.

Đỗ Thành Đồng gương mặt mới của dòng thơ hiện đại

.
11:03, Thứ Sáu, 05/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Đỗ Thành Đồng (hội viên Hội Văn học- Nghệ thuật Quảng Bình) là gương mặt mới của dòng thơ hiện đại. Anh đã để lại ấn tượng cho bạn đọc yêu thơ qua các tác phẩm được đúc rút nên từ tài năng, trí tuệ và niềm đam mê.
 

Nhà thơ Đỗ Thành Đồng
Nhà thơ Đỗ Thành Đồng

Đỗ Thành Đồng sinh ra, lớn lên ở làng Thổ Ngọa (phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn) trong một gia đình thuần nông và thừa hưởng năng khiếu thơ ca của cha từ nhỏ. Cha anh, cụ Đỗ Tịnh (nay đã mất) là một “cây” thơ Đường luật nổi tiếng ở xã Quảng Thuận lúc bấy giờ. Cụ cũng là người sáng lập và phát triển câu lạc bộ thơ Quảng Thuận ngày nay.

8 tuổi, Đỗ Thành Đồng đã có nhiều bài thơ khá ấn tượng về chủ đề trường lớp, bạn bè, gia đình... và đã có thơ đăng trên Báo Quảng Bình (1972). Đó là bài thơ “Trường em” viết về Trường cấp 1 Quảng Thuận, nơi anh theo học. Đến bây giờ, anh vẫn nhớ như in từng câu, từng chữ, bởi từ bài thơ này đã khích lệ anh tiếp tục với những sáng tác mới.

20 tuổi, Đỗ Thành Đồng đã nghiên cứu và tiếp cận thơ Đường-một thể loại thơ truyền thống phát triển ở Quảng Thuận cũng như nhiều câu lạc bộ thơ ở các địa phương thời ấy.

Những bài thơ đầu tay ra đời còn vụng về bởi chưa đạt yêu cầu cao về ngôn, luật và các yếu tố khắt khe của loại thơ này, song được sự chỉ dạy của cha và các cụ cao niên trong làng, Đỗ Thành Đồng đã nhanh chóng trình làng những bài thơ hay, trở thành gương mặt trẻ nhất nhưng đầy triển vọng trong câu lạc bộ thơ của xã. Đến với thơ khá sớm, song tên tuổi Đỗ Thành Đồng được khẳng định khi đã ở độ tuổi ngoại tứ tuần. Đó là sự ra đời của tập thơ Đường “Cỏ vô danh” (2010), tiếp đến là các tập thơ hiện đại có những tựa đề rất  “lạ”: “Rác” (2012), “Rỗng” (2014) và “Xác” (2017).

Có thể coi, việc chuyển từ thơ Đường sang dòng thơ cách tân là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp sáng tác của Đỗ Thành Đồng. Điều đáng nói là nhiều bài thơ trong các tập thơ hiện đại của anh, ngay từ khi ra đời đã nhận được sự quan tâm của các nhà thơ tên tuổi trong và ngoài tỉnh, được giới chuyên môn đánh giá cao về sự sáng tạo trong ngôn ngữ và cách diễn đạt.

Nhà lý luận phê bình Hoàng Thuỵ Anh (công tác tại Tạp chí Nhật Lệ) cho rằng: nếu “Cỏ vô danh” chỉ chuyên chú vào thể thơ Đường luật, chưa hề có bóng dáng của thơ hiện đại thì đến “Rác”, đó là sự lột xác hẳn về đề tài và chất liệu, kỹ thuật mẫu tự; đặt dấu ấn cho những triết lý, chiêm nghiệm đúc rút từ bản thể đời sống; và đó cũng là nền tảng để Đỗ Thành Đồng bước vào lãnh địa thơ cách tân. “Rỗng” tiếp nối mạch nguồn của “Rác” nhưng cao trào hơn ở sắc màu tình yêu. “Xác” lại là điểm hội tụ, gặp gỡ giữa “Rác” và “Rỗng”: hiện thực được dựng lập như ma trận của một ván cờ chấp chới thực-ảo và những bài thơ tình lồng ghép ruột gan - trí tuệ.

“Thơ mới liệu có phải là cuộc dạo chơi” ? (P.V)- “Hoàn toàn không, đó là gan ruột và chính là hướng đi mới để gắn bó như máu thịt”- Đỗ Thành Đồng khẳng định như thế. Anh kể, trước đây, thơ hiện đại với anh là một sự xa lạ và anh cũng không có ý định làm quen với thể loại thơ này. Nhưng cái gì đến tất sẽ đến và cuộc gặp gỡ với nhà thơ Hoàng Vũ Thuật-một trong những “cây đại thụ” của  thơ hiện đại đã hướng anh đến với những khám phá, để rồi “mê” từ lúc nào không hay.

Nếu như buổi đầu tiếp cận với thơ Đường chỉ bắt gặp một vài vấn đề về niêm, luật rồi cũng chỉ mất vài ngày, dài hơn là vài tuần là thông thạo, thì thơ mới lại đòi hỏi Đỗ Thành Đồng mất rất nhiều thời gian để tìm tòi, khám phá. Đọc đi, đọc lại không biết bao nhiêu lần tập thơ “Tháp nghiêng” mà nhà thơ Hoàng Vũ Thuật tặng, Đỗ Thành Đồng không sao hiểu nổi tại sao lại có một thể loại thơ khó hiểu đến vậy, thậm chí đọc mà như không vì chẳng hiểu gì cả. Vốn là người kiệm lời nên khi Đỗ Thành Đồng tâm sự điều này với nhà thơ Hoàng Vũ Thuật chỉ nhận được ở ông sự cảm thông từ ánh mắt. Hoàng Vũ Thuật tặng anh những bài viết của nhà lý luận phê bình Hoàng Thuỵ Anh về cách tiếp cận thơ hiện đại, trong đó có cả các thủ pháp nghệ thuật để tạo nên những bài thơ mà Đỗ Thành Đồng xem là “lạ” đó. Với Đỗ Thành Đồng, các tác phẩm nghiên cứu của Hoàng Thụy Anh như một chiếc chìa khoá để anh bước vào cánh cổng của thơ hiện đại.

Nhà thơ Đỗ Thành Đồng và những tập thơ-thành quả
Nhà thơ Đỗ Thành Đồng và những tập thơ-thành quả "ngọt ngào" của sự lao động sáng tạo không ngừng nghỉ.

Đỗ Thành Đồng nói một cách ví von rằng: trước đây, thơ hiện đại với anh như một khu rừng đầy bí ẩn, chẳng có lối nào để vào, càng muốn vào sâu càng bế tắc và chính tác phẩm của Hoàng Thụy Anh đã chỉ cho anh con đường để rồi bước đầu gặt hái được những thành công nhất định. Bài thơ đầu tiên đánh dấu một Đỗ Thành Đồng lạ lẫm so với trước kia là bài “Người đàn bà chờ”, lột tả cảm xúc sâu xa của người phụ nữ khi chồng chưa tỉnh cơn say... Ngay từ khi ra đời, bài thơ đã nhận được sự khích lệ của nhiều người, để rồi sau đó Đỗ Thành Đồng say sưa tận hưởng chiếc áo mới và lần lượt cho ra đời các tập “Rác”, “Rỗng” và “Xác” liên tục trong các năm 2012, 2014, 2017.

Từ những tứ thơ rất đẹp, ngôn từ bay bổng đầy hình tượng được Đỗ Thành Đồng chắt lọc, gọt dũa mà nên như: “Trong giấc ngủ con/có lời ru của sóng/ con ngủ ngon/bình minh mắt biển nựng/ cha viết triệu tình yêu lên giấy/chỉ là bọt sóng lăn tăn/cha yêu con/ biển vỗ về thắt ruột...” (Chỉ nói lời của biển), hay “Ngã vào vai lọn tóc chiều/trên mặt mù cánh đồng đẫy nước/gió đông chảy ngược/ người đàn ông thời đại/ ngã vào nỗi lo vạt bùn nối nghiệp/ niềm vui hạt nếp đóng khuôn/nụ cười đen sún/người đàn ông cũ kỹ cày xới...” (Bóng xuân)... đã tạo ra một chân dung Đỗ Thành Đồng hoàn toàn mới, trẻ trung, đầy sáng tạo.

Thơ anh xuất hiện nhiều hơn ở các tạp chí văn nghệ Trung ương và địa phương, được đánh giá là gương mặt mới đầy triển vọng trong dòng thơ hiện đại của tỉnh. Và, nói như nhà lý luận phê bình Hoàng Thụy Anh khi đọc tập thơ mới nhất của Đỗ Thành Đồng (Xác), thì: “Đỗ Thành Đồng khẳng định được miền sâu lắng của tâm thơ, luôn ngả về phía thánh thiện, về ánh sáng tinh khôi của tâm hồn”.

Nhật Văn

,