.

Câu hò, điệu múa xứ biển

Thứ Năm, 28/12/2017, 09:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Cuộc sống mưu sinh của người dân xã Đức Trạch (Bố Trạch) luôn gắn chặt với nghề biển. Những điệu múa bông khỏe khoắn cùng với điệu hò chèo cạn ngọt ngào, sâu lắng trong lễ hội cầu ngư được bao thế hệ ngư dân nơi đây giữ gìn và phát triển.

Múa bông, hò chèo cạn Đức Trạch gắn với người dân Đức Trạch từ hàng trăm năm nay. Múa bông, hò chèo cạn là một loại hình diễn xướng bắt buộc, quan trọng không thể thiếu của phần lễ trong lễ hội cầu ngư hằng năm ở Đức Trạch. Đúng như tên gọi của loại hình diễn xướng này, chèo cạn chính là sự diễn tả và mô phỏng trên cạn những hoạt động chèo thuyền của người đi biển. Điệu hò khỏe khoắn của người hò cái phối hợp nhịp nhàng cùng với điệu múa chèo cạn đã mô phỏng cuộc sống hằng ngày của người miền biển như chèo thuyền, buông lưới, kéo lưới... Múa bông là cách người dân thể hiện ước vọng vạn sự được yên bình, thân ái, ấm no, thịnh vượng và hạnh phúc. Không biết tự bao giờ, nó đã là nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng biển Đức Trạch.

Bà Hồ Thị Dom, thôn Trung Đức, là thành viên hò cái trong đội chèo cạn. Mặc dù đã hơn 70 tuổi, nhưng khi chúng tôi hỏi về hò chèo cạn thì mắt bà như sáng lên, tham gia đội hò chèo cạn đã hơn 30 năm nên các bài hát từ trước đến nay bà đều thuộc lòng. Vừa kể chuyện, bà vừa hò cho chúng tôi nghe một vài giai điệu "độc tôn" của làng biển Đức Trạch, bài cũ cũng có mà bài mới sáng tác cũng có. Bà Dom cho biết: Trong đội hình chèo cạn có 2 hò cái, 1 tay trống và 12 hò con. Hò cái sẽ xưng trước khi vào nội dung chính. Sau khi lời xưng kết thúc, các thành viên khác mới bỏ mái chèo xuống để bắt đầu chèo, các động tác chèo cạn diễn ra theo điệu hò cái. Khi diễn tả sóng yên, biển lặng thì điệu chèo khoan thai, nhịp nhàng, còn khi gió to, sóng lớn thì điệu chèo mạnh mẽ dứt khoát... Lời trong hò chèo cạn chủ yếu là thể thơ lục bát với ngôn ngữ mộc mạc, vừa dung dị, trìu mến, vừa gắn với cuộc sống con người miền biển.

Múa bông, chèo cạn ở lễ hội cầu ngư của người dân xã Đức Trạch.
Múa bông, chèo cạn ở lễ hội cầu ngư của người dân xã Đức Trạch.

Để duy trì cho nét văn hóa đặc sắc này, xã Đức Trạch đã thành lập một đội chèo cạn gồm 18 thành viên. Hàng năm, theo truyền thống của xã Đức Trạch, lễ hội cầu ngư sẽ được tổ chức vào ngày 15-2 (âm lịch) và lễ tạ ơn thần Nam Hải vào ngày 15-7 (âm lịch). Để chuẩn bị cho lễ hội, đội chèo cạn tập luyện cho thuần thục các bài hò và nhịp chèo cho thuần thục để biểu diễn. Phải khẳng định rằng, hò chèo cạn và múa bông làm lễ hội cầu ngư linh thiêng và rộn ràng hơn, động viên tinh thần của những ngư dân sắp sửa vào mùa ra khơi bám biển, đối phó với sóng gió trùng khơi, khi thuyền về cá ắp đầy khoang.

Trong một lần tham dự lễ hội cầu ngư của người dân Đức Trạch, có một nghi thức làm cho chúng tôi thật sự ấn tượng và thích thú, đó là múa bông xếp chữ “thiên hạ, thái bình”. Được biết, đây là một điệu múa cổ phức tạp, nên đòi hỏi người tham gia không chỉ dẻo dai, linh hoạt, mềm mại trong từng điệu múa, mà phải có sức khỏe tốt để đủ sức chạy xếp chữ từ đầu đến cuối. Trước đây, thành viên đội múa chữ phải là trai chưa vợ, gái chưa chồng, nhưng hiện nay, do hiếm người tham gia, nên đội múa chữ chỉ cần trẻ, khỏe là được. Múa chạy chữ hấp dẫn người xem bởi những điệu múa uyển chuyển, kết hợp với sự di chuyển, sắp xếp chữ linh hoạt, biến hóa và nhất là sự đồng điệu, hòa nhập ăn ý với âm nhạc từ trống, xập xèng...

Ông Đoàn Văn Dự, Trưởng ban quản lý văn hóa tâm linh Đức Trạch cho biết: Múa bông, hò chèo cạn đã quen thuộc đối với người dân Đức Trạch hàng trăm năm nay, nó không thể thiếu trong lễ hội cầu ngư hàng năm của ngư dân địa phương. Hò chèo cạn nhằm cầu tài, cầu yên, cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên, biển lặng cho ngư dân yên tâm đánh bắt trên biển, diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió lớn, mang về một mùa bội thu. Múa bông là cách người dân cầu cho cả thiên hạ đều thái bình, thịnh vượng... Múa bông chèo cạn là văn hóa đặc sắc của ngư dân

Thanh Hoa