Làm gì để giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc?

Cập nhật lúc 22:41, Thứ Ba, 06/03/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước- Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội trả lời phỏng vấn Báo Quảng Bình.

* PV: Xin ông cho biết tổng quan về tình hình đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc?

- Ông Phan Văn Minh: Chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo thỏa thuận giữa Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc được thực hiện từ năm 2004 theo luật cấp phép việc làm cho người lao động nước ngoài của Hàn Quốc gọi tắt là EPS.

Đây là chương trình phi lợi nhuận, với chi phí thấp, trong khi đó người lao động được hưởng mức thu nhập khá cao, ổn định, quy trình tuyển chọn đơn giản, minh bạch, không đòi hỏi người lao động phải có tay nghề cao nên được đông đảo người lao động quan tâm.

Từ khi thực hiện chương trình đến nay đã đưa được hơn 65.000 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc, góp phần không nhỏ vào giải quyết việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương. Đa số người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc được chủ sử dụng lao động đánh giá cao về sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo... chính vì vậy, số lượng người lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn luôn dẫn đầu so với 14 quốc gia phái cử khác.

* PV: Ông có những khuyến cáo gì trước hành vi lừa đảo của các đối tượng cò mồi, môi giới thu tiền bất hợp pháp người lao động?

- Ông Phan Văn Minh: Được đi làm việc tại Hàn Quốc là niềm khao khát của nhiều người lao động Việt Nam bởi đây là thị trường lao động hấp dẫn có thu nhập cao, ổn định. Mức chi phí đi làm việc tại Hàn Quốc thấp (630 USD) so với chi phí đi các thị trường khác trong khi người lao động có nhiều lợi ích nên chương trình đi làm việc tại Hàn Quốc thu hút rất nhiều người tham gia.

Hàng năm có khoảng 6 đến 7 vạn người lao động có nguyện vọng được đi làm việc tại Hàn Quốc, trong khi đó mỗi năm phía Hàn Quốc chỉ tiếp nhận trên dưới 1 vạn lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. Đây chính là nguyên nhân khiến Hàn Quốc luôn là thị trường nóng bởi vấn nạn cò mồi, lừa đảo thu tiền bất hợp pháp gây nhiều thiệt hại cho người lao động.

Theo quy định của chương trình EPS, để đăng ký dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc, người lao động phải vượt qua kỳ thi tiếng Hàn. Tuy nhiên, không phải tất cả những người đã làm hồ sơ đăng ký dự tuyển đều được đi làm việc tại Hàn Quốc mà chỉ những người được chủ sử dụng lao động lựa chọn ký hợp đồng lao động thì mới được làm thủ tục để đi làm việc tại Hàn Quốc. Trong thực tế, các đối tượng cò mồi, môi giới lợi dụng vào tính ưu việt của chương trình và tâm lý nhẹ dạ, cả tin, mong muốn được nhanh chóng đi làm việc tại Hàn Quốc của người lao động. Chúng thường mạo danh cán bộ của Bộ LĐTBXH hoặc của Trung tâm Lao động ngoài nước để lừa đảo người lao động, cá biệt có cả cán bộ của cơ quan tại địa phương được giao nhiệm vụ phối hợp với Trung tâm Lao động ngoài nước trong việc đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc cũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lừa đảo thu tiền bất hợp pháp người lao động.

Trước thực trạng này, người lao động không nên tin vào những lời dụ dỗ của các đối tượng môi giới hứa giúp đỡ vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn, vì đề kiểm tra do phía Hàn Quốc chuẩn bị và được bảo mật cho đến tận phòng thi. Việc chấm bài do máy tính thực hiện nên không một tổ chức, cá nhân nào có thể tác động vào kết quả kiểm tra.

Người lao động không được cung cấp các thông tin cá nhân của mình cho người khác để tránh trường hợp bị các đối tượng xấu lợi dụng; người lao động tự kê khai và trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển qua Sở LĐTBXH, không nhờ các đối tượng trung gian nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển của mình. Người lao động không nên nôn nóng khi chưa được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn. Chúng tôi khẳng định việc giới thiệu cho chủ sử dụng lao động là do phía Hàn Quốc thực hiện một cách ngẫu nhiên, không một tổ chức, cá nhân nào có thể tác động vào quy trình đó.

* PV: Thời gian gần đây dư luận tỏ ra lo ngại trước thực trạng người lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc ở lại cư trú bất hợp pháp và chuyển đổi nơi làm việc với lý do không chính đáng, ông có thể nói rõ hơn vấn đề này?

- Ông Phan Văn Minh: Trong thời gian gần đây đã có một số vấn đề phát sinh đang trở thành nguy cơ làm giảm lòng tin của chủ sử dụng lao động Hàn Quốc. Đó là tình trạng số người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc kết thúc hợp đồng lao động ở lại cư trú bất hợp pháp, chuyển đổi nơi làm việc với lý do không chính đáng ngày càng gia tăng. Việc chuyển đổi này xảy ra khi hợp đồng lao động vẫn còn hiệu lực, đã làm ảnh hưởng kế hoạch sản xuất của các công ty, gây bức xúc đối với các chủ sử dụng lao động và cơ quan quản lý Hàn Quốc, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lao động Việt Nam.

Một số chủ sử dụng lao động đặc biệt là chủ sử dụng lao động trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp đã chuyển sang lựa chọn người lao động một số quốc gia khác. Bên cạnh đó, số người lao động hết hạn hợp đồng lao động trong thời gian tới sẽ tăng lên, dự kiến mỗi năm có khoảng 1 vạn người kết thúc hợp đồng lao động.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc thì Việt Nam là nước có số lao động "nhảy việc" và ở lại cư trú bất hợp pháp cao nhất 15 nước tham gia phái cử. Nếu không ngăn chặn được tình trạng người lao động ở lại bất hợp pháp, Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc sẽ áp dụng biện pháp hạn chế tiếp nhận lao động mới đối với các quốc gia phái cử trong đó có Việt Nam.

Vì vậy, phía Việt Nam đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Đó là: thay đổi cách thức tuyển chọn lao động: Đối với lao động đăng ký dự tuyển trong ngành ngư nghiệp và nông nghiệp: quy định giới hạn tuổi tối thiểu; chỉ tuyển chọn giới tính phù hợp với ngành nghề; ví dụ ngành ngư nghiệp và nông nghiệp là ngư dân hoặc nông dân từ các xã không có người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Không thực hiện việc tuyển chọn đối với những xã có nhiều lao động ở lại cư trú bất hợp pháp.

Trong kỳ kiểm tra tiếng Hàn ngày 17 và 18-12-2011 vừa qua, các địa phương đã thống nhất với Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội không thực hiện tuyển chọn người lao động ở 23 xã có 5 người lao động cư trú bất hợp pháp trở lên. Giải pháp tiếp theo là phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình động viên người lao động về nước; xử phạt các trường hợp cư trú bất hợp pháp. Thông báo cho gia đình và chính quyền cấp phường, xã danh sách người lao động chuẩn bị kết thúc hợp đồng lao động để động viên người lao động về nước. Phối hợp với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội và chính quyền địa phương áp dụng hình thức xử phạt đối với những người cư trú bất hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền cả ở trong nước và tại Hàn Quốc về chính sách ưu đãi của Hàn Quốc đối với người lao động về nước đúng hạn; các quy định chế tài liên quan đến người lao động cư trú bất hợp pháp. Phối hợp với Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Hàn Quốc phát tờ rơi, tuyên truyền tư vấn cho người lao động đang làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng hạn. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và bổ túc tiếng Hàn cho người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc.

Thực hiện các chương trình hỗ trợ người lao động về nước. Nghiên cứu trình các cơ quan có thẩm quyền ký thỏa thuận về việc áp dụng chế độ bảo hiểm hưu trí và chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động Việt Nam về nước đúng hạn. Tiếp tục đề nghị các cơ quan chức năng của Hàn Quốc tăng cường quản lý lao động bất hợp pháp, xử phạt nghiêm minh các chủ sử dụng lao động bất hợp pháp; tăng cường chiến dịch truy bắt lao động bất hợp pháp để đưa lao động về nước.

Quảng Bình hiện đang hưởng lợi từ chương trình EPS, hàng năm có hàng trăm lao động được làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình, tuy nhiên tỉnh có tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất cả nước. Năm 2011 vừa qua trong số 33 người hết hạn hợp đồng chỉ có 8 người về nước đúng thời hạn, như vậy số người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc lên tới trên 75%. Trước thực trạng này, đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương cần chung sức cùng ngành LĐTBXH đưa ra các giải pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống còn 27% trong năm 2012.

* PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

                                                                         Phan Hòa (thực hiện)



,
.
.
.