.

Độc đáo hát sắc bùa ở Bắc Nghĩa

Thứ Tư, 06/12/2017, 08:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Trải qua thời gian, người dân tổ dân phố 1, 2 Phương Xuân, phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới) vẫn giữ phong tục cổ truyền hát sắc bùa. Hát sắc bùa không chỉ đáp ứng nhu cầu vui xuân đón tết, mà còn là tín ngưỡng của nhiều gia đình trong cầu an, chúc phúc, chúc nghề cho gia chủ...

Nhạc cụ trong hát sắc bùa ở Bắc Nghĩa gồm có trống cơm, trống chầu, xập xoã, mõ trâu và sánh tiền. Mỗi thành viên trong đội vừa là nhạc công, vừa là diễn viên, hát theo lối cái kể - con xô. Mỗi đội hát sắc bùa ít nhất có năm người, do người đội trưởng cầm trịch điều khiển, mỗi thành viên sử dụng một nhạc cụ. Mỗi buổi hát sắc bùa chia ba phần rõ rệt: phần nghi lễ, phần hát chúc phúc, chúc nghề giúp vui và phần kết thúc, giã từ. Thường sau giao thừa, các đội múa hát sắc bùa đi đến từng nhà để hát chúc mừng năm mới. Dưới sự chỉ huy của đội trưởng, đội sẽ nổi nhạc, vỗ trống cơm, gõ sanh tiền và hát các bài sắc bùa với nội dung chúc tụng đầu xuân, mừng thành quả mà gia chủ đã đạt được.

Ông Đoàn Thanh Trịnh, thành viên của Câu lạc bộ đàn hát phường Bắc Nghĩa cho biết: Các bài hát sắc bùa có nhạc điệu giống nhau, dễ hát, dễ nhớ và gần gũi với đời sống dân dã, thường được sáng tác sẵn và học thuộc. Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh, những người hát sắc bùa còn sưu tầm cả những sáng tác mới để cải biên thành lối hát sắc bùa. Theo ghi chép, thời kháng chiến chống Mỹ, hát sắc bùa vẫn tồn tại, bên cạnh các bài hát truyền thống còn có các bài mang lời ca mới với ý nghĩa động viên quân dân chiến đấu và sản xuất. Ngoài hát, trong nghi lễ sắc bùa còn có phần múa, chủ yếu là nghệ nhân chơi sanh tiền đảm nhận nhưng hình thức này nay đã mai một nhiều, nhiều nơi chỉ đánh sanh tiền chứ không múa. Một thay đổi khác là các nghi thức có tính phù chú, trừ ma đuổi tà cũng ít đi, cơ bản giản lược so với trước.

Nét đặc sắc và cuốn hút của loại hình diễn xướng dân gian này là tất cả mọi hành động, cử chỉ, thái độ đều biểu hiện qua lời hát. Mọi trình tự diễn ra trong suốt buổi hát sắc bùa đều có câu hát tương ứng, từ hát mở cổng, hát chúc mừng, hát xin lên nhà hay hát đồng ý, hát cảm ơn... Độc đáo nhất là màn hát đối đáp của phường bùa và chủ nhà, thể hiện cái tài và khả năng ứng tác của cả hai bên. Những câu hát đều do sự ngẫu hứng của cả hai bên trên nền tảng của truyền thống dân ca và thực tế bối cảnh tại nơi xảy ra cuộc hát sắc bùa: Thê... thất cửa ngoài lăn vô/ cửa giữa là cửa thứ hai, chúng bạn trai tôi thì ra mở cửa/ thắp đèn thổi lửa thì chống cửa cho cao/ xem trên đèn cao thấy con rồng ấp/ xem xuống dưới đất thấy con rồng chầu/ ông mệ sống lâu/ trâu bò thắng lợi/ bước qua năm mới/ chúng tôi mới tới/ mừng tuổi ông bà/ thượng thê... thê thượng thất...

Hay có những câu hát mang tính tự hào dân tộc: Ơ ơ ơ... thất/ nước ta Nam Việt/ ở đất Á Đông/ con tiên cháu rồng/ da vàng một giống/ vẫn có thể thống từ trước (ơ) đến ngày bốn ngàn năm nay/ một nền văn hóa/ so với thiên hạ/ ai kém ai đâu/ cùng với ấp đầu/ cùng bầu máu nóng/ lâu nay hư hỏng/ vì bọn thực dân/ chính sách bất nhân/ chia cho nhị tị/ làm cho anh chị/ bên giáo bên lương/ dắt đi lạc đường/ phải thân phải tù/ thượng thê... thê thượng thất...

Hát sắc bùa là cách chúc tết độc đáo của người dân Phương Xuân thể hiện khát vọng hạnh phúc, bình yên của con người trước thềm năm mới. Ngoài ra, đội hát sắc bùa Bắc Nghĩa còn thực hiện hát giúp vui trong những ngày diễn ra lễ hội đình làng theo yêu cầu của ban khánh tiết và chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, ông Trịnh cũng bày tỏ sự nuối tiếc khi hát sắc bùa ngày càng mai một mà chưa có được một đề án bảo tồn nào. Ông cho rằng, chỉ vài năm nữa thôi, khi người hát sắc bùa ngày một già đi, rất có thể tục hát sắc bùa độc đáo, gắn bó với những sinh hoạt của người dân sẽ mất theo. Ông chia sẻ: “Thế hệ trẻ không còn biết nhiều đến hát sắc bùa, vì thế ngày xuân, những đám cưới, đám chúc thọ ở phường cũng vắng dần những phường bùa, vắng dần những tiếng trống rộn rã”...

Phạm Hà