Khó khăn trong công tác dân số ở Lâm Thủy

Cập nhật lúc 15:46, Thứ Hai, 08/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Là một xã miền núi thuộc huyện Lệ Thủy, từ nhiều năm nay, đời sống của người dân Lâm Thủy gặp không ít khó khăn, thiếu thốn, như xuất phát điểm thấp, đất sản xuất khan hiếm, trình độ người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, những khó khăn về dân số cũng đang trở thành "gánh nặng" đối với công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Lâm Thủy có 315 hộ với 1.354 khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số (98% là người Vân Kiều) học vấn thấp nên trình độ nhận thức về vấn đề DS-KHHGĐ vẫn còn nhiều hạn chế. Theo thống kê 6 tháng đầu năm 2012, cả xã có 23 ca sinh đẻ, trong đó có 6 trường hợp là con thứ 3 trở lên, tăng 2 trường hợp so với cả năm 2011.

Và con số này dự đoán không chỉ dừng lại ở đó mà còn tiếp tục tăng cho đến cuối năm. Giải thích cho thực trạng này, chị Nguyễn Thị Minh, cán bộ chuyên trách dân số xã Lâm Thủy cho biết: Đại đa số những gia đình sinh con thứ 3 trở lên là do hạn chế về nhận thức, tư tưởng. Với quan niệm "trời sinh voi ắt trời sinh cỏ", "mình sinh con thì mình nuôi chứ ảnh hưởng đến ai đâu", nhiều gia đình đã liên tiếp sinh thêm đứa thứ 3 rồi thứ 4, thứ 5, thậm chí đứa thứ 6. Cũng không ít hộ có tư tưởng ỷ lại vào chế độ trợ cấp của Nhà nước mà "vô tư" sinh đẻ.

Một khó khăn không kém phần quan trọng trong việc thực thi các chính sách DS-KHHGĐ là do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, vất vả nên họ không có điều kiện tham gia sinh hoạt tại các tổ chức, đoàn thể. Hơn nữa, đối với một xã miền núi vùng biên địa hình đi lại khó khăn như Lâm Thủy, công tác vận động chị em gặp rất nhiều khó khăn, không được thường xuyên.

"Gánh nặng" dân số khiến nhiều gia đình ở Lâm Thủy rơi vào cảnh nghèo túng.

Xác định rõ những thách thức đối với công tác DS-KHHGĐ, chính quyền xã Lâm Thủy đã có những chủ trương, biện pháp nhằm hạn chế tình trạng sinh con thứ 3. Tuy nhiên, những nỗ lực truyền thông bằng nhiều hình thức như tuyên truyền, vận động sử dụng các biện pháp tránh thai, SĐ - KHHGĐ, chăm sóc SKSS cho chị em, giáo dục về giới tính... không thực sự phát huy được hiệu quả trong việc làm giảm dân số của địa phương.

Thực tế cho thấy, nhiều cặp vợ chồng ở Lâm Thủy vẫn không mấy "mặn mà" với các biện pháp tránh thai được khuyến khích sử dụng nhằm làm giảm gia tăng dân số trên địa bàn. Năm 2011, trong số 234 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chỉ có 188 cặp sử dụng các biện pháp tránh thai, còn 6 tháng đầu năm 2012 chỉ có 156/211 cặp sử dụng các biện pháp tránh thai. Chị Minh cho biết: Do thiếu hiểu biết, nhận thức còn hạn chế nên đa số các cặp vợ chồng ở đây đều "ngại ngùng" với bao cao su, đình sản và một phần vì thường xuyên làm việc nặng nhọc nên gặp khó khăn với hình thức đặt vòng. Chính điều này đã làm cho tỷ lệ sinh con thứ 3 của Lâm Thủy ngày càng gia tăng.

Dân số gia tăng khiến cho cuộc sống của nhiều người dân Lâm Thủy gặp không ít khó khăn, thiếu thốn. "Gánh nặng" dân số khiến con đường giảm nghèo của địa phương vốn trắc trở giờ đây lại càng gian nan hơn. Hiện tại tỷ lệ hộ nghèo của xã là 81% (theo chuẩn mới). Rất nhiều gia đình đang đối mặt với cảnh nghèo túng vì phải nuôi quá nhiều "miệng ăn" khi trong tay không có nghề nghiệp ổn định, chỉ dựa vào những việc làm nương, làm rẫy bấp bênh.

Đơn cử như trường hợp gia đình chị Hồ Thị Xuyên ở bản Xà Khía. Với 6 đứa con nheo nhóc, chị luôn phải gồng mình với gánh nặng mưu sinh. Không chồng, một mình chị Xuyên với công việc chính là làm rẫy phải rất chật vật mới có được cái ăn mỗi ngày nên những đứa con của chị đều không được học hành tới nơi tới chốn.

Cứ thế, chúng lớn lên như cây cỏ giữa rừng, nối tiếp mẹ chúng lên rừng làm nương, làm rẫy. Hay như gia đình chị Hồ Thị Hồng (bản Xà Khía) cũng luôn bị cái nghèo đeo bám vì dù hai vợ chồng chị có làm việc quần quật suốt ngày cũng không thể lo đủ mọi việc từ cái ăn, cái mặc cho đến chuyện học hành cho 5 đứa con. Và còn rất nhiều những gia cảnh khốn khó vì đông con ở xã miền núi vùng biên này.

Chị Nguyễn Thị Minh thổ lộ: Hiện tại, để đạt hiệu quả cao trong công tác DS-KHHGĐ, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các ngành, các đoàn thể, trong đó tập trung vào việc nâng cao nhận thức, hành vi cho các gia đình, động viên, thuyết phục họ lựa chọn các biện pháp tránh thai, chấp nhận mô hình ít con để xây dựng gia đình hạnh phúc. Có như vậy Lâm Thủy mới mong vơi bớt “gánh nặng” dân số, tập trung thực hiện mục tiêu giảm nghèo của địa phương.

                                                                                            P. V

 

,
.
.
.