.

Tết này, nhớ về nghe chị!

.
12:57, Thứ Sáu, 16/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Đêm mùa đông dài lê thê, gió lùa qua khe cửa liếp quất vào tấm thân còm cõi của chị. Đã hơn tháng nay, chị có thói quen tự hành hạ mình như vậy. Nói cho công bằng cũng tại cái chương trình truyền hình buổi tối thứ bảy ấy. Chao ơi! Thanh niên xung phong gì mà yêu dữ dội quá chừng. Mấy đứa thật quá quắt, mới gặp nhau buổi đầu với cánh bộ đội Trường Sơn, đã hôn hít sỗ sàng, cứ như trên đời này chỉ còn chúng nó. Mà cái con Hồng còn đi “quá đà” nữa chứ, nó to gan thật. Thời ấy, binh lửa chiến tranh làm gì có chuyện ấy nhỉ. Tại mấy cha làm phim trong cơ chế thị trường bây giờ cứ vẽ vời thêm vài pha mát mẻ để câu khách mới tạc ra vậy thôi. Ừ! Mà sao biết được nhỉ, mình chủ quan quá không? Cứ cho là có đi, chao ôi thật hạnh phúc quá chừng. Giá như mình ngày ấy, giá như mình đã... với anh ấy. Mồ hôi rịn ra làm chị sởn da gà. Giờ chị cảm thấy lạnh. Chị lấy tấm chăn đắp từ vùng bụng trở lên, phần dưới chị vẫn để cho thoải mái. Chị đang thách đố với đêm, thách đố với đời nhưng không có đối thủ để đấu với chị.

*
*    *

Ngày ấy chị đẹp nhất làng, con gái nông thôn mà làn da trắng hồng, tóc chải dài chấm gót. Cái dáng thon thả, eo mông cân đối của chị đến văn công cũng ít người khó sánh. Bộ đội hành quân qua làng không ai không mê chị.

Người ta xì xào bàn tán chú Bình ở đơn vị X mê chị đến mức bỏ cả ăn, quên cả mang giày, vác ba lô chạy theo đơn vị. Người ta lại nói chị và chú Toàn ở đơn vị Y hình như đã “đậm đà” lắm. Có người trả miếng con gái hơ hớ ấy làm sao không “sập bẫy” được. Người ta xì xầm bàn tán, mặc kệ, bởi chị là bí thư chi đoàn, chị phải có nhiệm vụ tổ chức sinh hoạt Đoàn, mà sinh hoạt Đoàn ở nông thôn không vào ban đêm thì vào lúc nào được. Rồi chị phải đi đầu vận động chị em trong công tác “Hậu phương quân đội”... Có đêm đi họp về khuya, chị khe khẽ hát một mình, giọng hát chị ngày càng hay, càng mượt mà. Có bữa đi họp về, tôi thấy chị soi gương, sửa lại mái tóc dài, chị hỏi tôi:

- Tuấn này! Mày thấy chú Thắng được không? - Chị hỏi được là thế nào? - Là nếu chị lấy chú ấy, mày có đồng ý không?

- Nhất trí ngay. Tôi tỏ ra sung sướng. Mặt chị ửng đỏ, chị hôn tôi như để trả ơn tôi đã nhiệt tình ủng hộ chị.

Tôi ủng hộ chị vì chú Thắng thương tôi lắm. Chú Thắng người Hà Tây, đang học năm thứ hai Trường đại học Bách khoa thì đi bộ đội. Chú Thắng đóng quân trong nhà tôi gần hai tuần nay. Chú thường bày cho tôi làm toán, chú dạy dễ hiểu và không khó tính như ông giáo của tôi. Thỉnh thoảng giữa buổi học, chú còn pha sữa, bột trứng để “bồi dưỡng” cho tôi, tôi và chú càng thân thiết.

Một hôm, học bài khuya, đi "giải sầu" vườn sau, tôi tình cờ nhìn thấy chị và chú Thắng đang hôn nhau. Dưới ánh trăng mờ, tôi nhìn thấy khá rõ, còn chị và chú ấy hình như không để ý. Thực tình nếu là người khác thì tôi đã “đánh tiếng” đuổi đi, nhưng với chị và chú Thắng nên tôi lẳng lặng vào nhà đi ngủ.

Sau này vào học đại học ở Huế, thầy giáo dạy giáo trình “Văn học kháng chiến chống Mỹ cứu nước”, trong khi cao hứng rao giảng đã đem ví dụ minh chứng tình yêu thời kỳ này bằng hình ảnh cô gái Quảng Bình yêu anh “bộ đội”, yêu đến mức khi hôn nhau cô gái phải nhón chân lên để hôn nhưng vì thấp quá phải kê cả gạch, đá lên cho vừa. Ông còn lý giải vì Quảng Bình là “đất lửa”, nơi dừng chân của bộ đội hành quân vào Nam, nên con gái Quảng Bình yêu nồng nàn như lửa... Cả lớp cười ầm lên, riêng tôi tức giận tím cả mặt. Đã thế, không biết vô tình hay cố ý, Hằng - mối tình đầu của tôi ở trường đại học, trong một đêm đi dạo trên cầu Tràng Tiền đã đùa chọc tôi: Anh này! Người ta nói Quảng Bình quê “bọ” là thế nào? Em nghe nói “bọ” có nhiều giai thoại hay lắm phải không? Ví như: “bọ” biết chú “hôn” con “bọ” mà “bọ” không nói. “bọ” xin chú! “bọ”... Tôi bực tức bỏ về không thèm trả lời Hằng. Tuần sau, Hằng đến khóc và thanh minh với tôi, nhưng tôi không buông tha, tôi còn khá nặng lời với Hằng. Chính cái tự ái, ích kỷ non nớt ấy đã làm cho tôi phải chia tay nàng, chia tay mối tình đầu trong trắng của tôi. Sau này tình cờ gặp lại nhau, tôi có ý thanh minh lại với Hằng nhưng nàng đã kịp ngăn lại và nhìn tôi với đôi hàng mắt ngấn lệ.

Chiến tranh ngày càng căng thẳng, không khí vào Nam chiến đấu sục sôi. Ở làng tôi, có ngày ba, bốn đoàn bộ đội hành quân qua, đoàn này chưa kịp đi đoàn khác đã đến, có gia đình chật quá, không đủ giường, chiếu cho bộ đội nghỉ nhờ phải trải cả nong, nia cho bộ đội nằm. “Chật nhà không chật chi bụng”, bà con luôn dành cho bộ đội tất cả những gì mình có. Thương lắm những từ xưng hô “bọ, mạ”, “chúng con” thật tự nhiên gần gũi, ruột rà giữa bộ đội và dân...

Thỉnh thoảng cứ vài tuần, có khi một tháng chúng tôi lại nhận được tin chú A, ở đơn vị X đã hy sinh tại mặt trận Quảng Trị; chú B, người tầm thước, hay hát ở đơn vị M đã hy sinh trên đường hành quân; chú Q ở đơn vị H bị thương nặng đang đưa ra Bắc điều trị... Những tin đó thường được một số người trong Nam bị thương ra Bắc điều trị kể lại.

Chú Thắng - người yêu của chị tôi cũng đã vào Nam như bao người đồng đội của chú. Trước hôm chú Thắng lên đường, chị đã thức gần trọn đêm để thêu đôi chim bồ câu và hình trái tim lên mảnh vải hoa làm chiếc khăn tặng chú Thắng. Chị còn cắt một lọn tóc trên đầu, gói gém cẩn thận đem tặng. Tôi biết được việc ấy, đòi mách mẹ. Chị dọa đánh tôi. Thấy tôi làm căng, chị xuống gam dỗ dành. Chú Thắng đem tặng tôi chiếc bút máy “Hồng Hà” màu tím đẹp tuyệt vời. Thế là đến “tra tấn” tôi cũng không khai, huống nữa là chuyện ấy!

Ba tháng sau, chị nhận được tin chú Thắng đã hy sinh tại mặt trận Quảng Trị, tin do chú Toàn cùng đơn vị bị thương ra Bắc điều trị ghé qua thăm chị và thông báo. Chị gầy rộc hẳn đi. Đêm về ôm gối chị khóc một mình. Thế rồi một hôm, chị tuyên bố chị sẽ đi thanh niên xung phong. Chị đi được hơn năm thì mẹ tôi nhận được tin chị bị thương rất nặng và đang điều trị ở viện Quân y 41. Lại có tin chị hy sinh rồi, nhưng nói bị thương là để mẹ tôi khỏi đột ngột.

Ba tháng sau, hai người làng tôi có giấy báo tử, còn tin tức về chị tôi vẫn cứ im bặt. Mẹ tôi khóc hết nước mắt và sinh ra đau ốm liên miên. Tôi thì không muốn đi học nữa. Mỗi lần lục thấy tấm ảnh cũ của chị, nhớ những tình cảm chị dành cho tôi lúc chị còn ở nhà, tôi lại không cầm nổi nước mắt. Tôi khóc nhiều nhưng không để cho mẹ biết.

Hai năm sau chị về, da tái xanh, tóc lưa thưa, sau lưng chiếc ba lô xẹp lép. Chị về cả làng ai cũng mừng. Mẹ tôi không còn nước mắt để khóc. Tôi thì cố làm ra vẻ bình tĩnh của thằng con trai có “nghị lực” nhưng cũng không cầm được nước mắt, chị bị thương nặng thật. Trên người chị mang đầy vết thương. Đặc biệt vết thương trên đầu, mỗi lúc trái gió trở trời lại đau nhức làm cho chị ôm lấy đầu quằn quại. Chị về mẹ tôi như khỏe ra, tôi được đi học cấp ba, sau đó vào đại học.

Tốt nghiệp đại học về công tác ở tỉnh, lúc còn ở Huế, đã mấy lần tôi ghé qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lục tìm hồ sơ đề nghị làm chế độ cho chị, nhưng cả mấy lần đều không đạt kết quả. Lần thì người ta đòi xuất trình giấy chứng thương, giấy vào ra viện của chị nhưng lúc chị về không mang giấy tờ gì cả. Chị nói, chiến tranh, hy sinh và trách nhiệm, lúc đó mấy ai nghĩ đến việc đòi thủ tục và quyền lợi như bây giờ, tôi lý sự với họ như ý chị nói. Họ lý sự: Đất Bình Trị Thiên này hàng ngàn người bị thương, ai cũng bắt tìm hồ sơ như chị tôi ai làm nổi. Qua sở mấy lần cứ nhận được sự giải thích, sự đòi hỏi của họ, tôi cũng ngán, nên thôi.

Sau ngày chia tỉnh, mỗi lần về thăm chị, thấy người chị ngày càng gầy rộc đi, các vết thương cũ lại hành hạ chị. Tôi lại tự trách mình. Làm người cán bộ Nhà nước, đi giải thích chủ trương, chính, sách với mọi người mà việc của chị ruột mình làm không được thì còn mặt mũi nào, tôi vừa tức, vừa xấu hổ, vừa ân hận. Tôi quyết tâm qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hỏi lại để lo việc cho chị. Cũng may lần này thì các anh thật sự nhiệt tình. Sau mấy lần lục tìm, cuối cùng các anh đã tìm ra toàn bộ hồ sơ của chị, hồ sơ ghi rõ cả diễn biến trận đánh, số người hy sinh, số người bị thương, tên của từng người... Tôi về đem chị vào Đồng Hới để khám xác định thương tật. Chị không chịu. Chị đi kháng chiến không phải để đòi cái “sổ thương binh” hôm nay. Chị già rồi, chị làm đủ ăn, chị không đi đâu hết. Phải sau mấy lần giải thích, năn nỉ lắm chị mới chịu làm. Cuối cùng thì sau hơn 20 năm chị bị thương, tấm sổ thương binh 2/4 cũng đã có cho chị.

Thấy chị đau yếu luôn, vả lại con bé sau của tôi còn nhỏ, tôi xin mẹ tôi cho đem chị vào Đồng Hới ở với vợ chồng tôi để có dịp chăm sóc chị và nhờ chị coi sóc con bé. Mẹ tôi đồng ý, chị lắc đầu không chịu, nhưng sau nghĩ lại cũng chấp nhận.

Tôi đi làm suốt ngày, mọi việc ở nhà ít quan tâm, tâm lý ỷ lại vợ con. Một hôm đứa con trai đầu 11 tuổi của tôi nói với tôi, bố coi hình như o H bị thần kinh. Đêm nào trên ti vi mục “Nhắn tìm đồng đội” o cũng giương mắt lên nhìn, o như người mất hồn; xem xong mục đó là o đi nằm. Có khi o sụt sùi khóc, có khi o đấm vào gối thình thình. Thằng con tôi trêu chị, nói chị “hâm”, chị khóc, chị đòi về quê. Vợ tôi nói: Hay cho chị ấy ra quê? Tôi nói càng làm khổ mẹ. Thằng con tôi chen vào: Đưa o ấy về quê đi, ở đây o ấy “hâm” con không chịu nổi. Tôi tức quá bạt tai nó, nó chạy ra sân đứng khóc một mình.

Mọi việc tạm thời ổn định, tôi yên tâm theo việc cơ quan. Công việc cuối năm càng làm cho tôi ít có thời gian quan tâm đến việc nhà. Một hôm đi làm về tối, vừa dắt xe vào sân, thằng con trai tôi đã chạy ra bảo: “O H đã đi rồi”.

O đi đâu? Tôi quát nó. O đón xe tốc hành đi miền Nam lúc sáng. Tại sao mẹ con mày không giữ o lại? Con không biết o đi thật, lúc đầu con tưởng o đùa bọn con.

Thế mẹ mày đâu? Mẹ ở dưới bếp. Tôi bước xuống bếp, vợ tôi ngồi câm lặng. Tôi dồn tất cả bực tức lên đầu vợ con. Một lúc sau gần như tỉnh lại, tôi vào lục tìm trong giường của chị. Phòng chị trống không. Chiếc ba lô - tài sản duy nhất của chị, chị cũng đã mang đi. Tự nhiên tôi như đứa trẻ ngày nào, bật khóc.

Tôi tìm được một mảnh giấy nhỏ dưới gối chị nằm:

“Tuấn, Hà và hai cháu Tân, Phương.

Chị thật có lỗi với hai em và hai cháu, chị ra đi mà không dám trực tiếp dặn với hai em. Mấy năm qua chị đã làm khổ vợ chồng em và hai cháu nhiều. Các em hãy tha lỗi cho chị. Chị phải đi tìm anh ấy của chị, anh ấy chưa chết các em ạ. Đêm qua nằm mơ chị thấy anh ấy về...

Về nhà các em nhớ xin mẹ tha tội cho chị. Thỉnh thoảng các em ghé về giúp mẹ thay chị. Nói với mẹ sẽ có ngày chị về phụng dưỡng mẹ, chị sẽ về với mẹ - em nhé.”

Tháng Chạp, cuối đông trời càng mưa lạnh. Mọi năm dịp này tôi đã về quê để cùng con cháu chạp mộ ông bà. Bên mâm cỗ chạp, các cụ cao niên sẽ nghe con cháu đi làm ăn xa tụ hội về kể chuyện làm ăn của chúng. Nhân dịp này chúng sẽ ra mắt họ tộc những cháu dâu, cháu rể mới. Mọi người sẽ nâng ly rượu chúc mừng các cụ cao niên, mừng con cháu trong họ thêm sinh sôi nảy nở... Ấy thế mà giờ đây lòng tôi rối bời, tâm trạng thiếu vắng, tê lạnh. Tôi quyết định đến cơ quan xin nghỉ phép mấy ngày để đi tìm chị. Chị tôi sẽ về để cùng con cháu sum vầy trong ba ngày tết.

Chị ơi, chị nhớ về nghe chị!

Truyện ngắn của Hoàng Minh Tân

,