Bố Trạch với "bài toán khó" về dân số

Cập nhật lúc 14:24, Thứ Hai, 08/10/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Năm 2012 được xem là một năm đầy khó khăn, thử thách đối với ngành dân số huyện Bố Trạch. Không chỉ các chỉ số dân số của huyện không ngừng tăng cao, mà công tác kế hoạch hóa gia đình và truyền thông dân số cũng gặp nhiều chông gai.

Lâm Trạch là một xã nghèo, nhưng tỷ lệ tăng dân số ở đây lại luôn ở mức cao. Tính đến tháng 8 năm 2012, tổng số sinh toàn xã là 45 trẻ, trong đó, 16 trẻ là con thứ 3 trở lên, chiếm tỷ lệ 35,6%, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo chị Nguyễn Thị Hiền, chuyên trách dân số xã Lâm Trạch, xã có tới 60% đồng bào theo đạo Thiên chúa, cộng thêm nhận thức bà con còn nhiều hạn chế, do đó, công tác truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Thị Th. (thôn 3, xã Lâm Trạch) vừa sinh con thứ 4. Đã có 3 con gái, lần này gia đình chị quyết tâm sinh thêm một con trai nối dõi tông đường.

Trớ trêu thay, lần sinh nở này cũng cho ra đời một con gái. Gia đình làm nghề nông, hoàn cảnh khó khăn, con cái lại đông, không biết bao giờ nhà chị mới thoát cảnh nghèo khổ. Xã Hưng Trạch cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. 3 thôn Thanh Hưng 1,2,3 của xã có nhiều hộ gia đình đã sinh đến con thứ 7, 8, 9 và sẽ vẫn chưa dừng lại.

Tìm lời giải cho bài toán dân số luôn là thách thức đối với nhiều địa phương.
Tìm lời giải cho bài toán dân số luôn là thách thức đối với nhiều địa phương.

Tính đến 8 tháng đầu năm, 3 thôn Thanh Hưng đã có 35 cháu chào đời với 12 cháu là con thứ 3 trở lên. Chị Lê Thị Lan, chuyên trách dân số xã Hưng Trạch, khẳng định với 45% người dân theo đạo Thiên chúa, khó khăn nhất với đội ngũ cộng tác viên dân số nơi đây là thuyết phục bà con thực hiện những biện pháp kế hoạch hóa gia đình như đình sản, đặt vòng....

Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2012, toàn huyện Bố Trạch có 1.754 trẻ chào đời, tăng 183 trẻ so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, 330 trẻ là con thứ 3 trở lên, tăng 93 trẻ so với cùng kỳ năm 2011. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đạt 18,8%, tăng 3,8% so với cùng kỳ.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Bố Trạch, cho biết không riêng gì xã Lâm Trạch hay Hưng Trạch, nhiều xã trong huyện có mức tăng dân số kỷ lục, đặc biệt là về tỷ lệ sinh con thứ 3, như xã Mỹ Trạch (41,1%), xã Thượng Trạch (34,6%), xã Vạn Trạch (27,3%), Đức Trạch (33%)... Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu về kế hoạch hóa gia đình như đình sản, đặt vòng tránh thai, thuốc tránh thai... rất khó khăn để đạt. Tính đến nay, tổng số người áp dụng các biện pháp tránh thai là 7783 người, ước đạt 82,6% theo kế hoạch đề ra.

Lý giải cho sự gia tăng dân số đột biến này, bà Nguyễn Thị Nguyệt khẳng định bên cạnh các yếu tố khách quan như ý thức của người dân còn nhiều hạn chế, một số nơi vẫn tồn tại các thủ tục lạc hậu, quan niệm sinh con truyền thống..., khó khăn của đội ngũ thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở huyện Bố Trạch còn nằm ở nguồn nhân lực khá mỏng (4 cán bộ ở Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện, 30 chuyên trách dân số xã, 340 cộng tác viên dân số) trong khi địa bàn quản lý lại rộng (30 xã, thị trấn, trong đó 6 xã biển và 7 xã vùng khó khăn).

Nhiều xã ở vùng núi giao thông đi lại rất vất vả như Thượng Trạch, Tân Trạch..., các chuyên trách và cộng tác viên dân số rất khó để cập nhật thông tin hay thực hiện truyền thông một cách hiệu quả, sâu sát. Mặt khác, đội ngũ cán bộ chuyên trách lại đang trong giai đoạn hoàn thiện, cho nên có sự chuyển giao, thay đổi về nhân sự. Điều này khiến hiệu quả của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở cấp cơ sở vẫn chưa cao.

Chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của ngành dân số huyện Bố Trạch là phải tiếp tục củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình của huyện và cơ sở, bảo đảm có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Sắp tới, Trung tâm sẽ tích cực tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cộng tác viên, đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo ở cơ sở nhằm tuyên truyền, vận động, thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về dân số kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, các mô hình can thiệp nhằm hạn chế dần tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở địa phương sẽ được xây dựng hoàn chỉnh, hướng đến đưa chỉ số này về mức cân bằng càng sớm càng tốt.

                                                                                              M. Nh

 

,
.
.
.