.

Giao mùa vào hạ

.
10:41, Thứ Hai, 09/04/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Không hiểu sao thời điểm khoảnh khắc giao mùa từ xuân sang hạ thường có bao cung bậc cả trong tâm trạng con người với sự biến đổi sắc màu và âm thanh, nhịp điệu của thiên  nhiên. Cái ranh giới mơ hồ có khi không rõ rệt ấy lại tạo cho ta bao sự thảng thốt bất chợt, lay thức trong ta bao ký ức nỗi niềm. Một chữ “sống” vẹn nguyên tươi rói là cả một sự vận động tiềm tàng…
 
Khúc giao mùa chính là sự kết nối nhưng lại là sự kết nối giao hòa, giao thoa. Tôi thích trạng thái giao mùa hơn là chuyển mùa, thay mùa, đổi mùa: Từ xuân sang hạ. Nếu như mùa xuân là mùa của sinh trưởng thì mùa hạ là mùa của tăng  trưởng. Nếu như xuân đâm chồi: lộc xuân, lộc xanh thì mùa hạ lại náo nức với bao sắc hoa bung nở. Nếu như hoa xuân dịu dàng sắc trắng như hoa sữa, hoa chanh, hoa loa kèn, hoa bưởi… Hoa tỏa hương, hoa lặng lẽ dịu dàng thiếu nữ, thì hoa mùa hạ lại đỏ rực màu phượng vĩ, tím của màu bằng lăng. Với bao tiếng chim gọi đàn: tu hú gọi mùa vải chín, tiếng cuốc kêu sốt ruột bên những ao đầm nước. Và giàn âm thanh vĩ cầm tiếng ve đang tu luyện ép mình trong lòng đất để một ngày đội lên tấu khúc nhạc mùa hè rộn rã.
Bằng lăng sắc tím một màu. Ảnh: T.H
Bằng lăng sắc tím một màu. Ảnh: T.H
Mùa hạ giống sự năng nổ hết mình sức sống của chàng trai hình như còn chút bồng bột nhưng phóng khoáng dạt dào. Có lẽ người đang yêu, lứa tuổi đang yêu là cảm nhận rõ nhất khúc giao mùa từ xuân sang hạ. Cũng như lứa tuổi trung niên là từ hạ vào thu và người già là từ thu đến đông. Chính sự vận động thời tiết của thiên nhiên cũng có từng khoảnh khắc đột biến giao cảm như tâm trạng sinh lí của con người.
 
Từ xuân sang hạ vòm trời như cao rộng thoáng đạt hơn thì dòng sông như thu hẹp lại. Cao và thấp, lạnh và nóng, rộng và hẹp… Không chỉ là độ đo kích thước, thời tiết mà ở đó còn có sự cân bằng, ở từng cung bậc để đưa đến một sự hài hòa, phong phú trong sự vận động biến đổi. Và khúc giao mùa từ xuân sang hạ còn chen vao cái rét nàng Bân. Đợt lạnh cuối cùng như đan cài câu chuyện cổ tích có hậu dệt nên bao tình nghĩa vấn vương. . .
 
Nhà thơ Xuân Diệu đã từng thốt lên khi nhận ra quả sấu non trên cao: “Ôi từ không đến có – Xảy ra như thế nào? “. Chính sự bí ẩn bất ngờ của thiên nhiên, của sự sống đã đưa lại vẻ đẹp hài hòa sinh thái. Hài hòa ngay cả trong tâm hồn con người trước một thế giới xanh, không gian xanh tuyệt mỹ. Giao mùa từ xuân sang hạ cũng là lúc mẹ già ra phơi phóng áo bông, chăn bông, phơi phóng cả tuổi tác mình để chuẩn bị phơi phóng cho cả mùa màng rơm rạ bội thu. Cơn mưa phùn, mưa bụi lắc rắc nhú mưa, nhú lộc của mùa xuân được thay thế bằng những cơn mưa giông tích điện như tích năng lượng sống của thời khắc giao mùa chuẩn bị cho những cơn mưa rào nồng nhiệt có chút nông nổi nhưng tràn trề của mùa hạ. Và mưa giao mùa lại bắc cầu vồng từ xuân sang hạ, cầu vồng nâng đỡ mình lên, cầu vồng có bao tiếc nuối. Cầu vồng bảy sắc không chỉ là ảo ảnh mà đó còn là sự hồi quang nhịp điệu bảy nốt nhạc trên thang âm của năm dòng kẻ thiên nhiên hòa âm khúc giao mùa đi qua ký ức của con người của tình yêu cuộc sống. . .
 
Nguyễn Ngọc Phú  
,