.

Cuộc hội ngộ bất ngờ

Thứ Tư, 05/02/2014, 14:19 [GMT+7]

(QBĐT) - Đại tá Lương Tiến Đại, sau 2 nhiệm kỳ giữ chức Hội trưởng Hội CCB Quảng Bình, đang trong những ngày chuẩn bị bàn giao công việc cho người khác thì  một cơn đau tim “thập tử nhất sinh” xảy ra đột ngột, nhờ các thầy thuốc ở Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới và Bệnh viện Trung ương Huế  kịp thời cứu chữa, sức khỏe nay đã dần dần hồi phục. Là người trong khu dân cư, tôi thường hay đến nhà ông chơi.

Qua chuyện kể, tôi được biết, năm 1964, mặc dầu là con trai một trong gia đình mà bố là công chức, đang làm việc ở một cơ quan cấp tỉnh, nhưng ông vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau đó, ông là một trong 34 học sinh Trường phổ thông cấp 3 Đồng Hới được vinh dự đứng trong đội ngũ huấn luyện cấp tốc để vào Nam chiến đấu. Sau gần 10 năm ở chiến trường B, trong số 34 học sinh nhập ngũ đợt ấy, ông là một trong hai người còn sống sót trở về, người đầy thương tích. Những chuyện dọc đường chinh chiến của ông và đồng đội thời gian ấy, nghe ông kể, hay như cổ tích. Nhưng, có một kỷ niệm có lẽ khó quên nhất trong cuộc đời chinh chiến của ông là câu chuyện mang đầy tính nhân văn cao cả, đã cảm hóa và làm hồi sinh lương tri một sĩ quan ngụy vào năm 1973, sau Hiệp định Pari được ký kết.

Thuở đó, khoảng tháng 5-1973, B bậc trưởng (tương đương chuẩn úy ở miền Bắc) Lương Tiến Đại chỉ huy một trung đội đi mai phục chống địch lấn chiếm, bảo vệ vùng đất giải phóng theo tinh thần của Hiệp định Pari ở đường 14, Sa Thầy, Đức Cơ, Kon Tum. Phía ngụy, cứ đợi chiều tối là thúc quân đưa cờ đi cắm lấn chiếm đất vùng giải phóng của ta. Nhiều kẻ trong họ bị bắt, bị thiệt mạng nhưng chứng nào lại tật ấy.

Đại tá Lương Tiến Đại (người đeo túi).
Đại tá Lương Tiến Đại (người đeo túi).

Vào một buổi chiều, trung sĩ bảo an chính quyền ngụy Huỳnh Sơn dẫn tổ 3 người đi thực hiện việc làm đen tối đó. Từ một bụi rậm, tổ chiến đấu của trung đội Lương Tiến Đại xông ra. Hai lính ngụy kịp chạy thoát, còn Huỳnh Sơn thì bị bắt sống với đủ những tang chứng. Hoàng hôn đang dần phủ xuống rất nhanh ở núi rừng. Có chiến sĩ giục ông: “Sắp tối rồi, thủ trưởng ơi, bắn bỏ mẹ nó đi, đưa về thêm lôi thôi, rắc rối!”. Trung sĩ bảo an Huỳnh Sơn lúc ấy vái lạy lia lịa , miệng van xin Lương Tiến Đại: “Xin ông tha chết ! Xin ông tha chết ! Con không bao giờ quên ơn ông!”. Lương Tiến Đại nghiêm khắc nét mặt:

- Ai bảo anh đi làm việc này ?
- Dạ cấp trên của con ạ !
- Anh đi lính mấy năm rồi?
- Dạ 3 năm, nhưng con bị bắt lính, chưa bắn giết ai cả ạ !

Suy nghĩ một lát, Lương Tiến Đại hỏi lại người tù binh của mình:

- Gia đình anh có ai theo Giải phóng không ?

Trung sĩ bảo an Huỳnh Sơn không suy nghĩ lâu, trả lời ngay:
- Dạ có, chị ruột con, tên là Huỳnh Thị Kim Cải ạ.

Cái tên mà Huỳnh Sơn vừa nói ra trùng với tên một nữ chiến sĩ giải phóng đang công tác ở huyện đội Sa Thầy, mà anh từng biết. Anh hỏi lại:
- Chị Huỳnh Thị Kim Cải đang ở đâu ?

Huỳnh Sơn lúng túng:
- Dạ,  hai chị em mất tin nhau lâu rồi. Con chỉ biết chị con đi Giải phóng. Trước ở Sa Thầy ạ !

Khó mà tin lời khai của một lính ngụy, nhưng trong cung cách, Lương Tiến Đại thấy ở trong con người này có những điều chân thực. Với lòng nhân đạo của người lính Cụ Hồ, anh đi đến một quyết định trọng hệ. Anh rút bút ghi vào một mảnh giấy nhỏ, sau khi hỏi tên tuổi của người tù binh kia: “Tôi đã thả trung sĩ bảo an Huỳnh Sơn này vì nghe nói có chị ruột là Huỳnh Thị Kim Cải đang là cán bộ ở Huyện đội Sa Thầy. Huyện đội Sa Thầy cần xác minh lại và tạo cho người này cơ hội lập công chuộc tội.
Ký tên B bậc trưởng Lương Tiến Đại”.

Trước khi thả tù binh, anh đã dặn dò:
- ­Hãy làm như lời tôi đã viết trong bức thư này. Nếu gặp lại một lần nữa với những việc làm chống lại cách mạng, chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho anh. Rõ chưa ?

Rồi từ đó câu chuyện về người lính ngụy được khoan hồng, ông Lương Tiến Đại cũng quên đi. Thế nhưng, ở đời lại có những sự tình cờ đầy lý thú.      

Chiều 29-4-2005, các đoàn CCB các tỉnh phía Bắc và phía Nam, trong cuộc hành quân “Tiếp lửa truyền thống vang mãi khúc quân hành” do báo QĐND, Công ty TNHH Taxi Mai Linh và TƯ Hội CCB Việt Nam tổ chức trong những ngày kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, đang gặp nhau, tiến hành giao lưu tại sân đền thờ Trấn Biên (Gia Định) trong một không khí sôi động, thân mật, chan hòa, ấm cúng. Bỗng một người lính đeo hàm thiếu tá, đến trước mặt, nhìn một hồi lâu rồi chìa tay bắt tay đại tá Lương Tiến Đại, Chủ tịch Hội, Trưởng đoàn CCB Quảng Bình:

- Thưa... ông có phải là... là Lương Tiến Đại ?

Đại tá Lương Tiến Đại thân mật trả lời:

- Vâng ! Chính tôi !

Ông vừa nói xong thì người đeo hàm thiếu tá kia ôm chặt, bế thốc ông lên khỏi mặt đất, reo lên: “Ối trời, bao năm tìm kiếm, nay mới được gặp lại anh! Huỳnh Sơn đây, anh không nhận ra em sao?”

Đại tá Lương Tiến Đại vỗ vỗ vào trán mình một lúc, cố lục trí nhớ. Rồi quá khứ của 32 năm trước, phút chốc sống lại, ông cũng reo lên như người mới nhận ra mình:

- Huỳnh Sơn, nguyên trung sĩ bảo an của chính quyền ngụy Sài Gòn, năm 1973 bị tôi bắt được ở Kon Tum, phải không?
- Dạ đúng ! Anh nhớ kỹ lắm.

Những CCB Bắc, Nam vây lấy hai người, mừng vui vì cuộc trùng phùng của họ. Rồi tất cả sững sờ như đang sống trong cổ tích vì chuyện kể của hai người.

Huỳnh Sơn, sau lần đó đã tìm gặp chị và đi theo Giải phóng. Anh đã hai lần đạt danh hiệu “Dũng sĩ giết ngụy”. Anh cho biết, cái giấy làm chứng năm xưa mà B bậc trưởng Lương Tiến Đại đã viết, anh đã xin lại và cất làm kỷ niệm, và khao khát gặp lại ân nhân của mình.

Sau 32 năm, thiếu tá Huỳnh Sơn lúc bấy giờ là trợ lý phòng chính trị chế độ Tỉnh đội Kon Tum, còn gia đình hiện ở cạnh thác Bren ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Anh tha thiết mời ân nhân đời mình, đại tá Lương Tiến Đại cùng cả gia đình từ Đồng Hới - Quảng Bình vào du lịch thành phố Đà Lạt và anh cũng hứa, một dịp nào đó sẽ đưa gia đình mình đến Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình để thăm gia đình đại tá Lương Tiến Đại.

Công việc dồn dập, chưa ai có điều kiện để thực hiện điều ước muốn ấy. Thế rồi, một ngày giữa năm, sau cuộc gặp gỡ bất ngờ và cảm động ấy đại tá Lương Tiến Đại nhận được điện của chị vợ thiếu tá Huỳnh Sơn từ Lâm Đồng điện ra, báo tin: khi đang tiến hành công việc trong đoàn tìm kiếm cất bốc hài cốt liệt sĩ Việt Nam hy sinh tại Cămpuchia của Tỉnh đội Kon Tum, một quả mìn của địch sót lại đã phát nổ. Hai chiến sĩ đã hy sinh, trong đó có thiếu tá Huỳnh Sơn.

Đại tá Lương Tiến Đại nghẹn ngào khi kể lại câu chuyện ấy và nói: “Thế nào tôi cũng sắp xếp một chuyến vào Đà Lạt để thắp hương cho đồng chí ấy”.

Rồi ông đưa cho tôi xem những tấm ảnh kỷ niệm trong chuyến hành hương về thành phố Hồ Chí Minh của Đoàn CCB Quảng Bình 30-4-2005, trong đó có ảnh anh và thiếu tá Huỳnh Sơn gặp lại nhau sau hơn 32 năm. Giờ đây, tấm ảnh ấy đã trở thành vật vô giá, chứng tích của chủ nghĩa nhân văn luôn thấm đượm trong anh, trong tất cả người lính Cụ Hồ, trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Ghi chép của Hồ Ngọc Diệp