.

"Hãy để người trẻ yêu dòng âm nhạc chính thống theo cách riêng của mình"

.
09:13, Thứ Tư, 02/05/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Đó là suy nghĩ của thạc sĩ âm nhạc Phạm Diệu Vinh, Trưởng khoa Âm nhạc - Mỹ thuật, Trường đại học Quảng Bình.
 
Nhiều năm qua, Phạm Diệu Vinh là gương mặt quen thuộc của công chúng yêu nhạc trong tỉnh. Chị sở hữu một chất giọng truyền cảm, khoẻ khoắn và thể hiện tốt những ca khúc mang âm hưởng dân ca và thể loại âm nhạc thính phòng cổ điển. Chị còn được biết đến với tài năng chơi đàn piano và biên đạo cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật quần chúng của nhà trường và các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh.
 
P.V: Được biết, chị bộc lộ tài năng âm nhạc từ rất sớm, từng đạt nhiều giải cao ở những cuộc thi giọng hát hay học sinh, sinh viên. Vậy cơ duyên nào đưa chị đến với nghề giáo viên mà không phải là một nghệ sĩ biểu diễn ở các đơn vị hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp?
 
- Giảng viên (GV) Phạm Diệu Vinh: Trở thành cô giáo luôn là niềm mơ ước của tôi. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã nghĩ đến một ngày nào đó sẽ được đứng trên bục giảng. Vì vậy, việc tôi thi vào trường sư phạm là hoàn toàn có trong kế hoạch của tôi. Chỉ khác là ngày ấy, tôi chưa định hình được là mình sẽ trở thành cán bộ giảng dạy bộ môn gì mà chỉ mơ ước được làm cô giáo. Từ nhỏ, tôi luôn có mặt trong các phong trào văn nghệ, thể thao của trường. Rồi tình yêu dành cho âm nhạc cứ ngày một lớn dần lên. Tốt nghiệp cấp 3, tôi thi và trúng tuyển và Trường cao đẳng Sư phạm Nghệ thuật Trung ương. Đây là những năm tháng có thể nói là rực rỡ nhất của tôi, bởi lúc ấy tôi có tuổi trẻ, có sức khoẻ, có nhiệt huyết nên được tham gia nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật của nhà trường. Nhờ đó mà tôi có cơ hội được học và hành, được rèn dũa trong một môi trường rất chuyên nghiệp. Cũng tại ngôi trường này, tôi đã gặt hái được thành công đầu đời là huy chương bạc tiếng hát học sinh, sinh viên toàn quốc. Học xong, bạn bè tôi nhiều người cũng rẽ sang hướng mới nhưng tôi vẫn giữ nguyên lập trường của mình là trở thành một cô giáo để đem kiến thức và niềm đam mê của mình truyền dạy cho thế hệ tiếp theo.
 
P.V: Chị có thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ bố mẹ?
 
- GV Phạm Diệu Vinh: Gia đình tôi không có ai theo con đường nghệ thuật, nhưng tôi nghĩ giọng hát mà tôi có là thừa hưởng từ gen của mẹ. Mẹ tôi hát rất hay và bà cũng rất đam mê các làn điệu dân ca của địa phương.
Giảng viên Phạm Diệu Vinh luôn đồng hành cùng sinh viên trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật
Giảng viên Phạm Diệu Vinh luôn đồng hành cùng sinh viên trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật
P.V: Trở thành giảng viên âm nhạc với công việc rất bận rộn song chị vẫn thường có mặt trong các sự kiện văn hóa, văn nghệ lớn của tỉnh. Chị sắp xếp thời gian như thế nào để có thể hoàn thành tốt mọi việc?
 
- GV Phạm Diệu Vinh: Tôi nghĩ, đứng trên sân khấu cũng là cách để trải nghiệm thực tế, giúp mình có những kinh nghiệm quý giá để có thể ứng dụng trong thực tiễn giảng dạy. Tuy nhiên, tôi luôn tập trung cho công tác giảng dạy ở trường vì đây là nhiệm vụ chính của tôi, còn việc biểu diễn, tôi chỉ nhận lời tham gia khi không vướng bận công việc ở trường. Dù công việc có vất vả song niềm đam mê đã khiến tôi quên hết mọi mệt mỏi cùng những lo toan trong cuộc sống đời thường.
 
P.V: Trong âm nhạc, thường thì nhiều người chỉ nổi trội ở một lĩnh vực cụ thể, nhưng chị lại có thể hát rất tốt tất cả các dòng nhạc từ dòng nhạc dân gian, nhạc nhẹ, nhạc thính phòng… Vậy đâu là sở trường và là con đường mà chị đang theo đuổi?
 
- GV Phạm Diệu Vinh: Dòng nhạc mang âm hưởng dân gian và nhạc thính phòng cổ điển chính là sở trường và là con đường mà tôi gắn bó bao nhiêu năm qua. Sở dĩ tôi vẫn thể hiện tốt những ca khúc thuộc dòng nhạc nhẹ là do tôi biết sử dụng kỹ thuật thanh nhạc, kết quả của quá trình học tập của tôi, nhất là những năm tháng theo học thạc sĩ âm nhạc tại Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Nội. Lợi thế nữa là tôi có một thời gian khá dài học hỏi, nghiên cứu để thực hiện thành công luận văn thạc sĩ có chủ đề “Nghiên cứu sâu cách phát âm và nhã chữ trong ca hát” và đề tài này cũng là cơ hội để tôi trải nghiệm bằng chính chất giọng của mình. Thế nên, tùy theo yêu cầu của từng ca khúc mà tôi sử dụng kỹ thuật thanh nhạc cho phù hợp để chuyển tải đến người nghe thông điệp về cảm xúc thẩm mỹ trong âm nhạc.
 
P.V: Nhìn vào diện mạo đời sống âm nhạc Việt Nam đương đại, không khó để nhận ra sự lấn át mạnh mẽ của âm nhạc giải trí, âm nhạc thị trường, theo chị, đâu là nguyên nhân của vấn đề trên và phải làm thế nào để khẳng định vị trí của  dòng âm nhạc chính thống?
 
- GV Phạm Diệu Vinh: Như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, trên hành trình phát triển để khẳng định mình, nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam cũng không tránh khỏi những "sóng gió" trong bối cảnh hội nhập, mở cửa với nhiều biến động. Đó là sự du nhập của nhiều loại hình âm nhạc khác nhau, trong đó có những loại nhạc nặng tính giải trí như pop, rock, rap, hip-hop...  mà tuổi trẻ lại thường thích khám phá cái mới nên việc tiếp cận cái mới là điều tất yếu xảy ra. Trong khi đó, muốn tiếp thu và thể hiện thành công dòng nhạc chính thống đòi hỏi cả một quá trình học tập, lao động bền bỉ. Tôi quan niệm rằng, hãy để cho thế hệ trẻ tự trải nghiệm mình với cái mới nhằm thử thách bản thân, quan trọng là chúng ta biết định hướng để các em nhận ra đâu là thế mạnh của mình mà đầu tư đúng hướng nếu muốn đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Tại Trường đại học Quảng Bình của chúng tôi, sinh viên khi được tuyển dụng vào trường đã xác định được rõ hướng đi của mình là sau này sẽ trở thành một giáo viên dạy nhạc hoặc những vị trí tương tự nên hầu như không có hiện tượng “lệch pha”. Các em được giáo dục đúng giáo trình của chương trình sư phạm để sau này trở thành một giáo viên, những người truyền lửa về âm nhạc chính thống của dân tộc cho các thế hệ học sinh. Cá nhân tôi cho rằng, để thế hệ trẻ thẩm thấu và yêu thích dòng nhạc chính thống thì việc đưa âm nhạc truyền thống hòa quyện vào dòng chảy âm nhạc hiện đại cũng là một cách để người trẻ dễ dàng đón nhận hơn. Tôi đã đọc, nghe đâu đó câu nói rằng: Hãy để tình yêu với âm nhạc dân tộc tự nó thấm vào hồn các thế hệ, đặc biệt là giới trẻ. Hãy để các em yêu nó theo cách của mình... và trách nhiệm của chúng ta là phải quảng bá, truyền đạt để các em yêu mến, để âm nhạc dân tộc sống và chảy trong huyết quản các em như tình yêu tổ tiên, nguồn cội....
 
P.V: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị này!
Thạc sĩ âm nhạc Phạm Diệu Vinh sinh năm 1976 ở xã Tân Ninh (Quảng Ninh), hiện là Trưởng khoa Âm nhạc-Mỹ thuật Trường đại học Quảng Bình.
 
Chị còn là gương mặt quen thuộc của công chúng yêu nhạc Quảng Bình với vai trò là một ca sĩ, nghệ sĩ piano, đạo diễn cho các chương trình biễu diễn nghệ thuật quần chúng.
 
Sở hữu giọng hát ngọt ngào, truyền cảm, Phạm Diệu Vinh ghi dấu trong lòng khán giả với nhiều ca khúc, như: Mùa hoa cải, Nỗi nhớ Nam Đàn, Đất nước lời ru, Tình ca rừng và biển, Quảng Bình trong câu hát, Lời em cô gái Lệ Ninh… và từng đoạt các huy chương vàng, bạc tại các cuộc thi giọng hát hay học sinh, giáo viên toàn quốc.
                                                                             Nhật Văn (thực hiện)
,