.

Sống với văn chương cùng thời

Thứ Bảy, 16/09/2017, 12:49 [GMT+7]
(QBĐT) - Đọc Phiêu lưu chữ - tập phê bình văn học của Hoàng Đăng Khoa, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2017.  
 
1. Như cách Phan Tuấn Anh xếp hạng bạn văn thì Hoàng Đăng Khoa thuộc “thế hệ f” (thế hệ của facebook, thế hệ 7x và 8x). Nhưng riêng tôi thấy, Hoàng Đăng Khoa “già” hơn thế hệ mình. Có lẽ do bản tính cẩn trọng. Thêm nữa do nghề nghiệp (anh vốn làm nghề dạy học trước lúc quyết chí dấn thân vào nghiệp viết). Cái nhan đề sách Phiêu lưu chữ thoạt tiên gợi cảm giác về một cây viết phê bình đang định dạng, định vị và sẽ có rất nhiều cú “nổ” khiến văn giới giật mình thảng thốt.
 
Nhưng không, Hoàng Đăng Khoa trước sau vẫn rất chừng mực dẫu cho đôi khi tỏ ra có cái chí hướng “giang hồ luận” hay “phiêu lưu luận”. Có quan tâm nhiều đến văn học đương đại, có một ít kinh nghiệm viết phê bình nên khi đọc Phiêu lưu chữ của Hoàng Đăng Khoa là tôi “đo” được cách chọn đường đi nước bước, cách thức viết, giọng điệu và thành quả của một cây bút tiềm năng trong lĩnh vực phê bình vốn dĩ rất khó tới nhanh được bến bờ thành công.  
Bìa cuốn sách “Phiêu lưu chữ”.
Bìa cuốn sách “Phiêu lưu chữ”.
 
2. Trong phê bình thì tiếp cận “điểm” hay “diện” đều đòi hỏi người viết một sự nhạy bén - cái năng lực này có được là do trải nghiệm sống và cả trải nghiệm văn hóa. Mới quen biết, đọc Hoàng Đăng Khoa nhưng tôi nhận ra ở anh cái phẩm tính vừa “cần” vừa “đủ” của một người cầm bút phê bình.
 
Trong số những người viết phê bình hiện nay (con số lên tới dăm chục) thì sự đọc đang có vấn đề. Người ta thường nghĩ giới sáng tác ít đọc và ít đọc nhau, đã đành. Nhưng cả giới phê bình cũng... rứa. Văn chương đương đại như thác lũ nếu tính về mặt xuất bản phẩm.
 
Có một danh ngôn được nhiều người thích: “Mở một cuốn sách thấy một con người”. Vậy nên khi đọc Phiêu lưu chữ thấy Hoàng Đăng Khoa tiếp cận Hoàng Vũ Thuật, Hữu Phương, Thái Hải, Lê Thành Nghị, Nguyễn Huy Thiệp, Trương Đăng Dung, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Tống Ngọc Hân, Nguyễn Ngọc Thuần... là tôi thấy tác giả đã gắng sống với văn chương cùng thời, theo lối bám chặt lấy thực tiễn như trong chiến tranh có câu “Bám thắt lưng địch mà đánh”.
 
Anh dường như rất cố gắng để có thể hiểu được “chân tơ kẽ tóc” tác giả và tác phẩm mình ưa thích (cả với người gần gũi cùng Nhà số 4 như Đỗ Bích Thúy, cả với người xa lắc xa lơ như Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau, cả với người bên tận trời Tây như Đoàn Cầm Thi).
 
Trong tổng số 35 bài viết trong tập Phiêu lưu chữ có 21 bài tiếp cận “điểm”, còn lại 14 bài hướng tới “diện” văn học. Quả thật thì, mặc dầu tác giả dụng công đọc, dựng và viết về một số phương diện của đời sống văn chương đương đại trong tính chất ngày càng phức tạp nhưng so với những bài phê bình “điểm” thì rõ ràng là chưa cân phân. Tôi không có ý nói còn trẻ thì chưa đủ tầm bao quát.
 
Tôi cũng không có ý nói một cây bút thơ chuyển sang viết phê bình là chuyện không còn hiếm ở thế hệ 7x và 8x (dễ nhớ hơn cả là Hoàng Thụy Anh, Phan Tuấn Anh, Mai Anh Tuấn...), nên dễ bị thơ “ám” (!?). Cũng là hiếm khi ở đầu mỗi bài phê bình Hoàng Đăng Khoa dẫn thơ mình như là một “đề từ”. Đây chưa phải là “kỳ quan” nhưng là một “kỳ công” trong lao động chữ nghĩa.
 
3. Tôi thích cách viết có chính kiến của Hoàng Đăng Khoa. Một dự đồ văn chương dang dở là một ví dụ. Bài này tập trung phê bình truyện ngắn Mầm đắng của Tống Ngọc Hân (in trên báo Văn nghệ, số 11 ra ngày 15-3-2014): “Mầm đắng là truyện ngắn mà cách thể hiện, triển khai đã thất bại so với dự đồ nghệ thuật của tác giả. Nghiền ngẫm, suy tư chưa đủ chín. Cường độ cảm xúc, cảm hứng chưa đủ mạnh. Và đặc biệt là chi tiết được sử dụng một cách tùy tiện, ôm đồm, dàn trải nên không tập trung nhất quán trong việc thể hiện chủ đề, thông điệp của tác phẩm”.
 
Tôi cũng thích cách Hoàng Đăng Khoa phản biện xung quanh vấn đề “tình yêu tuyệt đối, nhục cảm, khó thổ lộ, gần với loạn luân” như cách tác giả Đoàn Cầm Thi viết về Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng. Nhiệt hứng phản biện lại một quan điểm thái quá không khó. Nhưng cách phản biện mới đáng bàn.   
 
4. Lâu nay văn giới vẫn rất ưa thích kiểu viết phê bình có văn. Đã một thời xa ngái nhiều người thích lối văn phê bình ấn tượng của Hoài Thanh qua Thi nhân Việt Nam (1941). Gần hơn người ta thích văn phê bình của Nguyễn Đăng Mạnh. Đọc phê bình của Nguyễn Đăng Mạnh có cảm giác như ông này không có lý thuyết, viết cứ tự nhiên như không, như thể con người ta cần phải thở để sống vậy (gần như không trích dẫn các ngài “ôp”, “ép”, “in” nào cả, không mê các ism).
 
Sau này có “đệ tử” Chu Văn Sơn, mỗi khi viết là bài binh bố trận câu chữ sao cho mềm mại, mỏng mảnh, mơ màng và đôi khi pha chút mờ mịt, ma mị. Rồi Văn Giá cũng nương theo ông bạn chí cốt họ Chu của mình, anh muốn viết văn đẹp - ví như ở bài Áng mây trắng xứ Đoài Quang Dũng. Rõ là khó thay khi hiến tế ngòi bút cho văn đẹp. Phải có tinh thần tuẫn tiết. Mà nào ai đã dám tuẫn tiết. Văn phê bình của Hoàng Đăng Khoa, theo tôi, sớm có cái vẻ an nhiên của người  tự tại, “sống chậm”.
 
Văn phê bình của Hoàng Đăng Khoa như cốt cách Hoàng Đăng Khoa: có cái đặc tính “3 trong 1” (sự đúng mực của nghề giáo - sự vững vàng của lý thuyết - nuôi giữ được cảm xúc của nhà thơ). Đi hết cuốn sách, tôi không thấy Hoàng Đăng Khoa “phiêu lưu chữ”, chỉ thấy anh “mê chữ”, “say chữ”. Chữ với anh là “mộ phần riêng ta” (ý thơ Hoàng Thụy Anh).
 
Đọc Phiêu lưu chữ riêng tôi thấy hơi thơ phả vào từng câu chữ. Nói thế không phải vì 35 đề từ bằng thơ cho 35 bài phê bình, mà là vì cách huy động tối đa cảm xúc của người viết. Ít nhiều có kinh nghiệm viết phê bình, tôi nghiệm ra lúc nào mình viết gọi là “được” (như độc giả nhận xét) là lúc mình gọi và giữ được cảm xúc từ đầu đến cuối bài viết. Là người làm thơ dĩ nhiên Hoàng Đăng Khoa chú ý đến lập “tứ” khi viết phê bình.
 
Văn phê bình Hoàng Đăng Khoa, tôi hình dung, giống cái cách một người Việt Nam lần đầu ra nước ngoài, đến một nước văn minh, khiến anh ta vừa háo hức nhưng vừa cẩn trọng, vừa ham muốn nhưng biết tiết chế, vừa muốn hòa nhập nhanh nhưng vẫn cố níu giữ cái căn cốt. Không thể nói Hoàng Đăng Khoa viết phê bình chậm mà chắc. Cũng không thể nói anh thuộc typ lúc nào cũng như “hỏa diệm sơn”. Không biết có đúng không khi riêng tôi thấy anh có nét gần gũi Trần Đăng Khoa (chỉ khác nhau cái họ mà thôi) - khiêm tốn mà kiêu hãnh, từ tốn nhưng ứng biến, khiến người khác phải phán đoán về mình...
 
5. Đọc Phiêu lưu chữ của Hoàng Đăng Khoa, thêm một lý do để hy vọng vào “thế hệ f” trong văn chương nói chung, phê bình nói riêng - họ như những “cỗ chiến xa” xông tới, không gì có thể cản nổi. Trong đội hình những nhà phê bình trẻ đương đại, Hoàng Đăng Khoa không bị lẫn. Đáng mừng thay!
Hoàng Đăng Khoa 
 
Sinh năm 1977 tại Quảng Bình
 
Hiện là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội
 
Các tác phẩm đã xuất bản: Kiếp lá (thơ, NXB Thuận Hóa, 2005); Gặp (phê bình văn học, NXB Quân đội nhân dân, 2016); Khát vọng mùa (thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2016); Phiêu lưu chữ (phê bình văn học, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2017); Bên gốc đại Nhà số 4 (phê bình văn học, NXB Lao động, 2017).
 
Bùi Việt Thắng