.

Tình ca quê hương

Thứ Năm, 09/11/2017, 09:30 [GMT+7]

(QBĐT) - Quê hương, với các nhạc sĩ trong Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh luôn là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn. Hàng loạt ca khúc viết về Quảng Bình do người Quảng Bình sáng tác, phối khí, biểu diễn đã để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng người xem qua các chương trình nghệ thuật phục vụ sự kiện chính trị của tỉnh. Các thế hệ nhạc sĩ Quảng Bình đã bằng chính tình yêu quê hương để cho ra đời những đứa con tinh thần thấm đẫm hương đất, tình người Quảng Bình qua từng ca từ, giai điệu.

Nhạc sĩ Lê Đức Trí, Chi hội trưởng Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh cho biết: Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Bình là mái nhà chung của những nhạc sĩ đang công tác và sinh sống trên địa bàn. Họ có chung niềm đam mê với âm nhạc. Niềm đam mê ấy đã tạo nên những sản phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn thời gian.

Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Quảng Bình có 11 thành viên, là lực lượng nòng cốt trong hoạt động âm nhạc trên các lĩnh vực: sáng tác, phối khí, dàn dựng và biểu diễn. Điều đáng tự hào là nhiều năm qua, Quảng Bình luôn được giới chuyên môn đánh giá là một trong những địa phương tạo được dấu ấn qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật và qua nhiều ca khúc được đông đảo khán giả cả nước đón nhận. Các nhạc sĩ gạo cội mà tên tuổi của họ đã được khẳng định trong sự nghiệp sáng tác như Hoàng Sông Hương, Quách Mộng Lân, Dương Viết Chiến đã tiếp ngọn lửa đam mê sáng tạo, cống hiến cho các thế hệ sau. Gia tài âm nhạc của các nhạc sĩ là hàng loạt ca khúc sống mãi với thời gian, nhất là những ca khúc viết về quê hương Quảng Bình.

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương là một trong những gương mặt tiêu biểu của Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh. Ông đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm được ví như những bức họa về quê hương bằng âm nhạc như: Những con đò sông nước miền Trung, Giọng hò quê hương, Tâm tình với sông Gianh, Huyền thoại trăng Nhật Lệ, Tình ca rừng và biển, Nàng tiên Mỹ Cảnh, Phố biển tình anh, Chuyện tình Phong Nha. ... Và điều dễ nhận thấy là bất cứ ở đâu, từ sân khấu biểu diễn nghệ thuật lớn, nhỏ của các cơ quan, đơn vị địa phương hay trong các buổi liên hoan bầu bạn, trên cánh đồng mùa gặt hái... những ca từ mộc mạc, giai điệu ngọt ngào trong từng ca khúc  của Hoàng Sông Hương được cất lên như những giai điệu tự hào dành riêng cho vùng quê đầy nắng, gió.

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2016.
Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2016.

Quê hương Quảng Bình trong ca khúc của Hoàng Sông Hương là con đò, là dòng Nhật Lệ hiền hòa, dòng Gianh xanh biếc, là biển bạc, rừng vàng, cây lúa, điệu hò và cả động Phong Nha lung linh, kỳ vĩ... Đặc biệt, tác phẩm "Tình ta biển bạc đồng xanh" lấy cảm hứng sáng tác từ chính mảnh đất, con người Quảng Bình đã trở thành ca khúc quen thuộc nhất của Hoàng Sông Hương với khán giả cả nước, là một trong những bài ca đi cùng năm tháng trong kho tàng âm nhạc Việt Nam. Và chính sự miệt mài lao động ấy đã mang lại cho ông những mùa trái ngọt. Năm 2016 ông là 1 trong 16 nhạc sĩ trong cả nước vinh dự được tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước với chuỗi ca khúc “Phố biển tình anh”, “Tiếng dạ - tiếng thương”, “Tình ta biển bạc đồng xanh”, “Giọng hò quê hương”, “Thành Huế chúng mình thương” và “Lời Người vọng mãi”.

Một trong những cánh chim đầu đàn trong phong trào sáng tác âm nhạc của tỉnh là nhạc sĩ Quách Mộng Lân. Với ông, thực tiễn sản xuất và chiến đấu trên quê hương Quảng Bình "Hai giỏi" luôn là nguồn cảm hứng để cho ra đời rất nhiều ca khúc phục vụ các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và văn nghệ quần chúng toàn tỉnh. Tuổi trẻ của Quách Mộng Lân là những tháng ngày cùng với các anh chị em trong Đoàn văn công Quảng Bình mang nhiệt huyết, sức trẻ qua lời ca, tiếng hát phục vụ đồng bào chiến sĩ, quân và dân trên mọi miền quê. Với tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom”, đôi chân trần của các nghệ sĩ đã vượt qua mưa bom, bão đạn, xông pha trên mọi miền quê, đến những nơi ác liệt nhất như Cha Lo, Mụ Giạ, Đồi 37, Ngư Thuỷ, Hòn La... để biểu diễn và thâm nhập thực tế sáng tác.

Bao trải nghiệm từ những chuyến đi được Quách Mộng Lân ấp ủ và đúc kết thành những tác phẩm âm nhạc mang âm hưởng từ chính cuộc sống  chiến đấu anh hùng của quân và dân tuyến lửa Quảng Bình. Là một nghệ sĩ - chiến sĩ trên mặt trận âm nhạc, nhạc sĩ đã kịp thời sáng tác nhiều tác phẩm có nội dung tuyên truyền, vận động, cổ vũ tinh thần cho cán bộ chiến sĩ và quần chúng nhân dân hăng hái thi đua lập nhiều thành tích trong chiến đấu, sản xuất...  

Có thể nói, đi, cảm nhận và viết là hành trình không mệt mỏi của nhạc sĩ Quách Mộng Lân và ông đã được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng có giá trị như giải thưởng Lưu Trọng Lư cho tác phẩm "Quê ta có nắng mặt trời", "Quảng Bình cất cánh"; giải thưởng cuộc vận động sáng tác quảng bá theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho tác phẩm "Quê ta in dấu chân Người" ...

Cùng với Hoàng Sông Hương, Quách Mộng Lân, nhạc sĩ Dương Viết Chiến cũng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp văn học nghệ thuật và phong trào sáng tác âm nhạc tỉnh. Ông được biết đến với nhiều ca khúc nổi tiếng viết về quê hương Quảng Bình như "Tình sông Nhật Lệ" (thơ Đặng Thị Kim Liên), "Kết ngàn đài hoa kính dâng lên Người", "Đồng Hới hoa hồng", "Vị tướng của nhân dân", "Về với động Thiên Đường" (thơ Văn Lợi)... Nhiều tập ca khúc của ông được xuất bản, có sức hút lớn đối với công chúng yêu nhạc trong và ngoài tỉnh như "Chào xuân", "Ngược chiều sơn cước", "Tình ca quê hương". Một số tác phẩm của ông đã đạt các giải thưởng như Giải thưởng Âm nhạc Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam, giải thưởng cuộc thi viết về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh của tỉnh Quảng Bình, Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Lưu Trọng Lư...  

Thành viên nữ duy nhất của Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh là nhạc sĩ Dương  Nguyệt Ánh với rất nhiều ca khúc hay về quê hương Quảng Bình. Đó là những ca khúc khá quen thuộc với nhiều người như: "Miên man Long Đại", "Yêu lắm biển quê hương", "Vũ điệu Phong Nha", "Nơi tôi tìm về", "Quảng Bình quê em"... Không ít ca khúc của Dương Nguyệt Ánh mang âm hưởng dân ca, nổi bật là ca khúc "Khúc ru miền Trung" với giai điệu ngọt ngào, sâu lắng, chạm đến trái tim người nghe bằng những tiếng à ơi của mẹ giữa một ngày bão giông: Ơi à ơi ru hời ngủ đi con. Ơi à ơi ru hời mưa rơi. Ào ạt mưa tuôn, lời mẹ rung lên quay cuồng trong bão giông. Lời ru như thét gào, lời ru nghẹn ngào.... À ơi bão tố qua rồi. Miền Trung xao xác cánh cò chơi vơi. Người xa quặn thắt bí bầu thương nhau. Người đi người ở người về rưng rưng. À ơi, à ơi...

Ở thế hệ trẻ, các nhạc sĩ Lê Đức Trí, Hữu Thọ đang tiếp nối thế hệ đi trước và tạo được dấu ấn trong lòng khán giả qua nhiều ca khúc mang âm hưởng thời đại, đóng góp tích cực cho sự phát triển của nền âm nhạc tỉnh nhà.

Không chỉ mạnh về đội ngũ sáng tác, lĩnh vực dàn dựng biểu diễn, hòa âm phối khí ở Chi hội nhạc sĩ Việt nam tỉnh cũng tạo được nhiều dấu ấn trong các chương trình nghệ thuật lớn của tỉnh. Đó là các nghệ sĩ mà tên tuổi của họ đã trở nên quen thuộc với khán giả trong và ngoài tỉnh như nghệ sĩ ưu tú Thanh Nhân, nghệ sĩ ưu tú Thùy Linh, các nghệ sĩ Nguyễn Văn Bổng, Hữu Thọ, Quách Sĩ Dũng. Sự đóng góp của họ đã làm cho các khúc đến được với công chúng một cách trọn vẹn. Và họ, 11 thành viên trong ngôi nhà chung là Chi hội nhạc sĩ Việt Nam Quảng Bình đã và đang nỗ lực cống hiến tài năng, niềm đam mê âm nhạc để rồi tạo ra những bức tranh quê bằng giai điệu điệu đẹp, nốt nhạc vui, vẽ nên một Quảng Bình đẹp và thơ trong mỗi thanh âm.

Nhật Văn