.

"Hạnh phúc là được sống với niềm đam mê"

.
10:47, Thứ Hai, 12/03/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Gặp lại nhà nghiên cứu văn hóa dân gian (NNCVHDG) Đặng Thị Kim Liên, người được vinh danh tại Giải thưởng phụ nữ Việt Nam năm 2017 (một trong những giải thưởng cấp quốc gia quan trọng dành cho phụ nữ Việt Nam nhằm ghi nhận những cống hiến, tài năng, sức sáng tạo của phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc) vào một ngày tháng 3 khi chị đang chuẩn bị hoàn tất để cho ra đời 1 tập thơ và 2 tập sách mới với tựa đề "Mắt đất ngọt lành", "Quảng Bình miền sự tích", "Nghiên cứu hương ước làng xã". Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, chị mỉm cười: "Tôi đã, đang và sẽ tiếp tục sống, làm việc bằng niềm đam mê của mình và tôi hạnh phúc vì điều đó".

P.V: Nhiều người cho rằng, nghỉ hưu là quãng thời gian tuyệt vời nhất để nghỉ ngơi và hưởng thụ cuộc sống, thế nhưng chị vẫn làm việc rất tích cực. Vậy "bí quyết" nào mà chị luôn dồi dào năng lượng để tiếp tục với công việc?

- NNCVHDG Đặng Thị Kim Liên: Với tôi đó là những chuyến đi đến với những nơi mình cần khám phá. Nhiều lúc cũng mệt chứ, nhưng cảm giác đó trôi qua rất nhanh. Khi bắt tay vào việc, tôi lại hào hứng và dường như càng làm việc, tôi thấy mình khỏe ra. Cũng có khi nghĩ đến tuổi già, đến lúc mỏi gối chồn chân không thể tới các vùng đất, nơi có những con người mà mình cần gặp, vì có ai tránh được quy luật cuộc sống đâu...

Thế nên, bây giờ còn sức, tôi càng phải cố gắng để đi nhiều hơn nhằm thu thập tư liệu dự phòng khi không đi được nữa còn có "vốn" để viết. Mỗi người có một cách để hưởng thụ cuộc sống và một phần cuộc sống của tôi là khám phá, nghiên cứu văn hóa dân gian và làm thơ. Tôi xem đó là cách thư giãn của riêng mình.

P.V: Đọc bài thơ "Điệp khúc cuối ngày" của chị, bắt gặp hình ảnh của người phụ nữ rất đời thường, giản dị mà rất đẹp. Phải chăng chị luôn đồng cảm với phụ nữ nên mới có những vần thơ gan ruột đến vậy?

- NNCVHDG Đặng Thị Kim Liên: Tất nhiên rồi, mình cũng là phụ nữ nên hiểu rõ phụ nữ đã phải nỗ lực cố gắng như thế nào để vừa hoàn thành tốt công việc cơ quan, vừa đảm nhận tốt vai trò làm vợ, làm mẹ. Cảm xúc để tôi viết nên bài thơ đó đến ngay khi kết thúc một ngày làm việc và hối hả trở về nhà với hàng loạt công việc khác đang chờ, từ nấu bữa ăn, chăm con cái đến cách tổ chức cuộc sống...

NNCVHDG Đặng Thị Kim Liên bên những cuốn sách được viết nên từ công sức, trí tuệ.
NNCVHDG Đặng Thị Kim Liên bên những cuốn sách được viết nên từ công sức, trí tuệ.

Và cứ thế tuôn chảy thành thơ: "Hoàng hôn chìm trong bánh xe lăn./Tôi về sau một ngày đầy việc./Khói bếp vắt ngang cửa sổ./Tôi nhận ra điệp khúc cuối ngày./Cái ở, cái ăn và cuộc đời thực tại./Cứ nhìn tôi mơ mộng nhìn tôi" để rồi "Tôi nở nụ cười lặng lẽ./Mong chờ lửa đỏ, cơm sôi"... "Điệp khúc cuối ngày" của một người phụ nữ đơn giản chỉ là những điều bình dị như thế.

Những năm tháng làm công tác Hội Phụ nữ, gắn bó với chị em ở mọi vùng miền đã cho tôi nguồn cảm hứng để tạo nên những bài thơ cho riêng phái mình. Đó là những bài như: Anh đừng trách em, Bông hồng tặng mẹ, Kỳ quan lòng mẹ, Khúc hát mẹ ru, Vườn rau mẹ trồng... Thơ, văn đã tạo nên bao điều kỳ diệu trong cuộc sống của tôi. Tôi đã dùng thơ, văn để cảm hóa những phụ nữ "lầm đường, lỡ bước" và hạnh phúc khi nhận thấy họ hiểu mình, nghe mình để rồi có cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

P.V: Không ít phụ nữ ngày nay cảm thấy sức nặng khi vừa gánh vác công việc ngoài xã hội và công việc trong gia đình. Theo chị, phụ nữ hiện đại phải làm gì để cân bằng cuộc sống?

- NNCVHDG Đặng Thị Kim Liên: Tôi nghĩ, đã là phụ nữ thì dù có hiện đại đến đâu cũng phải học tập và giữ lấy "công, dung, ngôn, hạnh". Những phẩm chất này phải được phát huy trong cuộc sống hiện đại. Ngày xưa, phụ nữ dường như chỉ biết lo chuyện trong nhà, họ ít nghĩ đến bản thân, đến sắc đẹp hay những sở thích của riêng mình.

Nhưng ngày nay, người phụ nữ hiện đại phải có trí thức, có nền tảng văn hóa, sẵn sàng đấu tranh vì sự tiến bộ của phụ nữ. Họ phải biết sắp xếp, bố trí thời gian một cách khoa học để luôn "giỏi việc nước" nhưng phải "đảm việc nhà" và như thế mới có thể cân bằng cuộc sống.

P.V: Trở lại với chuyện làm thơ, chị có nhớ hết là mình đã cho ra đời bao nhiêu tác phẩm thơ?

- NNCVHDG Đặng Thị Kim Liên: Tôi làm thơ từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường và năm 1974 được đứng vào hàng ngũ hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Hiện tại, tôi đã xuất bản được 7 tập thơ với khoảng 1.000 bài thơ và đang chuẩn bị trình làng tập thơ thứ 8 "Mắt đất ngọt lành" cùng hàng trăm bài đang ở dạng bản thảo. Tôi có nhiều sổ tay, cuốn trong phòng ngủ, cuốn nơi gian bếp, cuốn trong phòng khách, cuốn luôn bên người trong những chuyến đi.

Bất cứ lúc nào cảm xúc đến, tôi đều ghi chép lại rồi lưu giữ. Chồng tôi, nhạc sĩ Dương Viết Chiến thường nói vui rằng: Về đến nhà là bắt gặp thơ Kim Liên, cứ như thể đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng tôi. Nhờ thơ mà tôi lưu giữ gần như trọn vẹn những kỷ niệm, những thăng trầm đã trải qua của một thời thanh xuân cho đến bây giờ.

P.V: -Thơ Đặng Thị Kim Liên được bạn đọc đón nhận và yêu mến bởi sự nhẹ nhàng tinh tế, giản dị về ngôn ngữ... Phải chăng đây là thế mạnh để chị khẳng định hướng đi cho riêng mình?

- NNCVHDG Đặng Thị Kim Liên: Trong thơ tôi, người đọc dễ bắt gặp hình ảnh người phụ nữ, người nông dân, người lính và khá nhiều tác phẩm viết về Đảng, Bác Hồ, về quê hương, đất nước. Tôi là người luôn hướng về nguồn cội, trân trọng quá khứ và say mê với văn hóa dân gian của dân tộc. Tôi sử dụng ngôn ngữ của quê hương tôi, dân tộc tôi để tạo nên thơ và thơ chính là công cụ nghệ thuật để tôi ứng dụng trong tất cả mọi mặt của cuộc sống thường ngày.

P.V: Chị còn tạo nên nhiều dấu ấn bằng các công trình nghiên cứu trên lĩnh vực văn hóa dân gian...

- NNCVHDG Đặng Thị Kim Liên: Tôi chưa bào giờ nghĩ mình là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian mà chỉ là người say mê với công việc này, mê đến nỗi khi đi cơ sở, hay lúc cầm bút là quên cả giờ ăn, ngủ. Càng đi lại càng thấy vốn kiến thức mình lĩnh hội còn ít vì có quá nhiều điều mình chưa tiếp cận được. Càng viết càng "vỡ" ra bao nhiêu vấn đề cần phải lưu tâm.

Và cứ như một dòng chảy thôi thúc tôi phải luôn cố gắng làm việc hết mình để hoàn thành những công trình tâm huyết. Đó là các công trình như: Chợ quê Quảng Bình, Thuần phong mỹ tục phụ nữ Quảng Bình, Các làn điệu dân ca Quảng Bình, Văn hóa dân gian tộc người Vân Kiều, Văn hóa dân gian của cư dân vùng cát Quảng Bình và viết địa chí làng...

P.V: Được biết, chị đã có 10 công trình nghiên cứu và còn nhiều công trình đang ở dạng bản thảo, liệu điều đó có quá sức đối với một người phụ nữ đã có tuổi như chị?

- NNCVHDG Đặng Thị Kim Liên: Tôi chưa bao giờ giảm đi sự hào hứng khi đến với công việc tạm gọi là "đãi cát tìm vàng" ấy. Hiện tại, tôi đang tiếp tục hoàn chỉnh một số công trình như: Quảng Bình miền sự tích (dự kiến 2 tập), Nghiên cứu hương ước làng (đang chỉnh sửa bổ sung để hoàn chỉnh).

Một lý do nữa cũng hết sức quan trọng để tôi có thể sống trọn vẹn với niềm đam mê đó là sự hỗ trợ đắc lực của chồng tôi, nhạc sĩ Dương Viết Chiến. Anh đã đồng hành cùng tôi trong những chuyến đi và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tôi tiếp tục cống hiến hết mình cho những đam mê.

P.V: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này, chúc chị thành công với những dự định mới.

Đặng Thị Kim Liên sinh năm 1949, quê ở xã Đức Ninh, T.P Đồng Hới, Quảng Bình, hiện là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Bình.

Trong sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật, chị đã được nhận nhiều phần thưởng cao quý như giải thưởng Lưu Trọng Lư,giải thưởng thơ Báo phụ nữ Việt Nam, giải thưởng thơ ngành Ngân hàng nông nghiệp phát triển nông thôn Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Huy chương vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ Việt Nam...

Với những cống hiến đó, năm 2017, chị vinh dự là 1 trong 10 gương mặt xuất sắc nhất cả nước được nhận Giải thưởng phụ nữ Việt Nam.

Nhật Văn (thực hiện)


 

,