.

Đôi điều về 'Thơ Lệ Thuỷ'

.
10:36, Thứ Ba, 17/07/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Tôi nhận được tập Thơ Lệ Thủy do nhà văn Hoàng Đại Hữu, Chi hội trưởng Chi hội VHNT Lệ Thủy gửi tặng, mà mừng. Mừng giống như cách đây 5 năm, tôi rất xúc động nhận được tập thơ tập thơ Thơ làng Thượng Luật do Câu lạc bộ thơ làng Thượng Luật gửi tặng.
 
Vâng, Thượng Luật, Ngư Thủy là làng tôi. Lệ Thủy là huyện quê tôi. Một miền quê – sông - nước - cát - biển, một vựa lúa “nhất Đồng Nai/ Nhì hai huyện” -  một Miền quê thơ! Cứ nghĩ đến miền quê thơ ấy là lòng tôi xốn xang, giống như khi đi ngang đường chợt nghe loa truyền thanh vang lên câu hát Nếu ai hỏi vì sao quê hương chúng ta đồng lúa tốt..trong bài hát của Hoàng Vân.
Sinh thời, nhà thơ Phùng Quán có lần nói với tôi về cái Miền quê thơ ấy. Anh bảo:” Mỗi lần đi qua vùng Lệ Thủy Quảng Bình, mình lại nghĩ, sao cái cùng cát trắng gió lào cháy bỏng thế, lại sinh ra nhiều nhà thơ đến vậy! Hình như chục cây số vuông  có một hai nhà thơ!” Rồi anh nhắc đến Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Vũ Thuật, Đỗ Hoàng, Hải Kỳ… Thời ấy anh Phùng Quán chưa biết rằng, chỉ Lệ Thủy thôi đã có hẳn vài chục người làm thơ có tên tuổi, bảng hiệu. Tập thơ Thơ Lệ Thủy là sự góp mặt của 20 nhà thơ là hội viên Chi hội Văn học nghệ thuật Lệ Thủy, thuộc Hội VHNT Quảng Bình và con em Lệ Thủy làm thơ trên mọi miền đất nước. 75 bài thơ của 20 tác giả với 124 trang in, dù rất khiêm nhường cũng nói lên được cái không khí sôi động, cái chất thẳm sâu miền sông nước Lệ Thủy thơ.
 
Nói đến Lệ Thủy là nói đến miền quê nông nghiệp vật vã, khó nhọc, nói đến những cánh “đồng su” ám ảnh:  Bông lúa đỏ sậm chìm trong nước bạc / người đi gặt như bơi  (Phạm Hữu Xướng- Hạt gạo tháng tám). Đi gặt mà như bơi là tứ thơ "đắt" chưa ai viết bao giờ, chỉ có ở Lệ Thủy! Nói đến Lệ Thủy là nói đến hò khoan giã gạo, kẻ hò, người xố thâu đêm suốt sáng. Tiếng hò mái nhì, mái xắp, mái ba, mái bảy, mái dài… trên sông Kiến  đi vào tận giấc mơ: Tay cầm trái cau vừa róc vừa tiện/ Tay cầm ngọn trầu vừa rọc vừa têm… Hò giã gạo đối đáp nam nữ say mê tới mức, ca dao Lệ Thủy hát: Đêm khuya nghe tiếng chày khắc cối / Bạt gia đình ra đi… Phải dân ca ấy xui người đến với thơ?
 
Hãy cùng các nhà thơ Lệ Thủy dạo một vòng quê hương. Về Lệ Thủy đầu tiên là gặp Mũi Viết, như là một biểu trưng của đất học: "Mũi Viết ơi xin đừng tắt ngọn bút/ Viết lên trời xanh Lệ Thủy mình…" (Lê Đình Tới). Giọng hò Lệ Thủy đã vào thơ Ngọc Liên xao xuyến:
                                               Giọng hò khoan xới đất nghèo
                                           Hô khoan lề hố nghiêng đèo đổ non
                                                 Giọng hò xưa ấy gầy mòn
                                                Khoan lên Trôốc Vực hố còn vấn vương
                                                                                    (Lời quê)
Và giọng quê ấy cũng vào thơ của nhà thơ quá cố Lê Đình Ty với chữ miềng da diết tâm can: Miềng lên ớt ngọt mía cay / Miềng lên đêm sẽ hóa ngày miềng ơi/ Buồn đi Lệ Thủy mà chơi/ Cho miềng chộ mặt phương trời cách xa (Tiếng quê). Nhờ “Tiếng quê” ấy mà người Lệ Thủy đi đâu cũng dễ nhận ra nhau, lại nhắc chuyện nước Suối Bang (Vũ Thắng) luộc chín trứng gà, nhắc chuyện “ăn cơm bữa diếp”, nhắc hội đua thuyền và phác thảo tượng đài Bà Lỗ ( Lê Đình Tới); về Lệ Thủy Thăm chùa Hoằng Phúc (Lê Thuận Long), ngôi quốc tự 700 năm trước từng in dấu chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông!  Về Lệ Thủy ai cũng tìm nhắc  An Mã hồ xanh trên núi / Hạc Hải thuyền ai xuôi dòng ( Đỗ Quý Doãn); nhớ Lệ Thủy là nhớ về làng quê Dấu gậy hằn sâu đường cũ/ Hạt sỏi trơn lỳ ngủ trong bàn chân (Tìm bóng- Trần Khởi). Thi ảnh hạt sỏi ngủ trong bàn chân rất thật mà rất ảo, rất lạ. Cái miền quê ấy ngàn đời vẫn “Xóm thôn rộn rã quây quần/ Vẫn ôm lấy cội, lấy cành mà tươi" (Hoàng Đại Hữu- Nét quê). Thân thương lắm. Ruột rà lắm!
 
Thái Sắc là nhà thơ Việt Nam, nhà thơ xứ Lệ lang bạt tận miền Đồng Tháp Cửu Long vẫn nhớ dòng sông Kiến Giang, dòng sông học trò xưa: Tan trường/ Dòng sông vỡ òa/ Nhan sắc ( Nữ sinh trường Lệ Thủy). Đẹp quá. Lung linh quá! Nhà thơ còn nhớ, còn cảm về những cây mưng già bên sông Kiến trổ hoa như thắp đèn, rồi hoa rụng sông là niềm bày tỏ. Trong ký ức của tôi rặng mưng già ở đâu miền Cổ Liễu, Uẩn Áo bên sông. Chút hoa mưng thôi mà cả đời người!
 
                 Cái đêm tiếng khóc đầu tiên của tôi rụng về sông
                 Hoa mưng khải hoàn một niềm đau mới
                 Vũ trụ từ đây thêm một cánh hoa đời
                 Mọc vào mong manh tuổi                   ( Hoa mưng rụng)
 
Đọc Thơ Lệ Thủy tôi thấy các nhà thơ quê mình" tung tẩy "chữ nghĩa ghê lắm. Tôi xin nhặt ra đây một số thi ảnh đẹp, những câu thơ hay, lạ để bạn đọc cùng chiêm ngưỡng. Đỗ Quý Dũng có  Bờ vai muốn khóc (Thơ); Trần Khởi phát hiện ra trò chơi ú tim Tìm bóng: Ta đi lên phía trước/ Bóng đổ về phía sau/ Ta ngoái lại phía sau/ Bóng đổ về phía trước… Lê Đình Ty có câu thơ giản dị mà như một định đề thăm thẳm, như một lời nhắn của thời gian: Buồn lên Lệ Thủy mà chơi! (Tiếng quê);  một Ngọc Liên tâm trạng: Tôi về ôm lấy bần thần/ Trẻ trai xa ngái nay gần già nua (Tôi về); Từ Sâm viết về quê nhà có câu thơ làm ta nổi da gà: Chim gáy độc thân không nuôi nổi tiếng gù (Sắn). Nhà thơ trẻ nhất trong tập là nữ sĩ Hoàng Thụy Anh, quê Hồng Thủy có câu thơ đọc lên là ám ảnh:
                     Người đàn bà sinh ra từ mưa
                     ăn mùi hoàng hôn rớt lại của mùa đông trước
                     ăn nhánh khô gầy trên môi gió
                     ăn chồi buồn vừa nở trong đôi mắt ngập nước
                                        (Người đàn bà sinh ra từ mưa)
Lật từng trang tập Thơ Lê Thủy, nhặt ra mấy ý như thế đã thấy thơ đất này rất nồng mặn, lấp lánh. Băn khoăn là trong tập thơ Thơ Lệ Thủy tôi thấy thiếu những gương mặt thơ quan trọng là : Nhà thơ Đỗ Hoàng (Mỹ Thủy), nhà thơ Trần Quang Đạo (Phú Thủy), Đào Tiu (Liên Thủy… Chắc chắn còn nhiều con em Lệ Thủy làm thơ nữa ở khắp đất nước mà tôi không biết, chưa được góp mặt ở tập thơ này. Điều này anh Hoàng Đại Hữu Đã viết trong lời đầu sách: "Ban biên tập xin hẹn lần sau”. Mong một ngày tái bản, họp mặt đầy đủ hơn!
 
Thời đương đại, Lệ Thủy là huyện có 10 nhà thơ, nhà văn Việt Nam  Có lẽ là một trong ít huyện nhiều nhà văn nhất nước. Nêu ra con số này không phải để khoe (thực ra nhà văn Việt Nam cũng chẳng khác gì nhà văn tỉnh, huyện, viết lách chưa chắc ai hơn ai, chẳng qua danh xưng thôi!), nhưng để nói rằng mạch đất xứ Lệ là mạch đất văn hóa, văn nhân, nơi sinh nhân tài văn chương. Mỗi người lao động bất cứ ngành nghề gì ở xứ này có thể là một người làm thơ. Như nhà thơ Hoàng Vũ Thuật trong bài thơ Những câu thơ của tôi in trong tập, viết: "thơ tôi là cát lạo xạo khắp các ngả đường bạn từng đi qua”.
 
Thơ Lệ Thủy là rứa đó!
 
Ngô Minh
,
  • Thông tin sai sự thật, Báo Tuổi trẻ Online bị đình bản 3 tháng

    Ngày 16-7, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lưu Đình Phúc cho biết Cục đã có quyết định số 140/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản đối với Báo Tuổi trẻ Online. 
     
    17/07/2018
    .
  • Hương lúa

    (QBĐT) - Thơm lừng hương lúa quê hương
    Chiêm mùa hai vụ vàng ươm hạt vàng
    Tỏa hương thơm ngát đồng làng
    Mặn mồ hôi mẹ mùa vàng bội thu
    17/07/2018
    .
  • Rạng đông

    (QBĐT) - Rạng đông

    15/07/2018
    .
  • Còng gió

    (QBĐT) - Ngàn đời vẫn một giấc mơ
    Mắt dương nốt nhạc cho thơ bềnh bồng
    Thơ thì cháy hết nỗi lòng
    Mà chưa thấu tận mênh mông biển trời?
     
    15/07/2018
    .
  • Niềm yêu

    (QBĐT) - Ai đặt hai tiếng quê hương
    Để cho ta kẻ tha phương tìm về
    Chỉ là đồng ruộng con đê
    Có gì đâu mà bộn bề nhớ mong.
    14/07/2018
    .
  • Nâng cao trách nhiệm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội

    Ngày 13-7, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tọa đàm "Nhà báo và mạng xã hội."
     
    13/07/2018
    .
  • Giới thiệu nhiều tài liệu được giải mật về Hội nghị Paris lịch sử

    Thực hiện kế hoạch hợp tác giữa lưu trữ hai nước Việt Nam-Hoa Kỳ; nhân kỷ niệm 45 năm ngày Hiệp định Paris được ký kết (1973-2018) và 23 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước (12-7-1995 - 12-7-2018), ngày 12-7, tại Bảo tàng Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Bộ Nội vụ) phối hợp với Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ tổ chức triển lãm "Hội nghị Paris - Đường đến hòa bình."
     
    13/07/2018
    .
  • Mẹ vẫn chờ mong

    (QBĐT) - Chiến tranh năm tháng dãi dầu
     
                      Tóc mẹ nhuốm màu lửa khói
     
                      Mây giăng khắp trời dấu hỏi
     
                      Nỗi niềm tóc trắng mẹ tôi
     
    12/07/2018
    .