.

Cháy mãi niềm đam mê

.
09:53, Thứ Ba, 16/01/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Người ta nói anh là nghệ sĩ đa tài bởi lĩnh vực nào anh cũng thành công, từ hát, xây dựng, biên đạo cho các chương trình nghệ thuật rồi cả sáng tác... nhưng anh chỉ hạnh phúc nhất khi khán giả nhớ đến mình với vai trò là một ca sĩ, bởi mỗi lần đứng trên sân khấu, được cất lên những ca khúc mang âm hưởng dân ca của vùng đất Quảng Bình là những lúc anh cháy hết mình cho niềm đam mê. Anh là Nguyễn Ngọc Tân, Phó giám đốc Trung tâm Văn hoá thông tinh tỉnh, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
 

 Nhạc sĩ, ca sĩ Ngọc Tân.
Nhạc sĩ, ca sĩ Ngọc Tân.

Nhạc sĩ, ca sĩ Ngọc Tân tốt nghiệp một ngành học sư phạm ở Huế. Những tưởng sau khi ra trường, anh sẽ đứng trên bục giảng như lựa chọn ban đầu, song sự nghiệp của anh lại rẽ sang hướng khác.

Anh kể, năm 1977, anh tham gia hội diễn Tiếng hát sinh viên toàn quốc với ca khúc “Trên những tuyến đường quan họ” của nhạc sĩ Đoàn Dương và đoạt giải A. Giọng hát của anh đã thu hút sự chú ý đặc biệt của cố nhạc sĩ Trần Hoàn và nhạc sĩ Lê Anh. Chính các nhạc sĩ tên tuổi này đã giới thiệu anh về công tác ở Đoàn ca múa nhân dân Bình Trị Thiên với chức danh diễn viên thanh nhạc. Tại đây, anh được đoàn tạo điều kiện cho đi học tại Trường quốc gia Âm nhạc Huế, hình thức đào tạo chính quy.

Suốt những năm tháng mang màu áo sinh viên, Ngọc Tân vừa học, vừa tham gia các chương trình biểu diễn của đoàn, của nhà trường và cũng nhờ thế mà anh có sự tiến bộ vượt bậc cả về kỹ thuật thanh nhạc và biểu diễn.

Năm 1989, khi có chủ trương tách tỉnh Bình Trị Thiên thành ba tỉnh, anh được điều động đến nhận công tác tại Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Quảng Trị. Gắn bó với Quảng Trị một năm, anh lại nhận nhiệm vụ mới ở Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Quảng Bình theo lời mời của đồng chí Giám đốc Sở Văn hóa thông tin thời ấy. Đây cũng là quãng thời gian Ngọc Tân lao động hết mình và để lại những dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp ca hát của mình. Tiếng hát Ngọc Tân đi đến đâu cũng được khán giả cổ vũ hết mình và là giọng ca chính trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật của đoàn. Anh còn là gương mặt sáng giá trong các hội diễn nghệ thuật toàn quốc. Năm 1990, từ hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, với tiết mục “Nhớ Nhật Lệ” của cố nhạc sĩ Trần Hoàn đã mang về cho Ngọc Tâm tấm huy chương bạc và hầu như ở cuộc thi nào Ngọc Tân cũng gặt hái được những kết quả quan trọng.

Với nhiệm vụ là Đội trưởng đội diễn viên của đoàn, Ngọc Tân đã tích cực tham gia tuyển diễn viên cho đoàn. Những gương mặt do Ngọc Tân cùng các thành viên trong đoàn tuyển chọn, dìu dắt đều đã khẳng định tên tuổi trong sự nghiệp phát triển ca múa nhạc của tỉnh, như nghệ sĩ ưu tú Thuỳ Linh, nghệ sĩ ưu tú Thanh Nhân. Năm 2001, anh lại được điều động qua Trung tâm Văn hoá thông tin tỉnh giữ chức Trưởng phòng nghiệp vụ và đến năm 2014, được bổ nhiệm làm Phó giám đốc trung tâm.

Nhắc tới Ngọc Tân, hầu như khán giả yêu nhạc Quảng Bình đều có chung nhận xét rằng đó là một trong những giọng hát có một không hai của địa phương. Với chất giọng ấm, ngọt ngào truyền cảm, ca khúc nào do Ngọc Tân thể hiện cũng để lại nhiều cảm xúc trong lòng người nghe.

Anh còn được gọi là “phù thủy” trong việc biên đạo các chương trình biểu diễn nghệ thuật cho các cơ quan, đơn vị, địa phương. Hầu hết các chương trình do Ngọc Tân làm đạo diễn đều mang lại cho các cơ quan, đơn vị, địa phương những giải cao trong các hội thi, hội diễn văn nghệ toàn tỉnh, toàn quốc. Vì vậy, tên anh trở thành "thương hiệu" trên lĩnh vực biên đạo cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật của các đội văn nghệ quần chúng trong tỉnh. Các đội văn nghệ của những đơn vị như Bệnh viện hữu nghị Việt Nam- Cu Ba Đồng Hới, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, Cục Hải quan, Bảo hiểm xã hội và các ngân hàng... đều xem Ngọc Tân là bậc thầy số một bởi hầu như lần nào có sự ra tay của Ngọc Tân là đều mang về những giải cao nhất từ các hội diễn toàn quốc của các ngành.

Ngọc Tân bộc bạch, người ta nói anh là “phù thủy”, bởi điều đầu tiên khi đảm nhận nhiệm vụ xây dựng, biên đạo chương trình, anh luôn nhìn vào tổng thể của đội văn nghệ ấy, tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của từng thành viên để bố trí chương trình cho phù hợp. Có những đội văn nghệ không tìm ra gương mặt nổi trội thì anh lại tìm cái chung nhất, cơ bản nhất rồi hợp lại như kiểu “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, nên bất cứ lần nào “ra quân” cũng mang về những thành công nhất định.

Ngoài hát, biên đạo, Ngọc Tân còn tạo được ấn tượng khi tham tham gia vào lĩnh vực sáng tác ca khúc. Tác phẩm “Quảng Bình hò hụi, hò khoan” ngay từ khi ra đời đã nhanh chóng được công chúng yêu nhạc đón nhận và có mặt trong rất nhiều chương trình biểu diễn của các cơ quan, đơn vị, địa phương, được dàn dựng một cách hoành tráng công phu tại lễ hội hang động Quảng Bình, lễ hội thể thao của tỉnh. Ngoài ra, các tác phẩm âm nhạc của anh như “Tượng đài màu xanh”, phổ thơ Lê Khánh Hoà, “Về Quảng Bình đi anh”, phổ thơ Hoàng Hữu Thái, “Quảng Ninh đất mẹ anh hùng”... được phổ biến rộng rãi qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật chuyên và không chuyên trong tỉnh.

Nghiêm túc trong công việc, song Ngọc Tân lại là người khá hài hước, dí dỏm nên những ai làm việc với anh đều cảm thấy tin tưởng và thoải mái. Và theo anh, đó cũng là một trong những yếu tố để không ít người gọi anh là “phù thuỷ” của các chương trình nghệ thuật quần chúng.

Cháy hết mình vì công việc và những đam mê, Ngọc Tân đã gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp, được nhận nhiều giải thưởng, nhiều danh hiệu thi đua cao quý của các cấp, các ngành song  Ngọc Tân vẫn luôn mong muốn khán giả nhớ đến mình là một ca sĩ. Với anh, chỉ khi được đứng trên sân khấu, được thăng hoa trong từng ca khúc, được hoà mình với khán giả mới là người nghệ sĩ thực thụ.

Dẫu bây giờ rất ít khi thấy Ngọc Tân trên sân khấu với tư cách là một ca sĩ vì đã có tuổi (theo cách nói của ca sĩ Ngọc Tân), song Ngọc Tân vẫn dõi theo sân khấu, gắn với sân khấu để hỗ trợ, tiếp sức cho những người học trò của mình trên con đường nghệ thuật- con đường mà đã đến và muốn thành công thì nhất định phải có niềm đam mê.

Nhật Văn

,