.

Đọc "Nguyễn Tri Phương - Cuộc đời và thi ca" *

.
08:24, Thứ Năm, 12/07/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Đại tá anh hùng LLVTND Nguyễn Tri Phương, nguyên Phó công an xã Thanh Trạch, Trưởng công an huyện Bố Trạch, Phó ban chỉ huy an ninh, Phó ban chỉ huy phản gián Công an tỉnh Bình Trị Thiên, Phó giám đốc, Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Quảng Bình. Năm 2003 đến nay, ông nghỉ hưu tại thành phố Đồng Hới. 
Tập sách "Nguyễn Tri Phương - Cuộc đời và thi ca" (NXB Thuận Hóa, 2018) tập hợp gần như toàn bộ những bài viết liên quan đến thân thế, sự nghiệp của ông. Trong suốt 43 năm công tác ở ngành Công an, đại tá Anh hùng LLVT Nguyễn Tri Phương đã có những đóng góp không nhỏ, được Đảng và nhân dân tin cậy, yêu mến. Ông còn là tác giả của hai tập thơ Thuyền đời và Bến đậu. Thơ ông mộc mạc, chân tình, giản dị, sâu lắng như bản tính của ông.      
 
Đại tá Nguyễn Tri Phương quê xã Thanh Trạch, Bố Trạch. Đây là vùng quê giàu truyền thống cách mạng và văn hóa; thời kháng chiến chống Mỹ xuất hiện 3 anh hùng; thời xây dựng CNXH xuất hiện 3 nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
 
Ông sinh năm 1940, trong một gia đình làm nghề đánh cá. Năm 24 tuổi, ông được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Với cương vị Phó công an xã, ông luôn luôn quan tâm đến công tác bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, đi sâu đi sát quần chúng, vận động bà con tham gia phong trào bảo vệ trị an…
 
Ngày 28 - 4 - 1965, giặc Mỹ liều lĩnh tập trung nhiều tốp máy bay đánh phá tàu chiến của ta tại cảng Sông Gianh. Một chiếc tàu chiến của ta bị trúng bom na-pan bốc cháy. Đạn trong tàu phát nổ. Nhiều chiến sĩ hải quân trên tàu bị thương nặng. Trước tình cảnh đó, ông đã khẩn trương chỉ huy dân quân địa phương chèo thuyền dưới làn mưa bom, bão đạn, áp sát con tàu gặp nạn, kịp thời ứng cứu, chuyển các chiến sĩ hải quân bị thương vào bờ.
 
Sau chiến công này, ông được Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình và Ty Công an tặng bằng khen, được Hội đồng Chính phủ tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
 
Ngày 16-6-1965, địch đánh phá và ném bom vào thôn Thanh Hà, xã Thanh Trạch. Ông và một số anh em dân quân đã đào hầm sập, cứu được nhiều bà con, dập lửa nhiều ngôi nhà bốc cháy. Trong trận chiến đấu, ông luôn biểu lộ tinh thần dũng cảm, gan dạ, bình tĩnh sáng suốt, luôn nêu cao vai trò tiên phong gương mẫu của người đảng viên, với tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của người chiến sĩ Công an.
 
Chiến công của ông được nhà báo nổi tiếng Hữu Thọ ghi lại qua bài Giữ gìn cuộc sống nhân dân - Chuyện anh hùng Công an Nguyễn Tri Phương" (đăng trên báo Nhân Dân, số ra ngày 22-2-1967), trong đó có đoạn: “Cho đến nay, quê hương Nguyễn Tri Phương đã trải qua hơn một nghìn lần đánh máy bay giặc. Lần nào Phương có mặt ở xã, anh đều tham gia chiến đấu. Người ta vẫn thường nói tới hồi hải quân ta đánh máy bay giặc Mỹ trên con sông quê hương, giữa lúc bom đạn nổ lốp bốp bên mạn tàu như rán mỡ, anh chị em thanh niên trong xã bơi ra giữa sông dìu thương binh vào bờ; giữa lúc cả dòng sông cháy bùng bùng lửa Na-pan, Phương vẫn hiên ngang giữ lái cùng anh em thanh niên trong xã, vượt vòng vây lửa chèo thuyền ra cứu thương binh…”.
 
Và cũng từ những chiến công thầm lặng ấy, ông được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận bằng danh hiệu Anh hùng LLVTND, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký vào ngày 1-1-1967. Niềm vinh dự lớn nhất trong đời ông là 3 lần được gặp Bác Hồ kính yêu. Thời gian làm Phó ban chỉ huy an ninh, Phó ban chỉ huy phản gián của Công an tỉnh Bình Trị Thiên, ông từng tham gia phá nhiều vụ án quan trọng.
 
Qua "Nguyễn Tri Phương – cuộc đời và thi ca", thế hệ trẻ hiểu đầy đủ hơn những đau thương mất mát mà đế quốc Mỹ đã giáng lên đầu những người dân vô tội. Ngày 18-9-1972, bom Mỹ đã sát hại một lúc 4 người thân yêu trong gia đình ông, gồm: bố đẻ, bố vợ, vợ và con gái đầu của ông. Nỗi đau thương vô hạn này ám ảnh suốt cả cuộc đời còn lại của ông. Những bài thơ xúc động nhất là những bài thơ ông viết về những người thân yêu ra đi trong cái ngày kinh hoàng đó. Nói như nhà thơ Lý Hoài Xuân: “Thi sĩ làm thơ là chuyện dĩ nhiên, còn anh hùng làm thơ là chuyện hiếm thấy” (Lời giới thiệu tập thơ Thuyền đời, NXB Thuận Hóa, 2005).
 
Vốn yêu thơ từ những ngày đang ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là mê Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du nên những khi xúc động trào dâng, ông đã mượn bút thay lời, ông trải lòng mình trên từng trang giấy.
 
Bố ông là người đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách của ông. Ông viết về bố với nỗi đau xé ruột và sự biết ơn sâu sắc: Lòng cuộn thắt, dạ bàng hoàng/ Lời cha dạy dỗ con mang theo mình/ Lời cha như bóng với hình/ Theo con suốt cuộc trường chinh – đời người (Giờ ly biệt).
 
Mẹ ông dòng dõi họ Mai, nhân từ, phúc hậu, luôn quan tâm chăm sóc ông (kể cả khi ông đã trưởng thành). Ông không bao giờ quên hình bóng mẹ đứng tựa cửa chờ ông mỗi chiều. Mẹ ân cần: “Con về đó rồi con?/ Đèn đã lên sao con về muộn?/Cơm canh đó con ăn cho đỡ bụng/Vui bạn bè phải từ tốn nghe con!/Cho tâm hồn thanh thản lòng son/Để lo toan việc nhà, việc nước” (Nhớ mẹ).
 
Vợ ông là bà Nguyễn Thị Kim Huê đẹp người, đẹp nết “trung hậu, đảm đang”. Thế mà chị ra đi không một lời từ biệt. Đã bao đêm trường anh nằm mơ thấy chị: Bàng hoàng tỉnh giấc chiêm bao/ Hương còn thơm đó người nào thấy đâu/ Anh ngồi thức với nỗi đau (Thức với nỗi đau).
 
Con gái đầu của ông chăm ngoan, học giỏi, khi ông tìm mua được quyển sách "Vọng gác sô ba" mà cháu yêu thích thì cháu không còn nữa. Ông run run cầm quyển sách trên tay, lòng nghẹn ngào, nước mắt ứa trào trên hai gò má.
 
Ông gặp được chị Nguyễn Thị Kim Ba – một người phụ nữ vừa giỏi việc nước vừa đảm việc nhà. Chính bàn tay chị đã chăm sóc, nuôi dưỡng các con ông khôn lớn nên người và sinh cho ông một người con gái thông minh, xinh đẹp – tiến sĩ Luật học Nguyễn Thị Lan Hồng. Trong ngày chị Ba nhận huy hiệu 40 năm tuổi Đảng, ông làm thơ tặng chị: Em bốn mươi tuổi Đảng/ Anh tặng em bó hoa/ Hoa tươi huy hiệu Đảng/ Là tinh anh đậm đà (Tặng hoa).
 
Bên cạnh những bài thơ tặng cha, mẹ, vợ, con, anh còn làm thơ ca ngợi những thắng cảnh của quê hương, đất nước (như các bài: Tam Sơn Bích Động, Phong cảnh Vịnh Hạ Long, Biển Nhật Lệ, Làng Thanh Hà, Thanh Trạch quê tôi…). Anh còn làm thơ ca ngợi Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp (như các bài: Viếng Lăng Bác, Lời Bác dạy, Thăm nhà Đại tướng…), ca ngợi các chiến sĩ Công an nhân dân (như các bài: Tặng người chiến sĩ Công an, Tiếng còi), bày tỏ quan niệm sống của mình (như các bài: Chim cắt,  Bát danh hương, Chân tướng).
 
Suốt cả đời vì nước, vì dân, đại tá Nguyễn Tri Phương đã phần nào thực hiện được khát vọng lớn lao của mình. Dù bây giờ đã nghỉ hưu và sắp sửa bước qua ngưỡng 80, nhưng ông vẫn hăng hái tham gia CLB hưu trí, CLB thơ… Thời gian rảnh rỗi, ông miệt mài ghi lại những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời đầy biến động của mình. Ông là tấm gương cho con cháu và thế hệ trẻ noi theo. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh (con gái ông) tâm sự: Tấm gương nghị lực sáng ngời/ Lưu danh muôn thuở trong lòng cháu con (Bố tôi). 
 
Tập sách "Nguyễn Tri Phương - cuộc đời và thi ca" với cách viết dung dị, chân thật, tự nhiên, xứng đáng là món quà quý mà ông để lại cho con cháu, cho đồng đội, cho những ai quan tâm đến những chiến công của người anh hùng LLVTND trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ.
 
Mai Văn Hoan
* Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2018
 
,