.

Nhạc sỹ Dương Viết Chiến và ký ức một thời lửa đạn

Thứ Bảy, 23/12/2017, 08:37 [GMT+7]

(QBĐT) - Tôi biết ông, một người nhạc sỹ tài năng, đức độ của mảnh đất Quảng Bình qua hàng chục ca khúc “để đời” do ông sáng tác. Từ làng Quảng Xá quê hương, ông đi cùng đất nước qua thời lửa đạn chiến tranh. Thời gian thêm vào cuộc đời ông sự dung dị, đức độ để bây giờ định danh một Dương Viết Chiến chân chất mà rất hào hoa.

“Mẹ sinh tôi ở thị xã Đồng Hới vào ngày 25-9-1946. Tôi còn có hai em gái nữa, một em tên Được, một tên Sâm. Em Sâm sinh ra chưa đầy tháng thì bị mất do nhiễm trùng rốn. Lúc nhỏ, tôi rất khoẻ mạnh, đầu to, trán vồ. Bố mẹ chụp cho tấm ảnh, lúc đó khoảng 4-5 tuổi, mặc áo dài đen, cổ đeo kiềng bạc, nhìn rất kháu khỉnh”, nhạc sỹ vào chuyện.

Những năm cấp hai, cậu bé Chiến học rất khá, đặc biệt các môn tự nhiên. Năng khiếu âm nhạc và “máu văn nghệ”, thể thao bắt đầu khởi xuất khi Chiến tham gia đội văn nghệ nhà trường. Dương Viết Chiến biết đệm đàn mandolin, guitar cho các bài hát "Đóng nhanh lúa tốt", "Bài ca hy vọng", "Nhạc rừng"...

Học cấp ba ở thị xã Đồng Hới hai năm, tháng 3-1965, khi mới sang học kỳ hai của lớp 10 thì tàu chiến và máy bay Mỹ bắt đầu oanh tạc Đồng Hới. Trường sơ tán lên xã Vạn Ninh (Quảng Ninh). Trong các dịp trường và lớp tổ chức sinh hoạt tập thể, lớp 8B niên khóa 1962-1963 vẫn luôn có các tiết mục văn nghệ khá hấp dẫn do các bạn Loan, Hoa, Lộc, Thu, Xuân... hát với tiếng đàn guitar Dương Viết Chiến. Đến năm học cuối cấp, máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc ngày càng ác liệt, Quảng Bình, Đồng Hới tan hoang nhưng tiếng hát học sinh cấp ba Quảng Bình vẫn ngân vang: Bài ca hy vọng của Văn Ký, Tình ca của Hoàng Việt; Cachiusa, Tuổi trẻ sôi nổi, Chiều Maxcơva, Đôi bờ (nhạc Nga hát bằng hai thứ tiếng)...

 Nhạc sỹ Dương Viết Chiến (người đứng) và đội ngũ văn nghệ sỹ Quảng Bình thăm gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc Người đang còn sống.
Nhạc sỹ Dương Viết Chiến (người đứng) và đội ngũ văn nghệ sỹ Quảng Bình thăm gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc Người đang còn sống.

Vào Trường đại học sư phạm Vinh, chiến tranh phá hoại của Mỹ lan rộng ra toàn miền Bắc, trường sơ tán ở hai huyện Vĩnh Lộc và Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, Dương Viết Chiến học ngành Toán - Lý. Mới “chân ướt chân ráo” nhập trường, thầy cô trong khoa đã biết tiếng về khiếu âm nhạc của cậu sinh viên đất lửa Quảng Bình, bèn cử  Dương Viết Chiến phụ trách văn nghệ của lớp và khoa, “ưu tiên” giữ đàn guita, accordion. Từ đó, ngoài giờ học chính khóa, Dương Viết Chiến tìm đến thư viện sưu tầm, nghiên cứu thêm tài liệu về sáng tác và lý luận âm nhạc, đặc biệt là các giáo trình bậc trung cấp và đại học.

Năm học 1968-1969, khi đang là sinh viên năm thứ hai, Trường đại học Sư phạm Vinh tổ chức hội diễn văn nghệ- thể dục, thể thao toàn trường. Tác phẩm đầu tay của Dương Viết Chiến tham gia hội diễn là bài Đi lên những người sư phạm do tốp ca nữ khoa biểu diễn đoạt giải nhất, đồng hạng cùng bản Hợp xướng K6 của thầy giáo Nguyễn Lân Hùng (giáo sư Nguyễn Lân Hùng, anh em ruột với giáo sư Nguyễn Lân Dũng và nhạc sỹ Nguyễn Lân Tuất- PV).

Tốt nghiệp đại học cũng là lúc chiến tranh ngày càng ác liệt, thanh niên miền Bắc tình nguyện lên đường nhập ngũ chi viện sức người cho chiến trường miền Nam. Trong bối cảnh đó, Dương Viết Chiến tạm xếp lại sự nghiệp của người thầy, viết đơn vào bộ đội đi B dài.

Ba tháng huấn luyện quân sự tại Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, binh nhì Dương Viết Chiến đã có những ca khúc cho đơn vị hát tập thể. Ngày có lệnh hành quân vào Nam chiến đấu, 19-11-1972, trong buổi liên hoan văn nghệ tiễn quân, ca khúc Lên đường diệt Mỹ, tác giả Dương Viết Chiến vang lên hào hùng thúc giục tuổi trẻ lên đường ra trận.

Rời Nghĩa Đàn, đơn vị hành quân vào địa phận xã Quảng Tiên, Quảng Trạch. Suốt chiều dài quân đi, những ca khúc: Anh vẫn hành quân (Huy Du và Hoàng Trung Thông), Hành quân đêm (Xuân Hồng), Hành quân xa (Đỗ Nhuận) và cả Lên đường diệt Mỹ của Dương Viết Chiến hùng hồn trong màn đêm, dưới pháo sáng quân giặc, theo bước chân người chiến sỹ hướng về miền Nam thân yêu.

Đơn vị dừng lại ở Quảng Tiên, 10 ngày sau, cấp trên lệnh cơ động sang nước bạn Lào chiến đấu. Một đêm dài hành quân bằng cơ giới, những chiếc xe Zin ba cầu dũng mãnh vượt Cổng Trời, qua Cha Lo, vào khoảng 8, 9 giờ đêm, gần 2-3 giờ sáng thì đến Savannakhet. Giữa khu rừng bạt ngàn săng lẻ, Tiểu đoàn 114 pháo cao xạ 37 ly của Việt Nam nhanh chóng thành lập, quân số phần lớn là sinh viên, giáo viên cấp hai, cấp ba.

Dương Viết Chiến biên chế cùng tiểu đội với Lê Văn Thiên và Lâm Quang Ánh đều quê Lệ Thủy; Lê Xuân Đồng, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh (tất cả là giáo viên) và 5 cậu lính trẻ quê Ninh Bình. Thầy giáo, binh nhì Lê Xuân Đồng là thủ khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, tốt nghiệp năm 1970. Vậy là dòng xúc cảm về thơ văn của Lê Xuân Đồng và giai điệu trong âm nhạc Dương Viết Chiến được nhen nhóm và phát triển dần lên theo bước chân người chiến sỹ trên đất Lào, sâu vào phía Nam.

Đơn vị triển khai chiến đấu bảo vệ ngã ba Lùm Bùm hơn một tháng. Đầu năm 1973, Tiểu đoàn pháo cao xạ 114 được lệnh hành quân bằng cơ giới sang chiến trường B thuộc địa bàn Trung Trung Bộ. Đêm tiễn đơn vị sang đất Việt, ca khúc Trên đất nước triệu voi, nhạc Dương Viết Chiến, lời thơ Lê Xuân Đồng bay lên cao vút với giọng nam binh nhì Phạm Quý Hùng, như lời tri ân sâu sắc của quân tình nguyện Việt Nam với những người bạn Lào chung thủy, sắt son.

Gần một tuần cơ động xuyên rừng Trường Sơn, Tiểu đoàn pháo cao xạ 114 chốt lại thung lũng Trà Niêu, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi, biên chế vào Cục Hậu cần, Quân khu V để bảo vệ tuyến đường Trường Sơn cho các đơn vị hành quân, chở vũ khí và lương thực, thực phẩm tiến sâu vào mặt trận phía Nam. Tại đây, một loạt các ca khúc, nhạc của Dương Viết Chiến, lời Lê Xuân Đồng được ra đời, động viên kịp thời cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị, lan rộng trên toàn chiến trường miền Nam, động viên tinh thần hăng hái luyện tập, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thân yêu của quân dân ta. Các ca khúc tiêu biểu như: Hành khúc tiểu đoàn 114, Quyết bảo vệ màu xanh Tổ quốc, Bài ca Trung đoàn công binh 320, Liên khúc Cục Hậu cần Quân khu V, Pháo lên cao, Vinh quang Đại đội 12 anh hùng...

 Đội văn nghệ của Sư đoàn 3 anh hùng (nhạc sỹ Dương Viết Chiến là người đang sử dụng đàn accordior).
Đội văn nghệ của Sư đoàn 3 anh hùng (nhạc sỹ Dương Viết Chiến là người đang sử dụng đàn accordior).

Mùa mưa năm 1974, nhà văn Nguyễn Chí Trung, lúc ấy ở Quân khu V giới thiệu Chiến cho Phòng Chính trị, Lữ đoàn 52. Dương Viết Chiến được mời lên Bộ Tư lệnh Lữ đoàn 52 phụ trách sáng tác cho Lữ đoàn. Được đi thực tế một số đơn vị thuộc Lữ đoàn 52 và gợi ý từ đồng chí Chính ủy Lữ đoàn, tổ khúc Chiến công và chiến công gồm 5 bài của Dương Viết Chiến hoàn thành được Phòng Chính trị phê duyệt trình lên Bộ Tư lệnh.

Dương Viết Chiến trở về đơn vị trực tiếp chiến đấu. Trận mở màn kéo pháo lên núi cao, bắn góc âm, tiêu diệt đồn Minh Long. Đêm kéo pháo, mệt thở ra đằng tai, chợt nhiên nghe giọng người Đức Ninh quê vợ đặc trưng không nhầm bất cứ vùng, miền nào khác vang lên bên cạnh lại thấy người khỏe hẳn. Hóa ra, Đặng Phúc Duệ, lính pháo mặt đất 85 ly cũng đang dàn đội hình chuẩn bị cho trận đánh. Gặp nhau, mừng không tài nào tả xiết, nhưng giờ G đang đến gần, chào nhau, hẹn nhau ngày hòa bình.

Từ Quảng Ngãi, đơn vị Dương Viết Chiến hội quân vào Thê đội 2, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Thê đội 2 triển khai chiến đấu bảo vệ vùng mới giải phóng ở cầu Bà Ghi, tỉnh Bình Định rồi hành quân thần tốc tiến vào Nam. Đoàn quân đủ các binh chủng hợp thành theo quốc lộ 1A qua Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Phan Rang, Phan Thiết đến Hàm Tân, Xuân Lộc- Biên Hòa và vào Gài Gòn.

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, lá cờ giải phóng cắm trên nóc Dinh Độc Lập, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Đơn vị pháo phòng không của Dương Viết Chiến triển khai trận địa tại sân vận động Hoa Lư bảo vệ Đài Phát thanh và Dinh Độc Lập.

Hòa bình, giã từ áo lính, Dương Viết Chiến trở về quê hương với viên phấn, bảng đen cùng trang giáo án ngày xưa còn dang dở. Hành trang về cùng ông là hàng chục ca khúc được sáng tác dọc đường ra trận, trong chiến đấu, trong mất mát, đau thương. Năm 1994, ông trở thành hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam.

Từ chiến tranh bước ra... có lẽ thế mà chất nhạc cách mạng hòa quyện với chất dân ca Bình Trị Thiên thấm đượm trong máu thịt ông, chính là nguồn cội âm nhạc mà nhạc sỹ Dương Viết Chiến “sở hữu” hôm nay và tương lai.

Ngô Thanh Long