.

Một vài cảm nhận về tập thơ "Vẫn còn và mãi mãi"

Thứ Bảy, 09/12/2017, 10:13 [GMT+7]
(QBĐT) - Khi tôi mới ra trường và được phân về cấp 3 Minh Hóa thì Đinh Xuân Dục đang học lớp 10 (lớp 12 bây giờ). Dục nằm trong đội tuyển văn thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Sau mấy chục năm bươn chải trên trường đời, tôi không ngờ Đinh Xuân Dục vẫn âm thầm dấn bước theo nghiệp bút nghiên. Nâng "Vẫn còn và mãi mãi" (NXB Thuận Hóa, 2017) trên tay, lòng tôi xao xuyến, bồi hồi. Tập thơ mang lại cho tôi rất nhiều cảm xúc.
Tôi vốn quý những tấm lòng chân thực. Văng vẳng bên tai tôi hai câu thơ của Nguyễn Trọng Tạo: "Thơ chưa hay nhưng thơ nói thực lòng/ Ai giả dối rồi biết mình có lỗi...” (Tản mạn thời tôi sống).
 
Mở đầu "Vẫn còn và mãi mãi", Đinh Xuân Dục Tự bạch: 
 
Tri âm kết nối bạn gần xa
Hèn, sang, già, trẻ chẳng nề hà
Chỉ mong tâm sáng, ngọn bút sắc
Nặng tình – trọn nghĩa với thi ca.
Bìa tập thơ “Vẫn còn và mãi mãi” của tác giả Đinh Xuân Dục.
Bìa tập thơ “Vẫn còn và mãi mãi” của tác giả Đinh Xuân Dục.
Mỗi người làm thơ đều có châm ngôn riêng của mình. Bốn câu thơ trên có thể xem là châm ngôn thơ của Đinh Xuân Dục. Thiên hạ không ít kẻ kênh kiệu, cao ngạo, “coi trời bằng vung”. Dục thì khác, anh “chẳng nề hà” kết thân  với  bạn tri âm mà không hề phân biệt “hèn, sang, già, trẻ”. Bởi thế nên anh không quản đường sá xa xôi tìm gặp bằng được những người bạn kỷ tri âm. Anh xuống Quảng Hòa (Quảng Trạch),  thăm thầy Hoàng Hiếu Nghĩa: 
 
Sao cứ vương vấn mãi
Dù mới gặp lần đầu
Phải chăng thơ: Cầu nối
Tình thơ mãi thắm sâu.
                        (Cho đời bao hoa trái)
 
Anh ghé Ba Đồn gặp Đinh Hương Giang: 
Vài câu thơ nhỏ bắc cầu 
Mong tình thi hữu bên nhau trọn đời 
                                              (Cầu thơ) 
 
Anh lặn lội ra tận thủ đô Hà Nội chỉ mong Tìm người thuộc thơ mình:
 
Hà Nội ngả về chiều
Có một người thả bộ
Hỏi tên đường, tên phố
Đi tìm người thương yêu.
 
Đinh Xuân Dục đề cập nhiều đề tài khác nhau. Anh ca ngợi tài đức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh trăn trở với biển Đông những ngày dậy sóng, anh viết về tình mẫu tử, tình bạn bè...  Tôi hết sức đồng cảm với những câu thơ sau đây của anh: 
 
Ấm hơi cha mẹ tháng ngày
Lẫn trong hương khói bay bay khắp nhà
                                       (Kỷ vật mẹ cha)
Đọc thơ cho bạn nghe
Mà lòng đau quặn thắt
Bạn như ngọn lửa tàn
Đêm đông dài hiu hắt
                            (Đọc thơ bên giường bệnh) 
Mới hai lăm tuổi đời 
Mẹ kiệt khô dòng sữa 
Mai kia về cuối trời 
Ai nuôi con từng bữa 
                                                      (Đơn côi)
 
Thơ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tình cảm và lý trí, nhưng trong thực tế có người làm thơ nghiêng về thể hiện đời sống tình cảm, có người lại nghiêng về thể hiện sự chiêm nghiệm, từng trải của mình. Thơ triết lý hay thơ tình cảm đều phải viết bằng cảm xúc và thông qua ngôn ngữ hình tượng. Những câu thơ mà tôi trích dẫn ở trên, tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng đều được viết bằng cảm xúc chân thành nên có sức lạy động mạnh mẽ. Ở đây, không hề có dấu vết của sự phô trương hình thức, “đao to búa lớn”, làm xiếc ngôn từ.
 
Với cái tạng riêng của mình, tôi rất thích những bài thơ anh viết về đề tài tình yêu lứa đôi. Đinh Xuân Dục có những câu thơ tình hết sức tài hoa, chẳng hạn như: Hình như em: Ngọn gió lành/ Hình như em đã vén mành tương tư (Hình như...). “Tương tư” là từ cũ nhưng “vén mành tương tư” thì rất mới, rất hiện đại. Nếu tôi không nhầm thì hầu hết thơ tình trong Vẫn còn và mãi mãi đều được tác giả viết khi tuổi đã xế chiều. Điều đó chứng minh rằng: Tình yêu không có tuổi! Trong bài Tìm người thuộc thơ mình, Đinh Xuân Dục bộc lộ: Qua rồi tuổi mộng mơ/ Vẫn còn bao khát vọng/ Vẫn tràn đầy nhựa sống/ Vẫn thấy lòng lâng lâng. Anh tự hỏi: Thiên hạ bao người say tình muộn/ Có giống như mình đang khát yêu? (Yêu muộn)... Đinh Xuân Dục vẫn thích “nhìn trộm” những cặp tình nhân ngồi trên bờ cát, giữa tiếng sóng biển vỗ rì rào: Hoàng hôn buông lúc nào/ Họ không hay biết nữa/ Họ vùi vào lòng nhau/ Đôi tim đang bốc lửa... Nếu không “khát yêu” thì khó lòng tưởng tượng đôi trái tim họ đang “bốc lửa” như vậy. Đọc thơ Đinh Xuân Dục, tôi cảm thấy mình như đang hồi xuân: Em cười trong máy mà như thể/ Có chút thơm nồng của hương môi (Hương môi 1). Viết như thế đã hay rồi, nhưng tôi cứ muốn thay từ “như thể” bằng một từ khác hay hơn. Bởi còn “như thể” gì nữa! Đây là sự tương giao giữa thính giác và khứu giác: Em cười trong máy nghe thoang thoảng/ Có chút thơm nồng của hương môi. Như thế hay hơn chăng?              
 
Trong chùm thơ viết về đề tài tình yêu của Đinh Xuân Dục, bài tôi tâm đắc nhất là Chăn trăng. Chăn trăng là tiêu đề, đồng thời cũng là cái tứ khá độc đáo. Bởi tôi chưa hề nghe ai nói “chăn trăng” bao giờ cả. Với tôi, Chăn trăng là bài thơ thuộc loại đọc một lần đã thấy hay, chẳng cần phải phân tích, bình chú gì thêm. Chúng ta hãy thưởng thức hai khổ cuối:
 
Chờ khi trăng chui mây
Bóng nguyệt mờ huyền ảo
Ta sà vào lòng nhau
Đôi tim yêu điên đảo
Lên đồi cao chăn trăng
Mong trăng tròn mười sáu
Tình ta có trọn chăng
Hỡi đôi tim yêu dấu?
 
Đinh Xuân Dục cũng như bao người làm thơ khác, đã trạc ngoại ngũ tuần, lục tuần rồi thì chỉ biết “ngắm trộm”, hoặc phóng bút bằng trí tưởng tượng. Mà thi sĩ thì giàu tưởng tượng lắm! Thế mà không hiếm trường hợp bị oan. Thực ra, thi sĩ làm thơ tình đâu chỉ làm cho riêng mình. Họ nói hộ cho mọi người đấy chứ. Khát vọng tình yêu ai mà chẳng có, chẳng qua người đời thường giấu kín. Chỉ “thi sĩ” là “ngu ngơ”, nên bày tỏ tất cả xúc cảm của mình trước bàn dân thiên hạ...
 
Trên đây chỉ là một vài cảm nhận ban đầu của tôi về tập thơ Vẫn còn và mãi mãi của Đinh Xuân Dục. Những cảm nhận ban đầu này chắc chắn không tránh khỏi chủ quan, phiến diện. Rất mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ của tác giả và bạn đọc gần xa.
 
Mai Văn Hoan