.

Say câu hò, điệu hát quê hương

Thứ Tư, 08/11/2017, 17:50 [GMT+7]

(QBĐT) - Không có thù lao, không có hội trường, âm thanh, ánh sáng, chỉ có ấm nước chè xanh và khoảng sân đủ rộng là đã có thể trở thành sân khấu để những "nghệ nhân làng" say sưa hát, say sưa tập luyện. Đêm nào cũng vậy, kể cả ngày mưa, các ông, các bà, các mẹ, các chị lại tụ tập với nhau và chỉ sau vài câu chào hỏi chuyện nhà cửa, họ lại cùng nhau hát, có khi hát đến khuya đêm... Họ - những thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) đàn, hát dân ca xã Hồng Hóa, huyện Minh Hóa.

Chúng tôi đến xã Hồng Hóa vào một buổi chiều cuối tháng 10 mưa nặng hạt. Thế nhưng, mưa gió hầu như không hề cản trở bước chân của các thành viên trong CLB đến với khóa học hát dân ca do nghệ nhân dân gian Đinh Thị Phương Đống truyền dạy.

Ông Đinh Thanh Đàn, Chủ nhiệm CLB đàn, hát dân ca xã cho hay: Toàn đội đang tham gia “buổi sát hạch” các nội dung đã học sau hai ngày (27 và 28-10), ai đủ điều kiện sẽ được cấp chứng chỉ của Hội Di sản văn hóa huyện. Trải qua hai ngày học với thời tiết không thuận lợi nhưng tất cả các thành viên được chọn tham dự lớp tập huấn này đều có mặt đông đủ. Họ rất nhiệt tình luyện tập theo sự hướng dẫn của nghệ nhân Phương Đống nên ai cũng hát thông thạo các làn điệu hò thuốc, hát hí hờ, hát đúm, ví, hát ru.

CLB đàn, hát dân ca xã Hồng Hóa có 38 thành viên, chủ yếu là hội viên Hội Người cao tuổi của xã. Họ là những nông dân gắn bó với cuộc sống ruộng vườn, nương rẫy, nhiều người đang có cuộc sống khó khăn, song điểm chung giữa họ là say mê câu hò, điệu hát của quê hương.

Trong khi không ít địa phương gặp khó khăn trong việc tập hợp những hạt nhân vào các CLB văn hóa, văn nghệ truyền thống, khó huy động nguồn kinh phí thì ở Hồng Hóa, việc này lại diễn ra thuận lợi. Ngay từ khi xã có chủ trương thành lập CLB, nhiều người dân Hồng Hóa tự nguyện đăng ký tên mình để được sinh hoạt thường xuyên. Họ tự đóng góp hội phí để tổ chức các buổi giao lưu gặp gỡ, liên hoan đàn hát, tự nguyện đóng góp tiền bạc mua trang phục, đạo cụ biểu diễn mà không phải chờ kinh phí từ cấp trên như những nơi khác.

Ở Hồng Hóa, chỉ cần xã yêu cầu có chương trình văn nghệ nhằm phục vụ sự kiện chính trị của địa phương là họ tập hợp nhau lại rồi tự đề ra mức phí, tự tổ chức thu nộp để có tiền mua nước, bánh kẹo phục vụ cho cả đội trong các buổi luyện tập và mua sắm trang phục biểu diễn.

Nhờ vậy mà từ khi thành lập đến nay, CLB cơ bản đã khẳng định được vị trí của mình trong việc gìn giữ các giá trị văn hóa phi vật thể ở địa phương.

Các thành viên trong CLB thể hiện tốt nhiều làn điệu dân ca của Minh Hóa.
Các thành viên trong CLB thể hiện tốt nhiều làn điệu dân ca của Minh Hóa.

38 thành viên, mỗi người một thế mạnh đã tạo nên một CLB khá đồng bộ về đội ngũ, từ người sáng tác, nhạc công đến các giọng ca...

Ông Đinh Thanh Đàn được xem là sợi dây gắn kết toàn đội. Ông không chỉ là người chủ nhiệm đầy trách nhiệm với CLB mà còn là người giữ vai trò chủ chốt trong việc sáng tác các ca khúc phù hợp với thời đại, với các sự kiện chính trị của địa phương dựa trên những giai điệu cổ của dân ca Minh Hóa như hò thuốc cá, hát ru... Nhiều tiết mục do ông và các thành viên trong CLB dàn dựng, biểu diễn như "Mừng Đảng, mừng xuân", "Sáng mãi làng An"... tạo được ấn tượng trong lòng người xem. Ông còn tham gia chơi trống con trong các chương trình biểu diễn của toàn đội.

CLB còn có sự đóng góp tích cực của nghệ nhân dân gian Đinh Tiến Dòng-nghệ nhân đàn bầu có tiếng ở huyện Minh Hóa cùng một số hạt nhân khác như anh Đinh Văn Phong, chuyên đàn Mandolin, Guitar; các bà: Đinh Thị Thê, Đinh Thị Thanh sử dụng bộ gõ cùng rất nhiều giọng ca thể hiện tốt tất cả các thể loại dân ca của Minh Hóa.

Vì thành viên đông, không có địa điểm đủ rộng để sinh hoạt thường xuyên nên CLB chia ra 3 tổ, mỗi tổ có một người làm tổ trưởng, chịu trách nhiệm tổ chức các buổi sinh hoạt của tổ mình. Ban đầu, các tổ cũng đề ra lịch sinh hoạt định kỳ hàng tháng, hàng tuần nhưng do nhu cầu của các thành viên nên hầu như đêm nào, CLB cũng tổ chức sinh hoạt. Địa điểm diễn ra các cuộc hát và ôn lại những giá trị truyền thống là nhà ở của các tổ trưởng. Đêm nào cũng vậy, cơm nước xong, các ông, bà, các mẹ, các chị lại quây quần với nhau bên ấm chè xanh và hát, có khi hát vài tiếng đồng hồ, càng hát lại càng hăng say.

Bà Đinh Thị Trâm (77 tuổi) hồ hởi khoe với chúng tôi rằng: Nhà bà luôn là sân khấu biểu diễn cho các anh chị em hằng đêm. Mặc dù cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn nhưng không gì ngăn được sự say sưa, nhiệt tình tập luyện của mỗi thành viên. Họ xem dân ca, dân vũ của quê hương như báu vật và quyết tâm gìn giữ, trao truyền. Bà Trâm nói: Ban ngày, mỗi chúng tôi ai cũng vì cơm, áo, gạo, tiền nên phải mò đam, bắt ốc, chăn bò, cày cuốc... nhưng đêm về là hội hè và hát. Với chúng tôi hát để nâng cao thể chất và tinh thần cho mỗi người. Có người nói chúng tôi nghèo mà "tham" hát và chúng tôi tự nhận mình như thế, vì khi hát chúng tôi tạm quên đi tuổi già, quên đi những mệt mỏi, lo toan của cuộc sống.

Từ mô hình đàn hát dân ca của xã Hồng Hóa, không ít gương mặt triển vọng trên lĩnh vực văn nghệ dân gian của xã được phát hiện và ngày càng có nhiều người tự nguyện làm đơn xin gia nhập CLB. Theo ông Đinh Thanh Đàn, để đáp ứng nhu cầu của bà con, CLB có thể lên đến 50, 60 người nhưng vì điều kiện không cho phép như công tác tổ chức, quản lý, điều kiện tập luyện chưa đồng bộ, chưa có sự hỗ trợ kinh phí của cấp trên nên CLB chưa thể phát triển thêm được.

"Ai lên Minh Hóa quê mình. Điệu hò thuốc cá đượm tình quê hương... hôi lên là hôi lên"... Chiều muộn, màn mưa mỗi lúc một dày nhưng những thanh âm mộc mạc ấy vẫn ngân vang giữa làng quê xứ núi. Lời ca vẽ nên những bức tranh quê bình yên, nơi có những người dân lao động cần cù, chịu khó, chân thành và hiếu khách. Người Hồng Hóa gửi trọn vẹn tình yêu quê hương trong từng câu hát và cho dù cuộc sống có khó khăn, họ vẫn ngân lên khúc hát tự hào-khúc hát của quê hương.

Nhật Văn