.

Ai cười ai khóc

Chủ Nhật, 12/11/2017, 14:53 [GMT+7]

(QBĐT) - Nhân là con út của dì tôi, chưa thành cử tri đã “thành danh” với bao tai tiếng. Trong khi lũ choai choai cùng lứa, nếu bị người lớn dụ uống bia, vừa nhấp môi đã phun phì phì như ngậm phải thuốc độc thì Nhân có thể tu một hơi hết cả lon bia, lại không rơi giọt nào. Cùng dự tiệc vui, trong khi các bạn nhăn mặt quay đi hoặc lấy tay phẩy phẩy nếu ngồi gần người hút thuốc thì Nhân như có dịp thể hiện sự sành điệu cùng điếu thuốc. Đến cử chỉ nhả khói của cậu cũng khác thường, miệng tròn xoe rồi phả ra những vòng tròn mờ ảo nối nhau, khiến những người trẻ trầm trồ, cứ như đang nhìn một nghệ sĩ xiếc.

Không chịu cảnh quanh quẩn trong làng, ngoài sách vở chỉ biết các trò cổ điển như câu cá đá banh, Nhân chơi xa, với các trò độc. Cậu từng bị cảnh sát bắt khi đang “đập đá” cùng lũ bạn mình loang lổ, tóc vàng xanh, áo quần te tua trong nhà nghỉ. Lần đó gia đình phải bảo lãnh, Nhân mới được về nhà đi học tiếp. Nhưng nhiều người thấy cậu vẫn lởn vởn trên thị trấn, khi thì tụ tập cùng đám bạn đồng dạng, ngồi như mọc rễ ở quán cà phê với bộ bài, lúc liêu xiêu đi vào quán karaoke cùng em út.

Trong lúc con thả hồn bay bổng trong các cuộc vui, với tiếng cười rần rật thì dì tôi vật vờ như cái bóng, cứ nhắc tới thằng út là khóc. Chẳng nhớ bao lần dì đã khóc vì con nhưng nước mắt đau khổ không khiến được đứa con hư đoạn tuyệt cõi mê. Để có tiền ăn chơi, Nhân phải chờ sự hớ hênh của người khác, bằng cách không lương thiện. Mỗi lần nghe trong xóm mất chó gà, quần jean hay xe đạp, dì lại thấp thỏm không yên. Bà cứ đi ra đi vô hỏi về vụ trộm rồi nghe ngóng thủ phạm đã bắt được chưa. Dì thở phào, cứ như trút được nỗi lo, nếu biết kẻ gian vừa bị tóm là đứa xa lạ nào đó nhưng ấy là những lần hiếm hoi. Bởi thường thì Nhân là kẻ làm những trò bất lương kia. Những lúc ấy, bà lặng thinh rồi thở dài; chẳng bước ra khỏi ngõ; mái đầu bạc trắng lúc cúi xuống, khi ngửa với cao xanh, vẻ đau khổ và bất lực tột cùng.

Vốn không mê tín nhưng rồi dì cũng lò dò tìm đến thầy bói khi nghe mấy bà trong xóm rỉ tai: “Biết đâu thằng nhỏ vương phải người âm?!”. Quả nhiên, thầy bói ra ma ngay; liền đó, trai đàn được dâng lên. Dì phủ phục kính cáo, nguyện cầu thần linh soi sáng cho kẻ nghịch tử đang chìm trong tăm tối. Dì cũng bao lần cúi đầu trước bàn thờ, những mong tổ tiên và người chồng đã khuất độ trì cho đứa con bà yêu hơn cả mạng mình sớm tỉnh ngộ. Nhưng dường như chẳng thế lực nào có thể kéo Nhân về với nẻo thiện. Cứ thế, cậu trượt dài vào u mê, chỉ dừng lại sau cánh cổng của trường giáo dưỡng.

Về lại nhà sau gần năm, Nhân trở nên lạc lõng. Trường trung học chỉ cách nhà mấy bước chân nhưng bỗng nhiên xa với Nhân; láng giềng gần vẫn đấy nhưng cậu ngại giao du. Dầm mưa dãi nắng trên đồng ruộng thì không quen nên Nhân chơi dài rồi lang thang bẫy chim câu cá. Dì tôi cho Nhân đi học nghề nhưng công việc cần khéo tay chăm chỉ không hợp với kẻ ưa lông bông như cậu. Học sửa xe máy rồi thợ xây, thợ cơ khí, mỗi nghề chỉ làm quen được mươi bữa rồi cậu quay lưng không ngoảnh lại. “Nghèo là hèn!” Chẳng biết Nhân hóng hớt được triết lý đó ở đâu mà chém gió chắc nịch. Liền đó, cậu quyết chí ra đi, với lời nguyền để lại: “Lúc nào có nhà lầu xe hơi, mới về quê!” Người phì cười, kẻ hài hước: “Mơ trúng số độc đắc hay định cướp nhà băng?!”

 

Tôi nhớ mãi cảnh tương phản buốt lòng trong buổi sáng thằng em quyết bỏ nhà, đi xa. Hình như khuyên can đã cạn lời, dì tôi chỉ khóc. Bà rũ rượi ôm lấy cổng ngõ, người nhoài về phía trước cứ như muốn kéo lấy con. Nhưng nó vẫn dấn bước. Khi xe chạy, nó còn ngoái lại, vẫy tay chào người thân, miệng nhoẻn nụ cười tự tin đến ngạo nghễ, vẻ háo hức ngời ngời như đi làm cách mạng. Hình ảnh khóc cười của mẹ con dì, cứ nghĩ lại, lòng tôi lại ngổn ngang buồn thương trách giận.

Sau này tôi được biết, những ngày tha hương, Nhân trụ lại nơi thành phố lớn nhất nước ở phương Nam, cũng đủ nghề. Nó từng bưng bê cho các nhà hàng quán nhậu rồi bốc vác, phụ hồ... Ước mơ giàu sang nhạt nhòa trong những ngày sống lay lắt nhưng có lúc trỗi dậy thôi thúc cậu nghĩ kế. Cậu mon men tìm đến  các tụ điểm chứa gái và cờ bạc; chỉ là chân chầu rìa, hong hóng chờ sai vặt, tỷ như chở “đào” hay canh me vòng ngoài. Việc nhàn, lại rủng rẻng tiền nên Nhân khoái. Chỉ sau vài năm, cậu đã tút vỏ nhà quê để thành người phố thị, với dáng điệu, nói năng, ăn mặc đều sang trọng hẳn ra. Nhưng niềm vui chóng tàn như hoa giấy gặp lửa. Sự vụ bị phát giác, Nhân phải trả giá cho những việc làm sai bằng sáu tháng cải tạo... Ra tù, cậu lại bơ vơ, đường về quê đã xa lại càng xa, khi túi lép bụng xẹp và mặc cảm tràn đầy. Cậu dạt về miền Đông đất đỏ.

Trong khi đó, dì tôi mòn mỏi chờ con. Chiều chiều, bà lại tựa cửa nhìn ra con đường dẫn vào làng, một dáng người lạ cũng làm dì nhấp nhỏm, nghe tiếng chó sủa báo hiệu nhà có khách cũng bồn chồn. Những khi cả nhà sum họp dịp giỗ tết, dì không có được niềm vui trọn vẹn bởi vắng đứa con út. Hôm nào nhà có bữa ngon, bà chống đũa nhìn ra sân, buồn rầu: “Chẳng biết giờ này nó ở đâu?” Giọng nhòe trong nước mắt, dì mếu máo khi nhắc đến con. Lâu lâu dì lại đem quần áo cũ của Nhân ra phơi rồi ôm mớ đồ vào lòng; cứ như muốn tìm lại hơi ấm. Dẫu thời gian chất chồng trên mái tóc bạc trắng và dì bắt đầu nhớ quên lẫn lộn nhưng lòng mẹ chờ con vẫn khắc khoải.

Nghe dì nhắn, vẻ khẩn khoản, tôi về ngay. Vừa gặp, bà nói luôn: “Dì nhờ con một việc”. Thấy vẻ nôn nóng của cháu, dì khoát tay, ra hiệu ngồi xuống. Trò chuyện một lúc rồi dì vào việc chính. Việc là bà nhờ tôi nhắn tin trên đài để đứa con lưu lạc hãy quay về với mẹ. Tôi bàn lùi: “Thôi dì ạ, Nhân đâu phải đứa trẻ đi lạc mà nhắn tin để tìm. Nó tự đi, ắt sẽ tự quay về”. Bà không chịu. Dùng dằng một lúc rồi tôi cũng không dám trái ý dì; hơn nữa, phải nhắn tin theo đúng lời dì. Bà ngồi lặng rồi chậm rãi đọc cho tôi chép, giọng lạc đi như của kẻ khác: “Nhân ơi! Mẹ nhớ con lắm!” Chỉ nói được thế rồi dì òa khóc; tôi cũng nhòa lệ. Dáng người mẹ gân guốc như củi khô, gục đầu trên gối nức nở khiến cả nhà chết lặng. Chờ cơn xúc động qua đi, tôi khẽ thưa: “Dì ạ, nhắn tin trên đài phải ngắn gọn, không dài giống như viết thư đâu”. Các con dì cũng vun vào, cho tôi nói phải, dì mới nghe theo.

Nhân không nghe được lời nhắn của mẹ trên đài, lúc đó cậu đang ở trong rẫy giữa rừng sâu. Việc của Nhân lúc này là ở lại trong chòi, canh rẫy cho một chủ trang trại, với ê kíp trợ giúp là một đàn chó. Ngày ngày cậu kéo ống nước tưới cây, xịt thuốc rồi cắt cành tạo dáng cho những vườn cam quýt, chôm chôm, măng cụt bạt ngàn.

Trong khi nhiều người thi nhau trồng cà phê cao su thì Nhân khuyên ông chủ nên trồng bưởi da xanh đại trà. Cậu mò trên mạng và học được cách cho thứ cây đặc sản này ra trái quanh năm nên thu lợi càng nhiều. Nghề dạy nghề, Nhân thành chuyên gia trồng bưởi da xanh lúc nào đến cậu cũng không hay.

Nhiều nhà vườn tìm đến Nhân nhờ tư vấn kỹ thuật. Thù lao cho việc ấy thường chỉ là con gà, thùng bia hay bữa nhậu những đổi lại, thương hiệu bưởi da xanh mang tên ông chủ, với sự trợ giúp của Nhân nổi tiếng khắp vùng. Trái ngon, hồi ấy lại ít bị cạnh tranh nên ông chủ vườn bưởi phất lên. Nhân cũng đổi đời nhờ đó.

***

Mười lăm năm sau, Nhân về quê cùng vợ con, trên chiếc ô tô tự lái, đúng như lời nguyền lúc ra đi. Vợ Nhân chẳng phải ai xa lạ mà chính là con gái ông chủ trang trại từng cưu mang cậu trong những ngày khốn khó. Khi hình bóng kẻ được mệnh danh “siêu quậy” đã mờ trong trí nhớ người già (kể cả mẹ) và xa lạ với lớp hậu sinh thì cậu đột ngột hiện ra, kéo theo ngỡ ngàng, kinh ngạc. “Thằng Nhân về, thằng Nhân về!”, tin “hót” truyền nhanh như điện, cả xóm xôn xao. Mọi người ùa ra, đứng sững nhìn người quen như kẻ lạ. Đường trong xóm chỉ vài trăm mét nhưng cứ đi được đoạn, Nhân lại xuống xe chào hỏi, bắt tay người làng. Ai cũng muốn lại gần, muốn nắm tay cậu như để xác nhận điều đang thấy không phải trong mơ. Người duy nhất không quan tâm chuyến trở về của Nhân chính là mẹ cậu.

Xe vừa đến ngõ, Nhân bật cửa, nhào ra, gọi lớn: “ Mẹ ơi!” Đáp lại là sự im ắng, nhà vắng, cả vườn cây sẫm màu trong chiều tàn cũng chỉ có tiếng lá lao xao trong gió. Dì vẫn ngồi đó. Tuy vẫn còn sức để ngày ngày tựa cửa ngóng con nhưng bà đã nặng tai và không còn nhận ra người thân; ngồi đợi con cũng chỉ còn là thói quen vô thức. Thấy mẹ, Nhân khựng lại rồi lập cập chạy tới. Người mẹ như sực tỉnh, trân trân nhìn kẻ đối diện, người cứ như ép vào tường, thủ thế. Nhân quỳ xuống, nắm lấy tay mẹ, giọng nghẹn lại: “Mẹ ơi!” Người mẹ gỡ tay con ra, ngồi lùi về phía sau, mắt căng tròn, giọng run run: “Ông là ai?” Nhân òa lên: “Con đây! Mẹ quên con thật rồi sao?” Bà chớp mắt, cười ngây ngô: “Con thì làm sao quên được!?” Nhân lau mắt, hỏi dồn: “Thế con tên gì, mẹ nhớ không?” Người mẹ cúi xuống, nghiêng qua nghiêng lại ngó con, vẻ săm soi rồi trừng mắt nhìn thẳng mặt, mồm há hốc. Nhân đáp lại bằng ánh mắt dịu hiền, cứ như cố khơi gợi sự hồi tưởng của mẹ. Nhưng bà khe khẽ lắc đầu, vẫn nụ cười ngây ngô: “Tôi làm sao biết tên ông được!” Nhân ôm chầm lấy mẹ nức nở, vợ và hai con ngồi cạnh cũng khóc theo. Người mẹ vùng vằng, cố lách người ra khỏi vòng tay con, giọng tỉnh bơ, ngơ ngác: “Sao ông lại khóc?”

Ngày chia xa, con cười mẹ khóc; ngày gặp lại, con khóc mẹ cười. Nhưng hình như nụ cười hay nước mắt của mẹ con dì đều mang nỗi đau như nhau.

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Hoạt