.

Quảng Ninh: Giai điệu ngọt ngào

Thứ Bảy, 23/09/2017, 19:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Những ngày còn học cấp 1, tôi đã nghe anh trai tôi, sau này là NGƯT Dương Viết Thắng, cán bộ giảng dạy Đại học Bách khoa Hà Nội, và anh Dương Viết Á, Giáo sư mỹ học âm nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia Hà Nội, đàn và song ca bài Quảng Bình chiến thắng, một ca khúc được lan truyền ở các xã vùng lúa Quảng Ninh, Lệ Thủy từ những năm giữa thời kỳ kháng chiến chống Pháp:

"Quảng Bình dòng sông Kiến Giang lờ trôi. Mênh mông cánh đồng xanh tươi bát ngát xóm thôn khi chiều buông vang tiếng hò. Lặng nhìn phía xa cồn cát chơi vơi. Bên phía quân thù giặc về gieo rắc điêu tàn xóm làng đầy hờn căm. Đây Ninh Châu chiến thắng bảo vệ mùa. Đây sông Gianh trôi xác giặc bập bềnh. Ai nhớ năm xưa Xuân Bồ giặc Pháp khiếp vía. Ai nhớ Sen Bàng đồn giặc bốc cháy tan hoang".

Bài hát chưa xác định được tác giả, nhưng đã được phổ biến rộng rãi ở hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Đã có lần tôi nghe nhà báo Việt Thành cho hay, bài hát do một anh bộ đội quê miền Bắc, cùng đơn vị với ông, vào đánh giặc tại vùng Quảng Ninh, Lệ Thủy sáng tác, rồi truyền khẩu cho bộ đội mà lan truyền đến bây giờ.

Qua ca từ "Ai nhớ năm xưa Xuân Bồ giặc Pháp khiếp vía"... ta xác định được bài hát Quảng Bình chiến thắng, sáng tác sau bài Chiến thắng Xuân Bồ của tác giả Trần Đình Hiếu - 1950.

Và đúng vậy, năm 1951, Giáo sư Dương Viết Á, ngày ấy còn là học sinh cấp 3, đã sáng tác bài hát Lúa về, cũng với nội dung quân dân hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy quyết tâm chiến đấu bảo vệ mùa màng, không để cho một hạt thóc rơi vào tay giặc Pháp, như các bài Chiến thắng Xuân Bồ và Quảng Bình chiến thắng:

"Lúa xanh xanh ngát cánh đồng, lúa sây hạt nặng ấm lòng người dân. Lúa là lúa Cụ Hồ. Lúa là lúa tự do. Ai ơi! Nhanh tay ta bảo vệ mùa. Lúa vàng, lúa về ấm lòng người dân. Khoan khoan hỡi khoan ta gặt lúa về. Khoan khoan hỡi khoan gặt nhiều gặt nhanh. Lúa là lúa của ta, về phải về tay ta. Lúa của nước của nhà, về phải về dân ta".

Cậu học sinh cấp 3 ngày ấy, còn mong muốn cho đất nước thanh bình, để hạt lúa khỏi rơi vào tay giặc, mà lúa vàng được về tay nhân dân:

"Ngày mai đất nước thanh bình, lúa mừng ca vang đồng xanh. Ngày mai đất nước yên lành lúa vàng là của toàn dân".

Các ca khúc viết về sản xuất, chiến đấu bảo vệ mùa màng trong những năm kháng chiến chống Pháp được hát vang trên cánh đồng, ngoài trận tuyến đánh giặc, nhằm động viên khích lệ bộ đội, nhân dân hăng hái sản xuất chiến đấu bảo vệ quê hương xóm làng.

Ngày hòa bình, xây dựng quê hương đất nước chưa được bao lâu, đế quốc Mỹ lại âm mưu xâm lược, quân và dân ta phải chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng còn non trẻ. Cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược nổ ra. Hàng trăm, hàng ngàn ca khúc của các nhạc sĩ ra đời, phán ánh cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân ta trên hai miền Nam - Bắc.

Trên vùng đất Quảng Ninh anh hùng cũng có hàng chục ca khúc của các tác giả, các nhạc sĩ sáng tác rất kịp thời phục vụ sản xuất chiến đấu. Phải kể đến các ca khúc của nhạc sĩ Quách Mộng Lân viết về mảnh đất và con người anh hùng, vùng quê Quảng Ninh thời đánh Mỹ, như mẹ Suốt, chị Lý, chị Khíu (Bảo Ninh, Phú Hải trước đây thuộc huyện Quảng Ninh), trong bài Đẹp sao năm gái quê ta:

"Nhật Lệ sông sâu in bóng mái chèo mẹ Suốt",..."Trên dòng sông Lũy tấm gương chị Lý kiên cường",... "Chị Khíu năm con tung lưới dẫn thuyền vượt sóng"...

Với bài Chuyến phà đêm, nhạc sĩ Quách Mộng Lân đã phản ánh công việc vô cùng gian nguy, vất vả mà đầy tự hào của những người lái phà đêm dưới làn bom đạn giặc Mỹ tại bến phà Long Đại:

"Rập rình rập rình phà đi trong đêm qua ngàn sóng. Rập rình rập rình dòng sông yêu thương nước cuộn trôi. Mịt mù trời khuya lung linh bóng nước ánh sao đêm. Hiên ngang ta đi giữa tiếng bom rền phà ta băng băng chở chuyến xe qua. Ta đã thức suốt đêm thâu mà lòng tràn đầy niềm vui. Hờn căm bọn đế quốc Mỹ, sức ta dồn tay lái phà"...

Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương, từ những năm 1968-1970, cũng đã có nhiều ca khúc viết về vùng đất Bảo Ninh, Nhật Lệ, thị xã Đồng Hới,... những địa danh của huyện Quảng Ninh, rồi Lệ Ninh ngày trước; tiêu biểu là bài Tiếng hát đò đưa, viết về mẹ Suốt đưa đò những ngày đánh Mỹ:

"Đây rặng dừa soi bóng dòng sông, bên cây đa giếng nước rừng dương. Nhật Lệ hiền hòa, con đò mẹ Suốt lại qua ơ... hơ. Cả cuộc đời mới có ngày nay, cá chung khoang thuyền chài chung biển. Đảng đem về cơm áo tự do. Giờ đây giặc Mỹ điên cuống, ngày đêm bắn phá nhà thờ, nhà thương, phố phường, trường học, xóm làng... nhưng không thể phá được lòng dân Quảng Bình"...

Một bà mẹ già sống trên cồn cát Bảo Ninh, bên dòng Nhật Lệ, nhưng khi có giặc đến nhà, bà đã sẵn sàng chèo đò phục vụ chiến đấu, chở vũ khí, chở bộ đội qua sông để kịp thời bắn trả máy bay giặc Mỹ:
"Góp phần đánh Mỹ ngày nay mẹ Suốt chèo đò một lòng tiếp đạn chở quân sang. Là hò mời khách lên, khách lên rồi khách xuống đò, con thuyền qua lại như thoi đưa ngày đêm"...

Và, các ca khúc: Vinh quang thay những người chiến thắng, Gạo đến Trị Thiên của nhạc sĩ Quách Mộng Lân; Những câu hò sông nước miền Trung của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương,... cũng là những ca khúc được hát vang khắp các vùng quê của Quảng Ninh, Lệ Thủy và Đồng Hới thời quân và dân Quảng Bình cùng cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, nhất là trong phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" trên cánh đồng thâm canh, trong nhà máy và trên đường ra trận.

Ngày đất nước thống nhất, non sông nối liền một dải, Quảng Ninh, rồi Lệ Ninh và thị xã Đồng Hới, ba đơn vị hành chính được nhập, rồi tách riêng, nên ca khúc viết về ba huyện thị ngày ấy, sau những ngày đất nước được thống nhất, do dư âm của những ca khúc thời chống Mỹ vẫn còn sôi động, nên việc sáng tác ca khúc mới ở giai đoạn này cũng không nhiều lắm.

Trong những năm sau đó, một số nhạc sĩ và các tác giả âm nhạc của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, là con em quê hương, được UBND huyện Quảng Ninh quan tâm tạo điều kiện đi thực tế sáng tác. Sau chuyến đi thực tế sinh động và đầy ý nghĩa trên các vùng quê từ đồng bằng đến miền núi, từ sông xanh đến biển khơi của huyện Quảng Ninh, một số ca khúc ra đời đã lưu truyền quảng bá trong công chúng. Đáng kể nhất là các ca khúc của nhạc sĩ Dương Viết Chiến, người con của quê hương Quảng Xá, Tân Ninh, Quảng Ninh yêu quý:

"Quê hương tôi bên bờ sông xanh Kiến Giang trôi lững lờ. Quê hương tôi có những con đường đá trắng dài thương nhớ. Quê hương tôi, xưa tiếng xa quay đều đều bên tiếng thoi đưa nhịp nhàng nối bao lời chung thủy. Quê hương tôi bao lớp người đã ra đi, ôm ấp dòng máu quê hương tô thắm mảnh đất này"... trong bài Quảng Xá mảnh đất tình người.

Bài Về Quảng Ninh anh ơi (Thơ: Đặng Thị Kim Liên) đã gợi lại những kỷ niềm thời trai trẻ, bên bờ Kiến Giang:

"Về Quảng Ninh anh ơi! Cho em về thăm lại Quảng Ninh. Bến đò ngang, rặng bần bám đất. Nhớ ngày tiễn anh về phương còn giặc. Đôi bờ Kiến Giang hò hẹn ngày trở lại. Nơi ngã ba sông neo đậu bao mối tình"...

Và trong bài Quảng Ninh đất mẹ sinh con, nhạc sĩ đã ngợi ca cảnh quan và những chiến công lịch sử vùng đất Quảng Ninh anh hùng trong bài ca quê hương đánh giặc:

"Theo dòng Nhật Lệ em về với quê anh. Qua bến Quán Hàu, đến Ninh Châu, chợ Diện,... Nhớ Cồn Dừa, nhớ Quảng Xá, Lộc Long, nơi những chiến công một thời đánh giặc. Cho quê mình đẹp mãi bài ca"...

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến đồng cảm với nhà thơ Lý Hoài Xuân, bạn đồng hương với nhạc sĩ, khi gợi lại những kỷ niệm và những chiến công xưa, để nhớ ơn cha mẹ và những người đã ngã xuống vì quê hương, qua ca khúc Quảng Ninh quê mình:

"Mỗi lần anh đi xa xao xuyến anh nhớ hoài tiếng còi tàu Long Đại, dáng cầu xinh - Quán Hàu. Có thể nào anh quên chiến khu xưa Rào Đá. Có thể nào anh quên tình cha và nghĩa mẹ suốt cuộc đời vất vả vì anh, vì yêu em!"...

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến cũng đồng cảm với tác giả thơ Lê Trọng Duận, qua ca khúc Quán Hàu, như một điểm tựa vững chắc cho những người con Quảng Ninh, trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc:

"Quán Hàu có tự bao giờ mà người ra Bắc vào Nam xốn xang bao nổi nhớ. Một triền đất đó thôi, một Cồn Soi làm điểm tựa, nhịp cầu anh bắc qua sông, cho đôi bờ Văn - Võ yêu thương"...

Một số ca khúc của các nhạc sĩ và các tác giả đã viết về vùng đất Quảng Ninh huyền diệu mà anh hùng này. Các bài: Lời cô gái Lệ Ninh của nhạc sĩ Trần Hoàn, bài Xôn xao Quán Hàu của nhạc sĩ Xuân Đồng, bài Miên man Long Đại của nhạc sĩ Dương Thị Nguyệt Ánh, bài Về với Quảng Ninh của nhạc sĩ - ca sĩ  Nguyễn Duy Tân (Ngọc Tân), bài Quảng Ninh một khúc ca của tác giả Đặng Minh Tiến và một số ca khúc của các tác giả Nguyễn Trường Lưu, Phạm Văn Quyền, Trần Anh Tuấn,...

Ca khúc viết về vùng đất Quảng Ninh từ ngày đầu phong trào tân nhạc đến nay phong phú và đa dạng. Hy vọng, những năm tới UBND huyện Quảng Ninh và Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình tạo điều kiện để các văn nghệ sĩ Quảng Bình và khắp mọi miền có thêm nhiều tác phẩm mới về quê hương Quảng Ninh giàu đẹp.

Dương Tuệ Minh