.

Những bóng hồng tuổi Tỵ

.
09:52, Thứ Sáu, 15/02/2013 (GMT+7)

(QBĐT) - Theo tử vi phương Đông, Tỵ (rắn) là con giáp ngoan cường nhất trong mười hai con giáp. Đặc biệt những phụ nữ tuổi Tỵ thường rất tự tin, luôn ẩn chứa trong lòng những hoài bão, ý chí vươn lên. Nhân dịp đầu xuân năm mới Quý Tỵ 2013, chúng tôi xin điểm qua một số gương mặt phụ nữ tuổi Tỵ ở tỉnh ta hiện nay.

 

Chị Nguyễn Thị Hòa, “bông hoa thơm” của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Lệ Thủy.
Chị Nguyễn Thị Hòa, “bông hoa thơm” của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Lệ Thủy.

Nhà giáo giàu thành tích

Sinh năm 1965 tại xã Cam Liên (huyện Lệ Thủy), tốt nghiệp đại học Sư phạm Ngữ văn Huế năm 1989, chị Nguyễn Thị Hòa đã có hơn 10 năm trên cương vị cán bộ quản lý.

Lớn lên trong gia đình bố mẹ làm công nhân lại đông anh em, là chị cả nên chị Hòa rất vất vả, ngoài giờ học ra phải phụ giúp bố mẹ lo việc nhà, chăm sóc em nhỏ. Dù vậy thời học phổ thông, chị luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi, tham gia các kỳ thi học sinh giỏi văn cấp huyện, cấp tỉnh và là một cán bộ lớp năng động, hoạt bát. Ước mơ trở thành cô giáo được chị Hòa ấp ủ từ tấm bé, nên ngay khi tốt nghiệp cấp 3, chị đã quyết định thi vào Trường đại học Sư phạm Huế. Gia đình nghèo, bố mẹ không thể lo việc làm cho chị, ra trường với tấm bằng cử nhân sư phạm ngành Ngữ văn, chị phải tự thân vận động. Một năm ròng rã đạp xe từ Lệ Thủy xuống Đồng Hới nộp hồ sơ phỏng vấn xin việc, cuối cùng sự kiên nhẫn của chị cũng được đền đáp khi Trường PTCS Trường Thủy nhận về dạy vào năm 1990.

Sau khi lập gia đình, sinh con, chị Hòa xin chuyển về Trường THCS Mai Thủy giảng dạy. Những năm công tác tại đây, chị luôn là một giáo viên mẫu mực, chịu khó trau dồi trình độ chuyên môn. Năm 1998 chị đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện với số điểm cao nhất hội thi, cũng trong năm đó chị vinh dự được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Với những thành tích xuất sắc đó, chị Hòa được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường THCS Mai Thủy vào năm 2000 và năm 2007 giữ chức vụ Phó Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Lệ Thủy cho đến nay.

Từ một giáo viên dạy THCS về làm Phó Trưởng phòng phụ trách mầm non, chị Hòa cũng gặp khá nhiều khó khăn, tuy nhiên nhờ sự tìm tòi học hỏi từ đồng nghiệp cùng những nỗ lực của bản thân, chị không những sớm thích nghi với chuyên môn mới mà còn phát huy tốt công việc của mình. Nhiều năm qua bậc học mầm non huyện Lệ Thủy do chị phụ trách luôn đứng đầu cấp học của giáo dục tỉnh nhà. Những tấm bằng khen của tỉnh, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Công đoàn ngành... mang tên Nguyễn Thị Hòa ngày một nhiều thêm; tháng 5 năm 2011, một lần nữa chị Hòa được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Hai vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác. Dẫu thành tích nhiều, chuyên môn giỏi, được đồng nghiệp tin yêu nhưng chị Hòa vẫn tự nhủ mình phải phấn đấu, không bao giờ được vừa lòng, tự mãn với cái thành tích mình đã đạt được, luôn học hỏi, cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Phó chủ tịch xã giàu nhiệt huyết

Hiện chị Dương Thị Hoài, sinh năm 1989 quê ở xã Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy), đang là Phó Chủ tịch xã tại Hóa Thanh (huyện Minh Hóa). Tốt nghiệp Trường đại học Đà Lạt loại giỏi ngành văn hóa học, với mong ước trở về xây dựng quê hương, chị Hoài đã tham gia Dự án 600 Phó Chủ tịch xã. Trải qua kỳ thi đầy gay cấn, cạnh tranh, chị xuất sắc trở thành một trong 11 Phó Chủ tịch xã trẻ của huyện Minh Hóa.

Phó Chủ tịch xã Dương Thị Hoài cùng các em nhỏ xã Hóa Thanh (Minh Hóa).
Phó Chủ tịch xã Dương Thị Hoài cùng các em nhỏ xã Hóa Thanh (Minh Hóa).

Gần 9 tháng tiếp xúc, làm việc ở xã nghèo Hóa Thanh, những bỡ ngỡ và khó khăn ban đầu do chưa quen với phong tục, lối sống của địa bàn đã được chị Hoài dần khắc phục. Là Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực văn hóa-xã hội, chị Hoài luôn nhiệt huyết và hoàn thành tốt công việc được giao phó. Để hiểu hơn cuộc sống của người dân bản địa, mỗi ngày thứ bảy, chủ nhật dẫu nhớ nhà khôn xiết nhưng chị Hoài vẫn dành thời gian ở lại Hóa Thanh đến từng nhà gần gũi, chia sẻ với dân.

Sau một thời gian trải nghiệm thực tế, với kiến thức được đào tạo cùng  những hiểu biết nhất định tình hình địa phương, chị Hoài đã xây dựng đề án “phát triển trồng mây” để phát triển kinh tế cho bà con nơi đây. Bên cạnh đó, với tình yêu thương những đứa trẻ nghèo, bằng những kiến thức học được, chị Hoài đã dành khoảng thời gian rảnh của mình để phụ đạo thêm môn tiếng Anh cho các em nhỏ lớp 3, lớp 4 trong xã. Chị Hoài tâm sự: “Thấy các em học sinh ở đây thiệt thòi quá, điều kiện học tập không được đầy đủ, trong khi tiếng Anh lại là môn học cần thiết, trang bị quan trọng cho công việc của các em sau này. Từ suy nghĩ đó, tôi đã tranh thủ kèm thêm kiến thức tiếng Anh cho các em”.

Dù ở những độ tuổi, hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người phụ nữ tuổi Tỵ vẫn có một nét chung là giàu ước mơ, hoài bão, giàu nghị lực. Họ là những “bông hoa” thành công trên “cây sự nghiệp”.

                                                                   Lê Mai




 

,