.

Du xuân cùng những thanh âm

.
09:18, Chủ Nhật, 18/02/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Có một Quảng Bình với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới được tái hiện qua các tác phẩm âm nhạc của những nhạc sĩ là con em của quê hương Quảng Bình và cả những người dành nhiều tình yêu cho mảnh đất này. Quảng Bình trong từng câu hát đẹp và thơ, đưa người nghe đến với những địa danh du lịch hấp dẫn bằng chính những ngôn từ, giai điệu được kiến tạo nên từ trái tim rung cảm trước cái đẹp của những người nghệ sĩ.

 

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, tác giả của nhiều ca khúc hay về đề tài du lịch Quảng Bình.
Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, tác giả của nhiều ca khúc hay về đề tài du lịch Quảng Bình.

Động Phong Nha-kỳ quan thiên nhiên thế giới với vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nghệ sĩ để rồi họ đã tạc nên một Phong Nha bằng những giai âm.

“Chuyện tình Phong Nha” của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương là một trong những ca khúc hay nhất và quen thuộc nhất với công chúng yêu nhạc trong và ngoài tỉnh về đề tài du lịch Quảng Bình.

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương cho hay, ông đọc rất nhiều bài thơ viết về Phong Nha và bắt gặp hầu hết trong đó những cụm từ “lung linh, huyền ảo, tráng lệ...” rồi tự làm khó mình bằng cách không nói những điều người khác đã nói, không đi lại lối mòn mà người khác đã đi.

Ông nghĩ, mình đã xác định hướng đi cho bản thân là người viết tình ca, mà đã có chữ “tình” thì phải làm sao cho ngọt, cho đúng chất “tình”. “Tình” ở đây là tình người, tình quê, tình đất và tất nhiên không thể thiếu tình yêu đôi lứa.

Và từ suy nghĩ đó, ông liên tưởng đến sự kết đôi của thiên nhiên để tạo nên một Phong Nha có một không hai trên bản đồ du lịch thế giới. Đó là dòng sông Son sánh đôi cùng dãy núi Kẻ Bàng, là động khô (Tiên Sơn) trên động ướt (Phong Nha) rồi từ đó viết nên một câu chuyện tình đẹp, đậm sắc màu cổ tích giữa một chàng nghệ sĩ có tên gọi Phong Nha và một nàng tiên kiều diễm.

Trên nền giai điệu mang âm hưởng dân ca, phảng phất chất ca trù qua các nốt ngân, điểm nhấn đã mang đến cho người nghe một Phong Nha đẹp như những gì vốn có của nó, cũng “lung linh, huyền ảo” và “kỳ bí, hoang sơ”, mặc dù ông không dùng tới những cụm từ này mà chính âm nhạc đã nói lên điều đó.

“Chuyện tình Phong Nha” ngay từ khi ra đời đã nhanh chóng được công chúng yêu nhạc đón nhận, được nhiều ca sĩ nổi tiếng trong nước thể hiện và nhanh chóng phổ biến rộng rãi trên toàn quốc qua đài phát thanh, truyền hình quốc gia.

Hoàng Sông Hương còn có nhiều ca khúc về du lịch Quảng Bình như “Thắng cảnh quê em”, “Nhật Lệ sông thơ”, “Sơn Đoòng vọng tiếng hoan ca”... không chỉ được Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình và các đội văn nghệ ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương biểu diễn trên các sân khấu mà còn được nhận các giải thưởng quan trọng của Hội nhạc sĩ Việt Nam.

Và tác phẩm mới nhất của ông sắp được trình làng là ca khúc “Cầu vồng Nhật Lệ” (viết về cầu Nhật Lệ 2), cây cầu đẹp nhất của Quảng Bình hiện nay. Ở ca khúc này, người nghe lại bắt gặp chữ “tình” cùng những thanh âm trong sáng, chứa đựng cả sự hân hoan của lòng người khi chứng kiến một cây cầu mới đẹp như mơ “gánh đôi bờ Nhật Lệ” để “đưa em về phố biển tình anh”.

Nếu “Chuyện tình phong Nha” của Hoàng Sông Hương hay một số ca khúc khác viết riêng về những địa danh nổi tiếng của tỉnh thì “Về Quảng Bình đi em” thơ Hoàng Hữu Thái, nhạc Ngọc Tân, một trong những ca khúc mới ra đời trong gia tài âm nhạc Quảng Bình lại kể cho người nghe chuyện đất, chuyện người nơi đây.

Ca sĩ Ngọc Tân (Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Thông tin tỉnh) người đã khoác cho những vần thơ một chiếc áo mới bằng những thanh âm đậm hương đất, tình người Quảng Bình không lẫn vào đâu được cho hay, một lần tình cờ đọc báo Xuân Quảng Bình, tôi bắt gặp bài thơ “Về Quảng Bình đi em” và bị cuốn hút từng câu, từng chữ.

Ngọc Tân tìm thấy trong bài thơ sự gợi mở để xây dựng ý, tứ rồi định ra sắc thái cho giai điệu âm nhạc vì theo anh bài thơ này đã có đầy đủ của yếu tố các nhạc tính như giọng điệu, ngữ điệu, độ dài, ngắn và bố cục gần với khúc thức của ca khúc, có cả sự phong phú về thanh, âm và hình tượng nghệ thuật.

Những ca khúc viết về Quảng Bình luôn là lựa chọn của nhiều đội văn nghệ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong các hội diễn văn nghệ quần chúng.
Những ca khúc viết về Quảng Bình luôn là lựa chọn của nhiều đội văn nghệ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong các hội diễn văn nghệ quần chúng.

Với giai điệu ngọt ngào, sâu lắng, đậm chất dân ca, ngữ điệu của người Quảng Bình, ca khúc “Về Quảng Bình đi em” như một lời mời gọi khách thập phương đến với Quảng Bình, vùng đất “gánh hai đầu đất nước” với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như động Phong Nha, động Thiên Đường, suối nước Moọc... đẹp như cõi mộng và các giá trị văn hoá, lịch sử.

Hiện ca khúc này đã được ca sĩ Bích Trâm (Đội Tuyên truyền văn hoá Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng) thể hiện rất thành công trên nhiều sân khấu biểu diễn. Sắp tới “Về Quảng Bình đi em” sẽ có thêm các bản thu mới do sa sĩ Lê Mận (Giải nhất Sao Mai 2009 dòng nhạc dân gian), ca sĩ Ánh Linh (Học viện âm nhạc Hà Nội) và các giọng hát hay về dòng nhạc dân gian trong và ngoài tỉnh thể hiện.

Cũng từ sự kết hợp giữa thơ và nhạc, ca khúc “Suối Bang” thơ Hoàng Vũ Thuật, nhạc Lê Anh đưa người nghe đến với một không gian hoang sơ, hư ảo như vẻ tự nhiên của địa danh này: “Sương trắng đàn đàn rủ nhau trôi / Nước sôi vạn kỷ hãy còn sôi / Kìa ai vén áo thiên nhiên thế / Cho đất phô bày giọt sữa tươi...”.

Còn không ít ca khúc khá thành công trong việc vẽ danh lam thắng cảnh Quảng Bình bằng ca nhạc như “Phong Nha huyền ảo” (thơ Hoàng Vũ Thuật, nhạc Lê Anh), “Nhật Lệ trăng huyền thoại” (thơ Lý Hoài Xuân, nhạc Hoàng Sông Hương)... và nhiều ca khúc khác mà chúng tôi chưa có dịp kể đến ở đây đã góp phần quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá vùng đất, con người Quảng Bình đến với bạn bè trong, ngoài nước. Và chính sự lao động miệt mài của những người nghệ sĩ đã tạo nên một Quảng Bình đẹp như thơ để mỗi lần người Quảng Bình cất lên từng khúc hát lại thấy yêu hơn mảnh đất này.

Nhật Văn




 

,