan tâm, trăn trở. Và điều đáng mừng là đơn vị đã xây dựng được những kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế trên cơ sở lựa chọn những nội dung quan trọng nhất để đầu tư nhằm vừa tiết kiệm chi phí vừa mang lại hiệu quả cao. Điều đáng mừng là những năm qua, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Quảng Bình luôn được các cấp, các ngành đánh giá cao, được đón tiếp nhiều đoàn công tác đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm về việc sử dụng có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trong phòng chống HIV/AIDS.

Tiếp xúc, làm việc với bác sĩ Trần Xuân Phú, nhiều người có nhận xét rằng, ở anh, lòng yêu nghề được thể hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, ở lề lối làm việc có kế hoạch và có biện pháp kiên quyết thực hiện kế hoạch, tận tụy, hết lòng vì công việc, không ngừng nâng cao trình độ công tác và năng lực lãnh đạo. Không chỉ say mê nghề nghiệp, bác sĩ Phú còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học với việc xây dựng thành công các đề tài góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Khi nhắc đến các y, bác sỹ làm việc tại đây, chúng tôi luôn dành cho họ sự khâm phục và niềm cảm kích. Bởi, nếu họ không tâm huyết, dũng cảm, không kiên trì và dành tình thương cho những bệnh nhân của mình thì chắc hẳn không thể làm được nghề này. Bác sĩ Phú thường căn dặn các nhân viên của mình rằng, muốn người bệnh tin tưởng hợp tác trong chăm sóc điều trị, mỗi cán bộ y tế phải là những nhà tư vấn tận tình, vì những người mới đến đây đều mặc cảm với bản thân, ngại giao tiếp, không ít đối tượng đang vướng vào các tệ nạn xã hội.

Thế nên, cán bộ y tế phải thật nhẹ nhàng, khéo léo động viên, tư vấn để họ vững tin chia sẻ và hợp tác... Từ phương châm đó, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS dần trở thành mái nhà chung của những người kém may mắn. Những bệnh nhân này thường đến trung tâm để được chăm sóc sức khỏe cả về tinh thần lẫn thể chất, họ tâm sự với các bác sĩ về những mối lo toan trong cuộc sống. Được bác sĩ  và các nhân viên y tế của trung tâm chia sẻ, họ như trút đi được một phần nào gánh nặng cuộc sống. Và trong mọi việc bác sĩ Phú đều đi đầu dù có những việc không phải trong phạm vi của một vị giám đốc như việc đến cơ sở khi nghe tin có người bị nhiễm HIV gặp khó khăn do bị kỳ thị, về tận nơi và can thiệp kịp thời khi trẻ nhiễm HIV không được đến trường...

Từ  những việc làm, những nghĩa cử nhân đạo hết lòng vì bệnh nhân AIDS của bác sĩ  đã trở lên quen thuộc với các gia đình bệnh nhân AIDS. Nhiều người còn lưu số điện thoại của bác sĩ để khi cần thì gọi xin được tư vấn, giúp đỡ. Không ít người bệnh đã trở thành những tuyên truyền viên xuất sắc trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại các địa phương.

Hằng năm, bác sĩ Phú thường tổ chức các buổi đi thăm, tặng quà cho gia đình có người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS nhân các dịp Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1-12), Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), tổ chức các sân chơi bổ ích cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV vào dịp Tết Trung thu với các chủ đề “Trăng rằm nhân ái”, “Vui Trung thu-kết nối yêu thương”...

Mặc dù rất nhiều người bệnh tìm đến trung tâm để được chăm sóc điều trị nhưng bác sĩ Phú luôn dặn dò cán bộ là phải nhớ từng người, nhất là những người có hoàn cảnh đặc biệt để hỗ trợ, giúp đỡ khi họ cần đến. Lãnh đạo nào, phong trào đó, cán bộ y tế của đơn vị ai ai cũng ý thức được trách nhiệm của mình, tận tình với người bệnh, là điểm tựa vững chãi về mặt tinh thần cho những người đang sống chung với căn bệnh thế kỷ. Đối với họ, mỗi người bệnh được chăm sóc sức khoẻ, được tiếp tục làm việc, được hòa nhập cộng đồng là niềm hạnh phúc giúp các bác sĩ, cán bộ y tế tiếp tục chuyên tâm với công việc của mình.

Trọn tâm gắn bó với nghề, những năm qua, bác sĩ Trần Xuân Phú đã cùng đội ngũ cán bộ y tế Trung tâm phòng chống HIV/AIDS luôn đoàn kết vượt qua bao khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2013, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Quảng Bình vinh dự là một trong 4 đơn vị của cả nước được Bộ Y tế tặng cờ thi đua đơn vị xuất sắc. Bản thân bác sĩ Trần Xuân Phú được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành và trong năm 2013, anh vinh dự được nhận bảng vàng tri thức tiêu biểu Việt Nam trên mặt trận kinh tế, xã hội.

Một tin vui nữa đang đến với không chỉ riêng cá nhân bác sĩ Phú mà là của toàn ngành Y tế là bác sĩ Trần Xuân Phú đang được xét bình chọn vào “Top 100 nhà quản lý xuất sắc năm 2014” đề nghị vinh danh tại lễ tôn vinh các nhà quản lý dự kiến sẽ được tổ chức long trọng vào tháng 7-2014 tại nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Phúc Như