.

Nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Phan Văn Khuyến

Thứ Ba, 14/11/2017, 15:31 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Phan Văn Khuyến sinh ngày 1 - 2 - 1932 tại làng Thọ Linh, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn.

 

Chân dung nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Phan Văn Khuyến
Chân dung nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Phan Văn Khuyến

Thuở nhỏ ông học sơ học yếu lược tại trường làng Thọ Linh, lớn lên học tiếp trường Phan Bội Châu (Tuyên Hóa) rồi ra học trường Tây Hồ (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Sau ngày hòa bình lập lại, ông về làm hiệu trưởng ở huyện nhà. Cha tôi từ quân đội chuyển ngành sang cũng làm hiệu trưởng sau đó ít lâu, hai người cùng được bầu vào Ban Thường vụ Công đoàn giáo dục huyện Quảng Trạch.

Ngày giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, cha tôi vào làm Bí thư Đảng ủy Trường sư phạm sơ cấp Quảng Bình, ông Phan Văn Khuyến cũng vào Đài Phát thanh rồi chuyển sang báo tỉnh. Mấy chục năm sau, về hưu hai người mới gặp lại nhau trên một chuyến tàu. Tôi cầm tập bản thảo cuốn hồi ký “Thời lửa đạn” (NXB Thuận Hóa năm 2013) của cha tôi đến, một tuần sau ông đọc xong và viết mấy lời cảm nhận: “Tôi biết anh Hoàng Hữu Thanh từ hồi đang còn công tác trong ngành giáo dục. Chiến tranh chống Mỹ tôi chuyển sang làm báo, làm văn nghệ cho đến lúc nghỉ hưu. Thời gian làm việc với anh không được nhiều nhưng tôi biết anh, mến anh, nhờ thái độ cởi mở gặp đâu cũng vồn vã chân tình như ruột thịt...”. Ông viết tiếp: “Năm ngoái trong lúc biên tập cuốn sách về Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Nguyễn Tư Thoan, tôi có đọc một bài báo của anh viết về Nguyễn Tư Thoan và rất mừng là anh có trí nhớ tốt, nhiều con người và sự việc như mới diễn ra hôm qua. Mong anh sử dụng tốt tư liệu thực tế đã có của mình. Có kho tư liệu và thời gian như anh mà “gặm” dần thì quý lắm...”. Ông chân tình với bạn như thế.  

Đọc xong mấy lời cảm nhận của nhà thơ Phan Văn Khuyến, cha tôi xúc động lắm, ông bồi hồi nhớ lại. Hồi đó có một lần hai người cùng viết chung một bài báo về việc xây dựng trường lớp. Họ đã dựa vào uy tín của các bậc cao niên, vận dụng tiếng nói của các cụ già trong làng, nhất là lực lượng phụ huynh, những thanh niên trai trẻ lên rừng chặt gỗ để dựng trường. Bài báo đã được Ty Giáo dục lấy làm tấm gương cho giáo viên trong tỉnh học tập kinh nghiệm xây dựng trường lớp ban đầu.

Phan Văn Khuyến có năng khiếu thơ ca. Có nhiều bài của ông được đăng trên báo. Thuở thanh niên, ông là người hào hoa, phong nhã, đa tài nhưng cũng rất đa tình. Sau này đọc tiểu thuyết “Mùa hoa dẻ”, tôi nghe người ta nói nhân vật thầy giáo Khang trong tiểu thuyết chính là nguyên mẫu của ông lúc dạy học trên Tuyên Hóa. Tôi gọi điện ra Hà Nội hỏi nhà văn Văn Linh thì Văn Linh nói không phải, nhưng hình như nhà thơ Phan Văn Khuyến cũng có một mối tình sâu lắng, e ấp, phía cuối trời. Những vần thơ của ông mượt mà óng chuốt như một làn điệu dân ca.

Những câu thơ lục bát dung dị, tài hoa, lấp lánh nỗi niềm riêng tư của người xưa khi tìm về chốn cũ. Chính ngọn lửa tình yêu đã thắp sáng, tiếp thêm cho ông sức mạnh hoàn thành sứ mạng với đời, với nàng thơ:

“...Ôi tình yêu là ngọn lửa hư vô
Mà cháy bỏng trong lòng người có thực
Anh và em chúng mình giữ được
Sẽ là nguồn năng lượng của đời ta...”
  (Lửa tình yêu).

Bà Trần Thị Nguyệt, vợ ông sau này là một giáo viên tiểu học có rất nhiều ảnh hưởng trong cuộc đời và sự nghiệp sáng tác thơ ca của ông. Họ có một mối tình trong sáng tuyệt đẹp để đi đến hôn nhân bền chặt nhưng là người đam mê công việc nên nhiều khi ông lỡ hẹn:  

“...Kể từ ngày hai đứa quen nhau
Em cứ đợi chờ còn anh thì lỡ hẹn
Hết mùa nắng mùa mưa lại đến
Như đất trời cũng thử thách đôi ta...” 
(Lỡ hẹn).

Phan Văn Khuyến làm thơ không nhiều lắm, nhưng đi đâu ông cũng có thơ. Suốt mười năm, từ năm 1966 đến năm 1976, dù là lúc đang làm phóng viên xông pha dưới làn bom đạn hay những lúc làm thư ký tòa soạn, ông say mê sáng tác văn nghệ. Năm 1972, tòa soạn Báo Quảng Bình sơ tán về làng Thọ Linh quê ông. Máy bay B52 ném bom rải thảm xuống làng, giết chết 107 người, bị thương 127 người. Máu của dân làng hòa chung với máu của thanh niên thủy lợi, bộ đội hải quân và nữ phóng viên Nguyễn Thị Thanh Xuân, Báo Quảng Bình. Bản thân ông cũng bị thương phải nằm viện đến 1 tháng. Hơn ba mươi năm sau hình ảnh người nữ phóng viên hy sinh vẫn hiễn hiện trong ông với lòng tiếc thương vô hạn:

...Hơn ba chục năm rồi
Em đã xa bạn bè đồng đội
Cứ mỗi lần đọc trang báo mới
Như thấy em còn hăm hở giữa dòng tin!...

Năm 1981, Phan Văn Khuyến được Tỉnh ủy Bình Trị Thiên đề bạt làm Phó Tổng biên tập Báo Dân, Bình Trị Thiên. Cuối năm 1983 ông được chuyển sang công tác ở Hội Văn học - Nghệ thuật Bình Trị Thiên và giữ chức Phó chủ tịch Hội. Từ ngày cùng tỉnh nhà trở về địa giới cũ ông đảm nhiệm chức Phó chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Bình. Ngoài các tác phẩm thơ ca, văn xuôi, báo chí đăng tải trên các mặt báo ông còn có các tác phẩm in thành sách. Cuốn sách Cánh buồm quê hương, in chung ca dao của ông cùng nhiều tác giả khác được Ty Văn hóa Quảng Bình xuất bản năm 1976. Về Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Bình ông càng sáng tác mãnh liệt hơn, ông in liên tiếp 5 tập thơ và ca dao. Ca dao kháng chiến; Miền thương nhớ (thơ) năm 1997; Bến sông quê (thơ) năm 2000; Giữa mùa hoa trái (thơ) năm 2000; Bóng xưa (thơ) năm 2004. Ông còn viết tập truyện và ký Dòng đời, tập tư liệu Quảng Bình những năm tháng không quên năm 2001. Đặc biệt ký sự làng quê: Một thuở vui buồn làm nức lòng con em Quảng Sơn.

Những năm cuối đời, ông dành nhiều tình cảm để sống bên cháu con. Khi vợ ông bị bạo bệnh, ông lo thuốc thang, tìm thầy thuốc, đến lo nơi yên nghỉ cuối cùng của bà. Nhà báo Phan Văn Hòa con trai trưởng của ông kể, khi bà Nguyệt qua đời, ông cô đơn và buồn lắm. Ông ngậm ngùi viết:

“Bà đi yên phận của bà
Còn tôi một tấm thân già lẻ loi
Bao phen bão dập lũ dồi
Đêm đêm heo hút cứ ngồi lo xa”.

Ông viết về đạo về đời, rất ngay thẳng rạch ròi. Trong bài “Những dòng nước mắt” ông viết: “Không ít người ra đi/ Trông chờ ai cho từng giọt nước mắt/ Như tài sản dày công góp nhặt/ Của cả cuộc đời!/ Lúc sinh thời họ chạy theo danh vọng hư vô/ Mong được tung hô/ Bằng mọi giá/ Sống giữa nhân dân mà như người xa lạ...”. Họ tìm kiếm một giọt nước mắt hiếm hoi của người đời. Đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng của nhân dân: “...Đại tướng trở về giữa biển người tiếc thương vô hạn/ Những dòng nước mắt không bao giờ vơi cạn/ Của bà con làng xóm gần xa/ Có cả bạn bè đủ màu da...”.  Nhân dân ta đánh giá rất công bằng, vàng thau không bao giờ lẫn lộn.

Ngày 24-6-2014, Phan Văn Khuyến đã về yên nghỉ dưới chân núi Động Ngùi, đất mẹ Thọ Linh. Nhà thơ Văn Lợi viết về ông “Hình bóng tài năng nhân cách của ông vẫn còn sống mãi trong lòng bạn bè, người thân:

Thọ Linh nơi đây làng quê sinh trưởng
Thọ đời anh và Linh hiển hồn anh
Ta như nghe cỏ cây dào dạt
Khúc bi ca vĩnh biệt an lành”.

Hoàng Minh Đức