.

Đọc 'Mai Văn Hoan ngẫm về thơ'

.
09:33, Thứ Hai, 11/06/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Nhà thơ Mai Văn Hoan sinh năm 1949 tại Thanh Trạch, Bố Trạch.. Tốt nghiệp đại học sư phạm, ông về giảng dạy văn tại Trường sư phạm 10+3 Quảng Bình, sau đó vào dạy lớp chuyên Văn, Trường Quốc học Huế. Trong cuộc đời giảng dạy, nghiên cứu, sáng tác, ông đã cho ra đời 25 đầu sách gồm các thể loại thơ, tản văn, tiểu luận phê bình và biên soạn tác giả, tác phẩm các nhà thơ tên tuổi. Năm 2018, ông có thêm tập tiểu luận, phê bình “Mai Văn Hoan ngẫm về thơ”, (NXB Thuận Hóa).  
 

Tập “Mai Văn Hoan ngẫm về thơ” gồm 32 bài viết. Trong bài “Kế thừa và sáng tạo trong sáng tác thi ca”, ông nhắc lại ý kiến của nhà thơ Xuân Diệu: “Ăn cắp cái hay của người khác, nhưng phải biết phi tang để không hay biết, thì nó sẽ là của mình”. Ông dẫn lời Tùng Thiện Vương Miên Thẩm: “Cái mới của thơ, có khi là do dùng lại lời của cổ nhân có sửa đi một hai chữ mà càng mới”. Dùng lại một vài từ của người khác để làm mới câu thơ của mình, có thể hao hao thì được chứ sửa nguyên cả một bài thơ của họ thành thơ mình thì không thể gọi là sáng tạo được.

Vốn là người viết theo thi pháp truyền thống, nên Mai Văn Hoan tập trung nghiên cứu thơ truyền thống. Về thơ lục bát, Đường luật, các nhà phê bình đã nói nhiều nên không cần bàn thêm.
 
Trong bài “Thơ độc vận”, ông đã chỉ ra: “Nhờ cách nói có vần mà nhiều câu tục ngữ lưu truyền cho đến bây giờ”. Ông viết: “Làm thơ độc vận chẳng khác gì làm xiếc ở trên dây. Thất ngôn bát cú có thể xem là hình thức sơ khai của thơ độc vận”. Người sử dụng độc vận nhiều nhất là nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Trong gần 4 chục bài thơ mà có đến 5 bài sử dụng vần "eo". Trong bài Quán Khánh có 54 tiếng thì có đến 13 tiếng vần" eo": “Đứng chéo trông theo cảnh hắt heo/Đường đi thiên thẹo, quán cheo leo/ Lợp lều mái cỏ tranh xơ xác/ Xỏ kẽ kèo tre đốt khẳng kheo/ Ba chục cây xanh hình uốn éo/ Một dòng nước biếc cảnh leo teo/ Thú vui quên cả niềm lo cũ/ Kìa cái diều ai nó lộn lèo!”.
 
Hơn chục năm trở lại đây, phong trào làm thơ tân hình thức nổi lên gây nhiều ý kiến trái chiều. “Hiện tượng cùng một bài thơ người khen khen hết mức, người chê chê hết lời vẫn thường xảy ra. Người chủ trương thơ không vần thì dị ứng người làm thơ có vần và ngược lại”. Mai Văn Hoan đặt vấn đề thế nào là thơ hay? Ông nêu lên rồi tự trả lời: “Với tôi một câu thơ hay, một bài thơ hay ít nhất phải gây được ấn tượng về một khía cạnh nào đó. Những ấn tượng đó thường in sâu vào trí nhớ, hóa thành máu thịt, hóa thành tâm hồn” (Lạm bàn về câu thơ hay, bài thơ hay). Ông đồng nhất với quan điểm của Kim Thánh Thán, người được mệnh danh là “Vua của thể loại văn bạch thoại Trung Quốc” thuộc trường phái ấn tượng: “Làm thơ rất cần có chân tâm, thực ý; nếu có sự chân tâm, thực ý thì khiến cho người khác đọc thơ mình không ai không bùi ngùi cảm thán”. (Thánh Thán quan niệm về thơ).
       
Trong “Mai Văn Hoan ngẫm về thơ”, ông dành nhiều bài viết về các nhà thơ tên tuổi, như: Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Hoàng Bình Trọng, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Hữu Quý, Trần Đăng Khoa và Hoàng Hiếu Nhân.  Xã Thanh Trạch quê ông có 3 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Hoàng Bình Trọng, Nguyễn Hữu Quý và Mai Văn Hoan. Hoàng Bình Trọng được xem như là “của hiếm”, một cuốn “bách khoa toàn thư” của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình. Trong bài “Hoàng Bình Trọng và cuộc hành trình thơ”, ông viết: “Đã quen nói những lời không thích nói, đã quen lấy cái sướng vui giả tạo để che nỗi buồn đau, giờ dám nói những lời mình thích, giờ dám bày tỏ nỗi đau của lòng mình đâu có phải ngày một ngày hai làm được”. Khi đã “nhận ra những thứ ấy không phù hợp với khí chất của mình. Thế là anh cương quyết rũ bỏ hoa sói, hoa hòe mà người đời đang hết sức ưa chuộng để đi tìm lối riêng của mình”.
 
Nghĩ về nhà thơ thần đồng Hoàng Hiếu Nhân (cháu của Hoàng Bình Trọng), ông viết: “Có thể hai câu thơ của Xuân Diệu: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”, ám ảnh Nhân chăng? Mà Hoàng Hiếu Nhân đâu chỉ có “một phút huy hoàng”, Nhân có gần 10 năm cống hiến, để lại hơn 30 bài thơ và trở thành một trong hai “ông Hoàng” của thơ ca thiếu nhi đương đại”.
 
Gấp lại tập sách tôi vẫn còn băn khoăn không biết những điều ngẫm nghĩ của Mai Văn Hoan đã hoàn toàn đúng chưa. Mong bạn đọc hãy cùng tôi tiếp tục suy ngẫm.
 
Hoàng Minh Đức
 
,
  • Sau 'Tình khúc Bạch Dương' là câu chuyện của 'Quỳnh búp bê'

    "Quỳnh búp bê" (tác phẩm mới về đề tài mại dâm, buôn bán phụ nữ của đạo diễn Mai Hồng Phong) sẽ thế chỗ "Tình khúc Bạch Dương" ngay sau khi bộ phim này kết thúc.
     
    10/06/2018
    .
  • Hoa dành dành

    (QBĐT) - Ngát bờ sông dành dành chớm nở

    Chiều tháng năm rực rỡ ánh vàng

    Đi bên anh trong mùa nắng đẹp

    Long lanh trời in nước Kiến Giang

    09/06/2018
    .
  • 'Chỉ mặt' những vi phạm thường gặp của các trang thông tin điện tử

    Trước tình trạng các trang thông tin điện tử vi phạm quy định của pháp luật, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ "đưa vào tầm ngắm," nhằm lập lại trật tự trong thời gian tới.
     
    09/06/2018
    .
  • Về lực lượng phê bình văn học trẻ Bắc miền Trung hiện nay

    (QBĐT) - So sánh, đối chiếu giữa các miền, có thể thấy lực lượng phê bình văn học trẻ ở Bắc miền Trung còn mỏng, khá khiêm tốn. Tuy nhiên, số lượng không hẳn là cột mốc chuẩn xác để đánh giá chất lượng phê bình. Một số cây bút trẻ Bắc miền Trung vẫn khẳng định được tiếng nói và phong cách của mình, góp phần thúc đẩy sự phát triển phê bình ở Việt Nam, đồng hành với lĩnh vực sáng tác và định hướng người đọc, tránh tình trạng lệch pha, nhiễu sóng trước lối phê bình vuốt ve, trau chuốt hay hạ bệ lẫn nhau.

    09/06/2018
    .
  • Nắng trổ bông

    (QBĐT) - Nhớ em mười năm trước
    Như con suối mùa xuân
    Lững lờ soi bóng lá
    Xanh vào tôi trong ngần.
    08/06/2018
    .