.

'Bếp ấm của mẹ' và hồi ức xúc động về những bữa cơm lành

Thứ Sáu, 27/10/2017, 16:26 [GMT+7]

Những người từng đến nhà họa sĩ Lê Thiết Cương và được thưởng thức món ngon mẹ anh nấu, đã nhiều lần tha thiết đề nghị bà phải ra sách.

 Bìa sách Bếp ấm của mẹ là tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương
Bìa sách Bếp ấm của mẹ là tranh của họa sĩ Lê Thiết Cương

 

Bà Đỗ Phương Thảo, người nổi tiếng với những món ngon tinh tế ấy, sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản ở Phố Hiến.

Bố bà là cụ giáo An có tiếng trong vùng, các bác Ký, bác Tam, cô Chánh... của bà đều là các gia đình tiểu tư sản sống tại những tỉnh lỵ trọng yếu của vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ này.

Sau này, bà cũng làm dâu một gia đình tư sản với lối sống cẩn trọng, cầu kỳ, ở phố Hàng Thùng (quận Hoàn Kiếm,Hà Nội).

Nhúng trong không gian đậm đặc của Phố Hiến và Kẻ Chợ - hai tiểu vùng văn hóa nổi bật, màu mỡ, rực rỡ nhất của vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ, bà Thảo vừa như một tín đồ nâng niu gìn giữ vừa như một hiện thân của quá khứ, của những tầng lớp văn hóa tiếp biến qua nhiều thế hệ...

Nhà báo Vũ Thuỷ

Gallery 39A Lý Quốc Sư (Hà Nội) vào một buổi chiều muộn, bà Đỗ Phương Thảo đang nấu bữa tối cho con trai trong căn bếp sạch sẽ, tinh tươm.

Khi bà đã chuẩn bị xong thì Lê Thiết Cương báo anh sẽ không về kịp bữa, nhắn bà ăn trước.

Dù năm nay bà đã gần 80 tuổi, nhưng việc chuẩn bị một bữa "cơm lành" cho con cái vẫn là một thói quen khiến bà cảm thấy hạnh phúc.

"Thật là tiếc hôm nay cô đến tôi lại vừa hết bánh. Tôi vẫn thường làm nhiều loại bánh đem ra mời mọi người", bà nói.

Nhà báo Vũ Thủy, người từng tham dự những bữa ăn thân mật cho bạn văn nghệ sĩ tại Gallery 39A Lý Quốc Sư, đã mô tả những món ăn của bà Đỗ Phương Thảo "đơn giản và tinh" và được làm rất đúng điệu.

Hầu hết những người đã từng thưởng thức món ăn của bà Thảo đều khuyên bà nên viết sách để lưu lại công thức những món ngon truyền thống của Việt Nam.

Bà đã từng từ chối với lý do: "Đó không phải món của tôi, mà là món của các cụ".

Đến năm bà Đỗ Phương Thảo 73 tuổi, nhận thấy bạn bè, người thân đã ra đi khá nhiều.

Những hồi ức yêu thương về người thân, về những bữa cơm gia đình ấm áp không ngừng tái hiện trong tâm trí bà, khiến bà vừa cảm thấy vừa hạnh phúc, vừa nhớ thương, day dứt.

Cuối cùng bà quyết viết ra những dòng hoài nhớ ấy trong cuốn sách Bếp ấm của mẹ.

"Tôi không muốn cuốn sách này là tự truyện, hay là một thể loại báo chí nào đó. Đây chỉ là những dòng hồi ức, là cách để tôi lưu lại những cách sống đẹp, những tình cảm đẹp của những ngày quá khứ mà tôi đã từng được cảm nhận", bà Đỗ Phương Thảo nói.

 Món cuốn ngỏ do bà Đỗ Phương Thảo làm. Món này được đem ra mời khách trước - Ảnh: NVCC
Món cuốn ngỏ do bà Đỗ Phương Thảo làm. Món này được đem ra mời khách trước - Ảnh: NVCC
Sau đó mới đến món bún thang - Ảnh: NVCC
Sau đó mới đến món bún thang - Ảnh: NVCC

Bếp ấm của mẹ có chia sẻ kỹ thuật nấu ăn, điểm trong cuốn sách là những món ăn đi kèm công thức gia truyền, có thể giúp bạn đọc đang băn khoăn không biết nấu bún thang thế nào cho đúng điệu có thể áp dụng ngay.

Nhưng điều mà cuốn sách muốn nói đến nhiều hơn là không khí bữa ăn gia đình, cách mọi người ứng xử trong bữa ăn ngày xưa.

Hay nói chính xác hơn là văn hóa ẩm thực, văn hóa ứng xử.

"Bác tôi nấu bún thang rất ngon. Vì biết món này khi ăn không thể nói chuyện được. Trước khi dọn món này bà làm món cuốn ngỏ với 7 đĩa, để mọi người túc tắc vừa cuốn ăn chơi, vừa nói chuyện.

Chủ nhà sẽ cuốn chiếc đầu tiên, vừa cuốn vừa hướng dẫn cách làm. Sau đó khách sẽ tự làm. Đó là cách mời rất tế nhị, lịch sự", bà Thảo kể.

Trong Bếp ấm của mẹ sẽ có những trang viết khiến bạn đọc chảy nước mắt vì tình cảm của người bác khi bà làm món bánh quế và nhớ đến người mẹ đã khuất của mình.

Nhớ đến người bác, người thân yêu đã nấu nướng cho gia đình với tất cả tấm lòng, bà Thảo luôn cảm thấy xúc động. "Tôi đã từng rất hạnh phúc khi được ngồi xem bác của tôi, chị của tôi nấu nướng…", bà Thảo nói.

Bếp ấm của mẹ không chỉ thấm đẫm tình yêu thương gia đình, mà còn là câu chuyện của một con người đã đi qua bao biến thiên của cuộc đời để nhận thấy điều gì là giá trị nhất với bản thân.

Bà Thảo nói triết lý nấu ăn của bà đơn giản là nấu một cách say mê và nấu vì người thân của mình. Bà cũng cảm thấy mình giống bác gái của mình, chỉ cần nhìn người thân ăn uống ngon miệng là bà hạnh phúc.

"Tôi là một đứa trẻ mồ côi. Tôi có được ngày hôm nay nhờ hai bác tôi dạy dỗ.

Tất cả những gì tôi có phát triển dựa trên nền tảng văn hóa gia đình.

Không có văn hóa tôi đã không thể vượt qua được những sóng gió trong cuộc đời", bà Thảo nói.

Bếp ấm của mẹ còn là niềm hoài nhớ về những giá trị văn hóa tốt đẹp một thời, là lời nhắc nhở con người phải biết trân trọng, nâng niu những giá trị truyền thống.

Bếp ấm của mẹ do Nhà xuất bản Trẻ phát hành.

Bà Đỗ Phương Thảo sinh năm 1940 tại Hưng Yên. Từ năm 1958 - 1965 làm công tác phiên dịch tại Khu gang thép Thái Nguyên. Từ năm 1968 - 1990 bà là quay phim, đạo diễn điện ảnh.

Bà đã từng than gia quay các bộ phim truyện và tài liệu: Nghêu sò ốc hến, Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn, Tang lễ Bác Hồ, Không phải tôi, Đến hẹn lại lên, Hà Nội mừng Sài Gòn giải phóng, Ngày hội lớn.

Tác giả kịch bản phim Nhà Bác, Chuyện tình kể trước lúc rạng đông.

Đạo diễn phim Cuộc đời phải trả giá.

Đã in: Tiểu thuyết Mẹ con.

(Trích tiểu sử tác giả trong cuốn Bếp ấm của mẹ)
 Bánh mặt trăng - Ảnh: NVCC
Bánh mặt trăng - Ảnh: NVCC
 Bánh củ cải - Ảnh: NVCC
Bánh củ cải - Ảnh: NVCC
 Món ốc hấp - Ảnh: NVCC
Món ốc hấp - Ảnh: NVCC
 Bà Đỗ Phương Thảo - Ảnh: NVCC
Bà Đỗ Phương Thảo - Ảnh: NVCC
 Bà Đỗ Phương Thảo, nhà nữ quay phim đầu tiên và duy nhất của điện ảnh nhà nước - Ảnh: NVCC
Bà Đỗ Phương Thảo, nhà nữ quay phim đầu tiên và duy nhất của điện ảnh nhà nước - Ảnh: NVCC

Theo Ngọc Diệp (Tuổi trẻ)