Công tác xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em: Vẫn còn lắm những lo âu!

Cập nhật lúc 07:30, Thứ Hai, 04/03/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định ban hành Quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em với 25 chỉ tiêu theo thang điểm đánh giá cụ thể. Sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay, theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh ta mới có 78/159 xã, phường phù hợp với trẻ em, đạt tỷ lệ 49%.

Cùng những chỉ tiêu... vượt khó!

Chỉ tiêu 25 về “Điểm vui chơi, giải trí và tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho trẻ em trong năm” được đánh giá là một trong những “vật cản” lớn của nhiều xã, phường trong việc hoàn thiện hệ thống tiêu chí xã, phường phù hợp với trẻ em. Phường Nam Lý (TP.Đồng Hới) có tới 15 tiểu khu, nhưng lại chỉ có 1 điểm vui chơi cho trẻ em trên địa bàn.

Tuy nhiên, trên thực tế, điểm vui chơi này lại đang xuống cấp nghiêm trọng với những xích đu, bập bênh, cầu trượt, đu quay rỉ sét, hỏng hóc, mất an toàn và không còn khả năng sử dụng. Tin vui là trong năm nay, phường Nam Lý đã có kế hoạch đầu tư nguồn kinh phí 500 triệu đồng để tu bổ, nâng cấp lại điểm vui chơi cho các cháu. Dù vậy, điểm vui chơi này cũng chỉ đủ để thỏa mãn nhu cầu của 4 tiểu khu lân cận (tiểu khu 8, 9, 10 và 11). Còn đối với các tiểu khu khác, ông Trần Minh Thuyên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Nam L

ý, cho biết tạm thời, các cháu có thể vui chơi tại các nhà văn hóa ở khu dân cư. Thế nhưng, vấn đề nảy sinh là phường hiện có 2 tiểu khu do nhiều nguyên nhân khách quan lại không có nhà văn hóa để sinh hoạt(!?). Vậy, sân chơi cho trẻ em đã thiếu lại càng thêm thiếu.

Theo bà Trần Thị Lân, Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Đồng Hới, nếu liệt kê điểm vui chơi cho trẻ em theo đúng nghĩa trên địa bàn thành phố thì chỉ có 1 điểm duy nhất tại Nhà thiếu nhi tỉnh.

Trong quá trình thẩm định, đánh giá kết quả công tác xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố đã rất “chật vật” để vận dụng linh hoạt nhiều nội dung nhằm giúp các xã, phường đạt đủ chỉ tiêu. Năm 2012, 8/14 xã, phường có điểm vui chơi, giải trí (sân bóng đá, thư viện, công viên, sân chơi tại các trường mầm non...) và tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho trẻ em. 6/14 xã, phường không có điểm vui chơi công cộng dành cho trẻ em nhưng có tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao cho trẻ em.

Điểm vui chơi cho trẻ em ở phường Nam Lý (TP Đồng Hới) đang xuống cấp nghiêm trọng.
Điểm vui chơi cho trẻ em ở phường Nam Lý (TP Đồng Hới) đang xuống cấp nghiêm trọng.

Theo báo cáo về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổng kết, trong năm vừa qua, toàn thành phố không xây mới bất cứ điểm vui chơi nào cho trẻ em.

Đối với thành phố trung tâm đã khó khăn như vậy, thì tại các huyện, tình hình càng gian nan hơn. Ông Ngô Đình Hướng, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Ninh, cho hay ngoài các điểm vui chơi dành cho trẻ em được lồng ghép trong trường mầm non, huyện không có điểm vui chơi nào hoàn thiện, đầy đủ. Trước đây, Nhà thiếu nhi huyện có một số trò chơi giải trí cho trẻ em, nhưng nay đã xuống cấp, hư hỏng và bị dỡ bỏ. Chính quyền địa phương đã có kế hoạch xây dựng, cải tạo khu vui chơi này, nhưng gặp nhiều khó khăn không nhỏ về nguồn kinh phí. Điểm vui chơi tại Trường Mầm non Hoa Sen (nằm đối diện Nhà thiếu nhi huyện) thì chỉ phục vụ nhu cầu của các em trong thời gian học tại trường, ngoài giờ học, cổng trường sẽ khóa lại. Chưa kể, khuôn viên trường cũng khá chật hẹp, khiến gần 300 trẻ học ở đây thiếu thoải mái khi chơi đùa.

Hàng năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các trường mầm non trang cấp thêm thiết bị vui chơi. Năm 2012, Quỹ hỗ trợ 159 triệu cho 3 trường mầm non ở 3 xã Duy Ninh (Quảng Ninh), Mai Thủy (Lệ Thủy) và Nghĩa Ninh (TP.Đồng Hới). Khi được hỏi vì sao không mở rộng việc xây dựng các điểm vui chơi mới, ông Lê Quang Sỹ, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, cho rằng do vấn đề kinh phí hạn hẹp, nên Quỹ chỉ có thể giúp đỡ các trường mầm non bổ sung thêm thiết bị vui chơi, giải trí, phục vụ nhu cầu của các em. Việc xây dựng mới cần nhiều kinh phí và sự chung tay góp sức của nhiều đơn vị liên quan.

Ngoài ra, một số chỉ tiêu khác cũng đang “đánh đố” các xã, phường. Đối với chỉ tiêu 23 về “Tổ chức các hoạt động có sự tham gia của trẻ em trong năm”, những địa phương ở vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa gặp nhiều khó khăn trong triển khai. Bởi, ngoài hai chương trình tổ chức hàng năm cho các em vào dịp Trung thu và Ngày Quốc tế thiếu nhi, rất khó để những xã nghèo có đủ điều kiện triển khai thêm hoạt động có sự tham gia đông đảo của thiếu nhi. Hoặc, việc thực hiện chỉ tiêu 18 về “Tỷ lệ hộ gia đình có trẻ em có hố xí hợp vệ sinh” trên 65% cũng tạo nhiều áp lực cho chính quyền địa phương.

Cần lắm sự chung tay của cộng đồng!

Thực trạng khó khăn trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Trưởng phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, khẳng định một số cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương do việc nhận thức về tầm quan trọng của vấn đề này còn hạn chế, nên chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo, đưa công tác xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em vào kế hoạch hoạt động hàng năm.

Với những khó khăn về nguồn kinh phí, Nhà thiếu nhi huyện Quảng Ninh không có trò chơi nào dành cho trẻ em.
Với những khó khăn về nguồn kinh phí, Nhà thiếu nhi huyện Quảng Ninh không có trò chơi nào dành cho trẻ em.

Mặt khác, nguồn kinh phí cấp cho công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em nói chung và việc xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em nói riêng ở các cấp còn quá khiêm tốn. Kinh phí hạn hẹp khiến nhiều địa phương trở nên thiếu mặn mà với việc triển khai. Từ đó dẫn đến nhiều hoạt động còn mang tính hình thức, cổ động suông, chưa sát thực tiễn. Công tác xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em đã được triển khai sang năm thứ 3, nhưng toàn tỉnh vẫn chưa có đợt tổng kết, đánh giá quy mô nào, mà chủ yếu được lồng ghép trong các hội nghị, hội thảo... chung về nội dung chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Tỉnh ta cũng chưa xây dựng được mô hình điểm nào về công tác này để đầu tư nhân rộng.

Thêm nữa, báo cáo mới nhất của Phòng Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, về công tác thực hiện xã, phường phù hợp với trẻ em năm 2012, đã chỉ rõ bộ máy thực hiện công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ở các địa phương còn quá mỏng, lại kiêm nhiệm nhiều công việc nên không thể chỉ đạo, theo dõi hết mọi hoạt động. Cán bộ ở xã, phường chỉ hoạt động kiêm nhiệm và không có phụ cấp động viên. Việc thu thập số liệu và nắm bắt thông tin về trẻ em ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những thông tin liên quan đến việc thực hiện các chỉ tiêu đánh giá trong tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, từ khi lĩnh vực trẻ em được chuyển từ ngành Dân số-Gia đình và Trẻ em sang ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, vẫn chưa có cuộc điều tra nào liên quan đến trẻ em, nhất là trẻ em hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện chỉ có 5 xã có cộng tác viên trẻ em, trong khi 154 xã, phường còn lại vẫn chưa xây dựng được mạng lưới cộng tác viên.

Trong những năm tiếp theo, chính quyền các cấp cần quan tâm hơn trong việc hỗ trợ nguồn kinh phí; củng cố, bổ sung cán bộ thực hiện công tác từ cấp tỉnh đến cấp xã; hỗ trợ phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên cơ sở; đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức người dân, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát...

Tuy nhiên, chính sự chung tay góp sức của toàn cộng đồng mới là một trong những yếu tố quyết định thành công. Tỉnh ta đang tiếp tục thực hiện việc kêu gọi các tổ chức phi chính phủ, chương trình, dự án... hỗ trợ cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Hy vọng rằng trong tương lai, sẽ có ngày càng nhiều cá nhân, tổ chức cùng góp sức vào công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt trong việc xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em.

Theo điều 2 Quy định tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em;  xã, phường được công nhận đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em là xã, phường có môi trường sống an toàn, thân thiện với trẻ em; là xã, phường mà ở đó tất cả trẻ em đều có sự khởi đầu tốt đẹp nhất trong cuộc sống, được hưởng các quyền cơ bản của mình (quyền được sống, quyền được phát triển, quyền được bảo vệ và quyền được tham gia), có cơ hội phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách.

Xã, phường được công nhận đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội hàng năm của địa phương.

                                                                                     Mai Nhân








 

,
.
.
.