.

Nghệ nhân dân gian-những người thầy "đặc biệt"

Thứ Năm, 05/10/2017, 08:54 [GMT+7]

(QBĐT) - Họ là những người nắm giữ vốn tri thức dân gian, trực tiếp tham gia sáng tạo và trao truyền giá trị bản sắc văn hóa qua nhiều thế hệ. Điểm chung giữa họ là niềm đam mê và sự tâm huyết với di sản văn hóa dân tộc. Chúng tôi muốn nói đến những nghệ nhân dân gian - “báu vật nhân văn sống”, những người luôn nỗ lực gìn giữ, truyền dạy để những giá trị văn hóa phi vật thể của các làng quê được sống mãi với thời gian.

Cả đời làm kiếp con tằm nhả tơ

Là vùng đất có bề dày về truyền thống văn hóa lịch sử, mỗi tên đất, tên làng trên quê hương Quảng Bình đều có những làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo, mang đặc trưng của vùng miền. Và chính những nghệ nhân dân gian đã dày công gìn giữ, truyền dạy cho bao thế hệ bằng niềm đam mê với các câu hò, điệu ví mà theo họ, đó là một phần của nếp đất, hương quê, là tinh hoa văn hóa của làng được hình thành nên từ trong lao động.

Những năm gần đây, nhiều loại hình văn nghệ dân gian của các làng quê được gìn giữ, khôi phục như hò biển, hát ru, hát kiều, hát đúm, ví, hò thuốc, hát nhà trò... Đặc biệt, ca trù và hò khoan Lệ Thủy được UNESCO và Bộ Văn hóa -  Thể thao - Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Có được kết quả đó, ghi nhận sự đóng góp không nhỏ của các nghệ nhân. Họ vừa là người nắm giữ, thể hiện, vừa trao truyền và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nghệ nhân dân gian ưu tú Phạm Thị Nướu-bậc thầy của thể loại hò biển và các loại hình nghệ thuật dân gian ở xã Nhân Trạch (Bố Trạch).
Nghệ nhân dân gian ưu tú Phạm Thị Nướu-bậc thầy của thể loại hò biển và các loại hình nghệ thuật dân gian ở xã Nhân Trạch (Bố Trạch).

Nói đến nghệ thuật ca trù, không chỉ người dân làng Đông Dương mà nhiều người khác ở xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch luôn nhớ tới cố nghệ nhân dân gian Phạm Th Thứu - bậc thầy của loại hình dân ca độc đáo này. Cuộc đời cố nghệ nhân dân gian Phạm Thị Thứu gắn bó gần như trọn vẹn với ca trù. 12 tuổi đã đã say mê với lời ca, nhịp phách và 15 tuổi đã thể hiện thành công nhiều làn điệu, trở thành ca nương trẻ với chất giọng rất đặc biệt trên các "chiếu hát" thời đó.

Trong cuốn "Nghệ nhân dân gian Quảng Bình với nghiệp cầm ca" do Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Quảng Bình xuất bản có nhiều trang kể về cố nghệ nhân hết sức cảm động. Đó là chuyện cụ bà Phạm Thị Thứu rời chiếc giường và nồi than sưởi ấm vào một buổi sáng mùa đông năm 2009 và bảo con cháu mời các ca nương, kép trong câu lạc bộ (CLB) ca trù đến nhà. Khi đã hội tụ đông đủ, cụ say sưa hát nhiều bài ca trù cổ cho lớp kép nghe và bảo họ chép lại. Vừa hát, cụ vừa kể xuất xứ của từng bài suốt một ngày đêm. Giọng cụ lúc ấy đã rất yếu nhưng vẫn ngân vang từng câu, từng chữ. Các thành viên trong CLB vừa nghe cụ hát vừa nâng vạt áo để chặn những giọt nước mắt. Đến 4 giờ sáng hôm sau, cụ thở gấp một lúc rồi ra đi thanh thản. Mọi người nhớ như in hình bóng của cụ, ghi nhớ từng lời cụ dặn "cùng nhau giữ lấy ca trù, đừng để mai một" nên quyết tâm gìn giữ, phát triển.

Đến nay, CLB ca trù Đông Dương đã tập hợp được nhiều ca nương và kép trẻ, xây dựng nên nhiều chương trình phong phú để phục vụ biểu diễn trong và ngoài tỉnh. Các thế hệ kế cận của cố nghệ nhân Phạm Thí Thứu như nghệ nhân Hồ Văn Thể, nghệ nhân Dương Thị Điểm và các thành viên trong CLB đang tiếp tục trao truyền để những làn điệu ca trù cổ của làng ngày càng được vang xa.

Xã Nhân Trạch (Bố Trạch) được biết tới là cái nôi của các làn điệu dân ca, dân vũ rất đặc trưng của vùng biển Quảng Bình. Trải qua thời gian, trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, làng quê ấy vẫn phát huy các giá trị của văn hóa truyền thống. Người có công gìn giữ, khôi phục những nét đẹp văn hóa cổ xưa của làng là nghệ nhân dân gian Phạm Thị Nướu.

Với người dân xã Nhân Trạch, nghệ nhân Phạm Thị Nướu là một người thầy "đặc biệt" trong việc truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ ở địa phương. Cùng với việc tìm tòi các tài liệu cổ, bà còn miệt mài ghi chép, biên soạn rồi tập hợp những người cùng sở thích để thành lập nên CLB văn hóa dân gian, nhằm đưa các loại hình nghệ thuật dân gian ở xã Nhân Trạch trở thành một đặc trưng văn hóa của người dân vùng biển. Không chỉ tích cực truyền dạy, bà còn đóng góp phần lớn kinh phí giúp CLB mua sắm trang phục, đạo cụ biểu diễn. Nhờ vậy mà ngay từ khi ra đời, CLB đã tái hiện gần như đầy đủ các hoạt động văn hóa dân gian xưa thông qua các lễ hội của làng như lễ cầu mùa hay cầu ngư, lễ rước sắc làng, lễ tế đình, lễ trả thần ngư và hát chèo cạn, múa đăng, múa quạt... Một số chương trình của CLB mang tính nghệ thuật cao được mời biểu diễn ở nhiều địa phương khác và luôn tạo được ấn tượng đặc biệt trong lòng người xem.

Những hạt nhân văn nghệ dân gian khác mà tên tuổi của họ gắn liền với các làn điệu dân ca, dân vũ đặc trưng ở từng địa phương như các nghệ nhân dân gian: Trần Khánh Nguyên, Đinh Thị Phương Đống ở huyện Minh Hóa với việc bảo tồn truyền dạy các làn điệu đúm, ví của người Minh Hóa; Võ Anh Tý, Nguyễn Trung Hỷ (Đồng Hới) gìn giữ các làn điệu điệu hò biển, chế tác sử dụng thàn thạo nhạc cụ dân tộc; Nguyễn Thị Lý (Lệ Thủy) lưu giữ, truyền bá hò khoan Lệ Thủy; Phạm Thị Tơn, biểu diễn thuần thục nghệ thuật tuồng bội ở xã Phú Trạch (Bố Trạch); Nguyễn Thị Chuyện, gìn giữ ca Huế cho làng Quảng Xá Tân Ninh (Quảng Ninh); cố nghệ nhân Phạm Ngọc Thức, diễn xướng và truyền dạy hát ru Cảnh Dương (Quảng Trạch)... Họ là những người mà suốt cuộc đời làm kiếp con tằm nhả tơ để dệt nên những gam màu sáng trong bức tranh văn hóa dân gian của toàn tỉnh.

Đằng sau danh hiệu nghệ nhân  

Nghệ nhân dân gian chính là “báu vật nhân văn sống”. Họ nắm giữ tinh hoa, hồn cốt những giá trị di sản mà ông cha để lại. Thế nhưng, nhiều năm qua, vì chưa có chế độ đãi ngộ cụ thể để hỗ trợ nghệ nhân phát huy tài năng, sự sáng tạo nên nhiều người đã và đang phải chịu không ít thiệt thòi với những lo toan trong cuộc sống"... đó là trăn trở của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Tăng.

Ông nói: Thực tế cho thấy, các nghệ nhân vẫn luôn tâm huyết, cố gắng gìn giữ, bảo tồn văn hóa phi vật thể để trao truyền cho thế hệ mai sau cái hồn cốt của dân tộc. Tuy nhiên, hầu hết những người “giữ lửa” cho loại hình văn hóa này lại thuộc lớp người cao tuổi trong khi hoạt động truyền dạy cho thế hệ trẻ ở một số địa phương lại gặp không ít khó khăn.

Việc tôn vinh danh hiệu nghệ nhân dân gian ở tỉnh ta mặc dù đã được chú trọng nhưng vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh có 62 người được công nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian, trong đó có 4 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng nghệ nhân dân gian ưu tú (một nghệ nhân đã qua đời).

Song đằng sau danh hiệu lại không có bất kỳ chế độ đãi ngộ nào trong khi đa số họ đều là những người lao động ở các vùng nông thôn phải hàng ngày đối diện với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền. Nhiều nghệ nhân dù tuổi đã cao nhưng đang phải chật vật với cuộc sống mưu sinh. Họ không còn nhiều thời gian để chờ đợi các chính sách đãi ngộ.

Thêm nữa, công tác xét duyệt và phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú cho những người thực sự xứng đáng vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Hiện tại, nhiều người vẫn đang phải chờ đợi từ phía các cơ quan chức năng và chúng tôi nghĩ rằng liệu họ có đủ thời gian để được vinh danh hay không khi tuổi mỗi ngày một cao, sức mỗi ngày một yếu.

Những lúc nhàn rỗi, nghệ nhân dân gian Hồ Duy Thể luôn truyền dạy ca trù cho các cháu của mình.
Những lúc nhàn rỗi, nghệ nhân dân gian Hồ Duy Thể luôn truyền dạy ca trù cho các cháu của mình.

Chung một nỗi lo, ông Nguyễn Hùng Phi, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tỉnh trăn trở: Nghệ nhân dân gian là những “chuyên gia đầu ngành” trên nhiều loại hình để hợp thành văn hoá văn nghệ dân gian, là những “kiến trúc sư” thiết lập nên những công trình văn hoá phi vật thể. Nghệ nhân còn được ví như con tằm rút ruột nhả tơ. Cả đời gắn với nghiệp cầm ca và nuôi dưỡng tình yêu đối với các làn điệu dân ca bằng niềm đam mê và sự cống hiến. Họ là những người thầy không có "thù lao" khi lên lớp, không màng các danh hiệu nhưng lại luôn nỗ lực hết mình vì họ nặng lòng với di sản mà cha ông để lại. Thế nên chứng kiến cuộc sống khó khăn của không ít nghệ nhân chúng tôi không khỏi chạnh lòng...

Để nâng cao hơn nữa vai trò của ngệ nhân dân gian đối với việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn tỉnh, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp, các ngành trong việc đẩy nhanh tiến độ vinh danh các danh hiệu nghệ nhân dân gian, nhất là danh hiệu nghệ nhân ưu tú và phải tính chế độ chính sách cho họ. Có như vậy, các nghệ nhân sẽ không còn "đơn thương độc mã" trên con đường bảo tồn, phát huy các giá trị di sản của dân tộc cho thế hệ mai sau.

Nhật Văn